Thứ
Năm, 07/26/2018 - 12:14 — nguyenvubinh
Cuộc
chiến thương mại Mỹ - Trung vừa xảy ra có tác động, ảnh hưởng sâu sắc và toàn
diện đối với toàn bộ nền kinh tế thế giới. Việt Nam vừa có nền kinh tế tương đồng
mô hình kinh tế Trung Quốc, lại vừa có giao thương kinh tế mật thiết, cũng là
nước xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ nên đương nhiên chịu sự tác động của cuộc
chiến thương mại Mỹ - Trung. Trước khi tìm hiểu về ảnh hưởng của cuộc chiến
thương mại tới nền kinh tế Việt Nam, chúng ta cần phải hiểu được bản chất và thực
trạng của nền kinh tế Việt Nam. Đồng thời cần tìm hiểu căn nguyên của cuộc chiến
thương mại, cũng như những hệ quả chung của nó tới các quốc gia tham gia cuộc
chiến và các quốc gia có liên quan.
I/
Thực chất và thực trạng của nền kinh tế Việt Nam
Nền kinh tế Việt Nam từ khi đổi mới tới nay đã áp dụng một số các nguyên tắc hoạt
động của nền kinh tế thị trường. Nhưng sự áp dụng nửa vời, đi sâu tìm hiểu thực
chất đã vi phạm nghiêm trọng hầu như tất cả các nguyên tắc của kinh tế thị trường.
- Vi phạm nghiêm trọng hai nguyên lý quan trọng của nền kinh tế thị trường. Thứ
nhất, sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất, trong đó quan trọng nhất là sở hữu
tư nhân về đất đai. Đất đai là nền tảng của sản xuất nông nghiệp, là cơ sở của
các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp (nhà xưởng, văn phòng…)
nhưng lại thuộc sở hữu toàn dân. Không có tư hữu về đất đai dẫn tới không hình
thành được thị trường đất đai theo đúng nguyên tắc của kinh tế thị trường.
Chính vì vậy mà đất đai không được cung, cầu và thị trường quyết định tất yếu
làm méo mó giá cả của một yếu tố đầu vào quan trọng của tất cả các quá trình sản
xuất kinh doanh. Thứ hai, nguyên lý về lượng tiền phát hành trong
lưu thông có tương quan mật thiết với lượng hàng hóa sản xuất và thị trường ngoại
hối. Lượng tiền nhà nước in, phát hành hiện nay (từ trước tới nay) không hề được
công bố chính xác và luôn in tiền vượt số lượng cần phát hành nhiều lần, dẫn tới
tình trạng lạm phát trung bình hàng năm của Việt Nam luôn ở mức cao 20 -
50%/năm (trong khi các nước khác chỉ là 5 - 7%/năm). Lạm phát luôn ở mức cao, tức
đồng tiền mất giá dẫn tới hệ lụy làm biến dạng toàn bộ hoạt động sản xuất kinh
doanh của nền kinh tế.
- Vi phạm nghiêm trọng cơ chế kinh tế thị trường. Trong nền kinh tế thị trường,
giá cả hàng hóa được hình thành do quan hệ cung, cầu quyết định. Như chúng ta đều
biết, các yếu tố của quá trình sản xuất, nhất là những mặt hàng thiết yếu như
điện, nước, xăng, dầu… thậm chí vàng, đô la cũng do nhà nước quyết định
giá cả. Những mặt hàng thiết yếu này đều cấu thành nên các sản phẩm mà nền kinh
tế sản xuất ra. Vì vậy, giá cả các sản phẩm được sản xuất ra đã bị bóp méo và
biến dạng do không được thị trường quyết định giá cả các yếu tố đầu vào.
