Thursday, 25 October 2018

ÂN XÁ QUỐC TẾ KÊU GỌI TÂN CHỦ TỊCH NƯỚC VN TRẢ TỰ DO CHO TRẦN THỊ NGA (RFA)



RFA
2018-10-25

Tổ chức Ân xá Quốc tế hôm nay 25/10, phát đi thư ngỏ khẩn cấp kêu gọi mọi người trên thế giới viết thư gửi cho tân Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đề nghị trả tự do cho tù nhân lương tâm Trần Thị Nga, người mà thân nhân cho biết đang gặp nguy hiểm trong trại giam.

Chị Trần Thị Nga tại phiên tòa ở tỉnh Hà Nam hôm 22/12/2017.  AFP

Theo Amnesty International, lãnh đạo trại giam Gia Trung tỉnh Gia Lai gần đây thông báo miệng với gia đình bà Nga rằng bà bị kỷ luật vì “không tuân thủ quy định của trại giam”, trong khi đó không có bất kỳ giấy tờ nào được cung cấp. Kết quả là nhà hoạt động bảo vệ nhân quyền Trần Thị Nga không được gặp gia đình từ hôm 28/7/2018 và chỉ được gọi về 3 lần trong 3 tháng qua để gặp em trai của bà Nga, mỗi lần 5 phút.

Lần cuối cùng bà Nga gọi về cho chồng mình hôm 17/8 cấp báo việc những ngày qua bà liên tục bị người cùng trại giam gây sự, khủng bố, đánh đập dã man và thậm chí bị dọa giết.
Tổ chức Ân xá Quốc tế kêu gọi viết thư cho các lãnh đạo Việt Nam như Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Giám đốc trại giam Gia Trung Nguyễn Đình Ba và Bộ trưởng Công an Tô Lâm yêu cầu trả tự do ngay lập tức cho bà Trần Thị Nga.

Đồng thời bảo đảm cho đến khi được trả tự do, bà Nga không bị tra tấn hay ngược đãi và phải điều tra công bằng, độc lập việc tù nhân lương tâm này cáo buộc bị đánh đập trong nhà tù.

Cũng theo tổ chức có sứ mệnh hoạt động nhằm giải thoát tất cả tù nhân lương tâm, trại giam phải chấm dứt việc chuyển trại như một hành động trừng phạt và bà Nga cần phải được tiếp cận gia đình và luật sư và chăm sóc y tế.

Hôm 22/10/2018, gia đình bà Nga tiếp tục gửi đơn tố cáo và yêu cầu khẩn cấp lần thứ 2 cho Ban giám thị trại giam Gia Trung, tỉnh Gia Lai, Cục Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp, Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà nội, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Gia lai, lên tiếng về trường hợp mà gia đình cho là khẩn cấp đối với bà Trần Thị Nga.

Phóng viên RFA nhiều lần gọi điện thoại cho trại giam Gia Trung để làm rõ sự việc trong đơn tố cáo nhưng tất cả số máy của trại giam công bố trên trang mạng đều không liên lạc được.

*
*
Tin, bài liên quan






--------------------------------------

25/10/2018

Tổ chức Ân xá Quốc tế (Amnesty International) bày tỏ quan ngại sâu sắc về Luật An ninh mạng sắp có hiệu lực và thúc giục Quốc hội Việt Nam hãy lập tức có biện pháp phòng ngừa những tác hại của dự luật đối với quyền con người.

Trong một bức thư ngỏ gửi cho Quốc hội Việt Nam, Tổ chức Ân Xá Quốc tế đặt trụ sở ở Anh cho rằng Luật An ninh mạng, dự kiến có hiệu lực ngày 1/1/2019, không tuân thủ các điều luật quốc tế và Hiến pháp 2013 của Việt Nam.

“Chúng tôi đặc biệt quan ngại về các điều khoản sẽ được sử dụng để hạn chế và hình sự hóa việc bày tỏ ý kiến trên mạng vốn được bảo vệ trong Bộ luật Hình sự 2015,” Giám đốc khu vực phụ trách Đông Nam Á và Thái Bình Dương của AI, Nicholas Bequelin, viết trong bức thư ngỏ đề ngày 18/10.

Điều 8 của bộ Luật này đưa ra một danh sách các hành vi và hoạt động bị cấm trên mạng bao gồm “xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng, phá hoại khối đoàn kết toàn dân tộc” và “thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệu hại cho các hoạt động kinh tế-xã hội.”

Theo ông Bequelin, điều khoản này rất mơ hồ và trao cho nhà nước quá nhiều quyền hành và sự độc đoán quyết định cái gì cấu thành những hành động bị cấm.

Luật An ninh mạng được Quốc hội Việt Nam thông qua hôm 12/6 với sự ủng hộ của hầu hết các đại biểu tham gia biểu quyết. Bộ luật do Bộ Công an chủ trì soạn thảo, được cố Chủ tịch nước Trần Đại Quang ban hành hôm 28/6.

Tổ chức Phóng viên Không biên giới (RSF) nhận định rằng đạo luật mới này là bản sao “không có một thay đổi nào” của Luật An ninh mạng Trung Quốc, vốn có hiệu lực từ tháng 6/2017.

Kể từ khi văn bản dự thảo Nghị định An ninh mạng được đưa lên mạng xã hội hồi đầu tháng này, nhiều người dân bày tỏ lo ngại rằng những thông tin “rất cá nhân, rất riêng tư” của họ sẽ bị phơi bày, tệ hơn nữa, sẽ bị các tập đoàn lớn như Google, Facebook “bỏ rơi”, một khi họ không thể tuân thủ toàn bộ các yêu cầu của Luật.

Hiện có hơn 60 triệu người dùng internet ở Việt Nam, chiếm khoảng 70% dân số.

Theo nhận định của AI, internet là trung tâm của sự phát triển kinh tế và xã hội ở Việt Nam và do đó nếu thực thi, Luật An ninh mạng sẽ dẫn tới những hạn chế, vi phạm các quyền tự do biểu đạt, quyền riêng tư, và quyền tự do thông tin cũng như các quyền con người khác.

Bức thư ngỏ được đăng trên trang web của Ân xá Quốc tế giữa lúc Quốc hội Việt Nam đang tiến hành kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV ở Hà Nội, từ 22/10 đến 21/11.

“Trước buổi họp cuối cùng của Quốc hội trong năm 2018, chúng tôi thúc giục các đại biểu có những biện pháp tức thì và hiệu quả để đảm bảo Luật An ninh mạng mới và nghị định thực thi (bộ luật) tôn trọng và bảo vệ các quyền của tất cả mọi người dân ở Việt Nam.”

Tổ chức này đề nghị chính quyền Việt Nam hãy lập tức tạm hoãn ban hành luật mới để xem xét lại cho phù hợp với luật lệ quốc tế, đồng thời hãy lập tức trả tự do cho các tù nhân lương tâm ở trong nước.

Cũng trong tháng này, hơn 69.000 người dùng mạng xã hội đã ký vào bản kiến nghị yêu cầu Quốc hội Việt Nam hoãn thi hành Luật An ninh mạng.

Hiện có khoảng gần 100 tù nhân lương tâm đang bị giam giữ ở Việt Nam, theo AI.

Yêu cầu bình luận của VOA để tìm hiểu phản ứng của Việt Nam về bức thư của Tổ chức Ân Xá Quốc tế chưa được hồi đáp.

*
Liên quan












No comments:

Post a Comment

View My Stats