Tú Anh
-
RFI
Đăng ngày: 14/05/2020 -
15:23
Hệ quả khốc liệt của khủng hoảng Covid-19 vẫn là chủ
đề chính trên báo chí Pháp : Hôm nay, Ủy Ban Châu Âu trình bày kế hoạch cứu vãn
mùa du lịch. Le Monde nói về hiện tượng nhà nghèo mới ở các nước dân chủ
Tây phương và trách nhiệm của Trung Quốc. Le Figaro ngạc nhiên với sức đề kháng
của Phi châu, trừ Nam Phi. La Croix đặt câu hỏi khi nào chấm dứt "trò hề"
số liệu không chính xác.
Le Monde trình bày những
hệ quả khác nhau của đại dịch Covid-19 trên thế giới qua các tựa lớn: Châu Âu
trước hiện tượng nhà nghèo mới. Tại Nhật Bản, sinh viên, phụ nữ, lao động hợp đồng
ngắn hạn trả giá nặng trong cuộc khủng hoảng. Tại Hoa Kỳ, anh khổng lồ chân đất
sét, ngân hàng lương thực hoạt động không nghỉ tay.
Y Sĩ Không Biên Giới lần
đầu tiên can thiệp tại Tây Âu
Khủng hoảng viruscorona
đã làm hàng ngàn dân Tây Âu lâm vào cảnh khốn khổ. Tại các nước bị tác hại nặng
nhất, nhu cầu trợ giúp thức ăn tăng đến 25% hay 30%. Cụ thể là lần đầu tiên hiệp
hội Y Sĩ Không Biên Giới MSF, được thành lập vào năm 1971, phải gửi các toán
bác sĩ, nhân viên y tế sang Anh, sang Đức.
Tại Luân Đôn, từ hơn một
tháng nay, MSF săn sóc, cung cấp thức ăn cho hàng ngàn người vô gia cư, nạn
nhân khốn khổ nhất của Covid-19, đa số là nhân viên nhà hàng, quán ba, cà
phê bị đóng cửa.
Ở Bruxelles, được yểm trợ
của Nghị Viện Châu Âu, hiệp hội Y Sĩ Không Biên Giới, cũng lần đầu tiên, mỗi
ngày tặng không 1000 bữa ăn cho người bị khó khăn.
Trách nhiệm pháp lý quốc tế của Bắc Kinh và WHO
Theo Le Monde, Trung Quốc
và Tổ Chức Y Tế Thế Giới WHO đều có trách nhiệm. Dù Bắc Kinh có bất bình về
cách gọi của tổng thống Mỹ Donald Trump "siêu vi Vũ Hán" nhưng đây là
con siêu vi Vũ Hán.
Chúng ta có quyền nghi ngờ
cội nguồn của con virus corona chủng mới. Chúng ta không biết khởi điểm của dịch là chỗ nào?
Nhưng chúng ta thấy rõ thái độ của chính quyền Trung Quốc ngay từ biểu hiện
đầu tiên: từ che giấu rủi ro, bịt miệng, thậm chí nhốt tù những người báo động.
Rồi chúng ta thấy phản ứng chậm chạp của WHO, làm mất thời gian quý báu, đưa thế
giới đến tình trạng hiện nay. Rồi chúng ta cũng biết Trung Quốc và Tổ Chức Y Tế
Thế Giới có liên hệ như thế nào và đều thiếu sót bổn phận một cách nghiêm trọng
trong vai trò "kiểm chứng".
Trách nhiệm của WHO rất dễ
biết, chỉ cần một cuộc điều tra quốc tế độc lập là đủ. Thông thường, mỗi tổ chức
đều có phúc trình, kiểm điểm về hành động của mình sau mỗi khủng hoảng lớn.
Cơ sở pháp lý để truy cứu
trách nhiệm của Trung Quốc cũng không thiếu. Một trong những nguyên tắc đầu
tiên của luật pháp quốc tế là tất cả các Nhà nước đều có bổn phận không để mối
nguy hại từ đất nước mình lan ra, gây thiệt hại cho các nước khác và nhân dân
các nước khác.
Vấn đề là dễ gì mà chính
quyền Bắc Kinh chấp nhận cho người "níu áo", bắt bồi thường. Tuy
nhiên, luật pháp quốc tế cũng dự trù một phương thức khác: Bỏ qua chuyện quy tội
để thủ phạm vui lòng "bồi thường qua hình thức viện trợ hảo tâm" cho
những nước nạn nhân của Covid-19.
Nhưng theo tác giả, chính
quyền các nước nạn nhân cũng không hẳn vô can. Họ cũng là thành viên của Tổ Chức
Y Tế Thế Giới, cũng có bổn phận áp dụng các nguyên tắc chống dịch, phải bảo
vệ sức khỏe, sinh mạng của dân mình. Thế mà, chúng ta thấy gì: trước rủi ro y tế
toàn cầu, mạnh ai nấy lo, cho đến nhũng ngày gần đây mới có kế hoạch hợp
tác.