- Cấu trúc của nền kinh tế sai lệch, bất hợp lý. Chúng ta đều biết rằng, trong
tất cả các nền kinh tế thị trường, tỷ lệ doanh nghiệp nhà nước chỉ chiếm một phần
rất nhỏ trong tổng số các doanh nghiệp của nền kinh tế. Đó là những lĩnh vực đầu
tư lớn, thu hồi vốn chậm và các doanh nghiệp tư nhân không muốn kinh doanh. Đồng
thời, hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước luôn là dấu hỏi do cơ chế
trách nhiệm nên không quốc gia nào duy trì nhiều doanh nghiệp nhà nước. Nhưng ở
Việt Nam, doanh nghiệp nhà nước chiếm từ 60 - 70% lượng vốn xã hội, nhưng lại
làm ra 30 - 40% tổng giá trị nền kinh tế. Với cấu trúc mang nặng tính bao
cấp, kế hoạch như vậy, nền kinh tế không thể phát huy được hiệu quả.
- Không tạo lập được môi trường thể chế lành mạnh để khuyến khích hoạt động sản
xuất kinh doanh của người dân. Yếu tố đầu tiên, thông tin trung thực, công khai
và minh bạch là yêu cầu số một trong nền kinh tế thị trường. Nhưng ở Việt Nam
đã không bảo đảm được yêu cầu này. Tính trung thực trong thông tin ở Việt Nam
là điều xa xỉ. Sự không trung thực bắt nguồn từ hệ thống chính trị, thẩm thấu
vào hệ thống quản lý và lan tỏa ra toàn xã hội. Luật pháp minh bạch, rõ ràng và
công khai cũng không có, các văn bản hướng dẫn thi hành luật luôn tạo ra sự bất
ổn làm người kinh doanh vô cùng bối rối, khó khắn. Yếu tố thứ hai, không tạo lập
được sân chơi công bằng, bình đẳng cho các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp nhà
nước luôn được ưu đãi mọi mặt, trong khi các doanh nghiệp tư nhân khó khăn trăm
bề, từ vay vốn, đến các khâu của quá trình sản xuất kinh doanh…. Cuối cùng, môi
trường trong sạch, không tham nhũng chỉ là ước mơ trong nền kinh tế Việt Nam.
Các doanh nghiệp đã chịu đựng mọi hình thức và cấp độ của việc tham nhũng trong
hệ thống quản lý ở Việt Nam…
(còn nữa)
Hà
Nội, ngày 26/7/2018
N.V.B
*
*
Thứ
Sáu, 07/27/2018 - 11:18 — nguyenvubinh
…
- Trục lợi trong các chính sách kinh tế cũng làm biến dạng toàn bộ hoạt động sản
xuất kinh doanh của nền kinh tế. Các chính sách kinh tế trong nền kinh tế thị
trường có tác dụng làm phẳng bớt chu kỳ kinh doanh cũng như giải quyết những
khó khăn phát sinh trong quá trình phát triển các ngành nghề trong nền kinh tế.
Nhưng các chính sách kinh tế của Việt Nam được đưa ra và thực hiện vì lợi ích
nhóm, nhằm trục lợi thông qua chính sách càng làm cho nền kinh tế vốn đã khó
khăn càng sốc, nghẹn và co giật triền miên.
Toàn bộ những vi phạm của nền kinh tế Việt Nam với các nguyên lý, nguyên tắc của
kinh tế thị trường đã dẫn tới những hệ quả quan trọng.
Thứ
nhất, nền kinh tế không hiệu quả. Những số liệu về tăng trưởng kinh tế của
Việt Nam ngoại trừ việc sai lệch trong cách tính toán, cũng như số liệu không
trung thực thì điều quan trọng đó là việc gia tăng đầu ra do sự gia tăng đầu
vào của nền kinh tế. Tức là nó chỉ cho biết giá trị lượng hàng hóa được sản xuất
ra của quốc gia trong một năm là bao nhiêu, ngoài ra không cho biết nó được sản
xuất như thế nào, đầu vào lấy từ đâu, nợ nần ra sao? Chỉ số ICOR của nền kinh tế,
chỉ số cho biết cần đầu tư bao nhiêu đô la để tạo ra 1 đô la giá trị mới của nền
kinh tế của Việt Nam luôn là con số cáo gấp rưỡi, gấp đôi các nước trong khu vực.
Trên thực tế, các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay chỉ có lợi nhuận khi sản xuất
hoặc kinh doanh mặt hàng gì có lãi suất gấp 4-5 lần giá thành hoặc giá mua ban
đầu. Điều này có nghĩa là, việc sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp vô cùng
khó khăn, có rất ít doanh nghiệp tính đúng, tính đủ mà có lợi nhuận. Phần
lớn các doanh nghiệp vật lộn để tồn tại. Sự khó khăn trong việc trong việc tìm
kiếm lợi nhuận dẫn tới một hệ lụy vô cùng nguy hiểm, đó là nền kinh tế mất động
lực. Người ta không còn nhiệt tình đầu tư, không muốn mở doanh nghiệp hoặc mở rộng
sản xuất kinh doanh mà chỉ cố gắng duy trì sự tồn tại của doanh nghiệp.
Thứ
hai, số nợ của doanh nghiệp nhà nước cộng với số nợ công của chính phủ đã gấp
ba lần GDP. Với một nền kinh tế không hiệu quả, trong khi để duy trì hệ thống
doanh nghiệp nhà nước, số lượng người trong hệ thống đảng, nhà nước và đoàn thể,
tất cả bám vào ngân sách lên tới 30-35 triệu người, tổng số nợ của Việt Nam là
trên 600 tỷ đô la, tương đương gấp 3 lần GDP. Điều đáng nói là, số nợ này cách
đây 2-3 năm mới chỉ là 300-350 tỷ đô la, tương đương gấp đôi GDP, thì nay đã
lên trên 600 tỷ đô la. Điều này hoàn toàn không có gì đáng ngạc nhiên, bởi nền
kinh tế không hiệu quả, giá trị hàng năm làm ra không đủ duy trì hệ thống chi
tiêu trong một năm, không có tiền trả lãi các khoản nợ, chưa nói trả nợ gốc. Vì
vậy, nhà cầm quyền phải đi vay nợ để trả lãi và duy trì hệ thống. Xu hướng này
vẫn đang tiếp diễn nhưng chắc chắn gặp khó khăn vì quốc tế đã cảnh báo về khả
năng trả nợ của Việt Nam.
Đến giờ này, không ai có thể xác định được nền kinh tế Việt Nam là dạng nền
kinh tế gì? Nó không phải là nền kinh tế kế hoạch, cũng không phải nền kinh tế
thị trường và cũng không là nền kinh tế maphia với các hoạt động ngầm là chủ yếu.
Có lẽ, nó là sự pha trộn giữa kế hoạch, thị trường và maphia với mục tiêu duy
trì sự độc quyền lãnh đạo của đảng cộng sản. Nói cách khác, nền kinh tế Việt
Nam là một phương diện để quản lý người dân về kinh tế, nhằm duy trì sự thống
trị toàn diện của đảng, của chế độ.
II/
Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung: căn nguyên và diễn biến ban đầu
Sự thay đổi có tính bước ngoặt của thế giới, không chỉ trong lĩnh vực kinh tế,
đó là khi tỷ phú Donad Trump lên làm tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ. Với quan điểm
gần như ngược lại với hoàn toàn với các tổng thống tiền nhiệm trong tất cả các
lĩnh vực, ông D.Trump đã được người dân Mỹ bầu lên làm tổng thống. Ban đầu, người
ta chỉ nghĩ rằng, các quan điểm của ông D.Trump vận động tranh cử để tranh thủ
sự bất mãn của người dân Mỹ đối với thực trạng của nước Mỹ. Nhưng qua thời gian
ngắn ông D.Trump là tổng thống, người ta hiểu ra rằng, những quan điểm tranh cử
chính là mục tiêu của ông D.Trump.
Có thể tóm tắt quan điểm của tổng thống D.Trump liên quan tới cuộc chiến thương
mại như sau. Ông D.Trump quan niệm nền kinh tế và vị thế chính trị của nước Mỹ
trước khi ông làm tổng thống chưa tương xứng với tiềm năng, tiềm lực và khả
năng của nước Mỹ. Ông nghĩ rằng có những vấn đề cản trở sức mạnh của nước Mỹ,
trong đó vấn đề công bằng và cân bằng thương mại là yếu tố quyết định. Chính vì
vậy, Hiệp định Đối tác Thương mại Xuyên Thái Bình Dương (gọi tắt là TPP) được
ông coi là không công bằng với nước Mỹ, đã bị Ông xóa bỏ ngay sau khi nhậm chức.
