Thursday, 4 October 2018

SLOVAKIA KHỞI TỐ VỤ BẮT CÓC TRỊNH XUÂN THANH (tổng hợp)




Hiếu Bá Linh, tổng hợp
4-10-2019

Thủ tướng Pellegrini của Slovakia hứa với Thủ tướng Đức Merkel hôm 2/7/2018 sẽ làm sáng tỏ và cam kết hợp tác, cung cấp tất cả thông tin mà phía Đức yêu cầu về vụ bắt cóc. Ảnh: Internet

Thủ tướng Pellegrini của Slovakia nói: “Nếu thật sự Slovakia đã bị lợi dụng và phái đoàn Việt Nam đã lạm dụng một chuyến thăm để đưa một công dân của mình từ Slovakia ra khỏi khu vực Schengen – ra ngoài khối Liên minh châu Âu – thì sẽ phải chịu hậu quả nghiêm trọng mà Bộ trưởng Ngoại giao Slovakia đã thông báo. Và chúng tôi sẽ phản ứng rất mạnh đối với Việt Nam, bởi vì không thể tưởng tượng được rằng một quốc gia ngoài Liên minh châu Âu (EU) có thể thực hiện các hoạt động như vậy tại một nước thành viên của Liên minh, một nước thành viên của khối NATO [khối quân sự Bắc Đại Tây Dương]

Hôm qua ngày 2/10/2018 báo Pravda.sk của Slovakia đưa tin, Thủ tướng Slovakia nói rằng, Việt Nam sẽ nhận lãnh các hậu quả về ngoại giao do vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh gây ra. Sau đó Hãng Thông tấn DPA của Đức cũng đã đưa tin dựa vào bài của báo Pravda.sk.

Theo Thủ tướng Peter Pellegrini của Slovakia, sự tiến triển của cuộc điều tra cho thấy rằng, cảnh sát ở Slovakia không bị cấm đoán, họ có thể cung khai với sự hiểu biết và lương tâm của mình về những gì họ có thể nhìn thấy. Thủ tướng Slovakai cũng nhấn mạnh rằng, cuộc điều tra có thể chứng minh liệu Trịnh Xuân Thanh từng có mặt ở Slovakia hay không.

Cũng cần nhắc lại, hồi giữa tháng 5 năm nay, trước sự chất vấn của Bộ Ngoại giao Slovakia,  phía Việt Nam trả lời rằng “Trịnh Xuân Thanh chưa bao giờ có mặt ở Slovakia”.

Thủ tướng Pellegrini nói: “Quan điểm của chúng tôi rất rõ ràng. Nếu thật sự Slovakia đã bị lợi dụng và phái đoàn Việt Nam đã lạm dụng một chuyến thăm để đưa một công dân của mình từ Slovakia ra khỏi khu vực Schengen – ra ngoài khối Liên minh châu Âu, thì sẽ phải chịu hậu quả nghiêm trọng mà Bộ trưởng Ngoại giao Slovakia đã thông báo. Và chúng tôi sẽ phản ứng rất mạnh đối với Việt Nam, bởi vì không thể tưởng tượng được rằng một quốc gia ngoài Liên minh châu Âu (EU) có thể thực hiện các hoạt động như vậy tại một nước thành viên của EU, một nước thành viên của khối NATO [khối quân sự Bắc Đại Tây Dương]”.

Tuy nhiên Thủ tướng Pellegrini từ chối suy đoán trách nhiệm của ông Robert Kaliňák, cựu Bộ trưởng Nội vụ Slovakia trong thời điểm đó, là người đã cho Bộ trưởng Công an Tô Lâm mượn chiếc chuyên cơ của chính phủ Slovakia. “Tôi không phải là thẩm phán, chúng ta có tòa án và Viện công tố. Nhưng cho đến nay, tất cả mọi dấu hiệu – nếu nó được xác nhận – đều cho thấy, phía Việt Nam đã lợi dụng một cách thô bạo lòng hiếu khách của Cộng hòa Slovakia và lạm dụng các dịch vụ của chúng ta cung cấp cho phái đoàn Việt Nam”, ông Pellegrini nói.
Về những thông tin mà tôi có được, tôi thực sự không thấy cựu Bộ trưởng Nội vụ có tác động đến toàn bộ vụ việc. Nhưng chúng ta hãy chờ, kết quả của cuộc điều tra sẽ cho biết sự thật. Cái gì tới sẽ tới và phải trả giá”, Thủ tướng Slovakia nói thêm.

