Wednesday, 6 May 2020

KỊCH BẢN NÀO CHO HỒ DUY HẢI (Trương Quang Vĩnh)





Hôm nay, ngày 06/05/20 tại Hà Nội, bắt đầu phiên xét xử giám đốc thẩm vụ án “tử tù Hồ Duy Hải”. Vậy là sau 12 năm, từ khi Hải bị tuyên án tử hình, vụ án được xem xét lại. Đây là phiên tòa được gia đình, các luật sư và dư luận chờ đợi, Bà Nguyễn Thị Loan, mẹ của Hồ Duy Hải, cùng dì ruột và em gái Hải đến cổng tòa từ rất sớm nhưng đứng ngoài phiên Tòa, chờ tin.

Trao đổi với báo giới, bà Loan cho biết: Tôi không muốn kể nữa về những gian nan khổ cực trong suốt đoạn đường tôi kêu oan. Nước mắt tôi đã chan dài từ Nam ra Bắc, từ Bắc vào Nam, chỉ có nước mắt cùng tôi những ngày tháng rất dài như vậy để chờ đợi phiên tòa giám đốc thẩm hôm nay, mong họ nhìn thấy khách quan, toàn diện về bản án oan sai của con trai tôi và trả lại công bằng cho con trai tôi.

KỊCH BẢN NÀO CHO HỒ DUY HẢI?

Tôi không có đủ chứng cứ để tranh luận với tòa về lý lẽ đúng sai, việc đó có luật sư tại tòa tranh luận (LS Trần Hồng Phong chỉ được dự và trình bày đầu giờ sáng, khi Tòa tạm nghỉ thì LS Phong cũng thôi dự Tòa vì Hội đồng giám đốc thẩm thấy không cần thiết có mặt luật sư nữa).

Nhưng với những vụ án kéo dài như thế này thì kết quả phiên tòa lại phụ thuộc rất nhiều các yếu tố đàng sau phiên tòa chứ không chỉ chứng cứ trực tiếp tại tòa. Tôi thử đưa ra vài nhận định cá nhân về các yếu tố sau phiên tòa này.

Trước tiên, nói về cơ chế: Tòa án của ta đều phải thực hiện đúng nguyên tắc xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Còn bên Đảng, nếu có các cuộc họp của “khối nội chính” với đại diện Đảng được phân công, cơ quan điều tra, viện kiểm sát, Tòa án…là chuyện của Đảng! Việc đó không đồng nghĩa là can thiệp vào hoạt động xét xử của tòa!

Gút mắc cuối cùng của tử tù Hồ Duy Hải trong 12 năm qua nằm trong tay 2 ông Bình:-ông Trương Hòa Bình (lúc đó là Chánh án TANDTC) đã liên tục bác bỏ mọi đề nghị và tiếng kêu oan:

- Ngày 24/5/2011: Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình có quyết định không kháng nghị và có Tờ trình đề nghị Chủ tịch nước bác đơn xin ân giảm hình phạt tử hình của Hồ Duy Hải.

- Và sau khi Chủ tịch nước (Trương Tấn Sang) gửi công văn cho Chánh án TANDTC và Viện trưởng VKSNDTC ngày 4/12/2014, công văn cho biết đã nhận được đơn kêu oan của mẹ bị án Hồ Duy Hải và đề nghị chỉ đạo cho tạm dừng thi hành hình phạt tử hình đối với Hồ Duy Hải. Thì ngày 13/3/2015: trả lời chất vấn của UBTVQH liên quan đến vụ án Hồ Duy Hải, Chánh án Trương Hòa Bình đáp: “Quá trình điều tra tuy có sai sót nhưng không làm thay đổi vụ án, vì vậy Tòa vẫn giữ nguyên bản án tử hình”, “Bây giờ bản án đã có hiệu lực pháp luật. Chưa phát hiện ra căn cứ để kháng nghị”.

- Với ông Nguyễn Hòa Bình khi còn làm Viện trưởng VKS NDTC đã ban hành quyết định không kháng nghị vụ án Hồ Duy Hải do không có tình tiết mới.