"Làm cách nào để
"xử lý" Trung Quốc ? Le Monde dành câu trả lời cho sử gia Pierre
Grosser qua một bài phỏng vấn khá dài: Được, nhưng phải thật khéo léo.
"Putin, thủ lĩnh độc đoán
đang mất dần uy quyền"
Với tình trạng mỗi ngày
có hơn 10.000 ca lây nhiễm mới, Liên bang Nga đứng đầu danh sách Covid-19
của châu Âu. Trong bài "Putin, thủ lĩnh độc đoán đang mất dần uy quyền",
nhật báo độc lập mô tả: Xuất hiện nhiều lần trên truyền hình, lúc đầu Putin tỏ
ra tự tín, phát biểu như giảng luân lý. Thế rồi những lần sau, nét mặt có vẻ xa
vắng, ưu sầu. Trong khi dân Nga trông chờ một người lãnh đạo thật sự trong bối
cảnh khủng hoảng đai dịch, thì Putin tỏ ra âu lo, từ chối vai trò số một. Ông
công khai trao nhiệm vụ chống đại dịch cho 85 vị tỉnh trưởng và lãnh đạo điạ
phương.
"Trò hề số liệu"
Trong bối cảnh đại dịch
đã làm 300.000 người chết, La Croix đặt câu hỏi: khi nào chấm dứt trò hề số liệu?
Theo nhật báo Công Giáo, số nạn nhân thật sự còn cao hơn nhiều. Nhưng vì sao thống
kê không chính xác? Có nhiều yếu tố: Trước hết, không ai rõ thời điểm xảy ra ca
đầu tiên là lúc nào? Ở đâu? Trung Quốc hay có thể ở châu Âu? Thứ hai là nhiều
nước không có "văn hóa thống kê chính xác" do tâm lý "mặc kệ".
trong nhà có người chết mà không ai quan tâm tìm hiểu chết vì bệnh gì.
Tiếp đến là lý do chính
trị. Các chế độ độc tài sợ dân biết sự thật, thấy rõ chính quyền vô tích sự,
sợ dân phẫn nộ, phản kháng, thậm chí nổi dậy đe dọa quyền lực. Còn các chính phủ
do dân bầu lên phải minh bạch, phải tạo quan hệ lành mạnh với công luận, tức là
với cử tri. Chính điểm này nói lên sự khác biệt giữa dân chủ và độc tài,
La Croix kết luận.
Pháp xem thường đe dọa của
Trung Quốc
Theo nhật báo Công giáo,
qua thông cáo của bộ Ngoại Giao, Pháp "mời" Trung Quốc tập trung chống
dịch, thay vì khuấy động một hồ sơ tranh cãi cũ rích. Paris khẳng định có toàn
quyền tôn trọng thực thi các hợp đồng thương mại với Đài Loan. Hợp đồng đó, trị
giá 25 triệu euro, bán hệ thống chống tên lửa, trang bị cho 6 chiến hạm tàng
hình cũng do Pháp bán cho Đài Loan vào năm 1991, trong bối cảnh quan hệ nguội lạnh
với Bắc kinh, sau vụ thảm sát Thiên An Môn 1989.
Vì sao Pháp bất chấp đe dọa
trả đũa? Theo chuyên gia địa chính trị Antoine Bondaz, quyết định cung cấp vũ
khí cho Đài Loan được thảo luận ở thượng tầng lãnh đạo nước Pháp. Bối cảnh đại
dịch hiện nay và nhân lúc Đài Loan canh tân quân đội, là thời cơ để trắc nghiệm,
đo lường phản ứng Trung Quốc. Đến 90% thị phần vũ khí của Đài Loan là do Mỹ
cung ứng. Phần còn lại đâu phải chỉ có Pháp. Đài Loan còn mua trang thiết bị của
Đức, Ý và Hà Lan, những thành viên khác của Liên Hiệp Châu Âu.
Trung Quốc sẽ phải cân nhắc,
đắn đo. Gây thù với Pháp là sẽ kết oán với cả Liên Hiệp Châu Âu mà Bắc
Kinh đang cần trong bối cảnh bị tứ phương lên án về dịch Covid-19 và nền
kinh tế suy yếu đi. Nhưng nếu im lặng, Trung Quốc sẽ rơi vào bẫy, tạo ra tiền lệ
để cho Đài Loan tự do tăng cường quân lực.
Vì sao Trung Quốc phản đối
Pháp mà báo chí Nhà nước không cho dân chúng biết hợp đồng đó bán cái gì ? Cũng
theo giải thích của La Croix, đảng Cộng sản Trung Quốc kích động tinh thần dân
tộc chủ nghĩa của dân Hoa lục, để tự cho mình có vai trò bảo vệ toàn vẹn lãnh
thổ. Nếu giờ đây, biết là sẽ không thể thu hồi Đài Loan, bộ phận công luận cực
đoan sẽ nổi giận không chừng đòi tẩy chay hàng tiêu dùng của Pháp để trả
thù. Thế mà, nỗi sợ lớn nhất của chính quyền Trung Quốc là không kiểm soát được
công luận. Do vậy, báo chí Nhà nước không tiết lộ cho dân biết nội dung hợp đồng
vũ khí Pháp - Đài Loan. Nhật báo Công Giáo dự báo: Đài Bắc có cách giúp cho
công luận đại lục rõ chuyện .
