17/10/2018
Tham vọng bá quyền của Trung Quốc ngày càng rõ ràng.
Dưới sự lãnh đạo của Tập Cận Bình từ năm 2012, Trung Quốc không còn giấu tham vọng
này như Đặng Tiểu Bình đã chủ trương một thời. Tập Cận Bình cũng không giấu
tham vọng làm lãnh tụ không giới hạn nhiệm kỳ để đạt được các mục tiêu chiến lược
trong cuộc chạy đua với Hoa Kỳ trong ba thập niên tới.
Tiến sĩ Michael Pillsbury, người đã hơn bốn thập
niên qua nghiên cứu kỹ lưỡng các chiến lược, chiến thuật của giới diều hâu
Trung Quốc trong tác phẩm “Một
trăm năm chạy đua”, ví von rằng “thật là dễ để thắng cuộc đua nếu bạn là
người duy nhất biết rằng cuộc đua đã bắt đầu”. Ts Pillsbury tin rằng Hoa Kỳ có
thể uyển chuyển áp dụng vài khái niệm của thời Chiến Quốc để đánh bại Trung Quốc
trong trò chơi của chính họ. Kiểu “Gậy ông đập lưng ông!”. Pillsbury trình bày
đề nghị này trong 12 bước sau đây.
Bước
1, là nhận diện vấn đề, nghĩa là nhu cầu phân biệt bề
ngoài với hiện thực, chứ không nhầm lẫn sự tuyên truyền của họ. Nhận diện để
nhìn ra được những trí trá của Trung Cộng qua các thông điệp họ muốn gửi, khác
xa với những gì họ đã và đang làm trong thực tế.
Bước
2, là lưu trữ hồ sơ tất cả các món quà của mình cho
Trung quốc. Mỗi năm, từ hơn bốn thập niên qua, bao nhiêu tiền thuế của dân Mỹ
đã được dùng để ủng hộ cho đối thủ Trung Quốc, nhưng các cơ quan chính quyền
Hoa Kỳ không nắm rõ bao nhiêu tiền đã chi cho chỗ nào, và như thế không thể sử
dụng như thế đòn bẫy và hiệu quả được.
Bước
3, là đo lường tính cạnh tranh. Nhiều câu chuyện trong
thời Chiến Quốc bao gồm việc kỹ càng đo lường sự cân bằng quyền lực trước khi
chiến lược được chọn. Đó cũng là nguyên tắc trong kinh doanh Mỹ là “Những gì được
đo lường sẽ tiến bộ” (What you measure improves). Bài học rút ra rất sâu sắc: Bạn
không thể cải tiến trừ phi bạn biết bạn cần cải tiến những gì.
Bước
4, hoạch định một chiến lược cạnh tranh. Cần phải cởi
mở phóng khoáng để nhận định và hành động khi thấy chiến lược của mình cần thay
đổi, và sử dụng các chiến thuật mới để đạt được kết quả mong muốn. Rất nhiều
các cơ quan nghiên cứu khác nhau tại Hoa Kỳ đã đưa ra sáng kiến rất hay để gia
tăng khả năng cạnh tranh và ưu thế vượt trội của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc
trong thời gian tới.
Bước
5, tìm nền tảng chung trên đất nước Hoa Kỳ. Có nhiều
xu hướng tuy có cùng mục đích vận động cải cách chính sách Hoa Kỳ đối với Trung
Quốc nhưng họ thuộc nhiều phái khác nhau mà không nhất thiết coi nhau như đồng
minh. Nhu cầu cấp bách là sự phối hợp giữa nhiều xu hướng này để thay đổi Trung
Quốc.
Bước
6, là xây dựng liên minh Hoa Kỳ theo hàng dọc. Dù có
biết chơi cờ vây hay không, chúng ta cũng hiểu được khi bị bao vây bởi một nhóm
thù địch thì nó rất nguy hiểm. Mối lo tự nhiên của Trung Quốc là các quốc gia
láng giềng của nó sẽ liên minh với nhau. Hoa Kỳ tuy mới biết trò chơi này như
trước đây Hoa Kỳ đã bao vây và kiềm chế Liên Sô khá hiệu quả trong thời Chiến
tranh Lạnh. Hoa Kỳ nên khuyến khích các quốc gia Mông Cổ, Nam Hàn, Nhật và Phi
làm như thế.
