Bauxite VN tổng hợp
13/10/2018
1.
Bộ Công an soạn dự thảo Nghị định Luật An ninh mạng, dân
lo bị ‘xâm hại’ (VOA)
2.
Nghị định Luật An ninh mạng ra đời: kiểm soát thông tin
trong tay 1 người? (VNTB)
3.
VN yêu cầu Facebook lưu trữ 'quan điểm chính trị'
(BBC)
--------------------------
12/10/2018
Bản dự thảo Nghị định quy định chi tiết về Luật An
ninh mạng được cho là do Bộ Công an soạn thảo đang gây bất an cho người dân.
Trong khi giới chuyên gia, công chức, doanh nghiệp
lo ngại về những tác động xấu mà luật này có thể gây ra cho nền kinh tế đang
tăng trưởng của Việt Nam, giới hoạt động xã hội và nhiều người dân nói luật này
là công cụ mà chính quyền sẽ sử dụng để ‘xâm hại thô bạo’ quyền riêng tư của
người dân.
Truyền thông nhà nước cho biết Bộ Công an vừa có cuộc
họp vào ngày 9/10 và cơ bản đã hoàn thành 3 văn bản hướng dẫn thi hành Luật An
ninh mạng. Trong buổi họp, Bộ trưởng Tô Lâm-trưởng ban soạn thảo-nhấn mạnh đến
tính “quan trọng và phức tạp” của các văn bản này vì có liên quan trực tiếp đến
an ninh quốc gia, bảo vệ chủ quyền đất nước, dính dáng đến nhiều bộ ngành và
“được sự quan tâm rất lớn từ cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước”,
theo báo Công An Nhân Dân.
Tin cho hay tướng Tô Lâm đã yêu cầu Thường trực Ban
Soạn thảo tiếp thu các ý kiến tham gia góp ý, chỉnh lý và hoàn thiện dự thảo
các văn bản trước khi ban hành. Tuy nhiên, việc tiếp cận các văn bản dự thảo lại
hoàn toàn “không dễ”, theo lời của Luật sư Trần Vũ Hải.
Phát biểu trên trang Facebook cá nhân, vị luật sư được
biết tiếng ở Hà Nội cho rằng “rất nhiều quy định bóp nghẹt cư dân mạng và doanh
nghiệp từ các dự thảo này”.
Trong khi đó, Luật sư Trần Đức Hoàng, qua Facebok cá
nhân, nêu thắc mắc “không hiểu vì lý do đặc biệt gì” mà dự thảo nghị định An
ninh mạng được thông qua với thủ tục rút gọn trong 20 ngày và không lấy ý kiến
rộng rãi? Ông cảnh báo “nếu không được xem xét và lấy ý kiến kỹ càng từ các
chuyên gia, doanh nghiệp và nhân dân, thì chúng có khả năng ‘phá hoại’ thay vì
‘xây dựng’”, và có thể biến Cục An ninh mạng trở thành một “siêu cục” với quyền
lực vô cùng hùng mạnh, có thể quyết định việc kinh doanh trên internet của
doanh nghiệp.
Theo văn bản được cho là dự thảo Nghị định An ninh mạng
đang được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội, thì các quy định trong dự thảo này
càng thắt chặt hơn những đòi hỏi vốn đã gây ra nhiều tranh cãi và quan ngại của
Luật An ninh mạng khi nó được thông qua hồi tháng 6.
Theo nghị định này, các công ty cung cấp dịch vụ viễn
thông, mạng xã hội, email, video, tin nhắn, trò chơi, ngân hàng, dịch vụ tài
chính, thương mại điện tử… tại Việt Nam phải đặt văn phòng và lưu trữ dữ liệu
bên trong lãnh thổ Việt Nam.
Các công ty cũng được yêu cầu phải lưu trữ các thông
tin cá nhân người sử dụng dịch vụ như họ tên, ngày tháng năm sinh, nghề nghiệp,
chức danh, địa chỉ, số điện thoại, số thẻ tín dụng, hồ sơ tài chính, sức khỏe,
quan điểm chính trị, mối quan hệ xã hội, sinh trắc học… và phải cung cấp cho giới
hữu trách khi có yêu cầu.
Sau khi văn bản dự thảo Nghị định An ninh mạng được
“tuồn” lên mạng xã hội, nhiều người dân bày tỏ lo ngại rằng những thông tin “rất
cá nhân, rất riêng tư” của họ sẽ bị phơi bày, tệ hơn nữa, là bị các đại công ty
như Google, Facebook “bỏ rơi” một khi họ không thể tuân thủ toàn bộ các yêu cầu
của Luật vào ngày 1/1/2020.
