Thursday, 21 May 2020

BÀN TAY MA QUỶ VÀ VẤN ĐỀ THỂ CHẾ CHÍNH TRỊ XÃ HỘI (Tô Văn Trường)




Tô Văn Trường
22/05/2020  02:28 | Posted by bxvn

Tôi e rằng vấn đề không chỉ là tham nhũng, mà còn nhiều lý do chính trị nguy hiểm khác nữa chưa lường hết được. Thực tế "Vân Đồn" chứng minh không thể chối cãi: Nếu không có cải cách thể chế chính trị, thì chống tham nhũng chỉ là câu chuyện một nửa để nuôi dưỡng cái nửa còn lại và kẻ thù giấu mặt của đất nước.
Nguyễn Trung

*

Bàn tay ma quỷ mà cụ TS Tô Văn Trường viết trong bài chẳng qua chỉ là chuyện nhà thầu TQ dựa vào thể chế của ta để trúng thầu. Và sau đấy họ thực hiện theo cách vụ lợi khiến ta thiệt hại vô vàn. Chuyện dại dột kéo dài nửa thế kỷ khiến người dân tin chắc đang tồn tại một nhóm lợi ích ngụy trang bằng quyền lực. Liệu đúng đến đâu?

Chuyện bao trùm hơn, đó là ĐCS TQ lừa ta về ý thức hệ. Lừa thầu chỉ là bộ phận. Nếu hai nước thành công xây dựng CNCS thì biên giới không còn. Mỗi người VN có 13 người TQ đứng xung quanh (theo tỷ lệ dân số). Không hiểu 14 người này sẽ giao lưu bằng ngôn ngữ gì?

Chỉ cần giảng giải 30-60 phút là người bình thường thấy được âm mưu của TQ với thế giới và với VN (bài viết của TS Tô Văn Trường chỉ cần 10 phút để đọc và suy rộng).

Tôi không tin giới quyền lực thiếu thông tin tới mức rất nhiều trí thức và các vị lão thành cách mạng đã góp ý đầy xây dựng, ôn hòa (kể cả lễ phép và như van lạy) mà vẫn không lay chuyển. Hẳn là, đúng như TBT Nguyễn Phú Trọng đã gợi ra: Một nhóm lợi ích đã hình thành vững chắc và đang cố thủ.

Các vị cách mạng lão thành có thể chịu khổ, chịu chết để chiến đấu cho CNCS. Thế hệ cách mạng hiện nay dựa CNCS để được sống như ý. Góp ý gì nổi?

Các Cụ, các Bác đã nghe một một đứa con có hiếu lạy van người cha để ông ta cai nghiện ma túy chưa?

Đã bập vào ma túy thì lời lạy van nào cho thấu? Nếu còn nói dai, nói dài, tau đập chết… thằng cha mi.
Nguyễn Ngọc Lanh

--------------------

Tô Văn Trường

Vấn nạn thắng thầu – tham nhũng và “đi đêm” để tăng lợi nhuận của nhà thầu thì nước nào cũng có, nhưng ở Việt Nam nó tiếp diễn ngang nhiên bất chấp mọi chỉ trích của công luận, đặc biệt khu vực công là nơi mà nó thể hiện rõ nét nhất. Để ngăn chặn vấn nạn này thì chỉ có hai con đường (1) Hoàn thiện môi trường luật pháp và (2) Ngăn chặn nạn tham nhũng, hối lộ.

Có nhiều mô hình của các nước tiên tiến mà ta có thể tham khảo, nhưng triển khai áp dụng là không thể, hình như khó vượt qua thứ mà mang tính bao trùm lên tất cả là vấn đề thể chế chính trị, xã hội và người có quyền trong thể chế.

Mưu đồ của Trung Quốc là khống chế toàn diện Việt Nam về chính trị - tư tưởng, về kinh tế, văn hóa - xã hội, về quan hệ đối ngoại, cô lập, lấn chiếm gây sức ép từ phía biển và trên đất liền… để cưỡng chế VN phải thuận theo chiến lược của họ, thực chất là biến VN thành chư hầu, phụ thuộc, không bao giờ ngóc đầu lên được. Đây là điều không thể mơ hồ.

