VOA Tiếng Việt
20/10/2018
Quan
hệ song phương Việt Nam-Slovakia sẽ bị đóng băng cho đến khi Slovakia nhận được
lời giải thích khả tín từ Hà Nội về vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, phát ngôn viên
Bộ Ngoại giao Slovakia Boris Gandel nói với hãng thông tấn nhà nước TASR hôm
19/10, trong một phản ứng trước lời kêu gọi của đảng Tự do và Đoàn kết đối lập
(SaS) đòi phải trục xuất đại sứ Việt Nam.
Theo lời phát ngôn viên Gandel, Bộ Ngoại giao
Slovakia hiện vẫn chưa nhận được câu trả lời từ phía Việt Nam sau cuộc họp của
bộ trưởng ngoại giao hai nước ở New York gần đây.
“Slovakia là một quốc gia nghiêm túc và sẽ có hành động ngoại giao nghiêm
khắc đối với Việt Nam ngay khi những nghi ngờ nghiêm trọng mà Việt Nam đang đối
mặt được xác nhận đầy đủ và chính thức”, TASR dẫn lời ông
Gandel nói.
Trước đó trong ngày, đảng Tự Do và Đoàn kết kêu gọi
Bộ trưởng Ngoại giao Slovakia Miroslav Lajcak trục xuất đại sứ của Việt Nam.
“Chính phủ Việt Nam đã trắng trợn lợi dụng Slovakia để bắt cóc công dân
Việt Nam Trịnh Xuân Thanh, sử dụng lãnh thổ của chúng ta và thậm chí cả máy bay
của chính phủ Slovakia để vận chuyển ông ta. Dù chính phủ Việt Nam không thể giải
thích làm thế nào mà Trịnh Xuân Thanh đi từ Đức về Việt Nam, nhưng đã có sự
đánh lạc hướng một cách hệ thống cả chính phủ lẫn công chúng Slovakia thông qua
đại sứ nước này, trong lúc chối bỏ trách nhiệm trong vụ bắt cóc”, hãng thông tấn nhà nước dẫn lời Nghị sĩ Martin Klus thuộc đảng SaS nói.
Truyền thông Slovakia cho biết vào đầu tháng này,
bên lề cuộc họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ở New York, Ngoại trưởng Slovakia
Miroslav Lajcak đã chất vấn Phó Thủ tướng-Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm
Bình Minh về vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh. Ông nói rằng những giải thích trước
đây của Việt Nam về vụ này “không thỏa đáng” và cảnh báo Việt Nam về “hậu quả”
của vụ này, đồng thời yêu cầu Hà Nội phải “nhanh chóng làm rõ mọi nghi ngờ để
khôi phục lòng tin lẫn nhau trong quan hệ song phương”.
Doanh nhân-công chức nhà nước Trịnh Xuân Thanh bị
tình báo Việt Nam bắt cóc tại Đức vào tháng 7 năm ngoái trong lúc đang xin tị nạn
tại Đức. Các nhà điều tra sau đó phát hiện ông Thanh đã được chở đến Slovakia
và được đưa lên chiếc chuyên cơ mà chính phủ Slovakia cho phái đoàn quan chức cấp
cao mượn, rồi từ đó bay sang Nga và về Việt Nam.
Phía Việt Nam nói ông Thanh tự ra đầu thú, sau đó kết
án ông hai án tù chung thân về tội tham ô vào đầu năm nay.
---------------
Liên
quan
No comments:
Post a Comment