Monday, 26 October 2020

CHÍNH SÁCH ĐỐI NGOẠI MỸ SẼ THẾ NÀO NẾU TRUMP TÁI ĐẮC CỬ? (Walter Russell Mead - WSJ)

 


Chính sách đối ngoại Mỹ sẽ thế nào nếu Trump tái đắc cử?

Walter Russell Mead  -  Wall Street Journal 

Trần Hùng dịch

27/10/2020

http://nghiencuuquocte.org/2020/10/27/chinh-sach-doi-ngoai-my-se-the-nao-neu-trump-tai-dac-cu/

 

Mọi khả năng vẫn đang chống lại Donald Trump nhưng ông vẫn có ý định giành thêm một nhiệm kỳ nữa. Ít nhất, về chính sách đối ngoại, nhiệm kỳ thứ hai có thể sẽ còn mang lại nhiều thay đổi và khác thường hơn so với nhiệm kỳ đầu tiên của ông.

 

Hầu hết các tổng thống nhiệm kỳ hai đều mong muốn tạo được dấu ấn trong chính sách đối ngoại. Điều này một phần là do ảnh hưởng chính trị của tổng thống ở trong nước giảm đi khi nhiệm kỳ thứ hai dần kết thúc, trong khi ở nước ngoài, tổng thống tương đối rảnh tay hành động ngay cả khi sắp kết thúc nhiệm kỳ hai. Vì vậy các vị tổng tư lệnh thường đi tìm những đột phá về ngoại giao. Bill Clinton và George W. Bush đều dành nhiều nỗ lực để đạt được một thỏa thuận giữa Israel và Palestine trong nhiệm kỳ thứ hai của mình. Barack Obama đã ký thỏa thuận Iran và Hiệp định Khí hậu Paris. Là một nhân vật khác thường, Trump có khả năng cũng sẽ tìm kiếm những di sản cho mình ở nước ngoài.

 

Các tổng thống nhiệm kỳ hai có một đặc điểm quan trọng khác: Họ có xu hướng tin tưởng vào bản năng của mình hơn. Được bầu một lần có thể có nghĩa là bạn may mắn; được bầu hai lần chắc chắn có nghĩa là bạn giỏi. Trump chưa bao giờ là một người ngần ngại khi nói đến sự tin tưởng vào bản năng của mình. Nếu ông gây sốc cho các chuyên gia bằng cách giữ lại Nhà Trắng, ông sẽ càng tin rằng phương pháp và niềm tin của mình là đúng đắn. Với sự tự tin đó và mong muốn ghi dấu ấn trong các hoạt động đối ngoại, Trump sẽ quay lại chương trình nghị sự cũ của mình với một năng lượng mới — và tiếp tục khinh miệt các quan chức và chuyên gia đối ngoại ở Mỹ cũng như nước ngoài nào coi thường ông.

 

Nhiệm kỳ thứ hai của Trump có thể sẽ được thúc đẩy bởi nhiệm vụ tìm kiếm “các thỏa thuận”, các giao dịch với các nhà lãnh đạo khác, thậm chí còn nhiều hơn so với nhiệm kỳ đầu tiên. Điều này có thể gây khó chịu cho những người xung quanh ông đang tìm cách tạo dựng một nền tảng thể chế cho một cách tiếp cận lâu dài đối với sự trỗi dậy của Trung Quốc và an ninh ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Đối với Trump, tất cả chỉ là đòn bẩy, và để đạt được thỏa thuận mong muốn, ông sẽ đưa ra những nhượng bộ lớn và không theo quy luật nào. Trung Quốc, Nga, Iran, Triều Tiên, Venezuela: Chính sách của ông Trump có thể là tìm kiếm các thỏa thuận kịch tính nhưng không phải lúc nào cũng thực chất hoặc bền vững.

