Wednesday, 13 May 2020

‘THẮNG’ NGƯỜI TRONG NƯỚC, THUA NGƯỜI NƯỚC NGOÀI (Nguyễn Tuấn)





Trong nước thì nền tư pháp tạo nên những vụ oan khiên, nhưng ngoài nước thì chánh phủ VN đã thua ít nhứt 2 vụ kiện lớn và làm tốn nhiều triệu USD của dân, trong đó có dân bị oan khiên.

Đầu thập niên 1990, ông Maurizio Liberati kiện công ty Falcomar, một đối tác của VNA. Tháng 11/1994, VNA nhận được giấy triệu tập của Tòa sơ thẩm Roma về việc ông Maurizio Liberati yêu cầu tòa án buộc Công ty Falcomar và VNA (hai bị đơn). Tháng 11/1995, phiên toà diễn ra, nhưng VNA không thèm dự vì cho rằng VNA không có liên quan gì đến ông Liberati.

Năm 2002, Toà sơ thẩm Roma yêu cầu VNA bồi thường 4.3 triệu Euro cho ông Liberati trong vòng 30 ngày. Báo TT cho biết "Đến lúc đó, VNA mới biết có bản án này"! Sau đó, VNA thuê luật sư đại diện trong phiên toà phúc thẩm ở Paris, nhưng năm 2006, Toà phúc phẩm Paris y án và buộc VNA phải bồi thường cho ông Liberati 5.2 triệu Euro [1].

Một vụ án khác cũng ồn ào không kém là "Vụ án chả giò" liên quan đến ông Trịnh Vĩnh Bình, một người tị nạn trở thành triệu phú nhờ làm chả giò ở Hà Lan. Vào đầu thập niên 1990, nghe theo tiếng gọi của chánh phủ ông đem về VN 2.3 triệu và 90 kg vàng để đầu tư. Ông làm ăn rất thành công và trở thành 'tâm điểm' của những quan chức thèm thuồng số tài sản của ông. Năm 1996 ông bị bắt với cáo trạng "trốn thuế" và hối lộ. Ông Bình bị 'tạm giam' 18 tháng. Năm 1998, ông bị toà án Bà Rịa – Vũng Tàu tuyên án 13 năm tù. Ông kháng án lên toà án TPHCM thì được giảm còn 11 năm tù. Các cơ sở kinh doanh và 9 căn nhà của ông bị Nhà nước bán đấu giá.

Ông Bình trốn khỏi VN về Hà Lan, và khởi kiện chánh phủ VN ra Toà trọng tại quốc tế. Năm 2006, hai bên thoả thuận ngoài toà ở Singapore, và theo đó chánh phủ VN bồi tường cho ông Bình 15 triệu USD và phải trả lại tài sản. Đổi lại, ông Bình phải rút đơn kiện ra khỏi toà án quốc tế. Một số viên chức từng truy tố ông Bình nay bị truy tố.

Nhưng chánh phủ VN không thực hiện cam kết, nên tháng 1/2015 ông Bình lại nộp đơn kiện chánh phủ VN ra Toà trọng tài quốc tế ở Paris và ông đòi bồi thường 1.25 tỉ USD. Tháng 4/2019, Toà trọng tài quốc tế ra lệnh cho chánh phủ VN phải bồi thường ~37.6 triệu USD cho ông Bình và trả án phí 7.9 triệu USD [2]. Không rõ chánh phủ VN đã trả tiền cho ông Bình.

Chưa thấy các chuyên gia luật phân tách về sự thua kiện của chánh phủ VN ở hai vụ kiện trên. Tại sao thua? Tại sao không dự phiên toà dù có giấy mời của toà Ý? Có phải do cái gọi là "tư duy Việt Nam" (xem thường toà án nước ngoài và 'chẳng liên quan') trong việc đối phó với các vụ kiện mang tính quốc tế? Hay tại không am hiểu luật nước ngoài [3]?

Riêng "Vụ án chả giò" thì gần như không thấy báo chí VN đưa tin lúc đầu, nhưng năm ngoái thì một viên chức phát ngôn của Bộ Tư pháp cho biết đang "nghiên cứu kỹ nội dung phán quyết […] thực hiện các bước tiếp theo phù hợp với quy định của pháp luật, bảo đảm tối đa quyền và lợi ích của Chính phủ Việt Nam." Trong khi nghiên cứu thì hai vụ án trên có thể đã/sẽ làm tốn hơn 56 triệu USD tiền thuế của người Việt, dĩ nhiên có cả tiền thuế của người dân bị oan khiên bởi toà án VN.

Nhắc lại hai vụ án trên tôi không thể không liên tưởng đến vụ án Hồ Duy Hải dù vụ án sau chẳng liên quan gì đến 2 "vụ án quốc tế". Ra ngoài thì thua người, nhưng ở trong nước thì từ thắng đến thắng. Vụ án ông Trịnh Vĩnh Bình là một ví dụ: ở trong nước nhà nước VN thắng, nhưng ra nước ngoài nhà nước VN thua đến thua. Sự khác biệt đặt dấu hỏi lớn về công lí ở Việt Nam.

Dấu hỏi công lí đó cũng liên quan đến Hồ Duy Hải. Nếu Hồ Duy Hải sống ở nước ngoài (như Úc chẳng hạn) thì chắc chắn anh ta đã được trả tự do ngay từ 13 năm trước. (Ở Úc thỉnh thoảng cũng có oan khiên, nhưng hệ thống tư pháp nhanh chóng chỉnh sửa và nạn nhân được bồi thường thích hợp). Rất tiếc là anh ta ở Việt Nam, nơi nhà nước thắng kiện 99.9% và oan khiên chồng chất oan khiên đến nỗi một người dân chơn chất phải thốt lên: "cô tiếc cô là người Việt Nam."

Câu nói đó cũng là câu hỏi: đến khi nào thì nền tư pháp làm cho người dân tự hào mình là người Việt Nam.

===



[3] Khi được hỏi về kết cục vụ án Liberati, Tổng giám đốc của VNA Nguyễn Xuân Hiển nói "quả thực vào những năm 1994, hiểu biết về pháp luật quốc tế của Vietnam Airlines chưa nhiều nên mới xảy ra chuyện rắc rối hôm nay". Thật ra, chẳng có 'luật pháp quốc tế' gì cả, chỉ là luật ở nước sở tại (Ý) mà thôi.






No comments:

Post a Comment

View My Stats