6/10/18
Đúng như nhiều người dự đoán, ông Nguyễn Phú Trọng sẽ
kiêm luôn chức "chủ tịch nước" của ông Trần Đại Quang vừa mới mất. Hội
nghị Trung ương 8 khai mạc hôm 2/10/2018 đã nhất trí 100% như vậy. Việc quốc hội
bỏ phiếu chỉ là chuyện hình thức.
"Nhất thể hóa" vừa là sự cẩu thả về mặt
ngôn ngữ vì nó không thuần Việt vừa tùy tiện về luật pháp vì nó không hề có
trong bất cứ một văn bản nào của nhà nước, thậm chí là trong các văn kiện của đảng.
Như vậy đây chỉ là nhu cầu mới phát sinh. Trước đây hai năm chính ông Trọng
cũng phản đối chuyện gộp bí thư và chủ tịch làm một vì sợ quyền hành quá lớn
không kiểm soát được.
Nhất thể hóa cũng không phải là bản sao hay sự rập
khuôn của Trung Quốc mà vì nhu cầu trong nội bộ Đảng cộng sản Việt Nam. Sỡ dĩ
giống Trung Quốc là vì hoàn cảnh của Đảng cộng sản Việt Nam cũng bế tắc và bi
đát như Đảng cộng sản Trung Quốc.
Nhất thể hóa có thể hiểu là sự thống nhất trong việc
gộp chung cấp ủy với nhà nước làm một ở cấp lãnh đạo. Tuy nhiên chỉ bản thân
ông Trọng là đảm nhiệm hai chức vụ còn "văn phòng trung ương đảng" với
"văn phòng chủ tịch nước" lại không thể gộp chung vì chức năng khác
nhau, theo như thông báo của ông Lê Quang Vĩnh, phó chánh văn phòng trung ương
đảng.
Lý do dẫn đến việc phân chia quyền lực trong đảng cộng
sản thành "tứ trụ" có nguồn gốc từ hồi Lê Duẩn và Lê Đức Thọ. Hai người
này làm thành một cặp đôi quyền lực tuyệt đối, quyết định và chi phối hoàn toàn
nhân sự và chính sách của đảng. Đây là hiện tượng "đảng trong đảng".
Lê Duẩn dùng "đảng con" của mình để khống chế đảng cộng sản và dùng đảng
cộng sản khống chế toàn bộ xã hội Việt Nam. Sau khi Lê Duẩn chết thì ban lãnh đạo
đảng quyết định chia quyền thành tứ trụ như bây giờ để không xuất hiện người thứ
hai như Lê Duẩn. Ông Nguyễn Tấn Dũng bị hạ bệ cũng vì lý do tập trung quá nhiều
quyền lực cho mình và phe nhóm.
Lý do chính dẫn đến việc "nhất thể hóa" là
vì Đảng cộng sản Việt Nam đã mất đồng thuận trên những giá trị nền tảng mà một
tổ chức chính trị cần phải có. Chủ nghĩa cộng sản đã trở nên nhảm nhí và vớ vẩn
mà chẳng mấy đảng viên còn tin tưởng. Việc bộ máy tuyên truyền của đảng suốt
ngày kêu gọi "học tập tư tưởng Hồ Chí Minh", giữ vững niềm tin vào đảng,
tu dưỡng đạo đức cá nhân… chỉ nói lên sự bất lực trước hiện tượng suy thoái
trong đảng. Những đảng viên có chức quyền đều chuyển tiền và gửi con cái ra nước
ngoài để mong được "hạ cánh an toàn" trong tương lai.
Chuyện nhất thể hóa không có gì là lạ, Tập Hợp Dân
Chủ Đa Nguyên đã nhận định rằng đây là quá trình chuyển hóa bắt buộc từ độc tài
tập thể sang độc tài cá nhân và đây cũng là quá trình sụp đổ tất yếu của các chế
độ độc tài.
"Đảng cộng sản đã phân hóa. Nó không còn một lý
tưởng chung để gắn kết các đảng viên. Đã thế tham nhũng, bất tài và vô đạo đức
còn gây sự ganh ghét và khinh thường lẫn nhau trong toàn bộ đảng, kể cả ở cấp
cao nhất. Bộ chính trị không còn quyền lãnh đạo tối cao vì mâu thuẫn với ban chấp
hành trung ương, một định chế không thường trực nhưng lại có thẩm quyền tối hậu
trong việc chỉ định và kỷ luật các cấp lãnh đạo. Đảng cộng sản chỉ còn là một
hư cấu.
Chế độ như một con tầu không còn đoàn thủy thủ và
đang chuyển hóa từ độc tài đảng trị sang độc tài cá nhân. Sự chuyển hóa này diễn
ra trong những điều kiện rất bất lợi : đảng phân hóa cùng cực, nhân dân thù
ghét trong khi không có một nhân vật nào có uy tín. Tình trạng chỉ có thể dẫn tới
sự sụp đổ.
Trong lịch sử Châu Á thường có hai nguyên nhân chính
đưa tới sự sụp đổ của các chế độ. Một là, cho tới khi tiếp xúc với Phương Tây,
vì lớp người thống trị cướp bóc quá đáng, nhất là cướp đất của người dân; hai
là, sau khi tiếp xúc với Phương Tây, vì chế độ ngoan cố theo đuổi một hệ tư tưởng
đã quá lỗi thời. Chế độ cộng sản Việt Nam có cả hai yếu tố đó. Nó không thể tồn
tại".
Trước đại hội đảng 12 nhiều người đoán là ông Nguyễn
Tấn Dũng sẽ thâu tóm được quyền lực và trở thành "Đinh Bộ Lĩnh",
nhưng ông ta không đủ bản lĩnh và can đảm dù nắm thế thượng phong.
Người thứ hai, từng được ca ngợi và hy vọng sẽ là
"Đinh Bộ Lĩnh thứ hai của Ninh Bình" là ông Trần Đại Quang cũng đã về
nơi chín suối (1).
Người thực sự trở thành "Đinh Bộ Lĩnh" với
trọng trách chế ngự các "sứ quân" hóa ra lại là ông Nguyễn Phú Trọng.
Đúng là một trớ trêu vì ông vẫn được dân gian gọi là "Lú" và tuổi của
ông đã quá cao (74 tuổi).
Có hai lý do khiến ông Trọng trở thành "Đinh Bộ
Lĩnh" :
1.
Nội bộ Đảng cộng sản đã quá phân hóa
Trong thực tế đảng cộng sản đã tạo ra hàng trăm,
hàng ngàn "sứ quân". Các sứ quân này có mặt khắp nơi, mỗi tỉnh là một
sứ quân, mỗi bộ là một sứ quân, mỗi doanh nghiệp nhà nước là một sứ quân. Các sứ
quân này mạnh ai nấy phá. Ví dụ Tập đoàn Than-Khoáng sản, chỉ mỗi việc đào bới
tài nguyên đất nước lên bán mà vẫn lỗ hơn 100.000 tỉ đồng (hơn 4 tỉ USD). Tình
trạng mạnh ai nấy phá đã vượt qua mọi tưởng tượng và giới hạn. Việc bắt giam và
kỷ luật Đinh La Thăng và 13 ông tướng quân đội lẫn công an thời gian qua là giọt
nước tràn ly. Nếu cứ để tiếp diễn như thế thì đảng cộng sản sẽ sụp đổ vì không
còn gì để phá, để bán nữa.
Trong tình trạng loạn sứ quân đó Đảng cộng sản Việt
Nam phải lấy một quyết định bắt buộc là tập trung hết quyền hành cho một người,
đó là tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Họ hy vọng là sứ quân mạnh nhất sẽ trấn áp
được các sứ quân khác. Trường hợp này cũng giống hệt bên Trung Quốc mà Tập Hợp
Dân Chủ Đa Nguyên đã trình bày và phân tích trong kỳ đại hội 19 Đảng cộng sản
Trung Quốc với việc đăng quang hoàng đế của ông Tập Cận Bình. Ngày xưa chỉ có
12 sứ quân nên Đinh Bộ Lĩnh mới dẹp được chứ bây giờ với hàng ngàn, hàng vạn sứ
quân thì ông Trọng làm sao mà dẹp nổi ?
Tất nhiên hy vọng này là hão huyền. Một tổ chức
chính trị chỉ có thể tồn tại nếu có một "dự án chính trị" hay nói một
cách khác là phải có một "tư tưởng chính trị" để kết nối các thành
viên lại với nhau. Chủ nghĩa cộng sản đã trở nên lố bịch và đảng cộng sản hiện
nay đã "trần trụi" hoàn toàn về tư tưởng, thậm chí ngay cả một ảo tưởng
họ cũng không có nốt. Ông Trọng từng nói là đến hết thế kỷ 21 không biết có chủ
nghĩa cộng sản ở Việt Nam hay không.
Khi không còn lý tưởng mà quyền lực lại có trong tay
thì chuyện đập phá và cướp bóc là lẽ đương nhiên. Khi đó mọi giá trị và đạo đức
đều qui đổi thành tiền, kẻ nào mạnh thì phải có nhiều tiền. Chia bè, kéo phái,
giành giật và đấu đá lẫn nhau sẽ là môn thể thao yêu thích và bắt buộc của các
nhóm lợi ích.
Khi không còn đồng thuận và không thể thảo luận với
nhau được nữa thì chỉ còn mỗi cách là ủy quyền hay đặt cược vào một người nào
đó theo kiểu "may nhờ rủi chịu" với hy vọng kéo dài thêm được thời
gian tồn tại.
2.
Khủng hoảng nhân sự trầm trọng trong đảng cộng sản
Đúng ra thì các chính trị gia không cần giới hạn về
tuổi tác. Nếu họ còn sức khỏe, còn minh mẫn và còn được người dân hay tổ chức của
họ tín nhiệm thì họ vẫn tham gia vào chính trường đến lúc chết (như trường hợp
thượng nghị sĩ Mỹ John McCain).
Ông Trọng không có thành tích gì ngoài việc tụng
kinh chủ nghĩa Mác-Lênin trong trường đảng Nguyễn Ái Quốc. Ông cũng không có gì
nổi bật về trí tuệ, các phát ngôn của ông thể hiện điều đó. Dân gian còn gọi
ông là "Lú". Ông Trọng có chăng hơn những người khác ở bản tính hiền
lành, ít tham vọng, trung thành với lý tưởng cộng sản... Tóm lại, ông Trọng
cũng như các lãnh đạo khác của đảng cộng sản, tất cả đều là những con người mờ
nhạt, thiếu bản lĩnh, thiếu tầm nhìn vì thế ông Trọng không thể trở thành một
nhà độc tài như nó cần có.
Việt Nam không thiếu người tài, Đảng cộng sản
cũng không thiếu nhân sự có khả năng và trí tuệ, nhưng bộ máy sàng lọc của đảng
với tiêu chí "hồng hơn chuyên" đã loại bỏ hoàn toàn những người có năng
lực trong đảng. Càng lên cao càng mờ nhạt, chỉ cần có băng nhóm, phe cánh hậu
thuẫn là được. Người tử tế không có cửa. Cả bộ máy công chức trở nên vô cảm,
không ai quan tâm đến ai và không ai nghĩ đến dân, tất cả đều lo thân mình còn
lại sống chết mặc bay. Nhà nước, nhân dân, công việc, chức vụ... tất cả chỉ là
phương tiện để kiếm tiền và làm tiền. Đảng cộng sản Việt Nam không còn những
người có tâm và có lòng với đất nước.
Trước đây khi chưa nhất thể hóa thì đảng thường trốn
tránh trách nhiệm với lý do đảng chỉ ra nghị quyết chứ không nhúng tay vào việc,
đảng là vô hình. Nay nhất thể hóa rồi thì trách nhiệm sẽ đổ hết lên đầu ông Trọng
đồng thời ông Trọng cũng sẽ trở thành mục tiêu để các sứ quân tấn công và người
dân Việt Nam qui trách nhiệm. Ngược lại, với quyền lực bao trùm lên tất cả ông
Trọng sẽ mạnh tay thanh trừng nội bộ nhằm xoa dịu sự phẫn nộ của người dân. Con
số tướng tá và quan chức cao cấp bị tống vào "lò" sẽ tăng mạnh chứ
không dừng lại ở con số 13. Báo chí thông tin về Hội nghị 8 đã dọn đường cho
các hành động trấn áp mạnh tay của ông Trọng rằng ngay cả các ủy viên bộ chính
trị cũng phải "chủ động từ chức khi không đủ uy tín" (2), có nghĩa là
ngay cả đến ủy viên bộ chính trị cũng không còn "bất khả xâm phạm".
Tuy nhiên, cho dù cố gắng đến đâu thì Đảng cộng sản
cũng không còn khả năng để sửa chữa một hệ thống đã quá lỗi thời. Đảng cộng sản
Việt Nam không hề có một dự án nào cho đất nước, mục tiêu của họ là giành chính
quyền bằng bạo lực rồi nhắm mắt xây dựng đất nước theo mô hình chủ nghĩa cộng sản.
Mô hình đó đã sụp đổ hoàn toàn trên thế giới. Chủ nghĩa cộng sản là một tôn
giáo khép kín chứ không phải một đảng chính trị, nó đặt niềm tin trên sự xác
quyết hồ đồ mà đảng viên không được phép hoài nghi hay xét lại.
Nhiều người Việt Nam vẫn chưa nhận ra một điều cực kỳ
quan trọng trong cuộc sống cá nhân cũng như trong chính trị đó là trước khi bắt
tay vào làm một việc gì thì cũng phải có sự chuẩn bị. Muốn đập bỏ và xây dựng lại
một ngôi nhà mới thì việc đầu tiên là phải có một dự án, một bản thiết kế cho
ngôi nhà tương lai đó.
Trí thức và người dân Việt Nam phải tìm hiểu, đánh
giá và kiểm định về các dự án chính trị của các tổ chức chính trị trước khi ủng
hộ cho nó. Năm 1945 dự án chính trị "chủ nghĩa xã hội" của Đảng cộng
sản Việt Nam đã không được người dân chú ý và kiểm định nên ngôi nhà chung này,
thay vì là nơi sinh sống êm đềm và hạnh phúc cho người Việt Nam thì nó trở
thành một địa ngục, lúc nào cũng chực đổ ụp xuống đầu người dân. Đã hơn 70 năm
rồi, Đảng cộng sản càng sửa, càng vá víu thì nó càng hỏng nặng hơn.
Sớm muộn thì người Việt Nam cũng không thể sống
trong ngôi nhà rách nát mà Đảng cộng sản đã dựng lên. Chế độ này rồi sẽ qua đi.
Đó là qui luật tất yếu của lịch sử.
"Cho đến nay một đặc tính chung của các chế độ
độc tài bạo ngược là chúng thường tỏ ra rất vững chắc cho đến khi đột ngột sụp
đổ. Lý do là vì sự ngoan cố và hung bạo của chúng đòi hỏi một điểm đoạn tuyệt ở
đó những thay đổi về lượng đã tích lũy đủ để tạo ra một thay đổi về chất. Điểm
đoạn tuyệt đó đang đạt tới, nhờ làn sóng dân chủ mới, nhờ sự xuất hiện ngày
càng đông đảo của thành phần trí thức chính trị mới và nhờ ý thức ngày càng rõ
rệt, đặc biệt ngay trong thành phần công an và quân đội, rằng chế độ không thể
kéo dài lâu nữa và mọi người nên đóng góp thay vì tiếp tay cản trở tiến trình
dân chủ, để làm tác nhân thay vì nạn nhân của một chuyển hóa cần có, bắt buộc
phải có và sắp đến. Hạn kỳ dân chủ có thể rất gần. Nhất là nếu những người dân
chủ biết tranh thủ lòng tin và sự hưởng ứng của nhân dân bằng một tình cảm
trong sáng và quảng đại, bằng những phương thức đấu tranh hợp tình hợp lý và bằng
một dự án đúng đắn để làm lại và thăng tiến đất nước".
Người dân Việt Nam và trí thức Việt
Nam đã đến lúc chủ động tìm hiểu về các "dự án chính trị" của
các tổ chức chính trị có tham vọng cầm quyền trong tương lai để đánh giá và kiểm
định chúng. Việc làm này là cần thiết và bắt buộc vì lịch sử sẽ sớm sang trang
khi tình hình thế giới biến động có lợi cho công cuộc dân chủ hóa đất nước.
Phải tìm hiểu về các giải pháp thay thế cho giải
pháp cộng sản để lịch sử đau thương không lặp lại một lần nữa.
Việt
Hoàng
(07/10/2018)
No comments:
Post a Comment