Bước
7, là bảo vệ các nhà đối kháng chính trị tại Trung Quốc
hiện nay. Ngoài các quốc gia đang là nạn nhân của Trung Quốc, các tổ chức xã hội
dân sự, kể cả tôn giáo, đều muốn thay đổi Trung Quốc và họ rất cần liên minh
nhau. Trung Quốc càng gia tăng đàn áp thì càng gia tăng sự đối kháng. Bởi vì những
người như Václav Havel, Lech Walesa và Aleksandr Solzhenitsyn tại Đông Âu và
Nga đã tác động mạnh mẽ lên tâm thức chung của dân tộc họ khi họ từ chối đầu
hàng các chính sách kiểm duyệt thông tin, tuyên truyền, đàn áp tôn giáo, và nô
lệ kinh tế.
Bước
8, là cứng rắn với các hành xử cạnh tranh bài Hoa Kỳ.
Trung Quốc hiện nay là nước chiếm hơn 90 phần trăm tổng cộng các hành động gián
điệp trên mạng, đột nhập các cơ quan thương mại và chính phủ của Hoa Kỳ, ăn cắp
các kỹ thuật mà nó không sáng chế được và ăn cắp sở hữu trí tuệ, làm Hoa Kỳ mất
đến 300 tỷ Mỹ kim hàng năm. Hoa Kỳ cần nỗ lực bảo vệ các tài sản công nghệ của
mình nếu muốn cạnh tranh hiệu quả với Trung Quốc.
Bước
9, là nhận diện và chỉ mặt những kẻ phá hoại môi trường.
Nếu Hoa Kỳ kiềm chế các cơ sở thương mại của mình để bảo vệ môi trường trong
khi Trung Quốc đi xuất cảng các hàng hoá của nó và các chất gây ô nhiễm ở tốc độ
khủng khiếp thì Hoa Kỳ không thể cạnh tranh lại được.
Bước
10, là phơi bày tham nhũng và kiểm duyệt của Trung Quốc.
Một trong những nỗi sợ lớn nhất của chính quyền Trung Quốc là tự do truyền
thông. Họ rất lo sợ nếu người dân biết về tham nhũng, tàn bạo và cả một lịch sử
dối trá về Hoa Kỳ và các đồng minh dân chủ khác. Hoa Kỳ nên hỗ trợ cho
Wikipedia, Yahoo!, Facebook và những cơ quan truyền thông khác để họ không bị
ăn hiếp bởi chính quyền Trung Quốc như đã bị trong thời gian qua.
Bước
11, là ủng hộ các nhà cải cách dân chủ tại Trung Quốc.
Giới diều hâu Trung Quốc rất quan ngại lãnh đạo nhân dân của họ bị ảnh hưởng của
lãnh đạo Tây phương về đa đảng và phát triển đến dân chủ trong khi Hoa Kỳ lại
không có chính sách hay kế hoạch cụ thể nào để nhận diện và ủng hộ những thành
phần cởi mở hơn tại Trung Quốc.
Bước
12, là theo dõi và ảnh hưởng các cuộc tranh luận giữa
giới diều hâu và phe cải cách của Trung Quốc. Trong thời Chiến tranh Lạnh, Hoa
Kỳ đã đầu tư thời gian, kỹ nghệ và nhân sự vào hoạt động của các thành viên của
Bộ Chính Trị Liên Sô, nhưng lại không có chính sách tương tự đối với Trung Quốc.
Nếu tình báo Hoa Kỳ hiểu về Trung Quốc hơn vào thời điểm biến cố Thiên An Môn
và thúc dục tổng thống George H Bush ủng hộ phe cải cách lúc đó thì lịch sử có
lẽ đã khác nhiều.
