Thursday 11 October 2018

VINFAST - TỰ HÀO hay HOANG TƯỞNG? (Thạch Đạt Lang)




Thạch Đạt Lang
10/10/2018

Hai tuần qua, bên cạnh 2 đảng tang mà đảng CSVN gọi là “quốc tang”, bắt người dân phải nhỏ những giọt nước mắt cá sấu, sụt sùi theo họ, có một tin vui được cư dân mạng bàn tán rôm rả, đó là tin Việt Nam lần đầu tiên sản xuất xe hơi hiệu Vinfast, ra mắt tại hội chợ triễn lãm Paris Motor Show ngày 02.10.2018, và sẽ bán ra thị trường vào tháng 9/2019.

Nhiều người Việt Nam, trong nước cũng như hải ngoại, rất tự hào về điều này. Không tự hào sao được, khi mà chỉ mới cách đây vài năm, cả nước với hơn 24.000 tiến sĩ, chưa kể số giáo sư, phó giáo sư do đảng và nhà nước đào tạo, vẫn chưa sản xuất được con ốc vít đủ tiêu chuẩn sử dụng trong công nghiệp. Đúng là một bước nhẩy vọt thần kỳ.

Vinfast dự trù trong năm đầu tiên sẽ sản xuất 250.000 chiếc ô tô, con số 250.000 chiếc sản xuất hàng năm bằng tổng doanh số bán xe của tất cả các hãng xe hơi có đại diện tại Việt Nam. Câu hỏi được đặt ra là số lượng xe sản xuất tại Việt Nam sẽ bán cho ai? Cho người tiêu thụ trong nước hay xuất cảng ra nước ngoài?

Có lẽ bán cho dân trong nước hơi khó, phần vì người Việt Nam chuộng đồ ngoại hơn đồ nội địa, phần vì đắt quá. Theo bài báo trên Tiếng Dân của dịch giả Hiếu Bá Linh, cả 2 kiểu xe Vinfast Lux A2.0 và Lux SA2.O đều có động cơ mạnh ít nhất là 175 mã lực, là không thể với tới vì quá đắt.

Tại sao lại quá đắt? Bởi vì thu nhập bình quân của mỗi người dân Việt Nam trong năm 2017 chưa tới 2.400 USD/năm. Đó là chưa kể giá xăng tăng như ngựa bất kham. Mức tiêu thụ xăng cho các loại xe nhiều mã lực như thế trong những thành phố luôn bị kẹt xe khủng khiếp ở Việt Nam như Hà Nội, Sài Gòn… chắc chắn là điều cân nhắc đối với những ai muốn sở hữu một chiếc xe của hơi.

Xe Vinfast dự định sẽ bán ra ở Việt Nam với giá thấp nhất, khoảng 50.000 USD trở lên, tùy theo động cơ và model. Vậy ai sẽ là người mua tại VN? Dân nghèo chiếm tỉ lệ 80-85% dân số, với thu nhập bình quân 2.400 USD/năm chắc chắn không có khả năng để mua xe Vinfast. Như vậy, xe này chỉ có thể bán cho giới cán bộ, đảng viên, công an có chức quyền, hoặc doanh nhân có thu nhập cao. Người buôn bán lẻ hoặc viên chức cấp thấp, không có điều kiện ăn hối lộ, tham nhũng, khó lòng mơ tưởng.

Còn xuất cảng ra nước ngoài? Nước ngoải ở đây đương nhiên chỉ nói đến châu Á (không kể Nhật, Nam Hàn nơi Vinfast có nằm mơ cũng không dám nghĩ tới) hay rõ hơn là Đông Nam Á như Lào, Miên, Miến Điện, Thái Lan, Phi… Nhưng dân ở đây đa số cũng nghèo như Việt Nam, lấy đâu ra tiền mà mua?

Thông điệp được gửi tới Paris Motor Show ngày 02.10.2018: “Đây là thương hiệu xe ô tô đầu tiên của Việt Nam; những chiếc xe đầu tiên được sản xuất hoàn toàn tại Việt Nam”, rõ ràng là một sự quảng cáo lố bịch, gian dối, lưu manh cho người dân VN tự sướng.

Vinfast được gọi là xe sản xuất tại Việt Nam nhưng có bao nhiêu phần trăm thành phẩm, bộ phận mang nhãn hiệu “Made In Vietnam” được lắp ráp vào xe? Hộp số rõ ràng của hãng ZF, động cơ của BMW, khung và thân xe chưa biết của ai. Ghế ngồi, tay lái, bảng điều khiển, nệm bọc ghế, bánh xe…, hàng chục ngàn cơ phận, thành phẩm được lắp ráp để hoàn thành một chiếc xe có thể lưu thông trên đường phố. Cơ phận hay thành phẩm nào thực sự do bàn tay lao động của người VN chế tạo, để có thể tự hào là Made in Vietnam?