Hiện số lượng người sử dụng Facebook tại Việt Nam là
khoảng 64 triệu người, chiếm hơn 70% dân số.
TS. Lê Đăng Doanh, một trong những chuyên gia kinh tế
hàng đầu Việt Nam, cho rằng một số yêu cầu của Luật “vượt quá khuôn khổ về an
ninh mạng”, khiến các công ty nước ngoài “khó mà tuân thủ”.
Ông nói: “Nếu các công ty cung cấp dịch vụ nước
ngoài không đồng ý, điều đó có thể bất lợi cho việc thu hút đầu tư nước ngoài,
cũng như cho cộng đồng sử dụng mạng tại Việt Nam”.
Văn phòng Nhân quyền LHQ chuyên trách về Đông Nam Á ra tuyên bố về Luật
An ninh mạng của Việt Nam vào ngày 14/6/2018.
Cựu thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng cũng bày
tỏ lo ngại Luật An ninh mạng có thể “gây cản trở lớn” cho việc thông qua Hiệp định
Thương mại Tự do Việt Nam-EU (EVFTA), hiện đang được vận động mạnh mẽ để được
phê chuẩn tại châu Âu.
“EU hiện là thị trường chiếm 19-20% tổng kim ngạch
xuất khẩu của Việt Nam. Kinh tế của Liên minh châu Âu và kinh tế Việt Nam bổ
sung cho nhau nên hai nền kinh tế đều được hưởng lợi nếu hiệp định thương mại tự
do đó được thông qua và thực hiện”, TS. Lê Đăng Doanh cho biết thêm.
Theo ông, nếu đông đảo dân biểu ở châu Âu phản đối
Luật An ninh mạng, điều này sẽ gây bất lợi lớn cho việc thông qua hiệp định mà
Việt Nam đã mất nhiều năm đàm phán.
Ông Phil Robertson, Phó giám đốc khu vực châu Á của
tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) nói với VOA rằng Luật An ninh mạng là một
công cụ mới của chính quyền để kiểm duyệt người dân.
“Nếu tôi là EU, tôi sẽ nói rằng chúng tôi không thể
ký hiệp định với các ông được vì luật an ninh mạng của các ông quá khái quát,
mơ hồ, hạn chế quyền tự do ngôn luận trên mạng, và nhắm vào những người chỉ đơn
giản bày tỏ ý kiến phê bình chính quyền”, ông Robertson nói.
Tổ chức HRW hồi tháng 6 kêu gọi Việt Nam phủ quyết
Luật An ninh mạng “đầy vấn đề” này.
Kể từ khi được thông qua vào tháng 6, ngoài những phản
đối, kiến nghị của người dân trong nước, nhiều tổ chức, dân biểu, cơ quan
nghiên cứu quốc tế cũng đã nêu quan ngại về Luật An ninh mạng, cho rằng các quy
định của luật này “xâm hại thô bạo” quyền riêng tư của người sử dụng, thay vì tập
trung vào vấn đề cốt lõi là bảo vệ an ninh mạng.
Nhiều chuyên gia quốc tế đặc biệt chỉ trích quy định
của Luật buộc các công ty cung cấp dịch vụ nước ngoài phải “địa phương hóa” cơ
sở dữ liệu vì cho đây là một “bước lùi lớn” gây cản trở cho việc hội nhập của
Việt Nam trong các cam kết quốc tế. Thậm chí theo họ, quy định này còn đặt Việt
Nam vào nguy cơ vi phạm các cam kết đã ký trong tư cách là thành viên của các tổ
chức quốc tế, chẳng hạn như tổ chức Thương mại Quốc tế (WTO), vốn luôn cổ xúy
cho thương mại tự do và tối thiểu hóa các hàng rào kỹ thuật trong thương mại.
*
*
2.
12-10-2018
Chính phủ Việt Nam, ông Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc
đã ra quyết định giao cho Bộ Công an xây dựng 3 văn bản để sớm 'trình Chính phủ
xem xét ban hành, bảo đảm hiệu lực thi hành từ ngày 01.01.2019.' Trưởng
ban soạn thảo các văn bản hướng dẫn thi hành Luật An ninh này là ông Thượng tướng
Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an.
Sự gấp rút soạn thảo lần này có thể yêu cầu
các công ty công nghệ lớn thiết lập văn phòng tại Việt Nam, lưu trữ dữ liệu cục
bộ.