Cách đây gần hai tháng, trong bài “Trật
tự thế giới: Phiên bản nào?”, tôi đã tóm tắc 12 điểm trên và đặt câu hỏi liệu
các chính quyền Hoa Kỳ hiện nay hay tương lai có tán thành và thực hiện bao
nhiêu đề nghị này! Bài phát biểu của Tổng thống Donald
Trump tại Liên Hiệp Quốc vào cuối tháng 9 và của Phó Tổng thống Mike
Pence tại Viện Nghiên cứu Hudson đầu tháng 10 đã trả lời phần nào câu
hỏi tôi đưa ra. Ông Trump và ông Pence chắc đã đọc kỹ tác phẩm của Ts Pillsbury
và đã cùng với các chiến lược gia khác hoạch định chiến lược và kế hoạch đối
phó với Trung Quốc trong hai năm qua. Họ đã và đang thực hiện bước 1 đến bước
4. Bắt đầu bằng áp chế thuế quan trong các tháng qua lên 250 tỷ đô la hàng nhập
khẩu từ Trung Quốc. Ông Trump đe dọa sẽ tăng lên đến 500 tỷ đô la hàng hóa. Ông
Trump tuyên
bố rằng “Trung Quốc đã lấy mất 500 tỷ đô la mỗi năm từ đất nước chúng
ta (Hoa Kỳ), và điều này cần chấm dứt”. Ban tham mưu của ông bao gồm giáo sư
Peter Navarro (tác giả Chết bởi Trung Quốc) và các chiến lược gia tinh vi trong
Bộ Quốc phòng và Hội đồng An ninh Quốc gia chắc chắn đã tính từng nước cờ và
tính trước nhiều bước trước khi thi hành sách lược. Tùy theo nước cờ kế tiếp của
Trung Quốc mà chính quyền Trump sẽ cân nhắc để phản ứng thích hợp và mưu lược
nhất. Mỗi nước cờ là sự tính toán theo tinh thần uyển chuyển nhất có thể.
Ngoài ra, chính quyền Trump cũng cùng lúc nỗ lực thực
hiện bước 6 “xây dựng liên minh Hoa Kỳ theo hàng dọc” và bước 8 “cứng rắn với
các hành xử cạnh tranh bài Hoa Kỳ”. Bài phát biểu của ông Trump và ông Pence đều
mạnh mẽ lên án Trung Quốc và yêu cầu chấm dứt vĩnh viễn hành động ăn cắp sở hữu
trí tuệ và các hành động bắt buộc chuyển giao công nghệ. Cuộc viếng thăm của Bộ
trưởng Quốc phòng James Mattis tại Sài
Gòn, Việt Nam và Singapore vào tuần này hay tuyên
bố mạnh mẽ của Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton vào cuối tuần qua rằng
“hành vi của Bắc Kinh trong các lĩnh vực thương mại, quốc tế, quân sự, chính trị
cần phải được chỉnh đốn”, đều nằm trong chiến lược xây dựng thế liên minh lớn của
Hoa Kỳ hiện nay. Đây là thế cờ vây mà Hoa Kỳ đã áp dụng rất thành công trước
đây, kể cả thời Chiến tranh Lạnh.
Nếu muốn Bắc Kinh dịch chuyển mục tiêu chiến lược của
họ, nhất là mục tiêu trở thành bá chủ bằng mọi giá, điều mà làm chiến tranh khó
thể tránh khỏi, chính quyền Hoa Kỳ hiện nay và tương lai cần đầu tư rất nhiều
vào các bước 7, 11 và 12 cũng như bước 10, tự do thông tin. Nhưng đây là các nước
cờ tương lai. Cuộc chiến này sẽ còn rất dài và các ưu tiên chiến lược cần phải
được cân nhấc kỹ lưỡng để tạo tối đa bất ngờ hay hụt hẫng đối với lãnh đạo Bắc
Kinh trong thời gian tới.
Một trong những nguyên do chính mà từ trước đến nay,
tuy vẫn biết rất rõ các mưu xảo của lãnh đạo Bắc Kinh qua giới tình báo chuyên
nghiệp của mình, nhưng vẫn chưa điểm mặt chỉ tên Trung Quốc, là vì lãnh đạo
chính trị Hoa Kỳ vẫn hy vọng rằng trước sau gì Trung Quốc cũng phải cải tổ
chính trị, trước sau gì Trung Quốc cũng phải dân chủ hoá mà thôi. Niềm tin đó,
dù là ảo tưởng vì những gì xảy ra trên thực tế hoàn toàn bác bỏ luận điểm này,
lãnh đạo Hoa Kỳ vẫn chưa muốn sử dụng biện pháp cứng rắn để đẩy Trung Quốc
thành thù nghịch. Quan niệm nên duy trì mối quan hệ với Trung Quốc này là từ
Richard Nixon và Henry Kisinger, người đã chủ trương bắt tay với Trung Quốc năm
1971, đã ảnh hưởng mạnh mẽ lên George H Bush lúc biến cố Thiên An Môn xảy ra,
nên Hoa Kỳ lúc đó không ngờ và không hành động gì cả. Tóm lại, lãnh đạo Hoa Kỳ
vẫn chủ trương dù có mất mát một chút vẫn không sao, duy trì quan hệ với Trung
Quốc là có lợi về lâu dài, còn áp lực mạnh mẽ quá sẽ biến Trung Quốc thành thù
nghịch, sẽ mất đi những ảnh hưởng đã đầu tư bấy lâu nay.
