Thursday, 26 July 2018

VĂN HỌC NẮM ĐẦU - NGHỆ THUẬT VUỐT ĐUÔI (Phạm Trần)





“Đảng không áp đặt, ép buộc, gán cho văn học, nghệ thuật một nhiệm vụ "chính trị" khô khan, giản đơn, nhất thời nào, mà hiểu nó như một sứ mệnh, một sức mạnh vốn có của văn học, nghệ thuật chân chính, đặc biệt trong cuộc đấu tranh ngày hôm nay.”

Đó là phân bua của Tổng Bí thư đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phu Trọng tại Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam diễn ra ngày 25/07/2018 tại Hà Nội.

Nhưng thế nào là “chân chính” và “không chân chính”? Có phải “viết” và “làm theo chỉ đạo” của đảng mới là đúng, nhưng đòi được tự do sáng tác và độc lập tư tưởng trong sáng tạo là không phục vụ quyền lợi của nhân dân, chống lại đảng, chống lại tổ quốc? 

Và khi ông Trọng rêu rao đảng “không áp đặt, ép buộc”, hay “gán cho văn học, nghệ thuật một nhiệm vụ chính trị" là ông không thành thật với chính mình.

Bắng chứng cách nay 10 năm, vào ngày 16/06/2008, Ban Chấp hành Trung ương khóa đảng X thời ông Nông Đức Mạnh làm Tổng Bí thư, đã ban hành Nghị quyêt 23-NQ/TW “về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới.

Đảng chỉ thị phải:

- Tập trung mọi nguồn lực xây dựng nền văn học, nghệ thuật Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, xây dựng nhân cách con người Việt Nam đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và đa dạng về chân, thiện, mỹ của các tầng lớp nhân dân; phục vụ có hiệu quả sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, vì mục tiêu ''dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

- Xây dựng, phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ Việt Nam một cách toàn diện cả về số lượng, chất lượng và cơ cấu loại hình, có các thế hệ nối tiếp nhau vững chắc, có tình yêu Tổ quốc nồng nàn, gắn bó sâu sắc với nhân dân, với sự nghiệp đổi mới do Đảng lãnh đạo, có năng lực sáng tạo phong phú, đa dạng, đoàn kết, gắn bó cùng phát triển trong cộng đồng các dân tộc anh em trên đất nước ta. 

- Nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, bảo đảm yêu cầu phát triển của lĩnh vực văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới.

Vậy khi “văn học” và “nghệ thuật” phải do đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý và văn nghệ sỹ cũng phải do đảng nắm đầu và chỉ đường thì đó không phải là nền văn nghệ bị chỉ huy có đội ngũ văn công làm theo lệnh đảng hay sao?

Nhưng do ai và vì ai mà văn nghệ phải có nhiệm vụ “xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”? Lẽ đơn giản là một nền văn học, nghệ thuật có tự do là những sáng tác của nghệ sỹ không bị trói tay và viết hay nói theo mệnh lệnh của lãnh đạo.

Nền tảng Mác-Xít-Hồ Chí Minh 

Nghị quyết 23-NQ/TW, ngày 16/06/2008 còn chỉ thị văn nghệ sỹ phải tuần hành: "Trên cơ sở giữ gìn, phát triển, phát huy những giá trị của văn học, nghệ thuật dân tộc, tiếp tục mở rộng hợp tác quốc tế, tiếp thu có chọn lọc các giá trị nhân văn, khoa học, tiến bộ của nước ngoài, đồng thời kiên quyết ngăn chặn, làm thất bại âm mưu, thủ đoạn áp đặt, xâm lăng văn hóa của các thế lực thù địch." 

Đảng nói thế nhưng lại không sao ngăn chặn được cuộc xâm lăng văn hóa của Trung Cộng đang hoành hành xã hội Việt Nam từ sau ngày đổi mới năm 1986. 

Nhà nước CSVN hãy sờ lên gáy xem phim ảnh và sách báo của Trung Cộng đã thấm nhập vào tim óc giới trẻ Việt Nam điến mức nào, đến nỗi ngày nay, trẻ em Việt Nam hiểu lịch sử Trung Hoa hơn lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam.

Bằng chứng đã kê khai trên báo Gíao dục Việt Nam ngày 13/07/2018: "Kết quả kỳ thi trung học phổ thông quốc gia vừa qua, tại Đà Nẵng chỉ có hơn 10 % học sinh thi môn Lịch sử đạt từ điểm 5 trở lên, còn lại 90 % học sinh không đủ điểm trung bình. 

Tương tự tại thành phố Hồ Chí Minh môn học này cũng chỉ có 19, 1% học sinh đạt từ điểm 5 trở lên, còn lại 80, 9% học sinh không đủ điểm trung bình." 

Như vậy thì các văn nghệ sỹ Cộng sản có trách nhiệm gì không, hay chuyện xấu hổ này là trách nhiệm riêng của ngành Gíao dục và phụ huynh học sinh? 

