Tuesday, 9 October 2018

BẢN TIN BIỂN ĐÔNG NGÀY 9-10-2018 (BTV Tiếng Dân)




BTV Tiếng Dân
09/10/2018

Những chuyện nhức nhối về huyện đảo Hoàng Sa 

Báo VTC có cuộc phỏng vấn ông Đặng Công Ngữ, Chủ tịch Huyện đảo Hoàng Sa, giai đoạn 2009 – 2014. Trong đó, ông cho biết buổi tưởng niệm 40 năm hải chiến Hoàng Sa đã bị hoãn.

Cựu Chủ tịch huyện đảo Hoàng Sa Đặng Công Ngữ. Ảnh: VTC News

Ông Ngữ nói: “Tôi còn nhớ như in, chiều 19/1/2014, hàng nghìn học sinh và người dân địa phương sẵn sàng xếp hình thành chữ Hoàng Sa bên bãi biển Mỹ Khê và thắp nến tri ân những con người đã cống hiến máu xương cho Hoàng Sa. Tuy nhiên phút cuối, chương trình bị hoãn” .

Ông cũng cho biết, huyện đảo Hoàng Sa không có một công dân. Thông tin này thật đáng ngạc nhiên, khi mà năm 2012 đã có cuộc phát động phong trào đăng ký trở thành công dân danh dự của Hoàng Sa.

Cũng qua những câu trả lời phỏng vấn của ông, cho thấy các cơ quan chức năng vẫn chưa có một thái độ thích đáng đối với tình trạng ngư dân liên tục bị Trung Quốc rượt đuổi, tấn công ở quần đảo Hoàng Sa.

Cựu Chủ tịch Huyện đảo Hoàng Sa nói: “Chuyện ngư dân lăn lộn ở Hoàng Sa bị tấn công đã không còn lạ. Quan trọng là những nghiệp đoàn nghề cá từ cấp trung ương đến địa phương có mạnh mẽ lên tiếng chỉ trích hành động vô nhân đạo này hay không. Nếu đã xem mỗi ngư dân là một chiến sỹ trên biển, tôi nghĩ Nhà nước cần ban hành thêm cơ chế, chính sách nhằm có những hỗ trợ, động viên tốt nhất cho ngư dân vươn khơi bám biển. Đặc biệt là các ngư dân can trường, bất chấp hiểm nguy đánh bắt ở Hoàng Sa”.

Mỹ và Biển Đông

Ngày 8/10, bên lề chuyến công du tới Việt Nam, Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Randall G. Schriver đã trả lời phỏng vấn báo chí liên quan tới vấn đề Biển Đông và mối quan hệ Mỹ – Trung. Ông Schriver đặc trách các vấn đề châu Á – Thái Bình Dương.

VIDEO :

Về quan hệ với Việt Nam, ông Schriver cho biết, Mỹ muốn nâng cấp quan hệ toàn diện với Việt Nam, cũng như duy trì quan hệ an ninh quốc phòng và Quốc hội Mỹ đang ủng hộ điều này. Ông nói Mỹ muốn trở thành đối tác của Việt Nam trong việc hỗ trợ an ninh. Ông cho biết đang có nhiều thảo luận và trong tương lai có thể tuỳ từng trường hợp cụ thể, quốc hội Mỹ sẽ ưu tiên các thỏa thuận trang bị năng lực phòng thủ liên quan đến an ninh biển và nhận thức về khu vực trên biển cho đối tác Việt Nam.

Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis chủ trương tăng cường quan hệ với Việt Nam và ông sẽ đến Việt Nam trong 2 tuần nữa.

Về Chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương, ông Schriver cho biết, Mỹ thúc đẩy một Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở để đối mặt với thách thức từ thái độ ngày càng cứng rắn của Trung Quốc, trong việc áp đặt chủ quyền. Mỹ làm điều này thông qua việc hợp tác với đồng minh và đối tác của Mỹ, cũng như các bên chia sẻ lợi ích tại Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Mỹ muốn góp phần duy trì tự do hàng hải, thúc đẩy tuân thủ luật và quy tắc quốc tế. Ấn Độ – Thái Bình Dương được coi là mặt trận ưu tiên của Mỹ và trong tương lai, ngân sách quốc phòng rót về đây sẽ ngày càng tăng.

Trong tương lai, để ngăn chặn những hành động gây quan ngại ở Biển Đông của Trung Quốc, Mỹ sẽ tập trung vào nỗ lực thu thập sự ủng hộ của quốc tế, nhằm tạo ra sự phản đối đồng loạt và mạnh mẽ, gia tăng áp lực đối với Trung Quốc, bảo đảm tính tự do và rộng mở cho khu vực. Ông Schriver cũng cho biết, Tổng thống Trump không phải là một nhà lãnh đạo theo kiểu truyền thống mà sẵn sàng thử nhiều cách khác nhau.

Để ngăn chặn nguy cơ chạm trán và có những hành động nguy hiểm ở Biển Đông như cuộc chạm trán giữa tàu Mỹ và tàu Trung Quốc hôm 30/9 vừa rồi, Mỹ vẫn sẽ theo đuổi các hoạt động tự do hải hành hợp pháp với các lực lượng tại khu vực, đối thoại trực tiếp với Trung Quốc thông qua kênh liên lạc quân sự chính thức.

Ông Schriver nói, nhìn chung, cho dù là nguy cơ trên Biển Đông hay căng thẳng trong quan hệ hai nước, Mỹ không muốn xung đột và sẽ bảo đảm  không dẫn đến xung đột. Trung Quốc và Mỹ đang tìm cách xử lý vấn đề Biển Đông trên mọi kênh hiện có, từ ngoại giao đến quân sự. Ông cũng cho biết, Mỹ lo ngại “các hành vi của Trung Quốc có thể dẫn đến ngưỡng ngày càng có nhiều hoạt động cố tình hơn”.

“Chúng tôi muốn Trung Quốc trở thành một phần của Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Thế nhưng trong tương lai gần, nếu cần thiết chúng tôi sẽ phải giải quyết một cách trực tiếp”. Ông Schriver nói, nhưng không cho biết cụ thể “giải quyết một cách trực tiếp” có nghĩa là gì.










No comments:

Post a Comment

View My Stats