Thu
Hằng -
RFI
Đăng ngày: 18/05/2020
- 15:31
Dịch Covid-19 tác động trực tiếp và gián tiếp đến
quan hệ ngoại giao, kinh tế giữa Việt Nam và Trung Quốc, đặc biệt là tình hình ở
Biển Đông. Sau một thời gian tạm ngừng, trao đổi thương mại giữa hai nước dần
được nối lại. Tuy nhiên, tình hình Biển Đông trở nên căng thẳng hơn do Bắc Kinh
lợi dụng việc thế giới bận chống dịch để gia tăng hành động quân sự, củng cố
yêu sách chủ quyền và chèn ép các nước có tranh chấp trong khu vực.
Hà Nội đối phó như thế
nào với chiến lược của Bắc Kinh ? Liệu đại dịch Covid-19 có trở thành cơ hội để
Việt Nam thu hút thiện cảm của công luận quốc tế, đặc biệt là trước sự chèn ép
ngày càng thô bạo của Trung Quốc ở Biển Đông ?
RFI Tiếng Việt đặt câu hỏi
với nhà nghiên cứu Laurent Gédéon, giảng viên trường Sư phạm Lyon (Ecole
normale supérieure de Lyon), Pháp.
*****
RFI : Khi dịch Covid-19 xuất phát tại Trung Quốc, chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều biện pháp triệt để, trong khi nhiều nước vẫn do dự và tiếp tục cho công dân Trung Quốc nhập cảnh. Tương tự, ngay khi dịch có dấu hiệu tạm lắng, Việt Nam lại khẩn trương mở cửa biên giới, nối lại trao đổi thương mại với Trung Quốc. Phải hiểu quyết tâm này như thế nào ?
Laurent Gédéon : Trường hợp của Việt Nam rất đáng chú ý, chỉ có hơn 300 trường hợp nhiễm Covid-19 và
không có ca tử vong nào. Kết quả này biến Việt Nam thành một quốc gia rất đặc
biệt trong bối cảnh dịch bệnh. Và kết quả này gắn chặt với tinh thần cảnh giác,
mau lẹ trong chiến lược chống dịch từ rất sớm của chính quyền.
Từ sự cảnh giác này,
chính quyền Việt Nam đã đưa ra ba loạt biện pháp chính, trong đó có các biện
pháp đóng cửa, như đóng cửa trường học, tạm ngừng các chuyến bay giữa hai nước
và đóng cửa biên giới với Trung Quốc. Dĩ nhiên, quyết định
này tác động nặng đến kinh tế, nhưng chính phủ Việt Nam chịu trách nhiệm về quyết
định này.
Bắc Kinh từng xem những
nước hạn chế nhập cảnh đối với công dân Trung Quốc là “thiếu thân thiện”.
Nhưng sau đó, quan điểm của họ dần thay đổi vì ngày càng có nhiều ca nhiễm
virus corona chủng mới ngoài lãnh thổ Trung Quốc nên cần phải hạn chế tình trạng
lây nhiễm giữa các cá nhân. Vì thế đến lượt Trung Quốc cấm nhập cảnh đối với
công dân các nước bị dịch Covid-19, trong đó có Việt Nam, sau đó là Ý và nhiều
nước châu Âu khác.
Vì vậy, xét về mặt nào đó,
những biện pháp được Việt Nam đưa ra không hẳn bị Bắc Kinh coi là tiêu cực mà
nên hiểu ở đây là tùy vào tiến triển nhận thức về mức độ nghiêm trọng của dịch
Covid-19, các nước phải chặn trước di chuyển của người dân từ nước này sang nước
khác. Và tôi cho rằng đây là một yếu tố đặc biệt góp phần vào việc giữ gìn quan
hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Nếu nhìn vào cán
cân thương mại song phương, Trung Quốc đóng vai trò rất quan trọng,
Việt Nam nhập siêu từ Trung Quốc. Việt Nam có lợi về mặt kinh tế vì giao thương
với Trung Quốc được nối lại, không bị ngắt quãng quá lâu, do trao đổi thương mại
với Trung Quốc góp phần quan trọng vào GDP của Việt Nam. Như vậy, cả Trung Quốc
và Việt Nam đều có lợi khi biên giới giữa hai nước được mở cửa trở lại và trao
đổi thương mại phát triển trong bối cảnh dịch bệnh đã ổn định và dĩ nhiên cả
hai nước chẳng có lợi gì khi phải đóng cửa biên giới quá lâu.
