Mai Vân – RFI
Đăng ngày 09-10-2018
Từ
những lời đả kích công khai ngay trước lúc bước vào vòng hội đàm, cho đến vẻ mặt
khó đăm đăm trước ống kính của báo giới, cách hành xử không mấy ngoại giao của
ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị vào hôm qua, 08/10/2018 khi đón tiếp đồng
nhiệm Mỹ Mike Pompeo tại Bắc Kinh quả là tỷ lệ thuận với sự ấm ức của Trung Quốc
trước các đòn tấn công dồn dập của Hoa Kỳ trong thời gian gần đây.
Không chỉ áp thuế trên hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu
vào Mỹ, không chỉ điều động Hải Quân và Không Quân tuần tra và tập trận trên
các vùng biển Hoa Đông và Biển Đông bao quanh Trung Quốc, hai nhà lãnh đạo số 1
và số 2 của Hoa Kỳ còn công khai lên tiếng tố cáo Bắc Kinh gây hại cho nước Mỹ.
Báo chí đã nói nhiều về bài điễn văn nẩy lửa của phó
tổng thống Mỹ Mike Pence, vạch trần các hành vi của Trung Quốc bị Mỹ cho là sai
trái, hay lời cáo buộc Bắc Kinh của chính tổng thống Donald Trump ngay trên diễn
đàn của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc. Thế nhưng, mới đây, Washington đã lẳng
lặng tung ra một ngón đòn kinh tế được cho là rất hiểm hóc nhắm vào Trung Quốc
làm Bắc Kinh phải nhức đầu : Đó là dùng thỏa thuận thương mại vừa ký với Canada
và Mêhicô để hạn chế ảnh hưởng của Trung Quốc, trước mắt là tại khu vực Bắc Mỹ.
Thỏa
thuận NAFTA mới - USMCA : rào cản đối với Trung Quốc
Trong bài phân tích hôm 03/10, ít lâu sau khi thỏa
thuận thương mại ba bên Mỹ, Canada và Mêhicô được ký kết, hãng tin Anh Reuters
đã trích dẫn giới quan sát cho rằng “hy vọng của Trung Quốc đàm phán được các thỏa
thuận tự do mậu dịch với Canada hay Mêhicô đã bị Hoa Kỳ đánh bật bằng một điều
khoản trong thỏa thuận thương mại mới giữa Mỹ, Mêhicô và Canada, cấm đàm phán tự do mậu dịch với
những nước không có quy chế kinh tế thị trường.
Điều khoản này quy định rõ là nếu như một thành viên
của NAFTA đàm phán tự do mậu dịch với một quốc gia không phải là kinh tế thị
trường, thì các đối tác còn lại có thể rút ra khỏi thỏa thuận trong vòng sáu
tháng và thiết lập thỏa thuận song phương của riêng mình.
Theo nhận định giới chuyên gia thương mại, điều khoản
này rõ ràng là phù hợp với nỗ lực của tổng thống Mỹ Donald Trump, hiện đang cố
cô lập Trung Quốc trên bình diện kinh tế, và muốn ngăn không cho các tập đoàn
Trung Quốc sử dụng Canada hay Mêhicô như là “cửa hậu” để đưa hàng miễn thuế vào
nước Mỹ, trong lúc Washington và Bắc Kinh đang lao vào một cuộc chiến thương mại
với những đợt áp thuế ngày càng nghiêm ngặt hơn.
Theo điều khoản nói trên, các nước trong khối NAFTA
mới được cải danh thành khối USMCA – tức là Thỏa Thuận Mỹ- Mêhicô - Canada, phải
thông báo cho đối tác của mình 3 tháng trước khi đi vào đàm phán với các quốc
gia không có quy chế kinh tế thị trường bị điều khoản cấm đoán.
Chuyên gia Derek Scissors, ở Viện American
Enterprise Institute tại Washington, nhận định là thỏa thuận này cho chính quyền
Trump quyền phủ quyết trong thực tế về mọi cuộc đàm phán thương mại của Trung
Quốc với Canada hay Mêhicô.
Và nếu nội dung điều khoản đó được lập lại trong những
cuộc đàm phán khác của Mỹ với Châu Âu hay Nhật Bản, thì điều đó sẽ có thể giúp
cô lập Trung Quốc trong hệ thống thương mại toàn cầu, vì đó là hai thị trường
quan trọng trên thế giới hiện nay.
Theo ông Scissors, đối với cả Canada lẫn Mêhicô, một
thỏa thuận tự do mậu dịch giữa hai nước này với Trung Quốc là một khả năng hoàn
toàn có thể xẩy ra. Dù khả năng đó không phải là trước mắt, nhưng rõ ràng là Mỹ
đã có một phương cách ‘lịch sự’ để ngăn chặn, vì không một thỏa thuận nào với
Trung Quốc đáng để bỏ rơi một hiệp định Mỹ-Mêhicô-Canada vừa được phê chuẩn.”
Theo nhận định của Reuters, như vậy là sau hàng
tháng trời đánh vào các đồng minh phương Tây trên bình diện thương mại, chính
quyền của tổng thống Trump giờ đây đang cố lôi kéo họ cùng tham gia vào việc
gây sức lên Trung Quốc để buộc Bắc Kinh cải thiện cung cách làm thương mại, giải
quyết vấn đề trợ cấp các doanh nghiệp Trung Quốc, tôn trong quyền sở hữu trí tuệ,
phù hợp hơn với một nền kinh tế thị trường đích thực.