Đồng thời Ông tuyên bố sẽ lấy lại sự công bằng và cân bằng trong thương mại với
các nước trên thế giới bằng cách đánh thuế vào những mặt hàng nhập khẩu để cân
bằng cán cân thương mại. Việc đánh thuế để cân bằng thương mại được thực hiện với
hầu hết các quốc gia trên thế giới…
(còn nữa)
Hà
Nội, ngày 27/7/2018
N.V.B
*
*
Thứ
Bảy, 07/28/2018 - 11:05 — nguyenvubinh
…
Tuy nhiên, đối với Trung Quốc, ngoài thâm hụt cán cân thương mại, ông D.Trump
còn cho rằng Trung Quốc đã có sự gian lận thương mại, đó là việc vi phạm sở hữu
trí tuệ và trợ giá cho các sản phẩm nhập khẩu vào Mỹ. Chính vì vậy, tổng thống
D.Trump thực hiện việc đánh thuế vào các sản phẩm của Trung Quốc nhập khẩu vào
Mỹ, đồng thời chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh thương mại với Trung Quốc. Với
sự chênh lệch của cán cân thương mại Mỹ - Trung, Mỹ nhập khẩu hơn 500 tỷ đô la
hàng Trung Quốc, nhưng xuất hàng sang Trung Quốc chỉ đạt 170 tỷ đô la, như vậy
chênh lệch hơn 300 tỷ đô la. Mỹ đã tính toán đánh thuế theo từng giai đoạn, bắt
đầu đánh thuế 25% vào số lượng hàng hóa trị giá 34 tỷ đô la ngày 06/7 vừa qua,
và đánh thuế vào lượng hàng hóa trị giá 16 tỷ đô la sau hai tuần tiếp theo.
Trung Quốc đã phản ứng lại bằng việc đánh thuế tương đương vào số lượng hàng
hóa Mỹ nhập khẩu vào Trung Quốc. Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đã được kích
hoạt. Theo kế hoạch, đến ngày 30/8/2018, Mỹ sẽ tiếp tục đánh thuế 10% vào số lượng
hàng hóa trị giá 200 tỷ đô la của Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ.
Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung nổ ra, chỉ với đợt đầu đánh thuế 25% vào hàng
hóa trị giá 34 tỷ đô la hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ, thị trường chứng
khoán của Trung Quốc đã chao đảo. Giá trị thị trường chứng khoán Trung Quốc đã
mất đi 17%, tương đương 1.900 tỷ đô la, giá trị đồng nhân dân tệ cũng bị giảm
xuống. Trung Quốc ban đầu cũng sẵn sàng nghênh chiến, nhưng thực lực thua sút,
giới đầu tư và người dân hoảng loạn dẫn tới việc sụt giảm thị trường chứng
khoán. Hiện tại, Trung Quốc đang đưa ra tín hiệu để được đàm phán với Mỹ về
thương mại.
Một vấn đề cần đề cập, vì liên quan tới cuộc chiến thương mại đang diễn ra, đó
là cách thức quản lý, lãnh đạo nước Mỹ của tổng thống D.Trump. Với chiến dịch
tranh cử không giống ai, sau khi được bầu vào Nhà Trắng, tổng thống Mỹ D.Trump
vẫn không thay đổi phong cách của mình. Có thể nói, hàng trăm năm qua ở Mỹ chưa
có tổng thống nào có cách thức làm việc kỳ quặc và kỳ lạ như ông D.Trump.
Có
thể tóm tắt thành hai vấn đề lớn trong phong cách lãnh đạo của tổng thống
D.Trump.
Thứ
nhất,
ông D.Trump làm việc theo ý tưởng và quan điểm chứ không hề vạch kế hoạch, chiến
lược bài bản, lớp lang để thực hiện các bước như tất cả các đời tổng thống trước
đây.