Để có niềm tự hào, cá nhân hay tập thể phải đạt được thành quả hơn người về một phương diện nào đó, từ khoa học, kỹ thuật, y khoa, âm nhạc, hội họa, văn hóa… đến những công trình nghiên cứu phát minh, những sáng tạo chưa ai thực hiện, tìm tòi, nghĩ ra.

Về xe Vinfast, khoan nói đến vấn đề kỹ thuật, khi vận hành trên đường phố, chắc chắn Lux 2.0 và Lux SA 2.0 không thể so sánh với kỹ thuật hiện đại mà các hãng BMW, Mercedes… không thể trao cho Vinfast, chỉ nói về Crash Test tức là thử độ an toàn cho người ngồi trên xe khi xẩy ra tai nạn với vận tốc 64km/giờ tông trực diện vào một vật cản cứng như bức tường bê tông, hay ngang hông và từ phía sau, với Pfahl Crash là 30 km/giờ.

Hãng BMW đã trao cho Vinfast kỹ thuật sản xuất BMW dòng số 5 đời cũ (Serie 5er, SUV- X5) cách đây hơn 10 năm, động cơ với khí thải (emissions) E5 trong lúc Âu châu đòi hỏi E6. Đem kỹ thuật cũ của hơn thập niên trước với giá bán trên trời, vào cạnh tranh với thị trường high tech hiện tại của Nhật, Nam Hàn…, phải chăng là một chiến lược mới của Phạm Nhât Vượng?

Vinfast sẽ dùng thép của ai để sản xuất khung xe (chassis), thân xe (body), cửa…? Liệu thép sản xuất tại VN của Trần Đình Long, tập đoàn thép Hòa Phát, có chịu nổi những cái test này không?

Hơn thế nữa, cho dù cơ xưởng sản xuất của Vinfast nằm ở Hải Phòng, thuận tiện cho việc vận chuyển cơ phận, tiếp nhận hàng hóa, thành phẩm đi và đến bằng đường thủy, Vinfast cũng cần có một hệ thống hạ tầng cơ sở hoàn chỉnh, điều Việt Nam chưa hề có được ở bất cứ nơi nào trên cả nước. Chưa xây dựng được hạ tầng cơ sở hoàn chỉnh, không thể có nền công nghiệp hiện đại.

Nguyên tắc để đưa một sản phẩm mới vào thị trường, cạnh tranh với các sản phảm, thương hiệu đã hiện diện, thống trị lâu đời là: Sản phẩm đẹp hơn, chất lượng tốt hơn, giá thành rẻ hơn, dịch vụ bảo trì tốt hơn, quảng cáo hay hơn…

Phạm Nhật Vượng đang đi ngược lại nguyên tắc này, trừ việc thuê David Beckham đứng làm người giới thiệu sản phẩm – biết đâu lại là một chiến lược tuyệt vời, chưa có ai dám nghĩ, dám làm.

Học hỏi, sử dụng, lắp ráp, nhập cảng gần như toàn bộ những kỹ thuật, công nghiệp mà thiên hạ hơn 10 năm qua không còn sản xuất thì có gì để tự hào?

Nói tóm lại, chuyện Vinfast có thể sản xuất năm đầu tiên, khởi sự vào mùa thu 2019 với sản lượng trong năm là 250.000 chiếc ô tô Made in Vietnam để cạnh tranh với các nhãn hiệu ô tô khác, là một sự hoang tưởng, còn nếu không thì rõ ràng Vượng đang có kế hoạch chiếm hữu đất đai với mục đích xây dựng cái gì khác, chỉ có Vượng mới biết, bởi sau khi Vinfast thất bại, thua lỗ, Vượng chuyển qua kinh doanh cái gì.

Nếu thật sự yêu nước, thương dân và là người có kiến thức, hiểu biết, Phạm Nhật Vượng sẽ tìm cách sản xuất một chiếc ô tô có giá thành, lượng tiêu thụ xăng phù hợp với túi tiền của đa số người dân để bán trong nước, sau đó mới nâng dần chất lượng, tiêu chuẩn để thỏa mãn yêu cầu của người tiêu thụ. Nhưng điều đó khó có thể xảy ra bởi Vượng chỉ là tài phiệt, một mafia đỏ cấu kết với giới cai trị là chế độ cộng sản, làm giàu trong sự hỗn loạn của một đất nước bất ổn về chính trị, xã hội, không có luật pháp rõ ràng.

Sự phá sản của nhà máy lọc dầu Dung Quất ở tỉnh Quảng Ngãi, hay Vinashin, Vinaline, và mới đây là nhà máy thép Cà Ná của Lê Phước Vũ đã phải tạm ngừng dự án, vẫn chưa làm cho nhiều người bớt đi trên mây. Bao lần thua lỗ, mất mát với vài chục tỉ USD là những bài học cay đắng, đau đớn nhưng dường như vẫn không làm cho người Việt Nam tỉnh giấc, tiếp tục tự hào với những thứ mà mình không có.

-------------

XEM THÊM

October 10, 2018







No comments:

Post a Comment

View My Stats