Trên thực tế, Trung Quốc đã thực hiện được phần lớn những bước đi trong một chiến lược toàn diện nhằm mục tiêu của họ. Việt Nam đối phó bị động, nói chung là không thành công mà nguyên nhân cơ bản là nhiều người có trách nhiệm vẫn mơ hồ, không đánh giá đầy đủ nguy cơ Trung Quốc, có tâm lý “sợ” họ làm căng, không dựa vào dân. Chính sự mơ hồ đó, cộng với sự kém cỏi về kinh tế và lòng tham không được ngăn chặn của nhiều chủ đầu tư đã gây ra những “lỗi” trong quan hệ kinh tế với Trung Quốc, rất dễ bị đội ngũ chiến tranh tâm lý của chính Trung Quốc khai thác cũng như những “thế lực khác” lợi dụng.

Trung Quốc biết rất rõ Việt Nam chỉ muốn được yên  thân, tự mình chọn đường đi giữ vững nền độc lập và lợi ích chính đáng của mình, không cam tâm làm công cụ cho ai chống Trung Quốc. Nhưng lòng tham vô đáy và cuồng vọng sô vanh nước lớn khiến họ không cho VN đi con đường đó. Việt Nam càng nhún nhường thì họ càng lấn tới. Đó chính là bàn tay ma quỷ của Trung Quốc, là điều người Việt từ nhà cầm quyền đến dân thường phải nhận thức và có hành động thống nhất.

Trong phạm vi bài viết này, tôi đi sâu phân tích về sự lũng đọan của Trung Quốc trong lĩnh vực đấu thầu, đầu tư ở Việt Nam.

Hiện nay có hàng trăm nhà thầu Trung Quốc đang thực hiện các dự án ở Việt Nam, hầu hết đều bê trễ thời gian thi công, và đội vốn, chất lượng kém, ô nhiễm môi trường để lại các hậu quả rất nặng nề không chỉ trên phương diện kinh tế! Nếu rà soát có hệ thống và khách quan có thể trả lời câu hỏi đó là sự “thông đồng” có hệ thống hay chỉ là sự “ngẫu nhiên đáng ngờ” của từng dự án riêng lẻ, nên làm rõ bản chất của từng vụ tham nhũng này.
Giá mời thầu của các công ty thuộc các nền công nghiệp tiên tiến thường cao khi khởi đầu, một rào cản quan trọng cho một nước nghèo. Hơn nữa, luật pháp các nước tiên tiến (Châu Âu, Mỹ, Nhật) phạt rất nặng các hành vi hối lộ, tham nhũng không cho phép nhà thầu các nước này thực hiện các thủ đoạn gian lận và mua chuộc giám sát, quản lý vốn. Thực ra, giá thầu với Trung Quốc đội lên cao hơn các nguồn khác, và Trung Quốc biết những người đã “há miệng mắc quai” rồi, tiếp tục mắc thêm nợ nữa, kèm theo là những ràng buộc khó gỡ đối với họ.

Nhìn lại lịch sử, chỉ nói riêng ngành xi măng trong thập niên 1990, nước ta đã từng phải trả giá cho phong trào phát triển xi măng lò đứng, công nghệ lạc hậu của Trung Quốc sau thời gian ngắn hoạt động đã bị khai tử, làm lãng phí rất lớn tiền của và gây ô nhiễm môi trường ở nhiều địa phương. Bài học đắt gía nói trên vẫn chưa học thuộc, lại “mắc bẫy” ngay vào một sai lầm mới, đó là phong trào làm xi măng lò quay và cũng với thiết bị và công nghệ lạc hậu của Trung Quốc v.v…

