Quốc Phương
BBC
Tiếng Việt
6 tháng 10 2018
'Tôi
sinh ra là để làm những công việc cộng đồng và thiện nguyện', một nhạc sỹ và
người hướng dẫn nhiều chương trình đại nhạc hội của Trung tâm Asia tại Hoa Kỳ
và hải ngoại chia sẻ với BBC trong dịp ông ghé thăm London dịp trung thu này.
Nghệ sỹ, nhạc sỹ Nam Lộc là một khuôn mặt hướng dẫn chương trình kỳ cựu của
Trung tâm Asia, Hoa Kỳ. TRUNG TÂM ASIA
Còn 'tự nhiên và thành thật' chính là bí quyết để
giúp tôi dẫn chương trình thành công, tác giả ca khúc 'Sài Gòn ơi vĩnh biệt' và
'Người di tản buồn', nhạc sỹ, MC Nam Lộc nói với BBC Tiếng Việt tại Deptford,
Đông Nam London hôm 30/9/2018 bên lề một chuyến lưu diễn mùa Thu mà ông tham
gia ở châu Âu.
Trước tiên về mục đích chuyến lưu diễn và lý do đến
với London, Anh quốc lần này, nhạc sỹ Nam Lộc nói:
"Đây là lần thứ hai tôi đến nước Anh và cũng là lần đầu tiên sinh hoạt
với cộng đồng người Việt tại London, mặc dù có thân nhân cư ngụ, có bạn bè sống
ở đây, nhưng có lẽ cái duyên chưa đến, thì lần này một định mệnh đưa đẩy đến để
gặp gỡ các anh chị em ở đây.
"Ở đây cũng mở lòng để tiếp tay với chúng tôi trong các sinh hoạt, đặc
biệt là trong hai lĩnh vực, thứ nhất là để giúp đỡ định cư những đồng bào tị nạn
còn đang sống ở bên Thái Lan có cơ hội được đi sang Canada, tức là bằng cách
đóng góp vào quỹ định cư, giúp cho họ có phương cách để đi định cư.
"Thứ hai nữa là sinh hoạt để cùng nhau nói chuyện về những biến động
của quê hương, đất nước và có thể tiếp tay nhau làm được điều gì để đưa Việt
Nam đến một cuộc sống và một con đường nhân bản để rồi làm thế nào để chấm dứt,
không còn người nào đi tị nạn nữa. Cũng trong tư tưởng đó, hôm nay anh em chúng
tôi đến đây để sinh hoạt chung với nhau."
Nam Lộc trong một tấm hình chụp từ năm 1972, ba năm trước sự kiện
30/4/1975 đã dẫn tới việc ông rời Việt Nam đi tị nạn. NAM LOC
Từ đưa
đẩy 30/4
Nhạc sỹ Nam Lộc nhân dịp này chia sẻ với BBC con đường
đã đưa ông từ Việt Nam ra hải ngoại và tới Hoa Kỳ, ông nói:
"Như những người tị nạn của thập niên cuối 1975, trước đó tôi là
phóng viên của quân đội Việt Nam Cộng Hòa, là những người quân nhân cấp nhỏ,
nên tôi không có ưu tiên để ra đi như những người khác, nhưng những biến động của
đất nước đã đưa đẩy, tôi đã thoát ra khỏi trước 30/4/1975 rồi đến trại tị nạn.
"Nhưng có lẽ hình như tôi sinh ra để có một lý tưởng phục vụ về xã hội,
cho nên từ khi còn trẻ, đến thời học sinh, thời sinh viên, tôi cũng có những hoạt
động xã hội và đặc biệt là hoạt động tổ chức những chương trình lớn.
"Ở Việt Nam, mặc dù hoạt động âm nhạc, về nhạc trẻ, nhưng chúng tôi
dùng âm nhạc để phục vụ xã hội, cho nên từ khi còn trẻ chúng tôi đã tổ chức những
chương trình như Đại hội nhạc trẻ để mà giúp đỡ cô nhi, quả phụ, để tiếp tay với
Bộ Chiến tranh chính trị của quân lực Việt Nam Cộng Hòa.
"Sang Hoa Kỳ, tôi cũng ở trong hoàn cảnh đó, thì cũng lại định mệnh
đưa đẩy, tôi được làm việc trong lĩnh vực di trú và tị nạn, tôi làm việc cho Hội
đồng Công giáo Hoa Kỳ và sau một thời gian, tôi được bổ nhiệm làm chức vụ cố vấn
của các vị Giám mục về vấn đề di trú và tị nạn.