* Ông Trương Hòa Bình sinh ngày 13/4/1955, Trung tướng Công an. Làm Chánh án TAND Tối cao từ 2007-2016. Là đại biểu QH khóa 10 (1997-2002), K 11, K12, K13, K14. Hiện nay là UV Bộ chính trị-Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Phó Bí thư Ban cán sự Đảng Chính phủ.

* Ông Nguyễn Hòa Bình sinh ngày 24/5/1958. Ông từng là Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao (2011-2016), đại biểu QH khóa 13, khóa 14. Hiện ông là bí thư TW Đảng, Chánh án TAND Tối cao.

Với tuổi tác và quá trình đó, có thể 2 ông phải tiếp tục gánh vác các trọng trách của Đảng, Nhà nước mà ĐH 13 sắp tới giao cho. Hai ông phải "đi làm đẹp" để chuẩn bị bước lên sân khấu nhận trọng trách mới. Đây chính là cơ hội cho tử tù Hồ Duy Hải.

Thông tin khác cho thấy, Viện trưởng VKS tối cao Lê Minh Trí (làm Viện trưởng VKSTC từ tháng 4/2016) dù có chính kiến, dù mạnh mẽ nhưng kháng nghị giám đốc thẩm hủy 2 bản án đã tuyên thì phải tính đến hiệu quả của nó chứ?! Chưa nói đến ông có thể sức đầu mẻ trán!

Bên cạnh các chứng cứ và phân tích của LS Trần Hồng Phong tại Tòa, còn có kiến nghị của Bà Lê Thị Nga từ khi còn làm Phó Chủ nhiệm đến Chủ nhiệm Ủy ban tư pháp QH hiện nay luôn kiến nghị phải xem xét lại cùng với nhận định: “Cơ quan điều tra, viện kiểm sát và tòa án đều lựa chọn, sử dụng những chứng cứ có lợi trong việc buộc tội nhưng không trung thực, khách quan đối với chứng cứ có lợi cho việc gỡ tội. Đây là vụ án rất nghiêm trọng và tước đoạt mạng sống của một con người. Vì vậy, cần xem xét lại một cách thật thận trọng”.

Trong văn bản kháng nghị của VKS Tối cao vào tháng 11/2019, đã nhận định: Hai bản án tuyên tử hình Hải là chưa phù hợp với tình tiết khách quan vụ án; việc thu thập, đánh giá chứng cứ, tài liệu chưa đầy đủ; vụ án có nhiều nội dung cần chứng minh nhưng chưa được làm rõ.

Các cơ quan tiến hành tố tụng có nhiều vi phạm nghiêm trọng như: bỏ sót chứng cứ vụ án, không trưng cầu giám định vết máu; không đưa lời khai của Hải và người làm chứng vào hồ sơ vụ án dẫn đến sai lầm nghiêm trọng...

Chánh án Trương Hòa Bình cũng đã thừa nhận: “Quá trình điều tra tuy có sai sót nhưng không làm thay đổi vụ án, vì vậy Tòa vẫn giữ nguyên bản án tử hình”!…

Với những nội dung và lý lẽ đã viện dẫn, tôi tin hội đồng thẩm phán của phiên xử giám đốc thẩm sẽ quyết định: Hủy 2 bản án sơ thẩm và phúc thẩm (đã tuyên phạt tử hình Hồ Duy Hải) để điều tra, xét xử lại từ đầu!

Nếu kết quả đúng như nhận định thì phim chỉ mới kết thúc phần một. Nhưng Hồ Duy Hải không còn là tử tù và không phải ở trong buồng biệt giam-mà nhiều tử tù được giải oan cho biết là nơi đáng sợ hơn cả cái chết!

Gia đình, luật sư bào chữa được thăm nuôi, được gặp gỡ theo quy định.

Nhưng đến đây thì Hồ Duy Hải và gia đình có thể sẽ đối mặt với khoản thời gian dài đăng đẳng với các điệp khúc: VKS trả lại hồ sơ, yêu cầu điều tra bổ sung; Tòa trả hồ sơ, yêu cầu điều tra bổ sung…

Trong lịch sử các vụ án tử tù oan-ông Huỳnh Văn Nén phải ngồi tù trên 17 năm, sau đó tìm ra kẻ giết người, ông mới được giải oan. Ông Nguyễn Thanh Chấn ngồi tù oan 10 năm mới được giải oan vì hung thủ thật sự ra đầu thú. Đặc biệt vụ Hàn Đức Long, Hội đồng thẩm phán của phiên xử giám đốc thẩm 2 lần hủy các bản án cấp dưới để điều tra, xét xử lại. Cuối cùng, VKSND tỉnh Bắc Giang ra quyết định đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can, trả tự do cho ông Hàn Đức Long sau 11 năm là tử tù…

Không thể chờ hung thủ ra đầu thú. Khi không đủ chứng cứ buộc tội thì phải tuyên họ vô tội!


.
VỤ ÁN HỒ DUY HẢI: SẼ HÉ LỘ NHIỀU SAI PHẠM MỚI?

Trong vụ án này, theo tôi, cơ quan điều tra, cơ quan tố tụng phải là người “biết rõ là trái pháp luật”, “biết rõ là không có tội” , nhưng vẫn tiến hành thực thi với Hải. Vì thế, theo tôi, đủ cơ sở để mở ra vụ án về hai tội danh là “Tội truy cứu trách nhiệm hình sự người không có tội”, quy định tại điều 368 BLHS và “Tội ra bản án trái pháp luật” quy định tại Điều 370 BLHS.

Đồng thời, nếu điều tra lại vụ án về hướng làm sai lệch hồ sơ của vụ án, và nếu tìm ra kẻ đã chỉ đạo, ép buộc cơ quan tố tụng làm sai, thì nó có khả năng đưa đến một dấu hiệu khác của tội “Tội ép buộc người có thẩm quyền trong hoạt động tư pháp làm trái pháp luật ”.

Căn cứ vào tình tiết của vụ án được báo chí đăng tải, thì trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử nghi phạm Hồ Duy Hải (tôi gọi Hải là nghi phạm, vì với tôi, đến giờ Hải vẫn chưa bị coi là có tội, theo quy định của pháp luật hình sự Việt Nam) đã có nhiều vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng hình sự.

Căn cứ rõ nhất cho việc vi phạm này là: Tạo ra cái thớt và con dao làm vật chứng giả của vụ án này vì dao và thớt được mua ở chợ về; không xem xét dấu vân tay và vết máu tại hiện trường vụ án là của ai, vì nó không phải là máu và dấu vân tay của Hải; Bỏ qua nhân chứng và một nghi phạm quan trọng; Không làm rõ được thời gian Hải có mặt ở hiện trường lúc xảy ra án mạng; Không làm rõ được động cơ mục đích phạm tội của Hải; Không tìm thấy vật chứng nào liên quan đến Hải trong vụ án…

Từ các tình tiết trên, cho thấy, cơ quan tố tụng đã vi phạm nguyên tắc suy đoán vô tội khi không chứng minh được việc phạm tội của Hồ Duy Hải. Theo quy định của Hiến pháp và pháp luật hình sự thì lẽ ra HĐXX phải tuyên Hồ Duy Hải là vô tội và trả tự do ngay tại phiên tòa. Nhưng, tiếc thay, họ đã không làm như vậy.

Nay, sau 13 năm kêu oan, vụ án đã được đưa ra xét xử Giám đốc thẩm, và có nhiều suy đoán từ giới chuyên gia là Hải sẽ được tuyên vô tội. Còn có ý kiến cho rằng, nếu thế, thì có khả năng phải mở một vụ án về tội làm sai lệch hồ sơ, tài liệu vụ án. Tôi cũng đồng tình với ý kiến này.