Mánh khóe nhà thầu Trung Quốc: Bỏ giá dự thầu kiểu láu cá.
Hạng mục nào nhắm làm không được thì nhà thầu bỏ giá thấp hẳn, hạng mục ngon xơi thì giá tăng vọt, nhưng tổng giá bỏ thầu vẫn thấp nhất. Phải công nhận là quy định chấm thầu của ta còn lỏng lẻo. Mặc dù các dự án quốc tế có thuê tư vấn nhưng khi tư vấn có cơ sở để bác nhà thầu Trung Quốc nhưng chủ đầu tư do tay đã nhúng chàm vẫn có “cách lách” để chấm cho đạt! Khi đàm phán hợp đồng, nhà thầu Trung Quốc nhìn nhận đã bỏ giá quá thấp cho hạng mục đó, nên họ hứa sẽ chuyển chi phí từ các hạng mục khác để đắp qua hạng mục bỏ giá thấp. Cuối cùng “vỡ trận”, khi được nhắc nhở về lời hứa “đắp qua”, nhà thầu Trung Quốc bảo không có chi phí đế đắp qua, tìm đủ lý do biện minh rồi bỏ luôn hạng mục đó. Trong khi họ ăn lời ở các hạng mục ngon xơi đã bỏ giá cao. Nếu phải tổ chức đấu thầu lại, tốn rất nhiều thời gian và chi phí điều hành, rồi cũng phải trả chi phí cao để thi công như dự toán ban đầu.

Sử dụng công nghệ kém cỏi và vật tư thiết bị chất lượng thấp
Trong một dự án, Tư vấn khuyến cáo với điều kiện đặt ra, thì cần thiết bị như thế nào. Nhưng hồ sơ mời thầu thiếu chặt chẽ, không ràng buộc cụ thể những điều kiện bắt buộc phải thi hành. Cho nên nhà thầu có quyền không nghe khuyến cáo của Tư vấn, dùng thiết bị và công nghệ kém cỏi nhằm giảm chi phí (trước tiên là giảm giá dự thầu). Hậu quả là thiết bị hỏng hóc, tiến độ chậm, nhưng họ viện dẫn đủ lý do để bào chữa, hạng mục đã lắp đặt xong có nên tháo dỡ! Lại phải tổ chức đấu thầu lại cho hạng mục đó rất tốn kém.

Lỗi chính là tại chủ đầu tư nêu đầu bài “hở” và kiểm tra, giám sát kém

Trước hết, các chủ đầu tư đã không làm kiểu đấu thầu “2 phong bì”, phong bì kỹ thuật và phong bì giá, riêng rẽ. Cần phải lựa chọn các nhà thầu đạt tiêu chuẩn kỹ thuật, công nghệ cao. Đây cũng có thể là khâu chủ đầu tư sơ hở từ đầu. Chẳng hạn, đã nêu yêu cầu kỹ thuật công nghệ không rõ ví dụ nêu “thiết bị từ các hãng G7”, nhưng sau này họ lại lắp đặt các thiết bị G7 được sản xuất tại nước khác, chất lượng kém hơn hẳn, như kiểu xe nhập khẩu và xe lắp ráp chất lượng khác nhau.

Thành ra, dù nhà thầu kém, kể cả một số nhà thầu Trung Quốc chưa có nhiều kinh nghiệm vẫn “qua mặt” được các nhà cung cấp thiết bị chính hãng! Đến khi xét thầu theo giá thì nhà thầu Trung Quốc có lợi thế do biết cách bỏ thầu chắc thắng.

Nguyên nhân chính để xảy ra và tồn tại tình trạng Trung Quốc luôn thắng thầu là nhà thầu biết cách thực hiện các công đoạn, hạng mục sai với thiết kế và hợp đồng, nhưng có thể mua chuộc giám sát để tìm ra các lỗi phát sinh ngụy tạo để tăng vốn từ chủ đầu tư. Nói cách khác là nhà thầu Trung Quốc biết và được sử dụng điều kiện tồn tại tham nhũng và sử dụng vốn vô trách nhiệm từ chủ đầu tư Việt Nam. Do đó, giải pháp để ngăn chặn nhà thầu Trung Quốc là phải sửa lỗi từ bên trong tức các chủ đầu tư Việt Nam – đương nhiên không phải đơn thuần chỉ trên phương diện kinh tế.