Ts Pillsbury phân tích chi tiết vấn đề này trong tác
phẩm của ông. Tôi sẽ trình bày đề tài này trong bài tới.
(Úc Châu, 17/10/2018)
----------------------------------
Các bài
trong Tháng 10/2018 của Phạm Phú Khải
.
.
.
.
.
---------------------------------------
BBC Tiếng Việt
15 tháng 10 2018
Cuộc
chiến Cờ Vây của Hoa Kỳ đang lôi kéo các đồng minh và đối tác nhằm cô lập
Trung Quốc cả về kinh tế và quân sự, theo một ý kiến từ Hoa Kỳ.
Bài diễn văn hôm 04/10 của Phó Tổng thống Mike Pence
khiến một số người ở Trung Quốc coi như 'lời tuyên chiến' từ Chính phủ Trump
nhắm vào Trung Quốc từ thương mại, công nghệ tới quân sự và ý thức hệ.
BBC
phỏng vấn tiến sỹ Phạm Đỗ Chí từ Florida về các diễn biến mới nhất liên quan đến
quan hệ Mỹ - Trung và vấn đề hướng đi của Việt Nam.
*
Câu
hỏi đầu tiên là nhìn từ Hoa Kỳ, đây là vấn đề hai ông Trump-Pence
muốn hướng tới cử tri Mỹ trước bầu cử giữa kỳ, hay thực sự nhắm vào Trung
Quốc, và nếu đó là ý định của họ thì có lý do gì về chiến lược?
TS
Phạm Đỗ Chí: Không chỉ bài diễn văn của Phó Tổng thống Mike Pence
ngày 4/10 (tại Viện Hudson), mà bài diễn văn "nảy lửa" ngay trước đó
của chính Tổng thống Donald Trump tại phiên họp khoáng đại thường niên của Liên
Hiệp Quốc đã nêu lên những vấn đề tệ hại của các quốc gia theo đường lối Xã
hội Chủ nghĩa trên toàn cầu, và kêu gọi các quốc gia đang phát triển nên tránh
xa CNXH, đã lần nữa làm nổi bật sự trở lại của cuộc 'Chiến Tranh Lạnh Mới'.
Ông Trump đã cho khởi xướng chiến lược này ngay từ
thời gian tranh cử của ông trong nội bộ Đảng Cộng hòa nhất là từ giữa năm 2016,
gói ghém đơn giản trong khẩu hiệu làm Mỹ Đứng Đầu Trở Lại ("Make America
Great Again") hay sau này trong 21 tháng đã làm Tổng thống, ông luôn dùng
lời kêu gọi Nước Mỹ trên hết ("America First") như nguyên tắc cốt lõi
cho các chính sách quốc gia hệ trọng.
Rõ ràng đó là chiến lược chỉ đạo của cặp ứng cử viên
Trump-Pence nay thành hiện thực trong cương vị lãnh đạo, nhằm củng cố vai trò
lãnh đạo của cường quốc số một thế giới, tương phản hẳn với ngoại giao mềm của
cựu Tổng thống Barack Obama đi xin lỗi khắp thế giới về vai trò sai lầm của Mỹ
khi tỏ ra là lãnh đạo thế giới, là cảnh sát viên lo duy trì trật tự thế giới và
đôi khi gây nhiều điều tai hại cho an ninh thế giới…
Vẻ mềm mỏng của ông Obama được vài nước tỏ ra yêu
thích như cuộc đón tiếp nồng nhiệt ở Việt Nam nói là "ông bình dân gần
gũi", nhưng ngược lại bị Trung Quốc coi khinh ra mặt với các nghi thức tiếp
đón ông nhạt nhẽo lúc đến thăm Trung Quốc và "không đúng tầm nghi lễ đáng
dành cho một nguyên thủ Hoa Kỳ", theo một số tờ báo bên Mỹ chê ông.
