Tô
Văn Trường
19/05/2020
Một dạng đặc khu trá hình. Có phải vì đã bán đứng
Vân Đồn cho TQ rồi, ăn tiền rồi nên người ta bất chấp lòng dân, dựng lại một dự
án đã không thể thực hiện hai năm trước ?
***
Về việc này, ý kiến của
tôi xin được thưa như sau:
- Tuyệt đối không nên cho
bất kỳ cơ chế riêng nào theo hướng ưu ái hơn, tự do hơn đối với các nhà đầu tư
Trung Quốc (tình hình đến như hiện nay đã quá nguy hiểm rồi, phải có cách điều
chỉnh để bớt phụ thuộc chứ không nên dấn sâu thêm – như anh Tô Văn Trường đã viết).
- Cần mở cửa cho các khu
công nghệ cao, khoa học, giáo dục tiên tiến từ các nhà đầu tư ở phương tây và
Nhật Bản vào phát triển ở Việt Nam (phù hợp với hướng phát triển theo chiều
sâu).
- Ta phải luôn luôn giữ
hòa hiếu với Trung Quốc, không bao giờ được gây gổ với họ, để giữ môi trường
hòa bình cho phát triển, nhưng đó phải là hòa bình trong độc lập - tự do, phải
hết sức cảnh giác, thường trực cảnh giác, không ảo tưởng nữa, tất cả những gì họ
làm nhằm thực hiện âm mưu xấu với chủ quyền và độc lập của nước ta thì nhất quyết
ta phải lập tức phanh phui ra cho thế giới và trong nước biết, nói thẳng với họ,
phê phán quyết liệt và kiện ra quốc tế (tất cả các việc đó đều là giải pháp hòa
bình và văn minh), không được vì nể mà im lặng, không dám nói, không dám kiện,
ta càng mềm thì họ càng nuốt ta (đến nay biển của ta họ đã biến thành tranh chấp,
không cho ta làm gì, còn đang lấn tiếp mạnh mẽ, liều lĩnh và liên tục, cấm dân
ta đánh cá trên vùng biển của mình, họ lại "kiện" ngược vu cáo ta là
chiếm của họ, họ đưa máy bay tàu chiến ra vùng biển của ta, răn đe hăm dọa ta,
họ vừa quân sự hóa vừa hạt nhân hóa Biển Đông để độc chiếm...).
Vũ Ngọc Hoàng
***
Báo Thanh Niên ra hôm
nay, ngày 18/5/2020 có bài viết rất đáng suy ngẫm, nêu lên quan ngại của Bộ Quốc
phòng về việc Trung Quốc không những đã đầu tư nhiều dự án bất động sản ở các
khu vực trọng yếu mà còn đang ồ ạt thâu tóm nhiều dự án “nhạy cảm” ở Việt Nam.
Nhiều cử tri, đặc biệt là
các vị lão thành cách mạng và giới trí thức đang rất quan tâm đến thông tin về
Quyết định số 544/QĐ-TTg ngày 21-4-2020 của Thủ tướng Chính phủ về chức năng,
nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của Ban quản lý Khu kinh tế Vân Đồn. Dư luận quan
tâm, lo lắng, thậm chí nghi ngờ là có cơ sở vì chỉ mới hai năm trước, dự án Luật
Đơn vị kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc (thường gọi là Luật Đặc
khu kinh tế) đã bị nhân dân cả nước phản đối, Quốc hội phải đưa ra khỏi Chương
trình xây dựng pháp luật; nay không rõ vì sao Chính phủ lại có quyết định
riêng, giao cho Ban quản lý Khu kinh tế Vân Đồn nhiều chức năng mở (khoản 2 Điều
2 giao cho Ban quản lý “nhiệm vụ, quyền hạn khác được cơ quan có thẩm quyền
phân cấp, ủy quyền”), thực chất là tiếp tục thí điểm đặc khu kinh tế Vân Đồn.
Có cơ sở để lo rằng, quyết
định thí điểm đặc khu kinh tế Vân Đồn giữa lúc Trung Quốc đang quyết liệt thực
hiện dã tâm chiếm trọn Biển Đông, vụ án giám đốc thẩm Hồ Duy Hải làm sôi sục dư
luận trong cả nước, v.v. có khả năng sẽ làm giảm sút lòng tin sau thành công bước
đầu rất đáng khích lệ của cuộc chiến chống dịch Covid-19 dưới sự chỉ đạo trực
tiếp của Thủ tướng Chính phủ, tạo ra dư luận bất lợi cho Kỳ họp Quốc hội sắp tới.
