Friday, 5 October 2018

BẢN TIN BIỂN ĐÔNG NGÀY 5.10.2018 (BTV Tiếng Dân)




BTV Tiếng Dân 
05/10/2018

Ngày 2/10 vừa qua, GS Carl Thayer, chuyên gia nghiên cứu Biển Đông và tình hình chính trị ở Việt Nam, có bài viết: Chiến lược mới về biển của Việt Nam đến năm 2030: Đích tới, con đường và phương tiện. Chúng tôi xin được dịch và giới thiệu với độc giả trong bản tin Biển Đông hôm nay.

***
Tuần này, hội nghị Trung ương lần thứ 8 của Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ thông qua một nghị quyết về chiến lược phát triển kinh tế biển bền vững cho Việt Nam. Có hai xu hướng đối lập nhau sẽ quyết định thành công hay thất bại về chiến lược mới trên biển của Việt Nam.

Xu hướng đầu tiên có tính tích cực. Trung Quốc và mười một thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) dường như đang bước vào những giai đoạn cuối cùng của việc phê chuẩn một Bộ Quy tắc ứng xử (COC) ở Biển Đông. Trong khi vẫn còn nhiều công việc ngoại giao cần được thực hiện, bản COC cuối cùng sẽ được xem xét điều chỉnh hành vi của các nhà nước và tạo ra một môi trường có triển vọng nhiều hơn cho “hòa bình, hợp tác và phát triển”.

Nhưng xu hướng thứ hai lại có tính tiêu cực. Những căng thẳng giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ đang gia tăng khi cả hai bên đều đang phô diễn sức mạnh quân sự của mình. Trung Quốc đã tiếp tục quân sự hóa các đảo nhân tạo với các thiết bị gây nhiễu sóng điện tử, các tên lửa đất đối không và tên lửa chống hạm. Trung Quốc tiếp tục tiến hành các cuộc tập trận hải quân tấn công cũng như thử nghiệm cất cánh và hạ cánh các máy bay ném bom hạt nhân trên đảo Phú Lâm trong quần đảo Hoàng Sa. Hoa Kỳ không chỉ tăng tần suất các hoạt động tuần tra tự do hải, hành mà còn tăng cường sự hiện diện liên tục của máy bay ném bom với những chuyến bay của các máy bay ném bom B-52. Cả hai nước đang trên bờ vực của cuộc chiến thương mại.

Vào tháng Tư năm 2006, Đại hội toàn quốc lần thứ mười của Đảng Cộng sản đã thông qua một chính sách về kinh tế biển Việt Nam. Vào thời điểm đó, các nhà kinh tế ước tính rằng, tới năm 2020 nền kinh tế biển của Việt Nam sẽ đóng góp 53 – 55% GDP và cung cấp 55 – 60% xuất khẩu của Việt Nam.

Tháng 1 năm 2007, Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ tư đã thảo luận về nền kinh tế biển của Việt Nam và ngày 9 tháng 2 năm 2007 đã ban hành Nghị quyết 09-NQ/TW, “Chiến lược biển hướng đến năm 2020″. Chiến lược này được hoàn thành vào cuối năm đó và đưa ra các hướng dẫn để lồng ghép hoàn toàn việc phát triển kinh tế của các tỉnh duyên hải và lãnh hải của Việt Nam với các nguồn tài nguyên biển và dầu khí trong Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa của Việt Nam. Vào tháng 4 năm 2010, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã phê duyệt Quyết định 568 phát triển nền kinh tế biển và hải đảo của Việt Nam đến năm 2020.

Chiến lược thường được mô tả gồm ba phần: đích tới, cách thức và phương tiện. Đích tới của chiến lược đề cập đến mục tiêu cuối cùng của chiến lược. Các cách thức chiến lược đề cập đến sự tích hợp các phương pháp đa dạng như kinh tế, tài chính, chính trị, ngoại giao, công nghệ, môi trường, văn hóa, an ninh và quốc phòng. Các phương tiện chiến lược đề cập đến các hành động cụ thể để thực hiện các phương pháp chiến lược. Một chiến lược tầm quốc gia nên phản ánh một cách tiếp cận toàn diện của chính phủ với sự tham gia của tất cả các bên liên quan như các bộ trung ương, chính quyền cấp tỉnh và xã, tổ chức nhân dân, cơ quan thực thi pháp luật và lực lượng vũ trang nhân dân.

Sau khi Việt Nam thông qua “Chiến lược biển đến năm 2020”, Trung Quốc phản ứng bằng cách cắt đứt các tàu khảo sát địa chấn, quấy rối và bắt giữ ngư dân Việt Nam, áp đặt lệnh cấm đánh cá đơn phương hàng năm ở Biển Đông, đẩy mạnh đánh bắt cá bất hợp pháp trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, gây áp lực buộc các công ty dầu khí nước ngoài rút hết hợp đồng với Việt Nam. Trong năm 2014, đã có một cuộc đối đầu lớn khi Trung Quốc di chuyển giàn khoan dầu Hải Dương 981, vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Chiến lược mới về kinh tế biển của Việt Nam sẽ chỉ thành công nếu mục tiêu cuối cùng của nó là chủ động hội nhập và thúc đẩy phát triển kinh tế, đồng thời bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Chiến lược mới về kinh tế biển của Việt Nam phải tạo ra những nguồn sức mạnh mới cho Việt Nam, tạo ra những lợi thế mới cho Việt Nam và khai thác những điểm yếu của bất kỳ kẻ thù tiềm năng nào.