Các cơ quan hữu trách của Slovakia bắt đầu điều tra vụ bắt cóc này từ ngày 3 tháng 8 năm nay, khi nhà báo của Dennik N làm đơn tố cáo hình sự vụ việc Slovakia tham gia bắt cóc Trịnh Xuân Thanh. Để điều tra vụ này, Tổng công tố viện Slovakia cũng phối hợp cộng tác với Tổng Công tố viện Đức. Theo lời ông Jaromír Čižnár, người đứng đầu Tổng công tố viện Slovakia, hiện vẫn chưa có thể nói dứt khoát thông tin nào sẽ được xác nhận hoặc bị bác bỏ.

Bản tin ngày 3/10/2018 của Hãng Thông tấn DPA, Đức với tựa đề ”Slovakia dọa Việt Nam sẽ lãnh hậu quả về ngoại giao do vụ bắt cóc”, cùng ảnh chụp cựu Bộ trưởng Nội vụ Kalinak. Ảnh chụp màn hình

Slovakia đã tham gia vào vụ bắt cóc một cách có ý thức (tức là tiếp tay cho vụ bắt cóc) hoặc vô tình (tức là bị lừa gạt)?

Ông Robert Kaliňák, Bộ trưởng Nội vụ Slovakia trong thời điểm vụ bắt cóc xảy ra, đã phủ nhận bất kỳ sự tham gia nào của Cộng hòa Slovakia, tức là tiếp tay cho vụ bắt cóc. Thông tin mà Slovakia dính líu vào vụ bắt cóc đã được nhật báo Đức Frankfurter Allgemeine Zeitung đăng tải hồi đầu năm nay. Theo nhật báo Đức, các nhà điều tra Đức không còn hoài nghi gì nữa về việc chuyên cơ của chính phủ Slovakia đã được sử dụng trong vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh.

Bộ Nội vụ Slovakia, trong một đơn xin giấy phép bay ngang không phận Ba Lan, khai báo chở Bộ trưởng Nội vụ Robert Kaliňák, nhưng thật sự ông Kalinak không có mặt trên máy bay. Trên chuyên cơ của chính phủ Slovakia chỉ có phái đoàn Công an cấp cao do Bộ trưởng Tô Lâm dẫn đầu. Bộ Ngoại giao Slovakia cũng đã xác nhận thông tin nêu trên và trong vụ việc này các đảng đối lập đã yêu cầu tổ chức một cuộc họp bất thường của các Ủy ban Quốc hội Slovakia để bàn thảo và tìm hiểu về việc liệu Slovakia đã tham gia vào vụ bắt cóc một cách có ý thức (tức là tiếp tay cho vụ bắt cóc) hoặc vô tình (tức là bị lừa gạt)?

Cách đây 2 ngày, hôm 1/10/2018 Viện Công tố Slovakia đã ra quyết định khởi tố, sau khi 2 cảnh sát (hộ tống phái đoàn công an cấp cao do Bộ trưởng Tô Lâm dẫn đầu) đã khai với cơ quan điều tra Slovakia rằng, họ đã nhìn thấy một người đàn ông Việt Nam, có lẽ là Trịnh Xuân Thanh, bị kéo lết lên chuyên cơ của chính phủ Slovakia.

Trên Facebook của mình, ông Kaliňák thắc mắc tại sao mãi đến giờ 2 nhân viên cảnh sát này mới cung khai như thế:”Tôi tin chắc rằng 2 nhân viên cảnh sát bây giờ sẽ hợp tác với Viện Công tố, họ đã không làm như vậy trong thời gian trước đây vì những lý do gì không thể hiểu được”.

Tôi thực sự quan tâm rằng vụ việc này được điều tra kỹ lưỡng, và tất nhiên, tôi đã sẵn sàng hợp tác với các cơ quan thực thi pháp luật, nơi duy nhất được quyền đưa ra kết luận”, ông Kalinak nói.

Cựu Bộ trưởng Nội vụ đã một lần nữa bác bỏ bất kỳ sự cố tình tham gia nào của cơ quan mình trong một hành động như vậy. “Nếu xác nhận được rằng sự hiếu khách của chúng tôi đã bị Việt Nam lợi dụng, thì dứt khoát sẽ có biện pháp ngoại giao cứng rắn“, ông kết luận.

Bà Sakova và ông Kalinak đứng cạnh ông Tô Lâm trong chuyến thăm Việt Nam đầu tháng 6/2017, hai tháng trước khi vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh xảy ra – Cố vấn Lê Hồng Quang đứng sau ông Kalinak. Ảnh trên mạng

Đảng đối lập yêu cầu Bộ trưởng Nội vụ Denisa Sakova từ chức

Bà Denisa Sakova (thuộc đảng Smer) hiện là Bộ trưởng Nội vụ Slovakia, nhưng tại thời điểm xảy ra vụ bắt cóc, bà giữ chức Thứ trưởng Bộ Nội vụ, khi đó ông Kalinak là Bộ trưởng Nội vụ, sếp của bà.

Đảng đối lập SaS của Slovakia yêu cầu bà Denisa Sakova (thuộc đảng Smer), Bộ trưởng Nội vụ Slovakia phải từ chức. “Bộ trưởng Sakova đang ở trong tình huống xung đột khó khăn, bà ấy có thể gây cản trở trong cuộc điều tra, do đó bà nên rời khỏi chức vụ một cách tự nguyện và Thủ tướng Pellegrini không cần phải đưa ra quyết định cho bà ấy“, ông Richard Sulík Chủ tịch đảng SaS nói.

Theo đảng OĽaNO, là một đảng đối lập của Slovakia, hiện nay gần như chắc chắn rằng vụ việc này là một tội phạm nghiêm trọng và cảnh sát Slovakia vừa mới điều tra. Đảng OĽaNO kêu gọi bà Bộ trưởng Sakova hãy từ chức. Bà Veronika Remišová, Chủ tịch đảng OĽaNO, không tin rằng vụ việc này có thể xảy ra mà không có sự tham gia của “một số người cao cấp trong cơ cấu Bộ Nội vụ“. Bà Remišová nhấn mạnh rằng, tại thời điểm bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, bà Denisa Sakova là cánh tay phải của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Kaliňák.

----------------------------
VOA Tiếng Việt
03/10/2018

Slovakia vừa quyết định khởi tố vụ án liên quan đến vụ sử dụng máy bay của chính phủ trong vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, truyền thông Slovakia cho biết hôm 2/10.

Theo lời công tố viên Michal Surek nói với hãng thông tấn Slovakia TASR, tổng cộng có 22 người bị thẩm vấn liên quan đến vụ bắt cóc ông Thanh. Họ nằm trong số 44 người được Bộ trưởng Nội vụ Denisa Sakova miễn trừ nghĩa vụ bảo vệ bí mật để cung cấp thông tin liên quan cho giới hữu trách.

Trước đó một ngày, tờ Spectator cho biết hai sĩ quan cảnh sát Slovakia đã ra làm chứng và xác nhận họ nhìn thấy Trịnh Xuân Thanh bị lôi vào chiếc máy bay mà chính phủ Slovakia cho đoàn quan chức cấp cao, đứng đầu là Bộ trưởng Công an Tô Lâm, mượn trong chuyến công tác của đoàn này đến Slovakia hồi năm ngoái. Truyền thông Slovakia nói rằng lời chứng của hai sĩ quan là một bước ngoặt trong cuộc điều tra của nước này về vụ bắt cóc.

Tuần trước, bên lề cuộc họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ở New York, Ngoại trưởng Slovakia Miroslav Lajcak đã chất vấn Phó Thủ tướng-Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh về vụ bắt cóc và nói rằng những giải thích trước đây của Việt Nam về vụ này “không thỏa đáng”. Ông cảnh báo Việt Nam về “hậu quả” của vụ này và yêu cầu Hà Nội phải “nhanh chóng làm rõ mọi nghi ngờ để khôi phục lòng tin lẫn nhau trong quan hệ song phương”.

Doanh nhân-công chức nhà nước Trịnh Xuân Thanh bị tình báo Việt Nam bắt cóc tại Đức vào tháng 7 năm ngoái trong lúc ông này đang xin tị nạn tại Đức. Các nhà điều tra sau đó phát hiện ông Thanh đã được chở đến Slovakia rồi được đưa lên máy bay của chính phủ Slovakia, từ đó bay sang Nga và về Việt Nam.

Phía Việt Nam nói ông Thanh tự ra đầu thú, sau đó kết án ông hai án tù chung thân về tội tham ô vào đầu năm nay.

Trịnh Xuân Thanh tại tòa án ở Hà Nội ngày 24/1/2018.

Hiện vụ việc đang được cả hai cơ quan Slovakia và Đức điều tra.

VIDEO :

*
LIÊN QUAN








No comments:

Post a Comment

View My Stats