Covid-19 và những
biện pháp phục hồi kinh tế
Le Monde và Les Echos
cùng chạy tựa lớn: Một kế hoạch quy mô để cứu ngành du lịch. Hôm nay, chính phủ
Pháp loan báo kế hoạch. Ủy Ban Châu Âu thống nhất một phương án chung cứu mùa
nghỉ hè.
Les Echos không quên những
"chiến binh tuyến đầu " mà tổng thống Emmanuel Macron quyết định
sẽ tuyên dương nhân ngày Quốc Khánh 14/07. Nhật báo kinh tế nhắc nhở Nhà nước
Pháp: nhân viên y tế đang chờ được lãnh tiền thưởng như đã được hứa.
Cũng trên nhật báo kinh tế,
một thông tin không thể gây lạc quan: theo dự phóng mới của Viện Pasteur, lựa
chọn sống chung với dịch mà không có phong tỏa an ninh dịch tễ, coi chừng siêu
vi sẽ truyền nhiễm mạnh hơn. Số người bị lây nhiễm trung bình mỗi ngày có
thể lên đến 3.900 , tăng gấp ba lần so với dự phóng trước khi nới lỏng phong tỏa.
Cũng trong chiều hướng chấp
nhận sống chung với siêu vi để phục hồi kinh tế, Les Echos cho biết giải
pháp làm việc từ xa sẽ được phát triển. Twitter đã chấp thuận cho một bộ phận
nhân viên làm việc từ nhà suốt đời. Còn Libération lo ngại dự báo: người lao động
sẽ bị tăng giờ làm việc.
---------------------------------------------------------
Thanh
Phương -
RFI
Đăng
ngày: 16/05/2020 - 11:59
Hôm qua, 15/05/2020, Trung Quốc xác nhận đã ra lệnh
cho các phòng thí nghiệm không đủ tiêu chuẩn phải hủy các mẫu virus corona vào
thời điểm dịch Covid-19 mới bùng phát, nhưng khẳng định đã làm điều này để bảo
đảm “an toàn sinh học”.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike
Pompeo đã nhiều lần cáo buộc Bắc Kinh vẫn từ chối cung cấp cho thế giới các mẫu
virus corona lấy từ các bệnh nhân trong giai đoạn đầu của dịch Covid-19. Ông
cũng tố cáo chính quyền Trung Quốc đã phá huỷ các mẫu bệnh phẩm chứa virus.
Theo nhật báo Hồng Kông
South China Morning Post, ông Liu Dengfeng, một quan chức của Ủy ban Y tế Quốc
gia Trung Quốc, hôm qua cho biết các phòng thí nghiệm không được cấp phép đã được
yêu cầu hủy các mẫu bệnh phẩm chứa virus corona “để ngăn ngừa những nguy cơ về
an toàn sinh học trong phòng thí nghiệm và ngăn chặn những thảm họa từ các mầm
bệnh không được xác định”. Trong cuộc họp báo tại Bắc Kinh, quan chức của Ủy
ban Y tế Quốc gia Trung Quốc cho rằng tuyên bố của một số quan chức Mỹ về
việc phá hủy các mẫu virus corona “đã không được lồng trong bối cảnh đó và như
vậy là nhằm mục đích gây nhầm lẫn”.
·
Đọc thêm : Covid-19 : Tình báo Five Eyes lộ nhiều thông
tin, nhưng không kết luận virus ‘'sổng chuồng''
Quan chức Ủy ban Y tế Quốc
gia khẳng định khi bệnh viêm phổi xuất hiện ở Vũ Hán, các viện nghiên cứu ở
cấp quốc gia ở Trung Quốc đã nỗ lực làm việc để xác định mầm bệnh nào đã gây
nên dịch. Ông Liu Dengfeng nói: “Dựa trên nghiên cứu toàn diện và theo ý
kiến của các chuyên gia, chúng tôi đã quyết định tạm thời xếp virus gây bệnh
viêm phổi đó vào Lớp II - có khả năng lây nhiễm cao - và áp dụng các quy định về
an toàn sinh học trong việc thu thập và vận chuyển các mẫu virus, trong các hoạt
động thí nghiệm, cũng như hủy các mẫu bệnh phẩm chứa virus”.
Quan chức này nói thêm rằng
điều này là hoàn toàn phù hợp với quy định của Trung Quốc về việc xử lý các mẫu
virus có độ lây nhiễm cao và các phòng thí nghiệm không đủ tiêu chuẩn thì không
được làm việc này.
Trong thời gian qua, căng
thẳng đã gia tăng giữa Washington và Bắc Kinh, khi hai nước liên tục cáo buộc
nhau về nguồn gốc của virus corona, nay đã gây ra hơn 300.000 ca tử vong trên
toàn thế giới. Trung Quốc bị áp lực ngày càng mạnh của quốc tế đòi điều tra về
cách thức mà nước này xử lý dịch bệnh.
No comments:
Post a Comment