BTV Tiếng Dân
08/10/2018
Ngày 4 tháng 10 vừa qua, tại viện Hudson của Hoa Kỳ,
Phó Tổng thống Mike Pence đã có một bài phát biểu về Trung Quốc với những thông điệp mạnh
mẽ, dường như muốn báo hiệu quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc giờ đây đã thay đổi.
Thời đại mà Washington chìa tay cho Trung Quốc cơ hội để trở thành một thành
viên có trách nhiệm cùng với Hoa Kỳ trong các vấn đề thế giới đã chấm dứt, theo nhận định của The New York Times.
Theo TS. Satoru Nagao từ viện Hudson, bài phát biểu có 3 điểm
nhấn đặc biệt. Thứ nhất, Washington cho rằng Bắc Kinh đang triển khai tổng lực
mọi công cụ để gây ảnh hưởng và thu lợi ở Mỹ. Trung Quốc đã lợi dụng những thiết
chế tự do kinh tế để “xâm lược” kinh tế Mỹ.
Thứ nhì, Hoa Kỳ cho rằng Trung Quốc đang sử dụng
“ngoại giao bẫy nợ”. Điều này cũng trùng hợp với những gì các học giả và truyền
thông cảnh báo trong một thời gian dài, khi mà Trung Quốc thông qua các khoản
vay dễ dãi không ràng buộc điều kiện để gây ảnh hưởng can thiệp vào chính trị của
các nước khác, tước đi những tài sản quan trọng của các quốc gia này. Bắc Kinh
cũng chi tiền tăng cường sức mạnh quân sự nhằm phục vụ tham vọng chủ quyền.
Thứ ba, bài phát biểu một lần nữa tái khẳng định cam
kết của Washington đối với chính sách Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do rộng
mở nhằm gắn kết và tạo ra những hợp tác mới giữa các nước trong khu vực.
Theo báo New York Times, điều đáng ngạc nhiên không
phải là nội dung những gì Phó tổng thống Mike Pence nói. Báo này tin rằng, chắc
chắn Mỹ đã đề cập những điều này với Trung Quốc trong những cuộc họp kín. Điều
ngạc nhiên là, đây là lần đầu tiên Hoa Kỳ công khai những nội dung này.
“Điều này nhìn giống như là một tuyên bố của một cuộc
Chiến tranh Lạnh mới, và những gì Trung Quốc có thể làm quan trọng hơn nước này
sẽ nói gì về bài phát biểu của Pence”, ông Zhang
Baohui, giáo sư về quan hệ quốc tế tại trường đại học Lingnan ở Hong Kong, bình
luận.
Trung Quốc có thể phản ứng bằng cách tăng cường chi
tiêu quốc phòng, mà như ông Pence nói là đã bằng tổng chi tiêu quân sự của tất
cả các nước châu Á khác cộng lại.
Trung Quốc cũng có thể đảo ngược quá trình ủng hộ nỗ
lực do Mỹ dẫn đầu tại Liên Hiệp quốc áp dụng các biện pháp trừng phạt nặng nề đối
với Bắc Triều Tiên, liên quan tới các chương trình hạt nhân và tên lửa của nước
này.
Tuy nhiên bài phát biểu có thể trấn an hai quốc gia
đang lo sợ Trung Quốc. Đó là Nhật Bản – một đồng minh quan trọng của Hoa Kỳ, và
Ấn Độ, một nước mà Washington đang muốn kết nối gần hơn – các nhà phân tích khu
vực nhận định. Và cách tiếp cận cứng rắn hơn phản ánh một sự cảnh giác ngày
càng gia tăng đối với Trung Quốc trong các doanh nghiệp Mỹ.
Bilahari Kausikan, cựu bí thư thường trực Bộ Ngoại
giao Singapore nhận định: “Các doanh nghiệp Mỹ đặc biệt quan trọng vì nó có
vai trò tạo ra sự ổn định [trong quan hệ hai nước – ND]. Nhưng tâm trạng các
doanh nghiệp Mỹ đã trở nên chua chát trong hơn một thập niên trở lại đây. Làm
thế nào mà người Trung Quốc đã không nhận ra điều này, tôi cũng không biết nữa”.
