Thursday, 12 July 2018

WORLD CUP : CÀNG DÂN CHỦ CÀNG THÀNH CÔNG? (Nguyễn Quốc Tấn Trung - Luật Khoa)




Posted on 11/07/2018

Ở bài viết trước, chúng ta đã có dịp nói về Brazil, quốc gia bóng đá hùng mạnh nhất nhì hành tinh. Song chỉ thế thôi thì mẫu chưa đủ lớn để có thể minh chứng cho mối tương quan giữa dân chủ và thành công trong bóng đá.

Bốn đội bóng vào đến bán kết năm nay: Anh, Pháp, Croatia và Bỉ đều là những nền dân chủ hoặc là lâu đời, hoặc là đã được xác lập vững chắc. Nhưng cả điều này có thể cũng chỉ là trùng hợp.

Vậy chúng ta hãy nói về tổng quan bức tranh dân chủ trong bóng đá.

Những con số biết nói?

Lịch sử chung của World Cup có thể được xem xét thêm để cho chúng ta câu trả lời tổng quát hơn.

Theo thống kê của Liên đoàn Bóng đá Thế giới (FIFA), có năm đội đá nhiều trận nhất trong các kỳ World Cup. Ba đội đến từ Châu Âu gồm Đức, Anh và Italy. Hai đội còn lại là cái nôi cuồng nhiệt bóng đá của thế giới là Brazil và Argentina. Dẫu vậy, thế này cũng chưa hẳn thể hiện được thành công mà từng đội đạt được.

Còn với thông tin về các kỳ World Cup tổng hợp từ Wikipedia, có thể thấy một quốc gia dân chủ cấp tiến với khả năng quản trị công tốt thường có khả năng góp mặt ở vòng 1/16 trở vào trong cao hơn cả. Thậm chí đối với trận chung kết, ngoại trừ hai thành tố khá đặc biệt là là Brazil và Argentina, tất cả những quốc gia góp mặt trong những trận chung kết thế giới từ sau 1945 đến nay đều có xuất xứ từ Châu Âu, thành trì của chủ nghĩa tự do, cấp tiến và quản trị công hiệu quả.

Tính theo khu vực, UEFA – Liên đoàn bóng đá Liên Minh Châu Âu – sở hữu 12 chức vô địch (so với 9 của Nam Mỹ) và có đến 16 lần góp mặt tại các trận chung kết World Cup và trở thành á quân (so với chỉ 5 của Nam Mỹ).

Nếu xét đến một cách thủ công những quốc gia vào được đến vòng bán kết World Cup, chúng ta cũng thấy xu hướng thịnh dân chủ tương tự.

Bốn quốc gia của World Cup năm 2014 là: Hà Lan, Brazil, Argentina và Đức.

Năm 2010 còn áp đảo hơn, với sự góp mặt của Tây Ban Nha, Hà Lan, Đức và Uruguay.

Năm 2006, cả bốn đội đều đến từ những quốc gia có nền dân chủ mạnh: Bồ Đào Nha, Đức, Ý và Pháp.

Năm 2002 cũng không quá tệ với Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Đức và Brazil. Trong đó, Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ đều là những nền dân chủ – kinh tế mới nổi với mô hình phương Tây.

Năm 1998 vẫn là sự thống trị của Châu Âu với Hà Lan, Croatia, Brazil và Pháp.

Năm 1994, tình hình không thay đổi với Thụy Điển, Bulgari, Brazil và Italy.

Và chúng ta sẽ thấy được vòng xoáy dân chủ cấp tiến tiếp diễn nếu tiếp tục liệt kê.

Chất lượng quản trị quốc gia: nhân tố quan trọng

Tôi biết rằng đọc đến đây, nhiều độc giả sẽ nghĩ đến tiền. Phải, có thể là tiền lắm chứ. Giàu có cũng là một đặc điểm chung khác của các quốc gia dân chủ kiểu phương Tây. Nhưng Trung Quốc, Saudi Arabia, Nga đều là những quốc gia mà chính phủ tự mình đầu tư rất nhiều tiền cho các đội tuyển nói riêng và nền bóng đá quốc gia nói chung, nhưng đến nay không thu được bất kỳ thành quả nào.

Mặt khác, tác giả Daniel Kaufman khẳng định chất lượng quản trị dân chủ của một quốc gia là một thông số đặc biệt quan trọng để tính toán khả năng quốc gia đó tiếp bước vào sâu các vòng trong của World Cup.

Các chỉ tiêu ông kể đến bao gồm, mô hình bảo vệ xã hội dân sự, tự do báo chí, các quyền dân sự và chính trị khác… Ông ghi nhận rằng nếu một quốc gia được đánh giá nằm ở top ca bng xếp hng Ch s Qun tr Quc gia Toàn cu (Worldwide Governance Indicators – WGI), quốc gia này có đến 70% khả năng đến được vòng 1/16 và sau đó. Còn nếu quốc gia chỉ được xếp hạng cui bng ch s qun tr quc gia, cơ hi ca h tham d vòng 1/16 ch là 30%.

Riêng hai nhân tố đặc biệt mà ta nhắc đến ban đầu là Argentina và Brazil, tuy không thể so sánh trình độ quản trị công hay mức độ dân chủ của họ với các đối thủ Châu Âu, điều chắc chắn là người dân của hai quốc gia này đã thành công trong việc đẩy lùi làn sóng độc tài quân sự, xây dựng và đang tiếp tục bảo vệ nền dân chủ nước nhà. Kết quả, cả hai đều có vị trí nửa đầu khá cao trên các bảng xếp hạng liên quan đến trách nhiệm dân chủ và chỉ số quản trị công.

Khó có thể lý giải một cách định lượng rõ ràng những đóng góp mà nền dân chủ và hệ thống kiểm tra, giám sát trách nhiệm công cộng hiệu quả dành cho thành công của một đội bóng trong World Cup. Và bài viết hiển nhiên, không muốn nói rằng cứ dân chủ, minh bạch và quản trị công tốt là sẽ tiến sâu ở World Cup.

Tuy nhiên, những số liệu thống kê được bình luận ở trên đã cho thấy định hướng kết nối tịnh tiến khoa học giữa một nền dân chủ hiệu quả, một môi trường hoạt động dân sự và chính trị lành mạnh, với sự phát triển của nền bóng đá quốc gia.

Giải thích một cách định tính, người viết tin rằng một xã hội dân chủ cấp tiếp luôn là nền tảng tốt nhất cho sự khỏe mạnh của nền bóng đá một quốc gia.

Nếu pháp luật quốc gia và chính quyền bảo vệ xã hội dân sự, đó sẽ là căn cơ để phát triển các hội đoàn bóng đá độc lập, các chương trình phát triển tài năng không bị xâm phạm bởi những nhóm lợi ích và ai cũng được tham gia dựa trên nền tảng tự do cá nhân.

Nếu tự do báo chí được bảo đảm, sự minh bạch của các tổ chức bóng đá, mối quan hệ giữa môi trường bóng đá với chính phủ sẽ được kiểm soát. Vấn nạn tham nhũng, tiêu cực, chi phối hoạt động thể thao của các cá nhân, tổ chức chính trị (nếu có) nhờ thế cũng có thể bị phơi bày.

Nếu đời sống văn hóa xã hội độc lập với quyền lực nhà nước, các thiết chế văn hóa xã hội có thể tự mình vận hành, thử sai, đào thải những yếu tố không tốt của nền bóng đá quốc gia; thay vì bị kiểm soát bởi hệ thống quan quyền nhà nước.

Đến cuối cùng, một xã hội được quản lý bởi sự cởi mở, minh bạch; cơ hội cạnh tranh bình đẳng, dựa trên tinh thần thượng tôn pháp luật, chắc chắn là xã hội luôn tạo ra một môi trường thuận lợi nhất để mọi công dân có thể thăng hoa bằng 100% khả năng của mình, và sự kiểm soát tối thiểu đến từ nhà nước.

Ngược lại, nền chính trị mục ruỗng, bị kiểm soát bằng quan liêu, tham nhũng luôn có khả năng lũng đoạn những sân chơi thể thao lành mạnh nhất.

---------------------------------

Posted on 10/07/2018

Người Brazil không tự nhiên yêu thích bóng đá. Sau khi liên tiếp vô địch hai mùa World Cup năm 1958 và 1962, họ mới bắt đầu sùng bái và xem bóng đá như một phần quan trọng của đời sống văn hóa của quốc gia mình.

Nhưng chỉ hai năm sau World Cup 1962, nền dân chủ Brazil sụp đổ và đất nước rơi vào tay các tướng lĩnh quân đội. Chính quyền độc tài quân sự này luôn dùng bóng đá để gỡ gạc thể diện sau những thất bại trong quản trị và điều hành kinh tế. Chiến thắng lần thứ ba của đội tuyển ở World Cup năm 1970 là cơ hội không thể hoàn hảo hơn.

Bóng đá và bàn tay chính quyền 

Tổng thống Brazil Médici khi đó đã có một bài diễn văn mà có lẽ các đạo diễn phim Hollywood cũng phải cho là thổi phồng và trình diễn quá đáng. Trong đó có đoạn: “Tôi cảm thấy thật sung sướng khi được chứng kiến niềm hân hoan của mọi người trong tinh thần yêu nước nồng nàn nhất. Đây là chiến thắng của tinh thần thể thao tuyệt diệu và sự phát triển vượt bậc của quốc gia”.

Bài diễn văn khiến chúng ta nhớ tới câu nói nổi tiếng “thế nước mạnh, vận nước đang lên” sau vài chiến thắng của đội tuyển U23 Việt Nam đầu năm nay.

Không dừng lại ở đó, chính quyền Brazil đương nhiệm nhanh chóng thêm thắt giọng điệu World Cup trong các chiến dịch tuyên truyền của mình. Câu khẩu hiệu “Không ai có thể cản bước Brazil” nằm dưới hình ảnh Pelé đang dẫn bóng trở thành áp phích thông dụng suốt nhiều năm sau đó trong các chiến dịch quảng bá thành tựu kinh tế thần kỳ của chính quyền.

Tổng thống Brazil Médici cùng huyền thoại bóng đá Péle và cúp vàng thế giới năm 1970. Ảnh: Pinterest.

Tuy nhiên, mất không nhiều thời gian để người dân Brazil nhận ra được trò mèo của chính quyền quân đội, vốn suốt nhiều năm tra tấn người biểu tình, bắt bớ và bắt cóc người bất đồng chính kiến. Và cũng mất không nhiều thời gian để người ta nhận thấy rằng cái cách cai trị sặc mùi khủng bố đó không ăn nhập gì với vẻ đẹp uyển chuyển, tự do và phóng khoáng của lối bóng đá  joga bonito.

Ngay từ trước 1970, sự can thiệp quá sâu của chính quyền quân sự đã khiến quá trình phát triển bình thường và tự do của nhiều tài năng trẻ bị chững lại. Ông này cũng thường xuyên có mặt trong nhiều trận đấu của một trong những đội bóng nổi tiếng nhất Brazil – Flamengo, và thậm chí tham gia xác định đội hình ra sân “hộ” huấn luyện viên.

Để chấn chỉnh đội bóng quốc gia sau thất bại năm 1974, những phương pháp của chính quyền quân sự Brazil có thể gọi là nỗ lực buồn cười nhất thế giới.

Médici trao vị trí Chủ tịch Liên đoàn Thể thao Brazil cho một Thủy sư Đô đốc về hưu, Hélio Nunes. Huấn luyện viên trưởng của đội tuyển quốc gia đương nhiệm – ông Zagallo, thì bị một Đại tá quân đội về hưu khác thay thế – Claudio Coutinho.

Nhanh chóng, Seleção của những vũ điệu Samba bị xem là đơn vị bộ binh hạng nặng. Sân tập được trang hoàng với những khẩu hiệu ca ngợi chính quyền và các châm ngôn quân sự. Vệ sĩ có mặt khắp sân tập để bảo đảm rằng các cầu thủ không lảm nhảm linh tinh với báo chí, còn danh thủ Paulo César Lima (thường được biết đến dưới tên gọi Caju) thì bị đuổi khỏi đội tuyển vì lên tiếng phản ánh vấn nạn phân biệt chủng tộc trong đội tuyển Brazil.

Điều này khiến cho bóng đá Brazil trì trệ suốt hai mươi năm, cho đến khi phong trào tái dân chủ hóa xã hội nói chung và tái dân chủ hóa bóng đá nói riêng (Socrates and Corinthians Democracy) cứu rỗi bóng đá Brazil.

Tiền vệ tấn công Sócrates với chiếc áo đấu ghi dòng chữ “Democracia Corinthians”, nghĩa là “Nền dân chủ Corinthians”. Ảnh: Brasilwire.

Nền dân chủ Corinthians

Đến thập niên 1980, quá ngán ngẩm và tức giận trước thực trạng xã hội bị áp bức, nền bóng đá bị chi phối bởi các thế lực chính trị và lợi ích nhóm, một trong những cầu thủ lừng danh nhất của Seleção thời bấy giờ – Socrates, phát động phong trào dân chủ hóa – Corinthians Democracy. Thường được gọi là “The Doctor”, Socrates nhanh chóng trở thành biểu tượng của cuộc đấu tranh không mệt mỏi vì dân chủ của người dân nước này.

Việc trước tiên ông làm là dân chủ hóa cách tổ chức, quản trị của chính đội bóng của ông – Corinthians. Nghe có vẻ kỳ dị và không cần thiết, nhưng theo quan điểm của Socrates, tại thời điểm dầu sôi lửa bỏng của Brazil lúc bấy giờ, không thể cứ yêu cầu dân chủ mà không làm mẫu cho người dân thấy. 20 năm độc tài là quá dài. Và những cầu thủ, những người được hàng triệu người dân yêu quý cần đi đầu trong việc tạo động lực dân chủ cho xã hội nhìn thấy, thực hành và hoàn thiện dân chủ.

Nhận được sự ủng hộ của nhiều danh thủ khác như Zenon, Wladimir và Casagrande và chủ tịch đội bóng Waldemar Pires, Corinthians bắt đầu vận hành như một xã hội dân chủ thu nhỏ.

Ví dụ, cầu thủ, huấn luyện viên trưởng, huấn luyện viên thể lực, trợ lý.v.v. đều có quyền bình đẳng và có phiếu bầu như nhau trong một số vấn đề quản lý đội bóng. Loại thức ăn nên được dùng cho buổi tập, số buổi họp hằng tuần của đội bóng, chiến thuật và chiến lược đá bóng cho từng trận trở thành những chủ đề có thể mang ra thảo luận và quyết định tập thể. Thậm chí, các cầu thủ còn có quyền đưa ý kiến lựa chọn huấn luyện viên trưởng mới. Những câu chuyện về thực hành dân chủ của Corinthians được người dân truyền tụng một cách thích thú và đầy hy vọng.

Không chỉ có thế, Socrates còn tin rằng bóng đá là không gian tự do ít ỏi còn sót lại để người dân có thể thể hiện quan điểm và tiếng nói của mình. Đội Corinthians tìm mọi cách có thể để kêu gọi người dân quan tâm đến chính trị hơn, cũng như khuyến khích người dân đưa ra các yêu sách dân chủ của mình.

Năm 1982, sau một cuộc trưng cầu ý kiến trong nội bộ đội bóng, chiếc áo đội có dòng chữ “Dia 15 Vote” (Đi bầu ngày 15) được sử dụng, nhắc nhở khán giả Brazil về nghĩa vụ cử tri sau hơn 20 năm quyền bầu cử đa đảng bị chính quyền quân sự tước đoạt.

Áo đấu có dòng chữ “Dia 15 Vote”, nghĩa là “Đi bầu ngày 15”. Ảnh: mlstatic.

Khi Corinthians đoạt chức vô địch bang São Paulo, phát biểu trước báo giới, Socrates nói:
“Đây là đội bóng tuyệt vời nhất mà tôi từng có cơ hội phục vụ, vì nó quan trọng hơn cả bóng đá. Chiến thắng chính trị của chúng ta quan trọng hơn chiến thắng bóng đá của tôi. Một trận đấu chỉ kéo dài 90 phút, còn cuộc sống thì vẫn phải tiếp diễn”.

Năm 1983, Corinthians một lần nữa vào đến chung kết Campeonato Paulista. Lần này, các cầu thủ Corinthians và Socrates mang ra sân đấu tấm áp phích với dòng chữ “Dù thua hay thắng, dân chủ là phía chúng ta chọn đứng cùng” (Win or Lose, but always with democracy). Lời tuyên ngôn lan tỏa khắp nơi, biến Corinthians, Socrates và phong trào dân chủ hóa bóng đá tại Brazil được ca tụng như một huyền thoại trên thế giới.

Năm 1984, các cuộc biểu tình thuộc phong trào nổi tiếng Diretas Já (Direct Elections Now – Bầu cử trực tiếp ngay), vốn đưa ra yêu sách bầu cử tổng thống trực tiếp, lan rộng khắp Brazil. Quyền tự do biểu đạt và tự do hội họp trở thành một thực tế chính trị sinh động, dù chúng vẫn còn là những tội danh hình sự trên giấy tờ.

Đến năm 1985, tình hình chính trị biến chuyển mạnh mẽ. Các đảng phái chính trị mới được thành lập và hoạt động hợp pháp. Quá trình phục hồi dân chủ của quốc gia này có thể nói là thành công vang dội, dù đến nay vẫn còn nhiều trở ngại.

Vai trò của Corinthians Democracy đối với tinh thần đấu tranh dân chủ của người dân Brazil là không thể phủ nhận.

Những cầu thủ xứ São Paulo không chỉ đá bóng. Họ nhắc người dân nhớ rằng ai cũng có quyền lên tiếng. Họ truyền tải thông điệp khích lệ người dân tin tưởng vào một tương lai tự do, thoát khỏi những ràng buộc của nền chính trị quân phiệt. Họ thách thức các nhà độc tài cả trong và ngoài sân cỏ.

Ở một khía cạnh khác, họ cứu rỗi môi trường minh bạch cho bóng đá Brazil, giúp một thế hệ mới được hình thành không bằng sự kiềm kẹp của chính phủ, bằng quan liêu hay lợi ích, mà bằng tình yêu bóng đá và sự tự do – thế hệ tương lai đã giúp Brazil tìm lại hình ảnh huy hoàng của mình của mình bằng những cúp vô địch thế giới vào những năm 1994 và 2002.
Dân chủ và bóng đá tìm được tiếng nói chung theo cách mà ít ai nghĩ tới.
__

Cập nhật: Ở phiên bản cập nhật ngày 11/7, chúng tôi gỡ bỏ thông tin không chính xác về việc Tổng thống Brazil không cho phép xây dựng 13 sân vận động, cũng như lược bỏ đoạn “là biểu hiện niềm tin vững chắc của nhân dân vào chính quyền” ra khỏi đoạn trích bài diễn văn của ông do không khớp với bản gốc.







No comments:

Post a Comment

View My Stats