Khu kinh tế Vân Đồn này
là khu kinh tế duy nhất nằm trong khu vực hợp tác “Hai hành lang - một vành
đai” kinh tế Việt - Trung, hợp tác liên vùng Vịnh Bắc Bộ mở rộng, cầu nối ASEAN
– Trung Quốc, hành lang kinh tế Nam Ninh – Singapore, trong Vùng kinh tế trọng
điểm Bắc Bộ Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh.
Nhìn một cách khái quát,
trong mấy chục năm qua, Trung Quốc đã thực hiện mưu đồ lấn chiếm, chèn ép, cướp
được rất nhiều thứ của Việt Nam. Ta càng nhún nhường thì càng lệ thuộc, càng bị
họ chiếm đoạt, chèn ép. Trong quan hệ Việt- Trung, phía Việt Nam đã không ít lần
chậm nhìn ra mưu sâu, kế hiểm của họ, bị "hớ", chịu nhiều thua thiệt.
Việc lựa chọn những địa điểm nhạy cảm về quốc phòng như Vân Đồn, Bắc Vân Phong,
Phú Quốc để lập đặc khu kinh tế là rất nguy hiểm.
Câu hỏi cần phải được đặt
ra trước hết là: Việt Nam được những lợi điểm gì khi lập ra khu thí điểm Vân Đồn
này? Và tại sao những lợi điểm này không thể có được từ những chính sách kinh tế
của ta mà phải lệ thuộc vào Trung Quốc? Việc phụ thuộc Trung Quốc sẽ làm cho
kinh tế Việt Nam trong tương lai phát triển thuận lợi hơn hay gặp nhiều khó
khăn hơn? Có đáng đánh đổi lợi ích an ninh – quốc phòng lấy một số lợi ích ngắn
hạn về kinh tế như vậy không?
Việc lập đặc khu Vân Đồn
sẽ không giúp gì kinh tế Việt Nam về lâu về dài. Muốn kinh tế Việt Nam phát
triển lâu dài thì phải thay đổi chính sách kinh tế đối với các doanh nghiệp Việt
Nam trong nước chứ không phải tăng FDI vào những ngành về dịch vụ như du lịch
hoặc là mở sòng bài.
Mà ngay trong trường hợp
muốn tăng trưởng các dịch vụ này thì chỉ nên dùng các luật hiện hành ở các khu
doanh nghiệp và không nên cho các đặc chế về cho thuê đất đai hay là dùng luật
nước ngoài và cần nhất là không nên cho miễn visa đối với các nước láng giềng để
tránh những tai hại lâu dài về độc lập và tự chủ của nước Việt Nam.
Thời của những đặc khu
kinh tế như Hồng Kông hay Thẩm Quyến đã qua rồi. Và ngay cả hai đặc khu này
cũng đâu cho quyền tự do ra vào và tự do dùng ngoại tệ?
Trên thực tế, Việt Nam
đang lệ thuộc quá nhiều vào FDI và đặc biệt là nguồn cung từ Trung Quốc. Đáng lẽ
phải đa phương hóa thì những đặc khu kinh tế kiểu Vân Đồn lại thể hiện giải
pháp đâm đầu sâu hơn vào lòng Trung Quốc. Có hàng loạt câu hỏi cần đặt ra: Ai sẽ
vào khu đặc biệt này, trừ Trung Quốc? Tại sao phải đối xử với Trung Quốc một
cách đặc biệt như vậy? Việt Nam có thể giao thương trực tiếp với Tây phương thì
tại sao cần khu đặc biệt? Nếu lúc nào đó mà bị Tây phương đánh giá là con bài của
Trung Quốc thì Việt Nam có còn theo được phương châm “Làm bạn với tất cả các nước”,
thậm chí có còn giữ được độc lập không?