Bên cạnh đó, cũng có những câu hỏi đặt ra về tính thực
chất đằng sau những lời tuyên bố cứng rắn của Phó Tổng thống Mike
Pence. TS. Mira Rapp-Hooper, Nghiên cứu viên cao cấp tại Trung tâm Trung Quốc
Paul Tsai, trường Luật Yale đặt ra những câu hỏi như sau:
1. Cách hành xử của Trung Quốc trong kinh tế đã gây
tổn hại lâu dài, nhưng hầu hết những hành vi này đều không liên quan đến thâm hụt
thương mại song phương với Hoa Kỳ. Chiến tranh thương mại sẽ giúp chúng ta như
thế nào trong việc giành được thị trường có thể truy cập lâu dài hoặc ngăn chặn
hành vi trộm cắp sở hữu trí tuệ ồ ạt?
2. Trung Quốc đang sử dụng các khoản đầu tư cơ sở hạ
tầng khu vực của mình nhằm đạt được những mục đích có tính cưỡng bức, dưới hình
thức sáng kiến Vành đai và Con đường, nhưng Hoa Kỳ không có một nghị trình kinh
tế nào cho khu vực. Chúng ta sẽ phản ứng như thế nào?
3. Ở Biển Đông và Biển Hoa Đông, Trung Quốc đã tiến
hành những cưỡng bức mức độ thấp trong nhiều năm qua sử dụng tàu thực thi pháp
luật và tàu thương mại. Đây không phải là vấn đề có thể giải quyết bằng hoả lực
và ngân sách quân sự lớn một mình không thể giải quyết được vấn đề này.
4. Trong nhiều năm, chính phủ Trung Quốc đã tài
trợ quảng cáo trên các báo nước ngoài nhằm nỗ lực gây ảnh hưởng với dư luận nước
ngoài. Chúng ta sẽ làm thế nào để chống lại một cách thuyết phục những nỗ lực
hiện tại của họ khi mà vào năm 2016, chúng ta đã không có phản hồi nào có ý
nghĩa đối với sự tấn công vào quá trình dân chủ của chúng ta?”
Nữ học giả đến từ trường ĐH Yale cho rằng, “những
phát biểu cứng rắn không phải là một chiến lược cho cuộc cạnh tranh. Nó không
cho biết đích tới hoặc các phương tiện sẽ được sử dụng để đạt được những mục
đích này. Trên thực tế, chúng ta đều thiếu một cách ghê gớm cả mục đích và
phương tiện”.
“Điều này dẫn đến câu hỏi quan trọng nhất: mục tiêu
cạnh tranh với Trung Quốc là gì? Giành chiến thắng có nghĩa gì, và làm thế nào
để chúng ta đo lường được sự tiến bộ? Nếu chúng ta nghiêm túc về một hình thức
cạnh tranh cường quốc nào đó, chúng ta sẽ cần câu trả lời để chứng minh điều
đó”, bà kết luận.
Đọc thêm: Trợ lý bộ trưởng Quốc phòng Mỹ thăm Việt Nam lần thứ ba
trong 9 tháng – Ngăn hành vi xấu ở biển Đông(NLĐ). –Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Thôi Thiên Khải: Trung-Mỹ thương
thuyết giải quyết vấn đề cần Mỹ thể hiện nhiều sự tin cậy và thiện chí hơn(CRI).
–Thông điệp của Hoa Kỳ: Đã đến lúc phải chọn bên ở Biển Đông(SCMP).
Tàu hộ vệ Việt Nam lên đường tới Hàn Quốc duyệt đội hình trên
biển — Hàn Quốc sẽ bàn giao tàu tuần tra cho Việt Nam cuối tháng 10(VNE).
– Bế mạc Hội nghị Trung ương 8: Đưa Việt Nam giàu lên từ biển (MTG).
No comments:
Post a Comment