Thứ
hai,
Ông rất xem nhẹ những phát ngôn, ứng xử của cá nhân ông trên phương diện một tổng
thống. Vấn đề làm việc không theo kế hoạch, chương trình và bài bản dẫn tới hệ
quả là rất nhiều người không quen nổi cách thức chưa từng có này và đã từ chức.
Vấn đề thứ hai, những người sống mô phạm và đạo đức thường khó chịu về cách ứng
xử trên cương vị tổng thống của Ông. Những vấn đề này đã gây ra một trạng thái
kỳ lạ ở nước Mỹ. Có những người thích ông D.Trump thì tung hô hết lời, những
người không ưa thì ghét cay ghét đắng.
Tuy
nhiên, có hai vấn đề cần quán triệt về kết quả từ phong cách lãnh đạo kỳ lạ của
vị tổng thống này.
- Dù yêu hay ghét, kết quả sau khi ông D.Trump làm tổng thống về những tiêu chí
cơ bản như tỷ lệ thất nghiệp, tăng trưởng kinh tế và thị trường chứng khoán đều
là những con số đáng tự hào… Và bất kể sự đánh giá nào, cũng cần quy chiếu về
những kết quả một tổng thống làm được cụ thể cho người dân như vậy.
- Sự khó đoán, khó lường trong bước đi, hành động của tổng thống D.Trump có thể
gây khó chịu cho những người đã từng hoạt động theo phong cách bài bản, lớp
lang nhưng nó cũng đồng thời gây khó đoán, khó lường cho tất cả các đối thủ của
ông, nhất là với các quốc gia không có thiện chí với Mỹ. Chính vì vậy, luôn có
tính hai mặt của vấn đề, và điều cần thiết nhất trong các đánh giá phải dựa
trên lợi ích quốc gia và phúc lợi mà người dân được hưởng (phúc lợi chung, chứ
không phải riêng và khu biệt).
Với những vấn đề được phân tích nói trên, cuộc chiến thương mại của tổng thống
D.Trump phát động cũng không dễ dàng thực hiện vì ngay trong lòng nước Mỹ có những
tiếng nói phản đối Ông và các chính sách của ông. Ngược lại, các nước không thiện
chí với Mỹ cũng khó nắm bắt quyết tâm cũng như đường đi nước bước của vị tổng
thống kỳ lạ này.
III/
Kinh tế Việt Nam trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung
Trước khi tìm hiểu về ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung tới nền
kinh tế Việt Nam, chúng ta cần hiểu về ý nghĩa cuộc chiến tranh thương mại và
những hệ lụy của nó. Chiến tranh thương mại là cuộc tấn công thương mại bằng
thuế quan và hạn ngạch lên hàng hóa được xuất - nhập khẩu vào thị trường giữa
các nước. Khi nói tới chiến tranh thương mại là nói tới việc bế tắc trong đàm
phán thương mại và cả hai phía cuộc chiến đều bị thiệt hại. Vấn đề chỉ là bên
nào thiệt hại nhiều hơn và cuối cùng bên nào áp đặt được yêu cầu của mình lên đối
phương. Những hê lụy quan trọng của các nước tham gia cuộc chiến thương mại như
sau…
(còn nữa)
Hà
Nội, ngày 28/7/2018
N.V.B
*
*
Chủ
Nhật, 07/29/2018 - 12:43 — nguyenvubinh
…
- Hàng hóa bị tăng thuế không bán được dẫn tới sản xuất bị đình trệ, công nhân
mất việc làm, doanh nghiệp phá sản. Một số mặt hàng bị áp thuế trong cuộc chiến
tranh thương mại rơi vào tình trạng này, đây là hệ lụy trực tiếp nhất.