"Thành ra tôi có cơ hội được đi gặp gỡ, tiếp xúc và giúp đỡ rất nhiều
người tị nạn ở trên thế giới và dĩ nhiên trong đó có đồng bào của tôi là người
Việt Nam. Cũng vì tính làm việc xã hội và lại được ở trong môi trường đó, cho
nên tôi phát triển khá nhanh và khá rộng. Tôi dùng thì giờ của tôi, tôi dùng lý
tưởng của mình, dùng đam mê của mình để vào làm thêm những điều đó.
"Sau đó chúng tôi lại có cơ hội để, ngoài vấn đề định cư người tị nạn,
tôi tổ chức những chương trình đại hội để cứu trợ, xây dựng lại Việt Nam sau
khi chương trình tị nạn chấm dứt và đồng thời vận động cho những người còn bị kẹt
lại.
"Rồi sau đó tổ chức những chương trình đại nhạc hội để gây quỹ giúp
đỡ các thương phế binh quân lực Việt Nam Cộng Hòa, kéo dài đến năm nay cũng là
năm thứ 11, 12 rồi. Những chương trình rất là thành công, nó cũng là hình thức ở
ngoài trời, tức là mỗi lần tổ chức như vậy cả một vài chục ngàn người đến tham
dự, cho nên kết quả rất tích cực."
Nhạc sỹ Nam Lộc và Luật sư Trịnh Hội (trái) trong đêm sinh hoạt cộng đồng,
gây quỹ thiện nguyện và giới thiệu phim 'Mẹ Vắng Nhà' ở London hôm 30/9/2018.
BBC NEWS TIẾNG VIỆT
Nhạc sỹ Nam Lộc sau đó nghỉ hưu và ông kể tiếp các
hoạt động và sinh hoạt của ông kể từ đó:
"Rồi sau khi tôi về hưu cách đây hai năm, sau 41 năm làm việc trong
lĩnh vực di trú và tị nạn của Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ, tôi vẫn cảm thấy mình
còn sức khỏe và lý tưởng của mình vẫn ấp ủ trong lòng.
"Sau khi tranh đấu, giúp đỡ, tiếp tay các bạn trẻ, trong đó
có Luật sư Trịnh Hội, để mà định cư những đồng bào tị nạn bị kẹt lại ở
bên Philippines thành công vào khoảng hơn 3.000 người đã được ra đi, không còn
bị kẹt lại, cách đó đã gần 20 năm, thì còn một số người ở bên Thái Lan, cũng do
sự yêu cầu của một vị Linh mục người Thái, đó là cha Peter Namwong...
"Ngài có yêu cầu tổ chức Voice cũng như là một số đồng bào hải ngoại
tiếp tay để giúp đỡ những người tị nạn ở những trại tị nạn ở Thái Lan trước đó
mà họ không chịu hồi hương hay là có những người bị hồi hương, nhưng sau lại trốn
qua sống, trốn tránh ở bên Thái Lan, để giúp cho họ định cư thì tôi lại có cơ hội
tiếp tục cuộc vận động đó và lại tiếp tay cho các anh chị em.
"Cho đến ngày hôm nay, tôi vẫn làm những công việc đó với tính cách
hoàn toàn thiện nguyện."
Nhạc sỹ Nam Lộc (phải) giao lưu trong đêm giới thiệu phim tài liệu 'Mẹ Vắng
Nhà' ở Deptford, London. BBC TIẾNG VIỆT
Đến
nghiệp nghệ sỹ và làm MC
Về con đường đến với các hoạt động văn nghệ, đặc biệt
đến với Trung tâm Asia, nhạc sỹ Nam Lộc chia sẻ:
"Nói thì buồn cười, nhưng công việc văn nghệ hoàn toàn là một công
việc tay trái của tôi, tôi có lẽ sinh ra để làm việc xã hội hơn là làm một nghệ
sỹ, nhưng mà nghệ sỹ đã đưa đẩy tôi đến là vì tôi có tâm hồn nghệ sỹ. Tôi không
có khả năng để làm nghệ thuật, nhưng mà tôi có tâm hồn và bằng cớ là khi mà tôi
cảm thấy xúc động, đến trại tị nạn thì tôi đã viết bài 'Sài Gòn ơi vĩnh biệt'.
