Wall
Street Journal
08-04-2020 - 15:31 PM
Cựu ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger vừa có bài bình
luận trên tờ Wall Street Journal nêu quan điểm về trật tự thế giới sẽ thay đổi
như thế nào hậu Covid-19. Người Đồng Hành gửi tới bạn đọc toàn văn bài viết.
Henry A. Kissinger
là nhà chính trị, ngoại giao Mỹ. Ông từng là Ngoại trưởng, Cố vấn An ninh quốc
gia của 2 đời Tổng thống Mỹ là Richard Nixon và Gerald Ford. Ảnh: Kissinger
Associates
*
Bầu không khí siêu thực của
đại dịch Covid-19 gợi trong tâm trí tôi những cảm giác mà tôi cảm thấy ngày nào
khi còn là một chàng trai trẻ thuộc Sư đoàn bộ binh 84 trong Trận chiến
Bulge(*). Bây giờ, cũng như vào cuối năm 1944, có một cảm giác nguy hiểm lộn xộn,
mới bắt đầu phôi thai, không nhắm vào bất kỳ con người cụ thể nào, chỉ bất
thình lình tấn công và tàn phá.
Nhưng có một sự khác biệt
quan trọng giữa thời gian xa xôi đó và thời đại của chúng ta. Khi ấy, sức chịu
đựng bền bỉ của nước Mỹ được củng cố trên nền tảng một mục đích quốc gia tối
thượng. Bây giờ, ở một đất nước bị chia rẽ, rất cần một chính phủ hiệu quả và
có tầm nhìn xa để vượt qua những trở ngại chưa từng có về tầm quan trọng và phạm
vi toàn cầu. Duy trì niềm tin của công chúng là điều cốt yếu đối với sự đoàn kết
xã hội, đối với mối quan hệ của các xã hội với nhau và hòa bình và ổn định quốc
tế.
Các quốc gia gắn kết và
phát triển dựa trên niềm tin rằng các cơ quan và thể chế của họ có thể thấy trước
tai họa, ngăn chặn các tác động của nó và khôi phục sự ổn định. Khi đại dịch
Covid-19 kết thúc, các tổ chức tại nhiều quốc gia sẽ bị coi là đã thất bại. Cho
dù phán đoán này có khách quan công bằng hay không nằm ngoài câu chuyện đang được
nhắc đến ở đây. Thực tế là thế giới hậu virus corona sẽ không bao giờ giống như
trước đây. Việc tranh luận về quá khứ chỉ làm cho những gì phải làm hiện tại
khó khăn hơn.
Virus corona đã tấn công
với quy mô và sự tàn khốc chưa từng thấy. Mức độ lây lan của nó là theo cấp số
nhân: các trường hợp nhiễm ở Mỹ đang tăng gấp đôi sau mỗi năm ngày. Tại thời điểm
của bài viết này, không có cách chữa trị virus corona. Vật tư y tế không đủ để
đối phó với các làn sóng lan rộng của các trường hợp mắc bệnh. Các đơn vị chăm
sóc đặc biệt đang đứng trên bờ vực, và thậm chí hơn thế nữa, của việc bị quá tải.
Xét nghiệm không tương xứng với nhiệm vụ xác định mức độ lây nhiễm, lại càng
không thể đảo ngược sự lây lan của nó. Chế tạo một vắc-xin thành công có thể mất
12 đến 18 tháng.
Chính quyền Mỹ đã thực hiện
rất tốt việc tránh một thảm họa xảy ra ngay lập tức. Thử thách cuối cùng sẽ là
liệu virus lây lan có thể bị ngăn chặn và sau đó đảo chiều theo cách thức và ở
quy mô để duy trì được niềm tin của công chúng vào khả năng tự điều hành của
người Mỹ. Nỗ lực chống khủng hoảng, cho dù lớn và cần thiết đến mức thế nào,
cũng không được bỏ qua nhiệm vụ cấp bách song song với nó là không giảm bớt chi
tiêu hay đầu tư để khởi động kinh doanh trong giai đoạn chuyển giao sau virus
corona.
Các nhà lãnh đạo đang đối
phó với cuộc khủng hoảng trên cơ sở quy mô lớn là cấp quốc gia, nhưng các hiệu ứng
giải thể trong xã hội của virus vượt qua mọi biên giới. Mặc dù cuộc tấn công
vào sức khỏe con người hy vọng sẽ chỉ mang tính nhất thời nhưng biến động chính
trị và kinh tế mà nó đã gây ra có thể kéo dài qua nhiều thế hệ. Không một quốc
gia nào, kể cả Mỹ, trong nỗ lực nội bộ thuần túy có thể chiến thắng virus. Giải
quyết ở mức tột bậc các nhu cầu thiết yếu của thời điểm này phải được kết hợp với
tầm nhìn và chương trình hợp tác toàn cầu. Nếu không thể làm cả hai cùng một
lúc, chúng ta sẽ phải đối mặt với điều tồi tệ nhất của mỗi thứ.