Nếu phải lập ra khu Vân Đồn
chỉ vì áp lực của Trung Quốc trong chương trình “Một vành đai, một con đường”
thì xin Chính phủ Việt Nam cứ yên tâm. Sau vụ dịch Covid-19, chương trình này sẽ
bị bỏ rơi hoặc đình trệ vì chính Trung Quốc sẽ gặp khó khăn phát triển kinh tế
của họ, còn thì giờ đâu mà đi thực hiện giấc mộng bá chủ hoàn cầu nữa!
Trong bối cảnh hiện nay,
Mỹ đang cố lôi kéo Việt Nam tham gia mạnh thêm vào hoạt động kinh tế của Bộ Tứ
(QUAD) mở rộng, bao gồm Mỹ, Nhật, Úc, Ấn Độ. Trước đó, hãng tin Reuters cho biết
Mỹ đang lên kế hoạch thành lập Mạng lưới kinh tế thịnh vượng bắt
đầu bằng cách khởi động lại cuộc đối thoại nhóm Bộ Tứ Kim Cương (Nhóm
QUAD), gồm Mỹ, Úc, Nhật Bản, Ấn Độ và mời thêm ba quốc gia khác là Việt Nam,
Hàn Quốc và New Zealand, gọi là nhóm Bộ Tứ Mở Rộng (QUAD
Plus).
Lúc này, có thể còn phân
vân, chưa tin được Mỹ để tham gia Bộ tứ mở rộng về quân sự, dù có thể mở rộng
thường xuyên hơn trong trao đổi thăm viếng quân sự. Tuy nhiên, không nên bỏ qua
quan hệ về kinh tế.
Ý định của Mỹ hiện đang
nỗ lực xem xét việc thiết lập một “Mạng Thịnh Vượng Kinh Tế” (Economic
Prosperity Network), gồm một nhóm các đối tác đáng tin cậy như Nhật Bản, Ấn Độ,
Hàn Quốc, Việt Nam, và New Zealand để sẽ hoạt động trên các tiêu chuẩn giống
nhau trong mọi thứ, từ kinh doanh đến kỹ thuật số, năng lượng, cơ sở hạ tầng,
nghiên cứu cho đến giao thương mại, giáo dục và thương mại. Nhóm này sẽ thúc đẩy
một chương trình nhằm đem các chuỗi giá trị toàn cầu (global value chains) ra
khỏi Trung Quốc. Lẽ dĩ nhiên điều này sẽ phải mất một thời gian nhưng
chắc chắn sẽ xảy ra và là cơ hội rất tốt cho Việt Nam thể hiện vai trò,
trách nhiệm và thế đứng của mình.
Nói tóm lại: Lúc này, Việt Nam không cần đặc khu
kinh tế mà cần các đặc khu trí tuệ tinh hoa để hút những trí tuệ lớn của thế giới
từ Mỹ và Tây Âu đến. Cần những cơ chế đặc biệt
để hút những bộ óc lớn trên thế giới về AI (trí tuệ nhân tạo), khoa học máy
tính, sinh học... những nhà sáng tạo, những thinkers lớn đến Việt Nam.
Việt Nam đang được Mỹ và
EU quan tâm và muốn thiết lập quan hệ sâu, nhưng cần tránh cách làm khôn lỏi, lập
lờ giữa Mỹ và Trung Quốc. Lúc này Việt Nam cần rất rõ ràng: hợp tác chân thực với
Mỹ và Châu Âu để phát triển kinh tế, tạo dựng xã hội văn minh. Việt Nam không
chống Trung Quốc, cần giữ mối hòa hiếu, lợi ích giữa hai nước láng giềng nhưng
phải rất rạch ròi, độc lập về kinh tế và chính trị, không để Trung Quốc lợi dụng
Việt Nam là nơi né tránh đòn trừng phạt và cô lập của Mỹ.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước
Nguyễn Phú Trọng đã từng phát biểu rất chính xác, đại ý: “Dân ta rất tinh tường,
làm mất lòng dân là mất tất cả…”. Đảng, Chính phủ và Quốc hội cần phải lắng
nghe ý kiến của nhân dân, xác định rõ, và chỉ đạo nghiêm minh, sát sao như chống
dịch Covid-19 vừa qua, không để những doanh nghiệp và doanh nhân tham lam, láu
cá (“sân sau” của ai đó)... làm hỏng vận hội lớn của đất nước.
Tô Văn Trường
Nguồn : Văn Việt
No comments:
Post a Comment