Hiện nay thì khác, chiến lược của ông Trump có thể
coi như "một viên đá nhắm hai con chim", vừa nhấn mạnh vị thế của Mỹ
trên thế giới trong cuộc thương chiến hiện tại với Trung Quốc, vừa nhắm cả vào
cuộc bầu cử giữa kỳ tại Mỹ vào tháng 11 sắp tới, cho cử tri Mỹ thấy "oai lực"
của Đảng Cộng hòa dưới sự lãnh đạo của một nguyên thủ có lập trường và ý thức hệ
chính trị rõ ràng, với một lịch trình chính sách (policy agenda) cụ thể được thực
hiện đúng theo như tuyên bố lúc tranh cử.
*
BBC:Nói
đến chiến tranh thương mại, bước tiếp theo của Mỹ là gì, và các sáng kiến về
chính sách họ được tính toán trong bối cảnh giá dầu, giá vàng, USD cũng biến động
như thế nào, ông có thể giải thích rõ hơn?
TS
Phạm Đỗ Chí: Chiến tranh thương mại của Mỹ với Trung Quốc đã đi
vào giai đoạn 2 sau khi khởi xướng cuộc chiến tài chính tiền tệ đã làm tiền
Trung Quốc (NDT) giảm đi 8% và thị trường chứng khoán TQ giảm quanh mức 25% từ
tháng 4/18, song hành với việc áp thêm thuế mới 10% trên 200 tỷ đô hàng nhập khẩu
từ Trung Quốc.
Bước tiếp được nhiều giới dự báo là Mỹ sẽ áp thuế
cao hơn là 25% trên 200 tỷ đô hàng nói trên, và Tổng thống Trump còn tuyên bố sẵn
sàng áp thuế vào khối 276 tỷ đô hàng nhập còn lại từ TQ, theo thống kê nhập khẩu
năm 2017.
Nếu được tung ra thực hiện, đây sẽ là đòn quyết liệt
nhất của Mỹ, phụ trợ thêm thế Cờ Vây toàn diện đang dần được Mỹ siết chặt với
TQ, ngoài các nước cờ nhấn mạnh ý thức hệ, (về chủ nghĩa xã hội), phong tỏa
công nghệ, chính trị và quân sự.
Cần chú ý thêm vài biến động trong nền kinh tế thế
giới hay thị trường tài chính quốc tế có thể đang xảy ra do chiến lược trên đây
của Mỹ, hay như hậu quả liên hệ sắp tới.
Giá dầu có thể được giữ ở mức cao hiện tại hay lên
hơn nữa với hỗ trợ của Mỹ để giúp Nga phục hồi và củng cố nền kinh tế đang yếu
kém do sự cô lập hóa của Âu châu có Mỹ hỗ trợ một phần (sau vụ Crimea), và phần
khác để hỗ trợ Saudi Ả Rập và khối OPEC nhằm cô lập Iran là chính sách mới ở
Trung Đông của Mỹ do Tổng thống Trump đề ra, tương phản với chính sách của cựu
Tổng thống Obama.
Song hành với giá dầu cao, có những dấu hiệu cho thấy
giá vàng có thể đảo ngược bắt đầu khuynh hướng tăng (uptrend), lần đầu từ nhiều
năm nay đã sụt giảm sau khi đạt đỉnh cao trên 1900$/ounce vào năm 2009. Nguyên
do là mức lạm phát có thể tăng trên 2% ở Mỹ khiến đồng USD có thể bắt đầu suy yếu
sau khi đạt đỉnh cao từ vài năm nay, nhất là trong những tháng đầu năm 2018.
Giới đầu tư hay nhất là đầu cơ quốc tế cũng có thể bị
kích động bởi dân chúng Trung Quốc đang chạy tẩu tán ra khỏi tiền Nhân dân tệ
mua USD, Euro, tiền yen và nay là vàng (nơi giữ tài sản quen thuộc của dân Á
đông) mà giá đã xuống quá thấp so với giá dầu đang lên cao. Hiện tượng này giống
như lúc giá vàng bắt đầu tăng lên các năm 2004-2005.