- Hàng hóa bị đánh thuế có thể là sản phẩm tiêu dùng cuối cùng, có thể là đầu
vào của sản phầm hàng hóa khác, nên khi thuế tăng sẽ ảnh hưởng tới những mặt
hàng khác. Đồng thời, khi không mua được hàng hóa bị đánh thuế do giá cao, người
tiêu dùng sẽ chuyển sang các mặt hàng thay thế khác. Như vậy, cuộc chiến thương
mại gián tiếp dẫn tới thay đổi cấu trúc ngành nghề…
- Một số mặt hàng do bị tăng thuế không bán được khiến cho nhà đầu tư từ bỏ ý định
đầu tư, cũng như một số doanh nghiệp tháo chạy khỏi các thị trường này. Tóm lại,
việc tăng thuế, hay chiến tranh thương mại sẽ ảnh hưởng sâu rộng tới toàn bộ nền
kinh tế, không chỉ quốc gia tham gia cuộc chiến bởi giao thương kinh tế hiện
nay, cũng như mối liên kết chuỗi cung cấp sản phẩm hàng hóa.
Trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, khi phân tích so sánh tương quan lực lượng
của hai bên, chúng ta sẽ thấy ngay khả năng chiến thắng của bên nào có thực lực
mạnh hơn và chủ động hơn trong cuộc chiến.
Nền
kinh tế Mỹ, với tổng sản phẩm quốc dân đứng đầu thế giới, trên dưới 20.000 tỷ
đô la, một nền kinh tế thị trường lành mạnh, phát triển mấy trăm năm qua. Điều
quan trọng hơn, với việc xác định lấy lại sức mạnh, vị thế của nước Mỹ bằng việc
cân bằng thương mại, đem lại công bằng trong giao thương, chính sách này được
phần lớn người dân Mỹ ủng hộ. Chính vì ủng hộ mà họ cũng chuẩn bị sẵn sàng tinh
thần chấp nhận những hi sinh, thiệt thòi và khó khăn do cuộc chiến đưa tới. Như
vậy, với thực lực vượt trội, lại có chính nghĩa và sự chủ động trong cuộc chiến,
nước Mỹ hầu như nắm chắc phần thắng trong cuộc chiến này.
Đối
với Trung Quốc, tổng sản phẩm quốc dân 12.000 tỷ đô la, đứng thứ hai thế giới,
có lượng dự trữ ngoại tệ hơn 3000 tỷ đô la, trong đó có gần 1.200 tỷ đô la trái
phiếu chính phủ Mỹ. Tuy nhiên, theo nhiều nguồn tin, Trung Quốc đang có số nợ
hơn 30.000 tỷ đô la. Quan trong hơn, bản chất nền kinh tế của Trung Quốc chính
là bản chất, cấu trúc và cơ chế nền kinh tế Việt Nam phóng chiếu lên nhiều gấp
lần. Tức là nền kinh tế Trung Quốc cũng không phải nền kinh tế thị trường, có
vô vàn khuyết tật trong cấu trúc và vận hành, có thể sụp đổ bất cứ lúc nào.
Chính vì vậy, câu hỏi đặt ra không phải là Trung Quốc sẽ thắng và thắng như thế
nào, mà với cuộc chiến thương mại này, nền kinh tế Trung Quốc có trụ nổi hay
không, có sụp đổ hay không, và chế độ cộng sản ở Trung Quốc có sụp đổ hay
không?
Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung vừa kích hoạt, các quyết định còn chưa ráo mực,
thị trường chứng khoán Trung Quốc đã mất 17% giá trị, tương đương 1.900 tỷ
đôla. Điều đó nói lên vấn đề gì? Điều đó nói lên rằng, trong suy nghĩ của rất
nhiều người, theo đánh giá của thị trường thì nền kinh tế Trung Quốc vô cùng
mong manh, và có những ý kiến cho rằng, nền kinh tế Trung Quốc chưa chắc qua khỏi
cuộc chiến này và có thể sụp đổ.
Trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung như phân tích ở trên, Việt Nam
có mối giao thương mật thiết với Trung Quốc, lại có cùng cấu trúc, cơ chế kinh
tế như Trung Quốc. Đồng thời, Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ tổng giá trị hàng hóa
là 41,6 tỷ đô la, nhập hàng hóa từ Mỹ trên 9 tỷ đô la. Như vậy, thặng dư mậu dịch
với Mỹ khoảng 32 tỷ đô la. Việt Nam thặng dư mậu dịch với Mỹ, nhưng với con số
quá nhỏ so với nền kinh tế Mỹ, nên Mỹ không đặt Việt Nam vào tầm ngắm của cuộc
chiến thương mại.
Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đã khởi phát từ ngày 06/7, tính đến nay được
ba tuần, chúng ta có thể thấy ngay được ảnh hưởng của cuộc chiến đối với nền
kinh tế Việt Nam. Có hai vấn đề tác động trực tiếp từ cuộc chiến thương mại Mỹ
- Trung tới nền kinh tế Việt Nam.
- Thứ nhất, cũng như với Trung Quốc, những tác động của việc tăng thuế chưa xảy
ra, nhưng thị trường chứng khoán của Việt Nam đã chao đảo và mất 20% giá trị,
tương đương 40 tỷ đô la. Chỉ trong mấy phiên mở cửa thị trường chứng khoán, chỉ
số VN Index của Việt Nam đã xuống dưới 900 điểm. Như vậy, vấn đề tâm lý chiếm một
vai trò quan trọng. Ở Việt nam, ngoài việc thị trường chứng khoán bị giảm
điểm, giá đô la đã bị ảnh hưởng. Trước cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, giá đô
la ở thị trường tự do là 22.800 VND/1$, đến nay giá đô là là 23.400VND/1$. Với
một nền kinh tế vô cùng èo ọt, có thể sụp đổ bất cứ lúc nào, tuy không trực tiếp
ở trong cuộc chiến thương mại như Trung Quốc, mà thị trường chứng khoán đã bị ảnh
hưởng và mất 20% giá trị, càng chứng tỏ sự mong manh của nền kinh tế.
- Thứ hai, Bộ thương mại Hoa Kỳ đã quyết định áp mức thuế quan rất cao
lên các sản phẩm thép nhập khẩu từ Việt Nam ( 199% và 256%) nhưng được cho là
có xuất xứ từ Trung Quốc vì né thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp của Mỹ.
Như vậy, ảnh hưởng, tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đối với Việt
nam cũng xuất phát từ cung cách làm ăn thiếu trung thực, gian trá của các doanh
nghiệp được hẫu thuẫn của nhà nước. Hoa Kỳ đã xác định được nguồn gốc thép tăng
đột biến nhập khẩu từ Việt Nam sau khi Mỹ áp thuế chống bán phá giá và thuế chống
trợ cấp lên các sản phẩm thép của Trung Quốc nhập vào Mỹ. Chính vì vậy, Mỹ đã
ra tay để ngăn chặn nguồn hàng xuất xứ từ Trung Quốc vào Mỹ qua ngả Việt Nam.
Việc làm gian dối này của các doanh nghiệp nhập thép Trung Quốc đã làm cho
ngành thép của Việt Nam điêu đứng vì mất đi một thị trường lớn là Hoa Kỳ. Đây
là lời cảnh báo đối với các sản phẩm khác của Việt Nam nếu trong và sau cuộc
chiến thương mại Mỹ - Trung, Việt Nam tiếp tục dùng hàng hóa Trung Quốc, hoặc
các sản phẩm có nguyên vật liệu có nguồn gốc Trung Quốc xuất khẩu vào Mỹ sẽ
lãnh nhận những hậu quả tương tự như sản phẩm thép.
Nền kinh tế Việt Nam, một nền kinh tế không hiệu quả, mất động lực lợi nhuận và
số nợ khổng lồ không có khả năng thanh toán trong hoàn cảnh bình thường đã rất
mong manh. Với bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang diễn ra, sẽ có
nhiều điều bất lợi và chịu tác động ảnh hưởng tiêu cực về tâm lý từ nền kinh tế
Trung Quốc. Hơn lúc nào hết, những cải cách nửa vời đơn thuần về kinh tế không
còn lừa dụ được ai nữa và sẽ hoàn toàn không có tác dụng. Chỉ những cải cách thực
sự từ cải cách thể chế mới có thể đem lại sức sống cho nền kinh tế. Với sức
nóng từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, có lẽ những điều cần phải xảy ra sẽ xảy
ra nhanh hơn cũng là một sự hợp lý./.
(hết)
Hà
Nội, ngày 29/7/2018
N.V.B
No comments:
Post a Comment