Hà Nội ngày càng tích cực trong truy tố các nhà bất
đồng chính kiến liên quan đến các bài đăng trên Facebook, những người từng kêu
gọi Facebook làm nhiều hơn nữa để chống lại sự kiểm duyệt của chính quyền Việt
Nam.
Sau quyết định chấp thuận dự luật An ninh mạng vào
tháng 6.2018, đã có không ít sự phản đổi mạnh mẽ đến từ cộng đồng doanh nghiệp,
các nhóm nhân quyền, chính phủ Tây phương (trong đó có cả Mỹ) vì lo ngại, biện
pháp an ninh mạng mới này sẽ làm suy yếu sự phát triển kinh tế, sự phát triển
trong người dùng internet, và tạo ra một đường ray để siết chặt người bất đồng
chính trị.
Bộ trưởng Bộ Công an, người đứng đầu cơ quan được
Chính phủ Việt Nam giao soạn thảo văn bản hướng dẫn thi hành Luật an ninh mạng.
Nhiều công ty lớn như Facebook, Google,… hy vọng dự
thảo Nghị định về luật này sẽ giảm bớt những điều khoản khó chịu, nhưng hy vọng
đó đã chấm dứt khi các tài liệu này không những không giảm, mà còn chi tiết hóa
việc cung cấp dữ liệu người dùng hơn nữa. Vấn đề là các công ty đó có chịu tuân
thủ hay sẽ rút ra khỏi thị trường 100 triệu dân như cách mà các công ty này rút
khỏi Trung Quốc?
Chỉ biết rằng, Bộ ngoại giao Việt Nam đã từ chối
bình luận trước sự phản ứng, Facebook và Google cũng như vậy. Mặc dù có những cải
cách kinh tế sâu rộng và tăng tính cởi mở cho sự thay đổi xã hội, ĐCSVN vẫn giữ
sự kiểm duyệt truyền thông chặt chẽ và không chấp nhận bất đồng chính kiến.
Riêng đối với Facebook, doanh nghiệp này từng tuyên
bố ‘cũng có những lúc chúng tôi phải xóa hoặc hạn chế quyền truy cập nội dung
vì vi phạm luật ở một quốc gia cụ thể, mặc dù nó không vi phạm tiêu chuẩn cộng
đồng của chúng tôi’. Một trường hợp mà Facebook loại bỏ nội dung là liên quan đến
gia đình hoàng gia ở Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất theo yêu cầu của
chính phủ nước này, và đây không phải là trường hợp duy nhất, sau cùng.
Trong thời gian gần đây, Facebook của không ít nhà
hoạt động Việt Nam đã phải gặp trục trặc. Thậm chí, nhà hoạt động Nguyễn Anh Tuấn
còn than phiền rằng: bị báo cáo vì vấn đề bản quyền liên quan đến bức ảnh do
chính mình chụp. Còn đối với những nhà hoạt động khác, tài khoản bị khóa hay
bài đăng bị xóa vì 'vi phạm các nguyên tắc cộng đồng' diễn ra một ngày nhiều
hơn. Nó khiến cho tính những nhà bất đồng chính kiến tin rằng, đã có sự hợp tác
giữa gã khổng lồ mạng xã hội này với chính quyền Hà Nội.
Dự thảo nghị định mới yêu cầu các công ty cung cấp một
loạt các dịch vụ, bao gồm email, truyền thông xã hội, video, nhắn tin, ngân
hàng và thương mại điện tử, để thiết lập văn phòng tại Việt Nam nếu họ thu thập,
phân tích hoặc xử lý dữ liệu người dùng cá nhân.
Các công ty cũng sẽ được yêu cầu lưu trữ một loạt
các dữ liệu người dùng, từ hồ sơ tài chính và dữ liệu sinh trắc học đến thông
tin về dân tộc và quan điểm chính trị, hoặc thế mạnh và lợi ích trong biên giới
Việt Nam.
Facebook và Google, cả hai đều được sử dụng rộng rãi
trong nước, nhưng không có văn phòng đại diện hoặc các cơ sở lưu trữ dữ liệu cục
bộ.
Dự thảo nghị định cũng cho phép cơ quan an ninh
không gian mạng và đơn vị tội phạm công nghệ cao của cảnh sát Việt Nam yêu cầu
dữ liệu điều tra hoặc xử lý các vi phạm pháp luật về không gian mạng hoặc bảo vệ
an ninh quốc gia.