Tuy nhiên, theo tôi, trong vụ án này, sẽ còn hé lộ nhiều sai phạm khác về hình sự. Bởi các lý do sau:

Nếu Hải được tuyên vô tội, đương nhiên vụ án phải được điều tra lại, và một vụ án mới để tìm ra thủ phạm đích thực giết hại 2 phụ nữ ở Bưu điện Cầu Voi là ai. Ai đã chỉ đạo làm sai lệch hồ sơ vụ án này để “ghép tội” cho Hải? Ai là người thực hiện việc đó?

Như vậy, ở đây sẽ có hai vụ án: 1 là vụ án về kẻ giết người, 1 vụ án làm sai lệch hồ sơ vụ án, vụ việc, quy định tại Điều 375 Bộ Luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 (gọi tắt là Bộ Luật Hình sự, BLHS) .

Ngoài ra, trong vụ án này, theo tôi có dấu hiệu của tội “Tội truy cứu trách nhiệm hình sự người không có tội”, quy định tại điều 368 BLHS và “Tội ra bản án trái pháp luật” quy định tại Điều 370 BLHS.

Tôi xin phép không trích dẫn các điều luật ra đây, vì nó rất dài, sẽ mất thời gian của người đọc.

Tuy nhiên, trong các chế định của các điều luật vừa nêu, có một số khái niệm pháp lý dễ gây tranh cãi dẫn đến việc khó áp dụng, thực thi. Đó là khái niệm quy định là “biết rõ là trái pháp luật”, “biết rõ là không có tội”. Như thế nào thì được coi là “biết rõ là trái pháp luật”, “biết rõ là không có tội”?

Trong trường hợp của vụ án Hồ Duy Hải, thì có được coi là “biết rõ là trái pháp luật”, “biết rõ là không có tội” hay không?

Ở đây, xin trở lại về các tình tiết pháp lý của vụ án mà tôi đã nêu ở phần đầu bài viết. Từ các căn cứ đó, nếu cơ quan tư pháp làm việc khách quan, công tâm, đúng pháp luật, sẽ thấy căn cứ để buộc tội Hồ Duy Hải là thiếu và yếu, không đủ để kết tội Hải. Như thế, theo nguyên tắc pháp lý, cơ quan tư pháp phải áp dụng nguyên tắc suy đoán vô tội khi không đủ chứng cứ buộc tội bị cáo, thì phải tuyên bị cáo vô tội.

Do đó, trong vụ án này, theo tôi, cơ quan điều tra, cơ quan tố tụng phải là người “biết rõ là trái pháp luật”, “biết rõ là không có tội” , nhưng vẫn tiến hành thực thi với Hải. Vì thế, theo tôi, đủ cơ sở để mở ra vụ án về hai tội danh là “Tội truy cứu trách nhiệm hình sự người không có tội”, quy định tại điều 368 BLHS và “Tội ra bản án trái pháp luật” quy định tại Điều 370 BLHS.

Đồng thời, nếu điều tra lại vụ án về hướng làm sai lệch hồ sơ của vụ án, và nếu tìm ra kẻ đã chỉ đạo, ép buộc cơ quan tố tụng làm sai, thì nó có khả năng đưa đến một dấu hiệu khác của tội “Tội ép buộc người có thẩm quyền trong hoạt động tư pháp làm trái pháp luật ”.

Vụ việc vẫn chưa có kết luận chính thức từ phía cơ quan xét xử. Chúng ta phải chờ quyết định của HĐXX. Tự do của Hồ Duy Hải sẽ đến và nó không chỉ có ý nghĩa với một mình Hải mà nó có ý nghĩa với cả chúng ta. Toi hy vọng, hải được tuyên vô tội. Và càng hy vọng, khi đó, các tình tiết pháp lý tôi nêu ở trên sẽ được cơ quan chúc năng xem xét. Dù tôi thấy nó rất ít khả năng xảy ra.

5/5/2020
NGUYỄN VĂN THỊNH






No comments:

Post a Comment

View My Stats