Monday, 8 October 2018

TRUNG QUỐC, NHẬT BẢN & TRUMP CỦA MỸ (Joseph S. Nye - Project Syndicate)




Joseph S. Nye  -  Project Syndicate
Dịch giả: Đỗ Kim Thêm
08/10/2018

Nỗi lo của Nhật Bản về các chính sách theo định hướng và bảo vệ cho “nước Mỹ trên hết” của Donald Trump là không ngạc nhiên. Khi hai năng lực phòng thủ của hai đồng minh không đối xứng, thì phe phụ thuộc nhiều hơn sẽ phải lo nhiều hơn về mối quan hệ đối tác.

Thủ tướng Nhật Shinzō Abe và TT Donald Trump. Nguồn: Cheriss May/ NurPhoto/ Getty Images

Vấn đề chiến lược quan trọng ở Đông Á là sự trỗi dậy về quyền lực của Trung Quốc. Một số nhà phân tích tin rằng Trung Quốc sẽ tìm kiếm một hình thức bá quyền ở Đông Á mà nó sẽ dẫn đến xung đột. Không giống như châu Âu, Đông Á không bao giờ hoàn toàn đồng ý với những điều kiện của những năm thuộc thập niên 1930, và các phân hoá trong thời Chiến tranh Lạnh sau đó đã hạn chế việc hòa giải.

Hiện nay, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tung ra một cuộc chiến thương mại với Trung Quốc và các đàm phán với Nhật Bản nhằm mục đích giải quyết vấn đề thặng dư thương mại của Nhật Bản với Hoa Kỳ. Trong thông báo gần đây về các đàm phán song phương trì hoãn việc đe dọa áp thuế xe hơi của Trump với Nhật Bản, các nhà phê bình lo ngại rằng Trump có thể đẩy Nhật Bản tiến đến gần Trung Quốc hơn, khi chủ tịch Trung Quốc là Tập Cận Bình sẽ dự trù tổ chức một cuộc hội nghị thượng đỉnh với Thủ tướng Shinzo Abe vào cuối tháng này.

Sự cân bằng quyền lực giữa Nhật Bản và Trung Quốc đã thay đổi đáng kể trong những thập niên gần đây. Trong năm 2010, GDP của Trung Quốc vượt qua Nhật Bản khi được tính bằng đô la (mặc dù nó vẫn còn đứng xa phía sau Nhật Bản theo cách tính theo bình quân đầu người). Không ai còn nhớ là cách đây gần hai thập niên trước, nhiều người Mỹ sợ sẽ bị Nhật Bản, không phải là sợ Trung Quốc, vượt qua. Các sách vở dự đoán Khối Thái Bình Dương do Nhật Bản lãnh đạo sẽ loại trừ Hoa Kỳ, và thậm chí cuối cùng là sẽ có một cuộc chiến với Nhật Bản. Thay vào đó, trong thời  của Tổng thống Bill Clinton, Hoa Kỳ tái khẳng định liên minh an ninh với Nhật Bản đồng thời chấp nhận sự trỗi dậy của Trung Quốc và ủng hộ việc Trung Quốc tham gia vào Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Vào những năm đầu của thập niên 1990, nhiều nhà quan sát tin rằng, liên minh Mỹ-Nhật sẽ bị từ bỏ như một di tích của thời Chiến tranh Lạnh. Các căng thẳng về thương mại đã lên cao độ. Thượng nghị sĩ Paul Tsongas đã vận động cho tổng thống vào năm 1992 theo khẩu hiệu, “Chiến tranh Lạnh kết thúc và Nhật Bản đã thắng.” Chính quyền Clinton bắt đầu một chiến dịch công kích Nhật Bản, nhưng sau quá trình trong hai năm đàm phán, Clinton và Ryutaro Hashimoto, sau đó là Thủ tướng, đã đưa ra lởi tuyên bố vào năm 1996 rằng liên minh là nền tảng cho sự ổn định Đông Á sau thời kỳ Chiến tranh Lạnh.

Tuy nhiên, có một mức độ bất ổn sâu xa hơn, và mặc dù hiếm khi thể hiện công khai, nó liên quan đến mối quan tâm của Nhật Bản là khi Mỹ quay sang hướng Trung Quốc, Nhật Bản sẽ chịu thiệt. Khi tôi tham gia đàm phán việc tái khẳng định liên minh vào giữa những năm 1990, các đối tác Nhật Bản của tôi, ngồi quanh một chiếc bàn được trang sức với hai lá cờ quốc gia phủ lên, chúng tôi hầu như không thảo luận chính thức gì về Trung Quốc. Nhưng sau đó, trong giờ giải khát, họ hỏi liệu nước Mỹ sẽ chuyển trọng tâm từ Nhật Bản sang Trung Quốc không, khi sức mạnh nước này tăng trưởng.

Những lo lắng như vậy không đáng ngạc nhiên: khi năng lực phòng thủ của hai đồng minh không đối xứng, một phe phụ thuộc nhiều hơn sẽ phải lo lắng nhiều hơn về mối quan hệ đối tác. Trong những năm qua, một số người Nhật đã lập luận rằng Nhật Bản sẽ trở thành một quốc gia “bình thường” với đầy đủ khả năng quân sự. Thậm chí một số chuyên gia còn cho rằng Nhật Bản bỏ một số nguyên tắc chống vũ khí hạch tâm và phát triển vũ khí hạch tâm. Nhưng các biện pháp như vậy sẽ gây ra nhiều vấn đề hơn là sẽ giải quyết. Ngay cả khi Nhật Bản đã có các biện pháp trở thành một quốc gia “bình thường” (bất kể điều khoản đó có thể ngụ ý gì đi nữa), thì Nhật Bản vẫn không bằng sức mạnh của Hoa Kỳ hay Trung Quốc.