Thế mà ông Trọng vẫn tự khoe: "Đảng ta tiếp tục khẳng định: "Văn học, nghệ thuật là lĩnh vực rất quan trọng, đặc biệt tinh tế của văn hoá; là nhu cầu thiết yếu, thể hiện khát vọng chân, thiện, mỹ của con người; là một trong những động lực to lớn trực tiếp góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội và sự phát triển toàn diện của con người Việt Nam" trong giai đoạn công nghiệp hoá, hiện đại hoá, hội nhập quốc tế và phát triển đất nước." 

Nhưng nếu phát triển văn học và nghệ thuật mà phải dựa trên “nền tảng mỹ học mác-xít, tư tưởng Hồ Chí Minh”, như Nghị quyết 23-NQ/TW (16-06-2008) đòi hỏi thì làm sao đảng có thể “khuyến khích văn nghệ sĩ bám sát thực tiễn của đất nước, gắn bó với cuộc sống của nhân dân, bảo vệ, phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc và tiếp thu tinh hoa văn hoá của nhân loại”?

Bởi vì văn nghệ mác-xít và tư tưởng Hồ Chí Minh là thứ văn nô bộc của chủ nghĩa Cộng sản. Chỉ có những văn nghệ sỹ vì miếng cơm manh áo mới cam tâm làm tay sai và chịu làm theo những điều đảng muốn.

Quản lý được không?

Để đạt yêu cầu nắm gọn trong tay văn nghệ sỹ, Nghị quyết năm 2008 quyết định: "Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về văn học, nghệ thuật. Hoàn thành cơ bản việc thể chế hoá các quan điểm, đường lối, định hướng của Đảng về văn học, nghệ thuật. Xây dựng quy hoạch và kế hoạch phát triển dài hạn các lĩnh vực văn học, nghệ thuật; rà soát, bổ sung và xây dựng mới các chế độ, chính sách đối với hoạt động văn học, nghệ thuật, như chế độ lương, nhuận bút, đãi ngộ tài năng, bồi dưỡng lao động nghề nghiệp, chế độ hưu..."

Nhưng sau 10 năm thi hành Nghị quyết, dù đảng và nhà nước đã tiêu phí bao nhiêu tiền mồ hôi nước mắt của dân, văn học và nghệ thuật của đảng vẫn ì ra đấy, hoặc còn tệ hại hơn xưa. 

Vì vậy, ông Nguyễn Phú Trọng mới nói với ngót 500 Đại biểu tại lễ kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam rằng: "Tôi đề nghị các anh, các chị, các đồng chí bàn bạc, trao đổi thẳng thắn với tinh thần tự phê bình và phê bình sâu sắc nhằm khắc phục những hạn chế, yếu kém nảy sinh trong sáng tác, lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật những năm gần đây, như: Có hay không biểu hiện xa rời những vấn đề lớn lao của đất nước, chạy theo đề tài nhỏ nhặt, chiều theo thị hiếu tầm thường của một bộ phận công chúng; nhấn mạnh một chiều chức năng giải trí, hạ thấp chức năng giáo dục, nhận thức; nặng về tô đậm mặt tiêu cực, đen tối của cuộc sống, thậm chí xuyên tạc, bóp méo lịch sử; tiếp thu thiếu chọn lọc sáng tác, lý luận văn nghệ nước ngoài dẫn đến biểu hiện lai căng, chuộng ngoại, bắt chước, chạy theo thời thượng?"

Nói thế rồi ông Trọng hỏi mọi người: "Có phải những hạn chế đó đã dẫn tới tình trạng số lượng tác phẩm, tác giả thì nhiều, nhưng còn ít những tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật, làm suy giảm sức hấp dẫn và sự ham say của quần chúng đối với văn học, nghệ thuật? Cần có biện pháp gì để khắc phục những hạn chế, yếu kém đó?"

Biện pháp mà ông Trọng và đảng CSVN có thể làm dễ dàng và ngay lập tức đem lại kết qủa là hãy cởi trói cho văn nghệ sỹ để họ sáng tác tự do theo con tim và khối óc của mình.

Văn Đoàn Độc Lập

Đó là lý do tại sao Nhà văn Nguyên Ngọc và trên 60 Nhà văn, Nhà Thơ và Nhà phê bình văn học nổi tiếng của Việt Nam đã tuyên bố ngày 03/03/2014 thành lập Văn Đoàn Độc Lập, ly khai khỏi đảng Cộng sản và Hội Nhà văn Việt Nam do đảng lãnh đạo.

Ngoài ông Nguyên Ngọc còn có các nhà thơ Bùi Chát, Bùi Minh Quốc, Đỗ Trung Quân và các nhà văn: Bùi Ngọc Tấn, Dương Tường, Đặng Tiến, Đỗ Lai Thúy, Giáng Vân, Hoàng Hưng, Nguyễn Duy, Nguyễn Huệ Chi, Hà Sĩ Phu, Nguyễn Thanh Giang, Nguyễn Quang Lập, Phạm Đình Trọng, Phạm Xuân Nguyên, Lưu Trọng Văn (con Nhà Thơ Lưu Trọng Lư), Võ Thị Hảo, Vũ Thư Hiên, Lê Phú Khải, Ý Nhi v.v...