Facebooker Võ Trí Hảo, cũng là một người từng học luật
sau khi đọc Nghị định đã phản hồi: Nội dung (sự cần thiết), thẩm quyền và quy
trình là ba vấn đề khác nhau: Không cần Tòa án, không cần Viện kiểm sát, không
cần Thủ trưởng cơ quan điều tra; chỉ cần 1 người là đủ.
Và ông 'thực sự quan ngại' về tính minh bạch, thẩm
quyền, tính trách nhiệm mù mờ khi việc theo dõi điện thoại thì đã phải đòi hỏi
thẩm quyền (Toà, Viện KS, Thủ trưởng Cơ quan điều tra) và theo quy trình rất chặt
chẽ của Bộ Luật TTHS. Còn ở đây là dữ liệu về cả đời người (trong thời đại kỹ
thuật số) lại đi theo quy trình nằm ngoài Tố tụng Hình sự (không cần khởi tố vụ
án). Privacy, Business Secret, Commercial Secret... nhìn vào C50 thì lấy gì bảo
đảm là sẽ không bị lạm dụng; nạn nhân làm sao biết... là doanh nhân hãi rồi.
Trước đó, khoảng 1.500 cá nhân bao gồm các nhóm xã hội
dân sự đã ký một bản kiến nghị kêu gọi sửa đổi luật an ninh mạng.
Thời kỳ kiểm soát mà tác phẩm 1984 từng miêu tả đang
hiện diện tại Việt Nam?
Vào ngày 13.9, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông
Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng nói rằng ‘Facebook, nếu muốn kinh doanh thành công ở
Việt Nam, nên dự trữ doanh thu để đầu tư vào nghiên cứu và phát triển và sớm mở
văn phòng tại Việt Nam’. Còn Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nói với Simon
Milner, Phó chủ tịch chính sách công của khu vực Châu Á Thái Bình Dương, rằng
gã khổng lồ truyền thông xã hội nên hợp tác chặt chẽ với chính phủ Việt Nam, loại
bỏ thông tin xấu và chịu trách nhiệm bảo vệ 60 triệu tài khoản người dùng của
mình tại Việt Nam.
Các nhà hoạt động cho biết luật cũng đe dọa việc phê
chuẩn Hiệp định Thương mại Tự do EU-Việt Nam (EVFTA). Bởi các thành viên của
Nghị viện châu Âu đang đòi hỏi nhiều tiến bộ về quyền con người ở Việt Nam trước
sự phê chuẩn có thể của EVFTA. Họ kêu gọi Việt Nam sửa đổi luật an ninh mạng và
tuân thủ các tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế, bao gồm Công ước quốc tế về quyền
dân sự và chính trị mà Việt Nam đã là một quốc gia từ năm 1982.
Trong một diễn biến khác, theo FB Huy Đức, một
chuyên gia về chính sách - người đã đăng tải dự thảo Nghị định hướng dẫn thi
hành Luật an ninh mạng, người chỉ ra khuynh hướng trao quyền cho cơ quan soạn
thảo (Bộ Công an) vượt quá phạm vi mà Luật hướng tới đã 'gỡ bài viết' trên
Facebook cá nhân.
Điều rõ ràng, Việt Nam đang tiến tới thiết lập một
xã hội số mà không bị xem là góc khuất như Trung Quốc, tiến tới thành lập một
xã hội tín nhiệm, một điều mà trong tác phẩm 1984 đã từng đặc tả.
*
*
BBC Tiếng Việt
11 tháng 10 2018
Nghị
định hướng dẫn thi hành Luật An ninh mạng mà Reuters được tiếp cận cho thấy
Google, Facebook sẽ buộc phải lưu trữ nhiều dữ liệu quan trọng của người dùng ở
Việt Nam.
Theo đó, dự thảo nghị định này yêu cầu các công ty
hiện đang cung cấp dịch vụ email, mạng xã hội, video, tin nhắn, ngân hàng và
thương mại điện tử, phải mở văn phòng đại diện tại Việt Nam nếu họ thu thập,
phân tích hoặc xử lý dữ liệu cá nhân.
Các công ty như Facebook, Google cũng sẽ được yêu cầu
lưu trữ nhiều dữ liệu người dùng, từ hồ sơ tài chính và dữ liệu sinh trắc học đến
thông tin về dân tộc và quan điểm chính trị.
Dự thảo này cũng cung cấp cho cơ quan an ninh mạng
và cơ quan điều tra tội phạm công nghệ cao của Việt Nam quyền yêu cầu cung cấp
các dữ liệu để điều tra hoặc xử lý các vi phạm pháp luật về không gian mạng hoặc
để bảo vệ an ninh quốc gia.