.
RFI : Nhiều ý kiến cho rằng
Việt Nam có lợi sau đại dịch Covid-19 vì một số doanh nghiệp nước ngoài hoạt động
ở Trung Quốc có thể chuyển sang Việt Nam. Bắc Kinh nhìn nhận khả năng này như
thế nào ? Liệu giữa hai nước có xuất hiện cạnh tranh nào đó không ?
Laurent Gédéon : Đúng là giả thuyết một số doanh nghiệp nước ngoài hoạt động ở
Trung Quốc chuyển sản xuất sang Việt Nam được nhắc đến, nhưng thiên về khía cạnh
chính trị, do muốn đa dạng hóa nguồn cung cấp để tránh quá phụ thuộc vào một nước
nào đó, cụ thể là Trung Quốc. Giả thuyết này cũng từng được nêu nhưng về khía cạnh
kinh tế, không liên quan gì đến Covid-19, vì sản xuất tại Trung Quốc không còn
lợi như trước do chi phí sản xuất cao hơn.
Nhưng theo tôi, phải nêu
rõ là việc di dời doanh nghiệp sẽ cần đến sự hội tụ về lợi ích, giữa lợi ích
chính trị của một nước với lợi ích riêng của doanh nghiệp. Tuy nhiên, lợi ích của
khối tư nhân chưa hẳn đã giống với lợi ích của chính phủ nước họ. Tương tự,
không phải những lợi ích về địa chính trị được Nhà nước ưu tiên lại phù hợp với
lợi ích về kinh tế của doanh nghiệp.
Người ta vẫn thường xuyên
nhắc đến sự phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc, nhưng đây chưa chắc là vấn đề đối
với một doanh nghiệp vì họ thấy lợi ích tài chính khi đầu tư vào Trung Quốc.
Cho nên, tôi nghĩ rằng những rủi ro về dịch tễ hoặc an ninh phải kéo dài thì mới
có thể đẩy các doanh nghiệp rời Trung Quốc.
Ngoài ra, việc di chuyển
một dây chuyền sản xuất không thể tiến hành trong vài ngày hay vài tuần. Quá
trình này cần đến việc hoạt động sản xuất phải được phát triển dần dần ở nước
tiếp nhận mới và hoạt động sản xuất giảm dần ở nước cũ. Nếu không làm được điều
này, sản xuất có nguy cơ bị ngưng trệ đột ngột. Để chiến lược này có khả năng
thực hiện được đối với một doanh nghiệp, thì cần phải có một quy chế tài chính
và quy định rất hấp dẫn, cũng như điều kiện cuộc khủng hoảng dịch tễ phải đủ
kéo dài để đáng di dời sản xuất khỏi Trung Quốc.
Có một điểm lưu ý khác mà
tôi cũng cho là quan trọng, đó là dịch Covid-19 không chỉ tác động đến mỗi
Trung Quốc, mà cả thế giới đang phải hứng chịu, kể cả các nước phương Tây. Nếu
nhìn theo quan điểm của một doanh nghiệp, rủi ro tại Trung Quốc không hẳn đã
cao hơn so với những nước khác.
Chúng ta cũng nhận thấy
là tình hình giữa các nước muốn “hồi hương” hoạt động sản xuất
cũng không giống nhau và các nước tìm cách đưa các doanh nghiệp của họ ra khỏi
Trung Quốc là để phục vụ lợi ích quốc gia. Nhật Bản là một trường hợp điển
hình. Trong khuôn khổ “Kế hoạch Tái thiết”, Tokyo dành khoản ngân
sách 2 tỉ euro cho các doanh nghiệp Nhật muốn chuyển hoạt động từ Trung Quốc về
nước. Dĩ nhiên Bắc Kinh không hài lòng về thông báo của Tokyo.