Họ tuyên bố: "Sau năm 1975, kết thúc một thời kỳ lịch sử kéo dài hơn trăm năm, đất nước cần một cuộc phục hưng dân tộc căn bản, mà nền tảng là phục hưng văn hóa. Tiếc thay công cuộc cần thiết và nghiêm trang ấy đã không diễn ra như mong đợi. Trái lại văn hóa Việt Nam ngày càng suy thoái nghiêm trọng, lộ rõ nguy cơ đánh mất những giá trị nhân bản căn cốt nhất, uy hiếp đến cả sự tồn vong của dân tộc. 

Những người viết văn tiếng Việt không thể nói rằng mình hoàn toàn không có phần trách nhiệm về thực trạng đó. Một trong những chức năng quan trọng nhất của văn học là thức tỉnh lương tri và bồi đắp đạo đức xã hội. Trong bước ngoặt lớn này của lịch sử, văn học Việt Nam đã không làm đúng được vai trò của mình. 

Văn chương Việt Nam yếu kém có nguyên nhân chủ quan trước tiên thuộc chính người cầm bút là sự thờ ơ đối với trách nhiệm xã hội, vô cảm trước thời cuộc, quan trọng hơn nữa là thiếu độc lập tư duy, từ đó mà tự hạn chế năng lực sáng tạo."

Những Văn nghệ sỹ này nói tiếp: "Về mặt khách quan, một xã hội như chúng ta đang có, trong đó các quyền tự do cơ bản của con người thực tế bị vi phạm trầm trọng, đương nhiên đè nặng lên tâm lý sáng tạo của người cầm bút, làm mờ nhạt và tắt lụi các tài năng. Quyền tự do sáng tác và tự do công bố tác phẩm đang là đòi hỏi sống còn của từng nhà văn và của cả nền văn học. Không có những quyền tự do tối thiểu đó thì không thể có một nền văn học đàng hoàng. 

Một thể chế tổ chức đời sống văn học nặng tính quan liêu và bao cấp càng làm nặng nề thêm tình hình, đồng thời lại không tạo được mối liên kết lành mạnh giữa những người viết để nâng đỡ và thúc đẩy nhau trong công việc, hỗ trợ nhau trong khó khăn. Trước tình cảnh kéo dài và nay đã trở nên cấp bách đó, chúng tôi, những người cầm bút ký tên dưới đây, quyết định vận động thành lập một tổ chức độc lập của các nhà văn viết bằng tiếng Việt ở trong nước và ngoài nước, lấy tên là Văn đoàn độc lập Việt Nam, với mong muốn góp phần tích cực xây dựng và phát triển một nền văn học Việt Nam đích thực, nhân bản, dân chủ, hiện đại, hội nhập với thế giới, có thể đóng vai trò tiền phong đúng như nó phải có trong sự nghiệp phục hưng văn hóa, phục hưng dân tộc mà lịch sử đang đòi hỏi."

Sau khi khẳng định như vậy, họ đồng thanh: 

Hoạt động của Văn đoàn độc lập Việt Nam nhằm vào những nhiệm vụ cụ thể sau đây: 

- Đoàn kết tương trợ giữa những người viết văn tiếng Việt trong và ngoài nước; 

· Tạo điều kiện nâng cao về nghề nghiệp, thúc đẩy sáng tạo cá nhân, khuyến khích đổi mới trong sáng tác và nghiên cứu phê bình văn học và ngôn ngữ; 

- Bảo vệ mọi quyền lợi vật chất và tinh thần chính đáng, hợp pháp của hội viên, đặc biệt là quyền tự do sáng tác và công bố tác phẩm, cũng như quyền tự do tiếp cận tác phẩm văn học của mọi người. 

Văn đoàn độc lập Việt Nam là một tổ chức của xã hội dân sự, ái hữu nghề nghiệp, hoàn toàn độc lập đối với mọi hệ thống tổ chức và thiết chế trong và ngoài nước."

Để trả thù Văn đoàn độc lập, Phó Trưởng ban Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Phuông, vào tháng 3 năm 2018, đã ký văn thư yêu cầu Bộ Giáo dục cho “rút toàn bộ tác phẩm của các tác giả tham gia Tổ chức ‘Văn Đoàn Độc lập’ ra khỏi Chương trình sách giáo khoa.”

Như vậy rõ ràng ông Nguyễn Phú Trọng và các Nghị quyết của đảng, không chỉ nói sai về tình hình Văn học và Nghệ thuật ngày nay ở Việt Nam mà còn xác nhận họ đã thất bại không làm chủ được tình hình. 

26.07.2018









No comments:

Post a Comment

View My Stats