"Tôi viết bài đó, đối với tôi, tôi xem như sự an ủi cho chính cá
nhân tôi, cho gia đình tôi, cho đất nước tôi, cho thành phố nơi tôi đã sống, đã
trưởng thành và đã ra đi, nhưng sự xúc động đó không ngờ nó cũng trùng hợp với
nhiều người.
"Nhưng bên cạnh đó tôi nói tôi không có khả năng là tại vì tôi không
có đủ nhạc lý để viết một bài hát, tôi chỉ viết được vài nốt căn bản và giữ
trong đầu để nhớ bài hát đó. Xong rồi, tôi nhờ một người nhạc sỹ giúp tôi để kẻ
nhạc, đó là nhạc sỹ Huỳnh Anh, rồi sau đó, bài 'Người di tản buồn', người giúp
tôi viết nhạc, kẻ nhạc là nhạc sỹ Phạm Duy.
"Chẳng hạn như thế, thành ra tôi xem những cái đó là một sự đưa đẩy
đến một cách tình cờ. Khi mà Asia cũng như các trung tâm làm các video hải ngoại
thì họ thấy tôi có một khả năng là đứng trên sân khấu giới thiệu chương trình,
tôi đã làm công việc đó từ thời nhạc trẻ, họ mời tôi tham gia, thì tôi tham gia
với tính cách một người hướng dẫn chương trình.
"Tức là tất cả những sự đưa đẩy đó hoàn toàn có một tính cách vô
tình, nhưng nó là một cái duyên của tôi đến với văn nghệ. Chứ còn gọi là một
nghệ sỹ chính gốc thì có lẽ tôi không được ở trong thành phần đó."
Nhạc sỹ Nam Lộc chia sẻ với Quốc Phương (bên phải) của BBC Tiếng Việt về
những chặng đường trong cuộc đời và sự nghiệp của ông. BBC NEWS
Chia sẻ bí quyết giúp trở thành một người dẫn chương
trình văn nghệ và âm nhạc thành công, nhạc sỹ Nam Lộc nói:
"Theo tôi việc đầu tiên là phải có một sự tự nhiên và thành thật.
Người ta thích mình là bởi vì người ta thích cá tính của mình, cho nên mình mà
giả dối, hay mình kịch cỡm chẳng hạn thì tôi nghĩ rằng họ sẽ nhận ra. Thành ra
việc đầu tiên là cứ phải thành thật và sống với chính mình.
"Thứ hai nữa, quan trọng hơn cả là bên cạnh những câu chuyện đứng đắn,
những chủ đề nghiêm trang, nhưng lúc nào anh cũng phải có một chút gì đó gọi là
nhẹ nhàng, hài hước, theo đúng chủ đề đó.
"Tại vì khi người ta nở một nụ cười với anh là người ta có cảm tình,
và đã có cảm tình lúc đầu, thì sau đó người ta dễ chấp nhận những gì mình nói.
"Nhưng bên cạnh đó nó cũng rất nguy hiểm, bởi vì nếu mình có một khả
năng nào đó để mình tạo những câu chuyện vui một cách chân thành, mà mình không
khéo, hay mình đóng kịch chẳng hạn, thì có thể nó lại là một phản ứng ngược,
cho nên cứ tốt nhất trở lại cái chính mình.
"Nếu khán giả chấp nhận mình là một người MC, một người dẫn chương
trình, còn cảm thấy họ không muốn mời mình nữa, thì mình biết là có lẽ mình nên
chọn nghề khác.
"Thành ra tôi không bí quyết gì, nhưng tôi chỉ sống bằng chính con
người của mình. Và theo tôi đó chính là một yếu tố đưa người dẫn chương trình đến
sự thành công,"
-----------------------------
Nhạc sỹ Nam Lộc, tên đầy đủ là Nguyễn Nam Lộc sinh
năm 1944, nguyên quán Bắc Ninh, hiện sinh sống ở Hoa Kỳ. Ông được biết đến qua
các nhạc phẩm nhạc Việt cùng vai trò làm MC cho các chương trình ca nhạc, văn
nghệ của cộng đồng Việt Nam tại hải ngoại, đặc biệt là Trung tâm Asia. Cuộc phỏng
vấn được thực hiện trong loạt bài 'Người Việt Toàn Cầu', một chuyên đề ghi lại
cuộc sống của người Việt đó đây, câu chuyện hải ngoại mà BBC Tiếng Việt đang tiếp
tục thực hiện và giới thiệu phục vụ khán thính giả.
No comments:
Post a Comment