Nghị định này cho thấy Việt Nam đang chuẩn bị để thực
thi chặt chẽ Luật An ninh mạng, theo Reuters.
Các nhà lập pháp Việt Nam thông qua Luật An ninh mạng
vào tháng Sáu, bất chấp phản đối mạnh mẽ từ cộng đồng doanh nghiệp, các nhóm
nhân quyền quyền và chính phủ phương Tây.
Các ý kiến phản đối cho rằng luật này sẽ làm suy yếu
nền kinh tế, cuộc cách mạng kỹ thuật số và bóp nghẹt giới bất đồng chính kiến.
Trước đó, Google, Facebook và các công ty công nghệ
lớn khác đã hy vọng dự thảo nghị định hướng dẫn thực thi luật An ninh mạng sẽ
giảm bớt các điều khoản mà họ thấy khó chấp nhận nhất.
Nhưng tài liệu mà Reuters được tiếp cận cho thấy những
hy vọng đó dường như không thể hiện thực hóa.
Thay vì thế, các công ty này bị đặt trước thách thức
là tuân thủ luật của Việt Nam hay rút khỏi thị trường nước này.
Bộ Ngoại giao của Việt Nam, Facebook và Google đều
chưa đưa ra bình luận nào về vấn đề này theo đề nghị của Reuters.
Cả Facebook và Google đều được sử dụng rộng rãi tại
Việt Nam. Các nhà quản lý của hai công ty này đã bày tỏ một các cá nhân rằng họ
lo ngại Luật An ninh mạng sẽ giúp giới chức Việt Nam dễ dàng kiểm soát khách
hàng của mình và khiến nhân viên người địa phương có nguy cơ bị chính quyền bắt
giữ.
Việt
Nam là 'trường hợp điển hình'
Việt Nam được coi là trường hợp điển hình ở châu Á,
nơi Facebook và Google phải đối mặt với áp lực khi hoạt động dưới một chính phủ
đàn áp, theo Reuters.
Nó cũng cho thấy cách chế độ độc tài đang cố gắng đi
theo con đường kiểm soát thông tin trực tuyến và ngăn chặn hoạt động chính trị
mà không làm tê liệt nền kinh tế kỹ thuật số như thế nào.
Giới chỉ trích lo ngại luật mới sẽ khiến kinh tế
internet đang phát triển bị suy yếu, nhưng lại gia tăng đàn áp giới bất đồng
chính kiến online. Việt Nam ngày càng tích cực trong việc truy tố các nhà bất đồng
chính kiến đăng bài chống chính phủ trên Facebook.
Các đại biểu Quốc Hội Việt Nam bấm nút thông qua Luật An ninh mạng hồi
tháng 6/2018. GETTY IMAGES
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh của Quốc Hội,
ông Võ Trọng Việt, cho biết hồi tháng Sáu rằng việc lưu trữ dữ liệu tại Việt
Nam là khả thi, quan trọng đối với an ninh quốc gia, và phù hợp với các quy tắc
quốc tế.
Dự thảo nghị định dự kiến sẽ được công bố trong vòng
vài ngày tới để thăm dò ý kiến người dân. Sau khi được Thủ tướng Nguyễn Xuân
Phúc phê duyệt, Luật An ninh mạng sẽ có hiệu lực vào ngày 1/1/2019. Nhưng các
quy định đối với các công ty kỹ thuật số về việc mở văn phòng tại Việt Nam và nội
địa hóa dữ liệu sẽ chưa có hiệu lực trong một năm nữa.
Trước đó, hôm 13-14/9, phó chủ tịch Facebook Simon
Milner đã có cuộc gặp với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và quyền Bộ trưởng Bộ
Thông tin-Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, theo báo Vietnamnet.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng và ông Simon
Milner đã thảo luận về "sự thịnh vượng của Facebook tại thị
trường Việt Nam song hành với sự thịnh vượng chung của đất nước Việt Nam".
Ông Hùng so sánh Facebook, một doanh nghiệp nước
ngoài như "con dâu về nhà chồng" và Facebook, cần phải "tiếp nhận
và thích nghi với văn hóa, nếp sống hàng ngày của gia đình nhà chồng".
Có nghĩa bộ quy tắc ứng xử của Facebook "cũng
phải tính đến các yếu tố về mặt văn hoá của nước sở tại".
Theo báo Vietnamnet, ông Milner nói sẽ cam kết hợp
tác chặt chẽ với Việt Nam và chấp nhận thành lập nhóm làm việc chung giữa Facebook
và chính quyền Hà Nội.
No comments:
Post a Comment