Giải pháp

1.
Cần phải có luật lệ rõ ràng là nếu một công ty nước ngoài nào đã vi phạm đấu thầu trong một dự án thì công ty đó sẽ bị loại hoàn toàn trong các cuộc đấu thầu khác khắp trong nước bất kể ngành gì. Ngoài ra, quốc gia của công ty đó phải chịu một điểm xấu trong lịch trình đấu thầu của tất cả các dự án khác. Điều này, nếu chúng ta nêu rõ ràng và minh bạch thì không ai có thể kêu ca gì cả.

Cũng cần phải có các luật lệ rõ rằng về quỹ tiền thế chân (Bonds). Thứ nhất quỹ này phải do một cơ quan độc lập đứng ngoài dự án giữ để tránh tiền bị thất thoát.  Thứ hai, cần phải có các loại tiền thế chân khác nhau. Chẳng hạn, hầu như tất cả các công việc xây dựng công ở Mỹ đều được thực hiện bởi các công ty tư nhân. Công việc này thường được trao cho nhà thầu đáp ứng thấp nhất thông qua hệ thống giá thầu niêm phong cạnh tranh. Trái phiếu chắc (Surety Bonds) đóng một vai trò quan trọng cho hệ thống hoạt động. Ở Mỹ, có 3 loại trái phiếu chắc:

– Trái phiếu đấu thầu (Bid Bond) có mục đích để loại bỏ các nhà thầu yếu kém (phù phiếm) ra khỏi quá trình đấu thầu bằng cách đảm bảo rằng nhà thầu thành công sẽ tham gia vào hợp đồng và sẽ làm đúng theo tiêu chuẩn và nộp trái phiếu thanh toán (Payment Bond). Nếu người thầu trả giá thấp nhất không thực hiện được các cam kết này, chủ sở hữu sẽ được bảo vệ tối đa bằng số tiền của trái phiếu đấu thầu, thường trị giá của trái phiếu đấu thầu (Bid Bond) là sự khác biệt giữa giá thầu thấp và giá thầu đáp ứng cao kế tiếp. 

– Trái phiếu hiệu suất (Performance Bond) đảm bảo nhà thầu sẽ thực hiện hợp đồng theo các điều khoản và điều kiện đã đặt ra, theo giá thỏa thuận và trong thời gian đã được hoạch định.

– Trái phiếu thanh toán (Payment Bond) nhằm bảo vệ những người lao động, nhà cung cấp vật liệu và nhà thầu phụ nếu xảy ra việc nhà thầu không thanh toán tiền nong. Vì các khoản thế chấp không thể được đặt ra cho tài sản công cộng (chẳng hạn mình không thể đem con đường sẽ xây ra làm thế chân), trái phiếu thanh toán là cách bảo vệ duy nhất mà những người này được thanh toán cho hàng hóa và dịch vụ mà họ cung cấp cho dự án.

Chúng ta có thể viện nhiều lý do để các công ty nước ngoài phải đóng cả 3 loại tiền thế chân này trong khi các công ty trong nước đóng ít hơn để giúp các công ty nội địa.

2.
Hồ sơ mời thầu cần chặt chẽ về kỹ thuật, quy trình, nêu rõ mục tiêu phải đạt, tiêu chí, loại thiết bị/công nghệ tầm G7 (cho phép tương đương).  Cần tính toán dòng tiền đầu tư, cộng vận hành bảo dưỡng trong lâu dài. Cần so sánh: giá đầu tư có thể cao ban đầu nhưng về lâu về dài tổng chi phí sẽ thấp, so với giá đầu tư thấp nhưng sau đó có nhiều “hidden cost” (chi phí che dấu) nếu tính đúng, tính đủ thì tổng giá thành rất cao nhưng không được thể hiện trên giấy tờ.

