Tuesday, 16 October 2018

BẢN TIN BIỂN ĐÔNG NGÀY 16/10/2018 (BTV Tiếng Dân)



BTV Tiếng Dân
16/10/2018

Chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ James Mattis

Trong vòng 9 tháng qua, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã chính thức đến thăm Việt Nam hai lần. Ông James Mattis cũng đã gặp người đồng nhiệm Việt Nam là Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch bốn lần trong năm nay. Dưới đây là lược dịch một số bình luận của GS Carl Thayer.

Chuyến thăm của Thủ tướng Mattis đến Việt Nam là một phần của chuyến đi trong lịch trình thăm Trung Quốc 2 ngày rồi tham gia Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN Plus ở Singapore. Tuy nhiên chuyến thăm Trung Quốc đã bị huỷ bỏ trong bối cảnh căng thẳng quan hệ Mỹ – Trung leo thang. Và ông Mattis đã chọn Việt Nam thay cho Trung Quốc.

Có thể nhận thấy rõ ràng từ Chiến lược An ninh Quốc gia và Chiến lược Quốc phòng của Mỹ là nước này coi Việt Nam là một đối tác chiến lược quan trọng. Tầm quan trọng của Việt Nam sẽ tăng lên khi Việt Nam trở thành Chủ tịch ASEAN vào năm 2020 và khi được bầu là thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp quốc.

Và với tần suất các cuộc gặp như vậy cũng cho thấy, Bộ trưởng Mattis coi trọng quan hệ cá nhân đặc biệt với người đồng nhiệm Việt Nam, Đại tướng Ngô Xuân Lịch.

Tuy nhiên, GS Thayer tiết lộ, Việt Nam đã lặng lẽ hủy bỏ hơn mười lăm hoạt động tham gia quốc phòng dự kiến cho năm 2019 liên quan đến trao đổi quân đội, hải quân và không quân. Quyết định này có thể là do Mỹ vận động hành lang để Việt Nam mua vũ khí của Mỹ và từ bỏ Nga. Việt Nam có thể đã xem vận động hành lang này là áp lực và can thiệp vào các vấn đề nội bộ của quốc gia này. Những diễn tiến này cho đến nay vẫn được giữ kín.

Việt Nam luôn tìm cách duy trì độc lập và tự lực trong mối quan hệ với các cường quốc. Đẩy mạnh hợp tác quốc phòng với Hoa Kỳ trong những lãnh vực nhạy cảm sẽ khó khăn vì Trung Quốc sẽ phản kháng nếu Việt Nam được cho là đang nghiêng về Hoa Kỳ.

Trong những tháng tới, có thể sẽ có nhiều sự cố hơn giữa tàu chiến Trung Quốc và Hải quân Hoa Kỳ khi Washington tăng cường tuần tra tự do hải hành ở Biển Đông và tiến hành các cuộc tập trận hải quân chung với các đồng minh và đối tác. Cho đến nay cuộc chiến thương mại giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ vẫn được cách ly khỏi tranh chấp Biển Đông. Nhưng sự suy thoái trong quan hệ song phương giữa Bắc Kinh và Washington có thể tác động đến Biển Đông. Phó Chủ tịch Mike Pence gần đây đã đưa ra một bài phát biểu mạnh mẽ chỉ trích Trung Quốc trong một số vấn đề. Điều này phản ánh Chiến lược an ninh quốc gia của Mỹ đã xác định rõ ràng, Trung Quốc là một đối thủ.

Trung Quốc có thể gây áp lực cho Việt Nam và các thành viên ASEAN khác không đứng về phía Hoa Kỳ. Trung Quốc cũng có thể hoãn các cuộc đàm phán về Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông với lập luận rằng, Hoa Kỳ phải chịu trách nhiệm vì đã đe dọa an ninh của Trung Quốc.

Úc khẳng định tầm quan trọng trong liên minh với Mỹ

Ngoại trưởng mới nhậm chức của Úc, bà Marise Payne, phát biểu hôm thứ Hai rằng, mối liên minh giữa Úc và Hoa Kỳ chưa bao giờ quan trọng hơn lúc này trong bối cảnh thách thức gia tăng ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương, theo ABC News.

Ngoại Trưởng Payne nói: “Chúng tôi không có chút nghi ngờ gì rằng Hoa Kỳ sẽ vẫn là một sự hiện diện lâu dài trong khu vực. Sẽ có những cường quốc khác nổi lên, sự cạnh tranh có thể tăng lên, nhưng Hoa Kỳ sẽ luôn ở đây. Những thách thức ở Ấn Độ-Thái Bình Dương khiến cho liên minh của chúng tôi trở nên quan trọng như nó đã từng có”.

Úc cũng cam kết hợp tác có tính xây dựng với Trung Quốc, đối tác thương mại quan trọng nhất của Úc, bà Payne nói.

Nhưng bà cũng nói rằng, khu vực này sẽ an toàn hơn và thịnh vượng hơn nếu các bất đồng được quản lý bởi những luật lệ đã được thống nhất hơn là bằng sử dụng sức mạnh – một sự ám chỉ rõ ràng tới việc Trung Quốc quân sự hóa ở Biển Đông.









No comments:

Post a Comment

View My Stats