Hiện nay, Nhật Bản có hàng loạt các mối quan tâm mới về việc bỏ rơi của Mỹ. Các chính sách bảo vệ và định hướng theo “Mỹ là đầu tiên” của Trump đặt ra rủi ro mới cho liên minh. Sự rút lui của Trump trong mối quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) là một cú đánh Nhật Bản. Trong khi Abe đã khéo léo ứng đối trước tính ích kỷ của Trump để ngăn chận tình trạng xung đột, sự khác biệt quan trọng vẫn còn. Việc áp đặt thuế thép và nhôm của chính quyền Trump dựa vào vào các lý do an ninh quốc gia gây ngạc nhiên cho Abe và đã gây thêm bất an tại Nhật Bản.

Chính quyền Trump cũng gợi ý rằng các đồng minh của Mỹ ở châu Á nên làm nhiều hơn để tự bảo vệ và công khai đặt vấn đề về giá trị của các lực lượng Mỹ được triển khai sắp tới. Một số nhà phân tích tự hỏi liệu các hành động của Trump sẽ buộc Nhật Bản phải tự bảo hiểm việc đánh cược và xác định lợi thế của mình đối với Trung Quốc không. Nhưng điều đó khó xảy ra ở giai đoạn này. Trong khi các lựa chọn như vậy có thể được khám phá, Nhật Bản sẽ vẫn còn hạn chế, đứng trước những lo ngại của Nhật Bản về sự thống trị của Trung Quốc. Liên minh với Mỹ vẫn là lựa chọn tốt nhất – trừ khi Trump đi xa hơn nhiều.

Cho đến nay, liên minh vẫn còn mạnh đáng kể. Abe đã  tiếp xúc khá sớm với Trump, vị Tổng thống đắc cử, gặp ông lần đầu tiên tại Toà nhà của Trump ở New York và sau đó trong các chuyến thăm tại Washington DC, và Mar-a-Lago, tư dinh của Trump ở Florida. Mối quan hệ giữa Abe và Trump cho phép Ngũ Giác Đài duy trì sự hợp tác chặt chẽ về các vấn đề an ninh. Bắc Triều Tiên đã giúp tập trung sự quan tâm của liên minh và tạo cơ hội cho Trump đảm bảo với Nhật Bản rằng Hoa Kỳ đứng sau Nhật Bản “100%”.

Cả Abe và Trump đều ủng hộ chiến lược “áp lực tối đa” chống lại Bắc Triều Tiên, họ làm việc tích cực để xây dựng sự hỗ trợ quốc tế cho các lệnh trừng phạt của cơ quan Liên Hiệp Quốc. Trong khi đó, Nhật Bản đã công bố một khoản đầu tư mới và lớn vào việc phòng thủ hoả tiển đạn đạo và hợp tác trong sự phát triển hỗn hợp. Mặt khác, thái độ đảo ngược đáng ngạc nhiên của Trump đối với nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un sau khi hội nghị thượng đỉnh của họ vào tháng 6 đã khiến Nhật Bản lo ngại về một thỏa thuận của Mỹ tập trung vào vấn đề hoả tiển liên lục địa và bỏ qua các hoả tiển tầm trung mà nó có thể đụng đến Nhật Bản.

Lập luận của Trump về việc chia sẻ gánh nặng cũng đã gây lo ngại. Trong khi kinh phí quốc phòng của Nhật Bản hơn 1% GDP một chút, nó đóng góp cho sự hỗ trợ đáng kể của nước chủ nhà. Theo ước tính của Bộ Quốc phòng Mỹ, chính phủ Nhật Bản trả khoảng 75% chi phí hỗ trợ cho lực lượng Mỹ tại Nhật Bản. Chỉ riêng năm nay, chính phủ Nhật đã lên ngân sách 197 tỷ yên (1,7 tỷ đô la) để chia sẻ chi phí, 226 tỷ đô la yên (2 tỷ đô la Mỹ) để tái phối trí lực lượng Hoa Kỳ, và 266 tỷ yên (2,3 tỷ đô la) trong nhiều loại hỗ trợ chung, trong số các chi phí liên quan đến liên minh.

Trong một phần tư thế kỷ trước, khi chính quyền Clinton công nhận sự trỗi dậy của Trung Quốc đã tạo ra một sự cân bằng quyền lực trong ba nước ở Đông Á. Nếu Mỹ và Nhật Bản duy trì liên minh, họ có thể định hình môi trường mà Trung Quốc phải đối mặt và giúp điều hoà quyền lực ngày càng tăng của mình. Nhưng điều đó sẽ phụ thuộc vào việc chính quyền Trump có duy trì thành công liên minh Mỹ-Nhật Bản hay không.

*
Joseph S. Nye, Jr., Giáo sư Đại học Harvard và là tác giả của cuốn Is the American Century Over?

--------------------

Nguồn :
Oct 4, 2018









No comments:

Post a Comment

View My Stats