*
BBC:
Tờ The Economist ở Anh vừa chạy headline nói về The Next Recession(Suy thoái lần
sau) trên thế giớivà cho là chính phủ Trung Quốc đang gặp khó khăn, phá
giá đồng Nhân dân tệ cũng khó, mà để giá tiền này cao thì
xuất khẩu tiếp tục bị Trump đánh vào bằng thuế quan(tariffs), theo ông vấn đề
có đúng thế không? Và cả sự phong tỏa công nghệ với Trung Quốc nữa, ảnh hưởng
sẽ ra sao?
TS
Phạm Đỗ Chí: Khá nhiều kinh tế gia nổi tiếng đều cũng đang lên tiếng
như báo The Economist về nguy cơ "The Next Recession" thế giới khó thể
tránh, bắt đầu bằng đầu tầu Mỹ, sau khi sự phục hồi rồi tăng trưởng của kinh tế
Mỹ đã kéo dài từ 2009. Trong sự nghiệp một nhà kinh tế, tôi luôn cố tránh tiên
đoán về trồi sụt của chu kỳ kinh tế hay kinh doanh (economic or business cycle)
của Mỹ dựa trên dự báo của vài nhà kinh tế nổi tiếng hay dùng các mô hình kinh
toán (econometric models).
Trái lại 'nhà tiên tri' về kinh tế mà tôi tin tưởng
suốt vài chục năm qua là thị trường chứng khoán Mỹ, thường đi trước diễn tiến của
nền "kinh tế thực" (the real economy) khoảng 6-9 tháng. Tôi vẫn đợi
thêm diễn tiến của chỉ số DJ Index và S&P 500 ra sao trong vài tháng nữa để
suy đoán suy thoái kinh tế Mỹ sắp diễn ra chưa và sẽ nặng hay nhẹ?
Nhưng tôi đồng ý với quan điểm trên của báo The
Economist là Trung Quốc đang bị Mỹ kẹp chặt, với thuế quan tiếp tục áp dụng mạnh
mẽ và lan tỏa, kèm thêm sự chặn đứng việc mua hay ăn cắp công nghệ của TQ với
các hãng Mỹ. Thí dụ tê liệt mới đây của hãng ZTE của TQ là rất rõ ràng. Mỹ đang
kèm theo sự phong tỏa tương tự với hãng Huawei.
TQ khó mà ngăn chặn sự phá giá của đồng CNY (NDT),
do ảnh hưởng tâm lý "tẩu tán tài sản" của dân chúng, và nhất là các
hãng xưởng muốn chạy ra khỏi Trung Quốc để đầu tư sang các nước khác. Tiền CNY
đã mất giá 8-9% sau hai đợt đầu của cuộc thương chiến; nếu Mỹ đánh tiếp thuế
quan 25% lên 200 tỷ hàng nhập Trung Quốc trước cuối năm, tiền CNY có thể mất
giá thêm 10% theo nhiều dự đoán. Và nếu áp thuế lên cả 276 tỷ đô hàng nhập còn
lại từ TQ, tiền CNY sẽ xuống dốc không phanh?
Về chiến lược thương mại tiền tệ này của Mỹ với
Trung Quốc, có thể ví như Mỹ không cần can thiệp bằng sức mạnh quân sự vào Trung
Quốc, nhưng thực sự đang gửi cả 100 sư đoàn 'quân biết nói tiếng Hoa' vào lãnh
thổ TQ: đó chính là những người dân Trung hoa tháo chạy bằng tiền CNY để mua đô
la Mỹ, euro, yen… như đã thấy, và sắp sửa tới đây có lẽ là vàng nếu USD có dấu
hiệu suy yếu kéo dài?
*
BBC:Về
chính trị và quân sự, chính quyền Trump hiện có bài gì đối
với Trung Quốc và việc gây sức ép với Bắc Kinh có được đồng thuận của lưỡng đảng
trong Quốc Hội không? Nước nào là đồng minh của Mỹ trong trận cờ này?
TS
Phạm Đỗ Chí: Như đã đề cập bên trên, Donald Trump chủ trương 'gần
Nga xa Trung Quốc', trái ngược hẳn với thời 1971-72 lúc Tổng thống Richard
Nixon cùng 'đạo diễn' Henry Kissinger tìm cách giãn xa Moscow và chạy sang Bắc
Kinh, ve vãn mở cửa thị trường khổng lồ của Trung Quốc cho hàng Mỹ và cũng nhờ
họ giúp một tay để rút chạy ra khỏi Chiến tranh Việt Nam, kể cả bằng cách hy
sinh bỏ rơi hẳn 'đồng minh một lúc' là VNCH.
Việc giúp giữ giá dầu thế giới ở mức cao như nói
trên là để 'giúp Nga đánh Hoa' vì kinh tế Trung Quốc luôn cần nhập khẩu một khối
lượng dầu lớn để tăng trưởng.
Nhưng quan trọng nhất về nước cờ chính trị để chống
Trung Quốc của Tổng thống Trump là các tuyên bố ngạo mạn gần đây của Trung Quốc
là họ sẽ tiến dần đến vị trí cường quốc số một thế giới thay Mỹ, và "mọi
thứ sẽ làm ở Trung Hoa vào năm 2025".
Các tuyên bố này và âm mưu thống lĩnh khu vực từ trước
đây của Trung Quốc nay đã lộ ra trên tầm mức thế giới, và viễn ảnh "một
anh châu Á thắng thế người Âu Mỹ và thống lĩnh thế giới" là không thể chấp
nhận được với Tây Phương, và đã đánh thức toàn Âu châu với niềm tự hào văn hóa
truyền thống , cũng như làm nước Mỹ chợt tỉnh dậy sau nhiều năm lầm lỗi do
chính sách sai lầm thiên về Trung Quốc của Nixon-Kissinger và các chính sách mềm
yếu của thời Obama với Trung Quốc.
Tuy có nhiều khác biệt giữa các ứng cử viên hai Đảng
Cộng hòa và Dân chủ, nhất là trước cuộc bầu cử gay go giữa kỳ tới đây, nhưng
chính sách chống Trung Quốc có vẻ đang được sự ủng hộ rộng rãi của lưỡng đảng
trong Quốc hội Mỹ, phản ánh dư luận quần chúng yểm trợ cuộc chiến thương mại với
Trung Quốc, do những bất công quá rõ từ nhiều năm trong chính sách thương mại
quốc tế của Trung Quốc, nhất là với Mỹ.
Bất chấp những ve vãn hay ngay cả mua chuộc của
Trung Quốc, liên minh thương mại quốc tế mà họ muốn thành lập để chống Mỹ đã thất
bại nặng nề. Ngược lại, một liên minh mới gồm Canada, Mexico, EU, Nhật Bản và
Hàn Quốc đang thành hình chống lại chính sách thương mại của TQ.
Trong bản hiệp định mới giữa Hoa Kỳ và Canada với
Mexico, thay cho NAFTA và có lợi cho Mỹ hơn trước, đã có thỏa thuận quan trọng
(Mỹ đạt được) là bất cứ thành viên nào cũng không có quyền thỏa thuận một hiệp
định thương mại tự do với một nền kinh tế phi thị trường, mà hàm ý chính là
Trung Quốc vì nước này vẫn chưa được thế giới hay tổ chức WTO coi là nền kinh tế
thị trường.
Trong hiệp định sắp đạt thỏa thuận với EU và Nhật Bản,
cũng chấp nhận nhiều "nhường nhịn" với Mỹ, một điều kiện tương tự đề
phòng Trung Quốc cũng sẽ được đặt ra.
Sau cùng về quân sự, rõ ràng là bản Luật mới về quân
sự mà QH Mỹ vừa thông qua, với ngân sách lớn cho các can thiệp tương lai của Mỹ,
cùng với các quyết định quân sự quan trọng cùng lúc của Mỹ trong vòng một tuần
lễ (23-30/9/18), gồm: cho máy bay B-52 thị sát vùng Biển Đông; tập trận Thủy
quân lục chiến ngoài khơi; và nhất là cho tàu Decatur tiến vào vùng di chuyển
hàng hải tự do để "nắn gân Trung Quốc" và bị chính chiến hạm Lan Châu
cắt mặt cách 41m, gây phản ứng dọa nạt mạnh mẽ của Ngũ Giác Đài, đã là xác định
hùng hồn và mạnh mẽ mà theo tôi có thể khiến Việt Nam có phần yên tâm hơn về sự
cương quyết can thiệp của Mỹ ở Biển Đông.
Hoa Kỳ trong tương lai muốn bắt buộc Trung Quốc tôn
trọng luật di chuyển hàng hải tự do trong vùng, phủ nhận và ngăn chặn 'Đường Lưỡi
Bò' ở Biển Đông. Tin mới nhất cho hay Thượng viện Mỹ đã thông qua Đạo luật cho
phép Mỹ cắt đứt Đường Lưỡi Bò đó của Trung Quốc ở Biển Đông. May mắn chăng là
VN có thể ở vào thế Bất chiến tự nhiên thành?
*
BBC:Cuối
cùng, Việt Nam cần chọn cách đi gì khi cuộc xung khắc Mỹ- Trung đang
tăng đà? Các chính sách lớn của Việt Nam có gì đúng, sai?
TS
Phạm Đỗ Chí: Đây là một đề tài lớn và quan trọng cần đề cập trong
một bài bình luận riêng biệt. Nhưng một cách tóm tắt, Việt Nam có thể hưởng lợi
lớn trong cuộc thương chiến Mỹ -Trung Quốc hiện tại bằng cách thay thế cho nhiều
hàng nhập từ Trung Quốc vào Mỹ.
Nhưng nói thế, không có nghĩa là Việt Nam nên để
các hãng Trung Quốc tràn vào Việt Nam để thay nhãn 'Made in China'
bằng 'mác Việt Nam giả' để xuất sang Mỹ. Qua các tiếp xúc riêng ở Hoa Kỳ, tôi
có thể khẳng định là các giới chức Mỹ rất cảnh tỉnh với 'âm mưu' này của Trung
Quốc, và giống như trường hợp thép nhập từ Việt Nam, họ có thể sẵn sàng áp thuế
rất cao đến 25% với các mặt hàng Việt Nam hay ngay cả chặn hẳn hàng 'mác giả
Việt Nam thay mác Trung Quốc' lúc vào cửa khẩu Mỹ.
Trong tinh thần này, Thông tư 19 của Ngân hàng Nhà
nước từ ngày 12/10/18 cho phép tiền CNY (NDT) vào bảy tỉnh biên giới (và sau
này có thể lan tràn khắp VN), là một quyết định chính sách sai lầm cần rút lại
ngay, trước khi có tác động làm hàng Trung Quốc tràn thêm ồ ạt vào Việt Nam,
và làm lũng đoạn chính sách tiền tệ, ngoài vấn đề nghiêm trọng là vi hiến và
xâm phạm chủ quyền quốc gia.
Con đường rõ ràng để đi là cải cách thể chế, tăng cường
tính thị trường của nền kinh tế, khuyến khích khu vực tư nhân trong sản xuất và
lập các thương hiệu, chuỗi sản xuất mới và riêng biệt.
Nhìn xa hơn, với chính sách mới của Mỹ khuyến khích
phát triển khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, Việt Nam có thể hưởng lợi lớn
về cả chính trị và kinh tế thương mại bằng cách tham gia một liên minh mới với
vài nước chính ở Đông Nam Á (không nhất thiết phải là ASEAN-- vì khối này có
Lào và Campuchia đã nghiêng hẳn về TQ), cùng Ấn Độ, Úc và New Zealand để phát
triển ngoại giao và thương mại vùng, đặt thế đứng vững chãi nhằm tăng cường
thương mại bền vững với Mỹ.
Không loại trừ trường hợp Mỹ có thể đề nghị tái lập
TPP với vài điều kiện mới, để cô lập Trung Quốc thêm nữa ngoài vòng mua bán
bùng nổ của châu Á với Bắc Mỹ và khối EU.
Trong việc cần tạo thế cân bằng chính trị giữa hai sức
mạnh khổng lồ Trung-Mỹ, hay nôm na thường gọi là thế "đu dây" của Việt
Nam, sẽ là lỗi lầm nghiêm trọng nếu Việt Nam ngả về Trung Quốc vì nỗi sợ truyền
thống hay do nhu cầu ngắn hạn, tình huống trong nội bộ.
Đó có thể là thế "Chẳng Đặng Đừng" duy nhất
của Việt Nam mà đa số người dân đang có vẻ ủng hộ mạnh mẽ, mong muốn đất nước
tiến tới, cho một tương lai độc lập phú cường.
-----------------------
Các
bài đã đăng của tác giả Phạm Đỗ Chí, Tiến sĩ kinh tế (Wharton School,
University of Pennsylvania), cựu chuyên viên IMF:
Xem
thêm chủ đề chiến tranh thương mại:
No comments:
Post a Comment