Thế yếu
của Trung Quốc
Trong thời gian qua, Bắc Kinh đã yêu cầu Tổ Chức
Thương Mại Thế Giới OMC công nhận Trung Quốc là một nền kinh tế thị trường từ
khi thỏa thuận gia nhập tổ chức thương mại của Bắc Kinh hết hạn vào tháng
12/2016. Việc Trung Quốc có được quy chế kinh tế thị trường có thể giới hạn rất
nhiều những đòn chống trả của phương Tây trước hàng giá rẻ của Trung Quốc.
Yêu cầu của Trung Quốc đã không được Mỹ và Châu Âu đồng
ý, với lý do là các khoản trợ cấp của nhà nước Trung Quốc cho doanh nghiệp của
họ đã tạo điều kiện cho việc sản xuất công nghiệp quá tải cũng như việc loại trừ
cạnh tranh của nước ngoài... Các điểm này đã cho thấy rõ là Trung Quốc vẫn chưa
là một nền kinh tế thị trường.
Nhật báo Mỹ Washington Examiner, hôm 07/10 vừa qua
đã không ngần ngại cho rằng với Hiệp Định NAFTA mới, chính quyền Trump đã tìm
được một công cụ mới trong cuộc chiến thương mại với Trung Quốc : Sử dụng các
thỏa thuận tương tự như Hiệp định mới giữa ba nước Mỹ, Mêhicô và Canada (USMCA)
để tìm cách hạn chế việc Trung Quốc thương lượng các hiệp định tự do mậu dịch với
các đối tác thương mại.
Theo tờ báo Mỹ, nằm tít ở cuối của bản hiệp định,
trong phần nói về các thỏa thuận tự do mậu dịch với các nước không có nền kinh
tế thị trường, có quy định là hiệp định NAFTA mới sẽ không còn giá trị khi bất
kỳ một nước nào trong số ba thành viên của khối ký thỏa thuận mậu dịch với một
đất nước, mà chỉ cần một trong 3 thành viên đánh giá là không phải là một nền
kinh tế thị trường, ví dụ như Trung Quốc.
Nói cách khác, Hoa Kỳ đã ngăn chặn trước việc Mêhicô
và Canada ký bất kỳ một thỏa thuận thương mại nào với Trung Quốc. Nếu hai nước
này vẫn cứ xúc tiến thì Nhà Trắng có thể phá vỡ USMCA thành 2 mảnh song phương,
điều mà ông Trump trước đây cho là nằm trong chủ trương của ông.
Tổng thống
Trump muốn lập chiến tuyến chống Trung Quốc
Giới chuyên gia về thương mại cho là họ chưa từng thấy
một điều khoản nào như thế trước đây, ngay cả dưới dạng khái niệm.
Chuyên gia Gary Hufbauer, thuộc Viện Kinh tế Quốc tế
Peterson ghi nhận: “Đây là một điều hoàn toàn mới mẻ trong một thỏa thuận
thương mại”. Theo ông đó chính là “đòn Chiến Tranh Lạnh mới nhất mà chính quyền
Mỹ tung về phía Trung Quốc”.
Đối với các nhà phân tích, Trung Quốc rõ ràng là đối
tượng bị tấn công, vì nhóm từ nền kinh tế phi thị trường được sử dụng trong luật
phá giá của Mỹ để chỉ Trung Quốc.
Theo ông Dan Griswold, giám đốc tại Trung Tâm
Mercatus, đại học George Mason, tổng thống Trump đã tranh thủ việc Canada và
Mêhicô cần duy trì quan hệ với Mỹ, để ngăn chận không để cho họ liên minh
thương mại với Trung Quốc.
Đối với ông Griswold, tuy chưa thấy điều khoản này
có lợi như thế nào đối người tiêu dùng ở Mỹ, nhưng cuối cùng thì những loại điều
khoản này có thể có lợi cho Mỹ, nếu như có nhiều nước khác đi theo và có thể
gây đủ sức ép để buộc Trung Quốc thay đổi chính sách.
Chính quyền Mỹ đang cố đưa những điều khoản tương tự
vào trong các hiệp định đang đàm phán với các nước có giao dịch với Trung Quốc,
như Nhật Bản chẳng hạn.
Nếu Mỹ thành công thì Trung Quốc sẽ khó có khả năng
luồn lách để né tránh các sắc thuế mà Mỹ áp đặt.
Đối với ông Hugo Perezcano Diaz, phó giám đốc chương
trình Nghiên Cứu Luật Quốc Tế tại Canada, thông điệp mà Mỹ muốn gởi đến các đối
tác thương mại rất rõ: Đó là “Mỹ không muốn họ thương thảo với Trung Quốc. Và
thông điệp gởi đến Bắc Kinh cũng rất rõ: Mỹ đang huy động các đối tác thương mại
và lập một chiến tuyến chống Trung Quốc”.
Nếu thỏa thuận USMCA bị phá vỡ vì một hay hai đối
tác không tôn trọng điều khoản về kinh tế phi thị trường và đàm phán với Trung
Quốc, thì Mỹ sẽ sử dụng đòn bẩy của mình đã phá hoại mọi thỏa thuận mà nước đó
đàm phán với Trung Quốc trong khi đang phải thương thảo với Mỹ về một hiệp định
nhằm thay thế USMCA.
Trong kịch bản đó, Canada hay Mêhicô sẽ thương lượng
riêng rẽ với Mỹ và bị rơi vào thế yếu hơn là khi đàm phán về USCMA mà cả hai hợp
sức đương đầu với Mỹ.
Các nhà phân tích nhận thấy là tuy USMCA chỉ liên
quan đến Canada và Mêhicô, nhưng đó là một phần trong chính sách thương mại rộng
lớn hơn mà Nhà Trắng muốn thực hiện để đối phó với điều xem là ‘hành vi ăn cướp’
của Trung Quốc.
No comments:
Post a Comment