Khi các Uỷ viên Trung ương Đảng Cộng Sản quyết định chiến lược mới về phát triển kinh tế biển, họ sẽ phải tính đến hai xu hướng nêu trên, đặc biệt là các cuộc đàm phán về COC và khả năng tình hình an ninh ở Biển Đông sẽ xấu đi do sự gia tăng cạnh tranh và bất hoà giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ.

Hơn bao giờ hết, chiến lược mới của Việt Nam phải tích hợp các phương thức ngoại giao chính trị để đạt được mục đích chiến lược với những cân nhắc về an ninh. Hai cách này được đan xen vào nhau bởi vì bản dự thảo COC vẫn là một công việc đang tiến hành và chứa nhiều mệnh đề chồng chéo liên quan đến sự tương tác giữa các lực lượng quân sự trong khu vực để thúc đẩy “lòng tin, hợp tác và tin cậy lẫn nhau”, ngăn chặn, quản lý và giải quyết sự cố khi chúng phát sinh.

Tóm lại, các nhà ngoại giao và lãnh đạo chính phủ Việt Nam sẽ phải nỗ lực gấp đôi để bảo đảm rằng, bản COC cuối cùng sẽ mang lại lợi thế cho Việt Nam, đồng thời hạn chế Trung Quốc. Lãnh đạo chính phủ Việt Nam, các nhà ngoại giao và các sĩ quan quân đội phải tích hợp và điều phối kế hoạch của họ, điều chưa từng có trước đây. Điều này là bởi vì việc bảo vệ chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ bây giờ sẽ được liên kết với Bộ nguyên tắc ứng xử ở Biển Đông, sẽ mang lại cả cơ hội và thách thức cho Việt Nam.

Việt Nam phải bảo đảm rằng, lợi ích quốc gia được thúc đẩy qua bản COC cuối cùng. COC có nghĩa vụ thiết lập các quy tắc tiêu chuẩn để hướng dẫn cách các nước tự ứng xử trên Biển Đông trong khi chờ giải quyết các tranh chấp lãnh thổ và chủ quyền. Văn Bản Đàm Phán Dự Thảo COC Duy Nhất, cung cấp nhiều đề xuất về hợp tác biển thiết thực để xây dựng lòng tin và sự tin cậy lẫn nhau. Ví dụ, dự thảo COC hiện tại bao gồm nhiều đề xuất chung như hợp tác biển thực tế, tự kiềm chế, thông báo trước về các cuộc tập trận chung, thủ tục hoạt động, thủ tục báo cáo, quản lý và giải quyết sự cố, phi quân sự và cấm các hoạt động, bao gồm phong tỏa tàu cung ứng, mô phỏng các cuộc tấn công và tuyên bố một khu vực nhận dạng phòng không. Nhưng dự thảo COC thiếu chi tiết cụ thể về cách thức các biện pháp này được thực hiện trong cuộc sống thực.

Trong quá khứ, Việt Nam theo đuổi một chiến lược chính trị – ngoại giao/an ninh – quốc phòng hai nhánh. Thứ nhất, Việt Nam ưu tiên cân bằng quan hệ với Trung Quốc bằng cách thúc đẩy quan hệ chính trị và ngoại giao với ASEAN, các thiết chế đa phương của ASEAN, với từng thành viên ASEAN, các cường quốc (Ấn Độ, Nhật Bản, Nga và Mỹ) và các thành viên khác của cộng đồng quốc tế. Hiện nay, Việt Nam sẽ kêu gọi làm việc tích cực hơn với các quốc gia duyên hải Biển Đông, Philippines, Malaysia, Indonesia và Brunei trong một môi trường đa phương để đạt được bản COC cuối cùng.

Thứ nhì, Việt Nam đã hiện đại hóa các lực lượng không quân, hải quân và các cơ quan thực thi pháp luật hàng hải của Việt Nam (Lực lượng Cảnh sát Biển Việt Nam và Lực lượng Kiểm ngư Việt Nam). Việt Nam giờ đây phải cải thiện đáng kể năng lực C4ISR (Chỉ huy (Command), Kiểm soát (Control), Truyền thông (Communications), Máy tính (Computers), Tình báo (Intelligence), Giám sát (Surveillance) và Trinh sát (Reconnaissance) trong thời gian thực 24/7. Điều này sẽ liên quan đến việc nâng cấp và tích hợp các năng lực như phạm vi vệ tinh thời gian thực, các phương tiện bay không người lái / máy bay không người lái, cảm biến và radar ven biển. Thông tin thu thập được từ các nguồn này phải được hợp nhất và phổ biến một cách kịp thời.

Hơn nữa, Việt Nam phải cải thiện thông tin liên lạc giữa các cơ quan quốc phòng và thực thi pháp luật với các cộng đồng ven biển, hạm đội đánh cá, dân quân đánh cá và cư dân trên các hòn đảo và các nhà giàn ngoài khơi Biển Đông. Đội tàu đánh cá và dân quân của Việt Nam phải được liên kết với mạng lưới này thông qua GPS và điện thoại vệ tinh.

Trong tình hình hiện nay, Việt Nam sẽ được kêu gọi để hội nhập và phối hợp hiệu quả hơn các phương thức và phương tiện nội bộ và bên ngoài trong chiến lược biển của mình. Nói cách khác, phát triển kinh tế biển nội bộ phải được theo đuổi song song với việc tham gia các hoạt động đối ngoại – chính trị và an ninh – quốc phòng với bên ngoài trong một môi trường đa phương.






No comments:

Post a Comment

View My Stats