 

Điều này gây ra một số hậu quả. Nó củng cố sự thờ ơ tương đối của Trump đối với chính sách ngoại giao dựa trên nhân quyền. Nó củng cố sở thích của ông đối với ngoại giao giữa các quốc gia có chủ quyền thay vì dựa trên các quy tắc đa phương, đồng thời càng khiến ông thiếu kiên nhẫn đối với các thể chế quốc tế. Nó sẽ khiến Trump tiếp tục tìm kiếm các mối quan hệ cá nhân tốt với ngay cả những nhân vật gây tranh cãi và đối nghịch nhất trên đấu trường thế giới.

 

Nhiệm kỳ thứ hai ít nhất sẽ hỗn loạn như nhiệm kỳ đầu tiên. Điều này không chỉ đơn giản là vì tổng thống sẽ vô kỷ luật và thờ ơ đối với các tiến trình và đưa ra các quyết định dựa trên trực giác nhiều hơn là phân tích. Đối với Trump, sự hỗn loạn không chỉ là một sự lựa chọn hay thậm chí là một thói quen. Nó còn là một công cụ để giữ quyền kiểm soát tối cao trong tay mình. Việc một dòng tweet của tổng thống vào bất cứ lúc nào cũng có thể đảo ngược một chính sách mà các trợ lý đã nỗ lực trong nhiều tháng để đạt được sẽ khiến cấp dưới bẽ mặt, phẫn nộ, và xa lánh, nhưng Trump vẫn nắm quyền kiểm soát. Trong cẩm nang của Trump, khiến cho các cộng sự và đối thủ của bạn phải luôn suy đoán, mất phương hướng, chính là một chiến thuật để thành công. Các quan chức luôn có thể bị thay thế; quyền lực cần được bảo tồn.

 

Với việc hầu hết những người theo chủ nghĩa tân bảo thủ và những người theo chủ nghĩa quốc tế Cộng hòa truyền thống đã rời đi, thế giới chính sách đối ngoại của Đảng Cộng hòa sẽ chỉ còn bao gồm phần lớn những người kiềm chế ôn hòa kiểu Rand Paul và những người theo chủ nghĩa đơn phương diều hâu như Tom Cotton. Các phe nhóm này bất đồng về việc chính sách đối ngoại “Nước Mỹ trên hết” nên như thế nào. Đối với một số người như Paul, ngay cả thách thức đến từ Trung Quốc cũng không đủ để biện minh cho một thế hệ mới các chính sách liên minh và quốc phòng toàn cầu. Nhật Bản có đủ plutonium để chế tạo hàng nghìn vũ khí hạt nhân. Tại sao Mỹ phải trả các hóa đơn cho quốc phòng cho châu Á khi Tokyo, Seoul và những nước khác có những gì họ cần để tự kiềm chế Bắc Kinh?

 

Còn những người như Cotton tin rằng thách thức đến từ Trung Quốc và mối đe dọa tiếp diễn của chủ nghĩa khủng bố, cùng với những mối lo ngại khác, đòi hỏi Mỹ phải giữ vị trí tối cao về công nghệ và quốc phòng. Họ cho rằng phòng thủ sớm là thông minh hơn so với chờ kẻ thù tấn công Hoa Kỳ trước.

 

Dù bản năng sâu xa nhất của ông ta là gì – có lẽ theo hướng của Paul hơn so với Cotton-  Trump có thể coi việc giữ cân bằng giữa hai phe là một phần trong chiến lược kiểm soát môi trường chính trị Đảng Cộng hòa. Trump sẽ đôi khi nghiêng theo hướng này và đôi khi theo hướng khác, có lẽ với mục đích là khiến cho cả hai bên phải cạnh tranh để giành được sự ủng hộ của ông. Biện pháp này cho đến này đã mang lại hiệu quả cho Trump.

 

------------------------------

Walter Russell Mead là Giáo sư về Ngoại giao và Nhân văn tại Đại học Bard, và Nghiên cứu viên Xuất sắc về Chiến lược và Kỹ năng lãnh đạo tại Viện Hudson.

 

 

NGUỒN :

 

What in the World if Trump Wins?   

By Walter Russell Mead

Oct. 26, 2020 5:54 pm ET

Wall Street Journal 

 

 

 

 

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats