Friday, 5 October 2018

FACEBOOK ĐANG LÀM TỔN HẠI ĐẾN TỰ DO NGÔN LUẬN TẠI VIỆT NAM NHƯ THẾ NÀO (Mai Khôi - The Washington Post)




Mai Khôi,  The Washington Post
Vũ Quốc Ngữ chuyển ngữ  (VNTB)
10-6-2018
- "Zuckerberg nói rằng công việc của anh ta là giúp mọi người tạo ra những tác động tích cực nhất, điều này có đúng không? Theo tôi, Facebook cho phép nền tảng của nó được lạm dụng để chia rẽ mọi người và Mark Zuckerberg chịu trách nhiệm về ảnh hưởng xấu đến tự do ngôn luận ở Việt Nam"- Mai Khôi

Năm ngoái, Giám đốc Điều hành Facebook Mark Zuckerberg cho biết: "Công việc của chúng tôi tại Facebook là giúp mọi người tạo ra tác động tích cực nhất trong khi giảm thiểu sự chia rẽ và cô lập mà các lĩnh vực công nghệ và truyền thông xã hội có thể tạo ra." 

Là một nghệ sĩ âm nhạc Việt Nam lớn lên trong một xã hội độc tài, tôi có thể chứng thực những tác động tích cực mà Facebook đã mang lại. Trong quá khứ, không có nơi nào người Việt Nam có thể tự thể hiện bản thân. Kiểm soát của chính phủ mở rộng đến mọi khía cạnh của đời sống xã hội của chúng tôi. Sự ra đời của truyền thông xã hội đã thay đổi điều đó. Nó cung cấp một không gian nơi chúng tôi có thể nói được suy nghĩ của mình, truy cập thông tin bị kiểm duyệt và tổ chức nhiều cuộc biểu tình ôn hòa. Điều này có nghĩa là tự do ngôn luận công khai không còn bị hạn chế. Ngoài các phương tiện truyền thông nhà nước, mọi người có thể công khai tranh luận về chính sách, và, đôi khi, chính phủ thậm chí có thể chịu trách nhiệm.

Vào năm 2016, tôi đã tự đề cử mình như là một ứng cử viên độc lập trong cuộc bầu cử Quốc hội. Bị luật pháp ngăn chặn vận động công khai, tôi đã sử dụng Facebook để châm ngòi cho một cuộc tranh luận toàn quốc về dân chủ. Khi cảnh sát đột kích các buổi hòa nhạc của tôi và tôi đã bị cấm hát, Facebook cho phép tôi phá vỡ hệ thống kiểm duyệt và phát hành trực tuyến album mới của tôi. Và khi tôi gặp Tổng thống Barack Obama sau khi bị từ chối không công bằng trong cuộc bầu cử, Facebook là nền tảng duy nhất mà mọi người có thể truy cập tin tức về cuộc gặp mặt này. Nhưng tôi cũng đã thấy cách Facebook có thể được sử dụng để làm câm lặng bất đồng chính kiến. Khi tôi bắt đầu một chiến dịch kêu gọi 1 triệu người tự đề cử mình trong cuộc bầu cử Quốc hội, tài khoản của tôi đã bị khóa ngay lập tức.

Hôm nay ở Việt Nam, Facebook cho phép nền tảng của nó bị lạm dụng để phân chia và cô lập con người. Lực lượng dư luận viên hùng hậu và cả một đơn vị quân đội được huy động trên Facebook để thao túng dư luận và tấn công giới bất đồng chính kiến. Những kẻ được trả tiền để ủng hộ chính phủ lạm dụng tiêu chuẩn cộng đồng của Facebook để xóa các bài viết quan trọng. Chỉ trong tháng qua, tài khoản Facebook của nhiều nhà báo độc lập hàng đầu của Việt Nam và người bảo vệ nhân quyền đã bị đóng băng. Có nguy cơ cao là việc chúng tôi mất không gian duy nhất mà chúng tôi có thể phát biểu một cách tự do.

Nhưng đây không chỉ là vấn đề của người Việt. Những điều tương tự đang xảy ra ở Philippines, nơi mà Facebook đang được sử dụng để làm câm lặng giới bất đồng chính kiến. Bất chấp những kiến nghị của các nhóm dân sự và nhiều nghị viên của Quốc hội Hoa Kỳ. công ty vẫn chưa thực hiện bất kỳ biện pháp nào để sửa lỗi này.

Giám đốc điều hành Facebook Sheryl Sandberg đã làm chứng tuyên thệ trước một ủy ban Thượng viện. Cô ấy nói Facebook "sẽ chỉ hoạt động ở một đất nước khi chúng tôi có thể làm như vậy để giữ giá trị của chúng tôi."

Tôi hoan nghênh lời hứa của cô ấy. Tuy nhiên, nếu những gì cô ấy nói là đúng, thì Facebook có một số giá trị đáng ngờ. Ở Việt Nam, nơi công ty hoạt động, tôi có thể vào tù vì viết bài này. Vào tháng Chín, hai người dùng Facebook đã bị bỏ tù vì "lạm dụng quyền tự do dân chủ." Đầu năm nay, một nhà hoạt động dân chủ ôn hòa đã bị kết án 14 năm tù vì phát trực tiếp một cuộc biểu tình trên Facebook. Gần đây hơn, nhiều cuộc biểu tình trên toàn quốc chống lại luật An ninh mạng đã bị đàn áp một cách tàn bạo; 40 người biểu tình đã bị cầm tù. Luật yêu cầu Facebook thiết lập văn phòng tại Việt Nam (nơi hoạt động có thể được kiểm soát), trao thông tin cá nhân cho chính phủ và xóa nội dung trong vòng 24 giờ kể từ khi có yêu cầu của chính phủ. Trong bối cảnh không có quyền cơ bản nào được đảm bảo, Facebook cần phải làm rõ các giá trị của nó và báo cáo về cách nó tôn trọng quyền con người.

Tuyên bố trên Facebook cho biết: "Cũng có những lúc chúng tôi phải xóa hoặc hạn chế quyền truy cập nội dung vì vi phạm luật ở một quốc gia cụ thể, mặc dù nó không vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng của chúng tôi".

Nhưng điều gì xảy ra khi việc xóa bài viết để tuân thủ luật pháp địa phương mà lại vi phạm luật nhân quyền quốc tế trong bảo vệ quyền tự do ngôn luận? Tự do ngôn luận là tội phạm tại Việt Nam. Nhiều người bị bỏ tù vì "lạm dụng quyền tự do dân chủ" hoặc "tuyên truyền chống nhà nước." Luật An ninh mạng cấm đăng tải nội dung "chống lại Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam" và nội dung "xúc phạm quốc gia, cờ quốc gia, quốc ca, người vĩ đại, lãnh đạo, người nổi tiếng và anh hùng dân tộc." Facebook có tuân thủ các hạn chế này không? Một trường hợp mà Facebook loại bỏ một bài viết quan trọng về gia đình hoàng gia ở United Arab Emirates theo yêu cầu của chính phủ UAE cho thấy rằng công ty này sẽ làm thế.

Facebook, với hơn 52 triệu người đăng ký ở Việt Nam (hơn một nửa dân số), là một mạng xã hội thiết yếu tại Việt Nam. Tuy nhiên, mạng này không chịu trách nhiệm với công dân Việt Nam. Không giống như ở Hoa Kỳ, nơi xã hội dân sự có thể tự do tổ chức và Zuckerberg có thể bị điều trần bởi quốc hội, không có sự giám sát độc lập các hoạt động của Facebook tại Việt Nam. Các quyết định về chính sách được đưa ra mà không cần tham vấn cộng đồng (mặc dù kênh truyền thông chuyên dụng đã được thiết lập với chính phủ), và các giám đốc điều hành công ty gặp gỡ các nhà lãnh đạo không được chọn của chúng tôi trong khi phớt lờ xã hội dân sự. Do ảnh hưởng Facebook lên đời sống xã hội ở Việt Nam, có một yêu cầu nghiêm túc để làm sâu sắc hơn trách nhiệm giải trình công khai của Facebook.

Để bắt đầu, Facebook nên ngăn chặn dư luận viên trong việc lạm dụng nền tảng này, báo cáo về cách tôn trọng nhân quyền theo khuôn khổ nguyên tắc hướng dẫn của Liên Hợp Quốc và đưa ra tuyên bố chính sách từ chối tuân thủ luật pháp địa phương, những điều luật nhằm đàn áp giới bất đồng chính kiến và vi phạm quyền riêng tư. Các cuộc họp tiếp theo mà công ty sẽ tổ chức tại Việt Nam cũng nên có sự tham gia của đại diện dân sự-xã hội.

Facebook đã là một lực lượng lớn cho tự do ở Việt Nam, nhưng hiệu ứng tích cực này hiện đang được đảo ngược khi nền tảng truyền thông xã hội được chuyển giao cho chủ nghĩa độc tài. Tôi cho rằng Mark Zuckerberg chịu trách nhiệm về điều này.

-------------------------

Nguồn :
Mai Khoi,  The Washington Post , October 2, 2018






No comments:

Post a Comment

View My Stats