3.
Vấn đề hợp đồng phải có từng giai đoạn và trong từng giai đoạn phải có sản phẩm (output) có thể kiểm tra về số lượng và chất lượng. Nhà thầu phải mua hoặc đóng bảo hiểm để sửa chữa các sai phạm. Nếu không làm đúng thì phải dừng ngay và bên thầu phải sửa chữa hoặc bị loại trừ. Trong trường hợp bên VN không có khả năng kiểm tra thì thuê kiểm tra nước ngoài (tức là tư vấn). Ở nước ngoài, nếu có chuyện băn khoăn 50/50 về quy định, quy trình, cơ sở khoa học… giữa việc chấp nhận và bác bỏ vấn đề gây quan ngại thì chủ đầu tư nghe theo khuyến cáo của Tư vấn, vì Tư vấn có tính độc lập nhưng vẫn muốn bảo vệ chủ đầu tư.

4.
Những người có trách nhiệm được nhà nước giao phó trong quản lý vốn, giám sát,… không chỉ cần có cái tâm và cái tầm mà phải được nghiêm trị khi vi phạm hối lộ, tham nhũng.

5.
Giải pháp để nhà thầu Trung Quốc bảo đảm hay tăng chất lượng và giảm chi phí công trình là phải sửa lỗi từ bên trong tức các chủ đầu tư Việt Nam. Sự tiếp tục thắng thầu của các nhà thầu Trung Quốc ngày càng tăng hình như là thứ mà mang tính bao trùm lên tất cả là vấn đề lỗi thể chế chính trị xã hội chưa có dấu hiệu đổi mới, chưa nhìn nhận thấu đáo bàn tay ma quỷ can thiệp và lũng đoạn của Trung Quốc vào nội bộ nước ta như thế nào?

Lời kết

Chính giới và giới trí thức ở Mỹ, Úc, New Zealand và nhiều quốc gia khác lên tiếng gay gắt vạch trần sự lũng đoạn nghiêm trọng của Trung Quốc từ hàng thập kỷ nay vào nội bộ nước họ dưới mọi hình thức của quyền lực mềm và ăn cắp “know how”, quyền sở hữu trí tuệ gây ra nhiều hệ lụy khác rất nghiêm trọng.

Chúng ta không từ chối đầu tư và hoạt động kinh tế của Trung Quốc tại Việt Nam nhưng không chấp nhận những nhà đầu tư không chỉ thiếu năng lực, trình độ mà điều quan trọng là muốn gây hạị cho VN, thậm chí điều này đậm nét hơn là “kiếm chác“! Dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông dùng vốn vay và nhà thầu Trung Quốc, liên tục đội vốn, hoãn ngày khánh thành, nay vẫn trơ gan như một tượng đài “tiền mất, tật mang” giữa Thủ đô.

Ở Việt Nam, chuyện cũ chưa xong lại thêm mối lo mới về việc Việt Nam cho phép làm thí điểm khu kinh tế Vần Đồn có yếu tố Trung Quốc làm người dân càng nặng trĩu khôn nguôi, nỗi âu lo về bàn tay ma quỷ của Tầu đã thò vào mọi lĩnh vực của mảnh đất hình chữ S thân thương này. Giữa lúc này, Trung Quốc lại đang leo thang trên Biển Đông bằng hành động kiểm soát khai thác tài nguyên biển, và lời lẽ hăm dọa chiến tranh trực tiếp uy hiếp nước ta.

Phải cải cách thể chế chính trị và xã hội, dựa trên bài học rất thành công của chống dịch covid 19 để lấy lại lòng tin của nhân dân, dựa vào sức mạnh của cả dân tộc và sức mạnh của thời đại để bảo vệ chủ quyền quốc gia và phát triển bền vững của đất nước.

Xin có mấy câu thơ để thay cho lời kết của bài viết này:

Ông Lớn“ muốn cả thiên hà
  Lòng tham vô đáy, nghịch tà vô biên
  Ngàn năm chuyện ấy còn nguyên
  Có chơi thì nhớ đừng quên điều này:
  Rõ ràng, minh bạch, thẳng ngay
  Đừng vì tham để đến ngày lại lo
Bàn tay “ma quỷ” lắm trò
Gạc Ma còn đấy, nhớ cho, không thừa.

T.V.T.
Tác giả gửi BVN







No comments:

Post a Comment

View My Stats