Rút ra bài học từ sự phát
triển của Kế hoạch Marshall và Dự án Manhattan, Mỹ có nghĩa vụ phải thực hiện một
nỗ lực lớn trong ba lĩnh vực. Đầu tiên, đó là nâng cao khả năng phục hồi và độ kiên cường
của toàn cầu đối với bệnh truyền nhiễm. Những chiến thắng của khoa học y tế như
vắc-xin bại liệt và loại trừ bệnh đậu mùa, hay sự kỳ diệu về kỹ thuật thống kê
mới nổi của chẩn đoán y học thông qua trí thông minh nhân tạo, đã ru ngủ chúng
ta vào một sự tự mãn nguy hiểm. Chúng ta cần phát triển các kỹ thuật và công
nghệ mới để kiểm soát nhiễm trùng và vắc-xin tương thích trên các quần thể dân
số lớn. Các thành phố, tiểu bang và khu vực phải luôn chuẩn bị để bảo vệ người
dân của họ khỏi đại dịch thông qua dự trữ, lập kế hoạch hợp tác và thăm dò các
biên giới của khoa học.
Thứ hai là đấu tranh để hàn gắn vết thương cho nền
kinh tế thế giới. Các nhà lãnh đạo toàn cầu đã học được những bài học quan trọng
từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay phức
tạp hơn: Sự co lại, rút gọn và thu nhỏ kinh tế của virus corona ở tốc độ và quy
mô toàn cầu không giống như bất cứ điều gì từng được biết đến trong lịch sử. Và
các biện pháp y tế công cộng cần thiết như cách ly xã hội và đóng cửa trường học
và doanh nghiệp đang góp phần vào nỗi đau kinh tế. Các chương trình và kế hoạch
chính sách cũng nên tìm cách cải thiện những ảnh hưởng của sự hỗn loạn sắp xảy
ra đối với nhóm dân số dễ bị tổn thương nhất trên thế giới.
Thứ ba là bảo vệ các nguyên tắc của trật tự thế giới
tự do. Truyền thuyết đặt nền móng cho chính phủ hiện đại là một thành phố có tường
bao được bảo vệ bởi những người cai trị hùng mạnh, đôi khi chuyên quyền bạo ngược,
đôi khi nhân từ bác ái, nhưng luôn đủ mạnh mẽ để bảo vệ người dân khỏi kẻ thù
bên ngoài. Các nhà tư tưởng Khai Sáng đã biến đổi khái niệm này, cho rằng mục
đích của nhà nước hợp pháp là cung cấp các nhu cầu cơ bản của người dân: an
ninh, trật tự, phúc lợi kinh tế và công lý. Cá nhân không thể tự bảo đảm những
thứ này. Đại dịch đã mau chóng xúi giục khái niệm lịch sử lỗi thời này, với sự
hồi sinh của những thành phố bao kín trong bốn bức tường trong thời đại thịnh
vượng phụ thuộc vào thương mại và sự di chuyển toàn cầu của người dân.
Các nền dân chủ thế giới
cần bảo vệ và duy trì các giá trị Khai sáng của họ. Một sự rút lui toàn cầu khỏi
việc cân bằng quyền lực với tính hợp pháp sẽ khiến khế ước xã hội tan rã cả
trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, vấn đề ngàn năm về tính chính đáng và quyền lực
không thể được giải quyết đồng thời với nỗ lực khắc phục bệnh dịch Covid-19. Sự
kiềm chế là cần thiết đối với tất cả các bên, trong cả chính trị trong nước và
ngoại giao quốc tế. Ưu tiên phải được thiết lập.
Chúng ta đã đi từ Trận
chiến Bulge tới một ngày thế giới càng thịnh vượng và nâng cao phẩm giá con người.
Bây giờ, chúng ta sống một thời kỳ kỷ nguyên có ý nghĩa trọng đại, to lớn.
Thách thức lịch sử đối với các nhà lãnh đạo là quản lý khủng hoảng đồng thời
xây dựng tương lai. Thất bại có thể đưa thế giới vào "biển lửa".
Henry A. Kissinger
-----------
(*) Trận chiến
Bulge: Diễn ra cuối năm 1944, đầu năm 1945 tại biên giới Bỉ, Đức và Luxembourg,
đây được xem là chiến dịch tấn công lớn cuối cùng cùng của Đức Quốc xã và đã thất
bại trước quân Đồng minh.
No comments:
Post a Comment