Việt Nam nằm trong trường
hợp thứ hai. Khác với trường hợp Tokyo muốn “hồi hương” doanh
nghiệp Nhật, Hà Nội tìm cách thu hút công ty nước ngoài. Và quá trình này sẽ phức
tạp hơn cho Việt Nam vì hai lý do. Thứ nhất, theo quan điểm của các doanh nghiệp
phương Tây, thì về mặt địa lý, Việt Nam cũng xa như Trung Quốc. Như vậy, đây
không hẳn là một lợi thế về địa-chính trị liên quan đến khoảng cách quá lớn giữa
nhà cung cấp và khách hàng. Ví dụ, Pháp thường xuyên nêu vấn đề di dời các
doanh nghiệp Pháp từ Trung Quốc về nước, thế nhưng, khu vực Bắc Phi lại thường
được nhắc đến với ưu điểm là gần với châu Âu.
Lý do thứ hai mang tính địa
chính trị đối với Việt Nam và liên quan đến tình hình Biển Đông. Các nhà đầu tư
có thể do dự vì chỉ cần Biển Đông bị cản trở thì hoạt động xuất khẩu của Việt
Nam sẽ gần như bị tê liệt hoàn toàn. Dĩ nhiên Trung Quốc cũng sẽ bị ảnh hưởng
nhưng nước này có thể thoát dễ hơn.
Tóm lại là chính sách có
chủ ý, tranh thủ thời dịch Covid-19 để thu hút các doanh nghiệm từ Trung Quốc
sang Việt Nam, khiến Bắc Kinh không hài lòng và chắc chắn trở thành một yếu tố
mới, tăng thêm trọng lượng cho sự cạnh tranh tranh giữa Trung Quốc và Việt Nam.
Điều này có thể sẽ bị Bắc Kinh khai thác, trong giai đoạn căng thẳng, để cố làm
mất uy tín chính sách của Hà Nội.
.
RFI : Phải hiểu như thế
nào về những hoạt động cả về hành chính lẫn quân sự được Trung Quốc tiến hành với cường độ lớn ở
Biển Đông ? Việt Nam có thể làm gì để đối phó, với tư cách là nước chủ tịch
luân phiên ASEAN, cũng như với tư cách là một bên bị tác động vì các hành động
của Trung Quốc ?
Laurent Gédéon : Chúng ta thấy nhiều yếu tố gây hấn khác nhau, có chủ ý từ phía Trung Quốc,
ở Biển Đông. Ở đây, chúng ta có thể nghĩ là Trung Quốc đã lợi dụng tình hình dịch
Covid-19 để thử một kiểu “đảo chính ngoại giao” ở Biển Đông và
củng cố lập trường của họ.
Ngoài ra, người ta cũng
có thể hoàn toàn nhận thấy là hình ảnh một đất nước Trung Hoa bị suy yếu vì đại
dịch và phải tạm rút khỏi chính trường quốc tế đã bị truyền tải trong suốt nhiều
tuần. Vì vậy, việc cử tầu sân bay Liêu Ninh tập trận ở Biển Đông cũng nhằm mục
đích điều chỉnh lại hình ảnh này và để nhắc nhở rằng Trung Quốc là một cường quốc
chủ động và vẫn đáng tin cậy cho các tác nhân khác, trong đó có các nước trong
vùng, kể cả Việt Nam.
Dĩ nhiên Việt Nam có thể
thử với chức chủ tịch luân phiên của ASEAN. Nhưng nội bộ khối này lại có rất
nhiều bất đồng và một số nước thành viên lại có quan hệ mật thiết với Trung Quốc
(như Lào và Thái Lan) và trở thành những đồng minh rất hữu hiệu cho Bắc Kinh.
Vì thế, đối với Hà Nội, rất khó trực tiếp vận động được toàn khối ASEAN chống
Trung Quốc. Tuy nhiên, điều mà Việt Nam có thể làm được, đó là tranh thủ chức
chủ tịch ASEAN để tăng cường nỗ lực đúc kết Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông
(COC). Đó là một dự án mà có thể tập trung được một số đồng thuận nhất định
trong số các nước thành viên ASEAN. Đây là một kiểu đối đầu gián tiếp và tôi
cho rằng đó là đòn bẩy hành động đúng đắn nhất.
.
RFI : Việt Nam cũng tiến
hành “ngoại giao khẩu trang”, trái ngược với chiến dịch tương tự của Trung Quốc bị xem là “kiêu ngạo”, theo kiểu “cứu tinh”. Liệu Hà Nội có thể trông
đợi vào chiến lược này để nhận được ủng hộ của quốc tế về vấn đề Biển Đông
không ?
Laurent Gédéon : Đúng là cuộc chiến chống Covid-19 của Hà Nội
đã tạo nên một hình ảnh rất tích cực về Việt Nam và được truyền tải rộng rãi
trên các phương tiện truyền thông thế giới. Chính sách ngoại giao khẩu trang của
Hà Nội cũng góp phần củng cố sự đánh giá tích cực về Việt Nam. Điều này diễn ra
trong bối cảnh thuận lợi, mà tôi xin nhắc lại là liên quan đến việc ký kết thỏa
thuận tự do trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Liên Hiệp Châu Âu, có rất nhiều
thông cáo được công bố trong tháng Giêng và tháng Hai 2020.
Chính vì vậy, việc thứ
trưởng Ngoại Giao Việt Nam Tô Anh Dũng, ngày 07/04, đã trao tặng cho đại sứ năm
nước châu Âu, Pháp, Đức, Ý, Tây Ban Nha và Anh Quốc, 550.000 chiếc khẩu trang
được sản xuất tại Việt Nam cho thấy một hành động truyền thông mạnh mẽ và góp
phần vào chiến lược “quyền lực mềm” của Việt Nam. Ngoài ra, Hà
Nội cũng tặng khẩu trang cho các nước láng giềng.
Song song đó là chiến lược
gây ảnh hưởng của Trung Quốc. Bắc Kinh cố không phạm một sai lầm nào trong việc
xử lý khủng hoảng và đề cao mô hình chống dịch của Trung Quốc. Chính quyền Bắc
Kinh cũng tỏ lòng hào hiệp, thể hiện khả năng huy động sản xuất công nghiệp
giúp các quốc gia khác vượt qua đại dịch. Trung Quốc tìm cách phổ biến hình ảnh
một quốc gia nhân từ, trong khi Trung Quốc bị cáo buộc che giấu quy mô ban đầu của dịch cũng như nguồn gốc của
virus corona chủng mới.
Trong bối cảnh này, chính
sách ngoại giao khẩu trang của Việt Nam không đủ mạnh, theo nghĩa truyền thông,
để chống lại chiến lược tầm quốc tế của Trung Quốc. Nhưng Hà Nội có thể kỳ vọng
vào công luận của các nước phương Tây, chú ý hơn đến tình hình Biển Đông vì chủ
đề này được đề cập ngày càng nhiều trong chương trình thời sự. Cách Trung Quốc
lợi dụng khủng hoảng dịch tễ để khẳng định lập trường thông qua các hoạt động
quân sự cũng làm xấu hình ảnh của nước này.
Ngoài ra, cần phải bổ
sung thêm một ý nữa, đó là những hành động trên của Trung Quốc diễn ra vào lúc,
tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, ngày 23/03 đã kêu gọi đình chiến trên thế giới để tập
trung chống dịch Covid-19. Dĩ nhiên, tình hình ở Biển Đông không phải là cuộc
chiến trực diện, nhưng có thể coi đó là những hành động quân sự gây hấn và xảy
ra trong bối cảnh cả thế giới tập trung sức lực chống đại dịch. Và điều này
không tương thích với hình ảnh “trấn an” mà Trung Quốc cố thể
hiện. Tôi nghĩ rằng đó là những yếu tố mà Việt Nam có thể tranh thủ trong cuộc
chiến tái lập lập trường riêng ở Biển Đông và thu hút sự ủng hộ của công luận
thế giới trong đối sách của Hà Nội.
.
RFI Tiếng Việt xin chân thành cảm ơn nhà nghiên cứu
Laurent Gédéon, giảng viên trường
Sư phạm Lyon (Ecole normale supérieure de Lyon).
*
CÁC NỘI DUNG LIÊN
QUAN
No comments:
Post a Comment