Saturday, 28 July 2018

CỰU TÙ GỐC VIỆT NHẬN HỌC BỔNG $86,000 CỦA HỘI OPEN SOCIETY FOUNDATIONS (Ngọc Lan / Người Việt)




Ngọc Lan/Người Việt
July 27, 2018

WESTMINSTER, California (NV) – Trong số 16 cá nhân thuộc nhiều ngành nghề như báo chí, luật sư, nghệ sĩ, những nhà hoạt động chính trị, tổ chức cộng đồng… nhận được học bổng $1.4 triệu do Hội Open Society Foundations trao tặng năm 2018, có duy nhất một người gốc Việt. Đó là ông Tùng Nguyễn, một “cựu tù” với bản án 25 năm đến chung thân, nhưng được ân xá năm 2011, sau 18 năm thụ án.

Tùng Nguyễn (phía trước) cùng một số người được nhận học bổng “Soros Justice Fellows 2018." (Hình: Tùng Nguyễn cung cấp)

Đây là học bổng mang tên “Soros Justice Fellows” dành hỗ trợ cho những người “muốn cải cách và thúc đẩy các cuộc tranh luận trong phạm vi những vấn đề mà hệ thống tư pháp Hoa Kỳ đang đối mặt.”

Open Society Foundations do nhà tỷ phú người Mỹ gốc Do Thái George Soros thành lập từ năm 1993. Quỹ ra đời nhằm trợ giúp tài chính cho các tổ chức xã hội dân sự trên khắp thế giới, với mục đích hỗ trợ công lý, giáo dục, y tế công cộng, và truyền thông độc lập. Kể từ khi thành lập năm 1993, Open Society Foundations đã chi trên $11 tỷ cho các hoạt động nói trên. Đặc biệt, vào ngày 17 Tháng Mười, 2017, tỷ phú Soros chuyển thêm $18 tỷ cho quỹ, một động thái làm thay đổi cả tổ chức từ thiện mà ông thành lập lẫn công ty đầu tư cung cấp tài sản cho ông.

Mỗi năm có khoảng 600-700 hồ sơ nộp vào chương trình này.

Hồ sơ xét chọn ông Tùng Nguyễn ghi nhận “Tùng Nguyễn là người sáng lập tổ chức Asians & Pacific Islanders Re-entry of Orange County (tổ chức giúp đỡ những người Đông Nam Á mới ra tù tái hòa nhập ở Orange County). Ông Tùng đồng thời cũng nằm trong số hàng ngàn người tị nạn Đông Nam Á bị ảnh hưởng bởi lệnh trục xuất ‘từ trường học đến nhà tù.’”
Năm 1993, ở tuổi 16, Tùng bị bắt vào tù vì liên đới đến một vụ giết người, dù Tùng không phải là hung thủ.

Ngày đó, bản án “25 năm đến chung thân vì tội giết người cấp độ 1” được ấn một cách lạnh lùng lên người chàng trai chưa kịp đến tuổi trưởng thành.

Theo luật, ở lứa tuổi 16, đúng ra Tùng phải được đưa vào tù dành cho trẻ vị thành niên, và đến 25 tuổi sẽ được về nhà. Thế nhưng, với những nghịch lý mà không phải ai cũng có điều kiện và sự hiểu biết để đòi lấy công bằng, Tùng bị đưa thẳng lên “nhà tù lớn” với bản án không đổi là 25 năm đến chung thân.

Tuy nhiên, với những thay đổi tích cực mà Tùng làm được trong thời gian ở tù, đến năm 2011, ông là tù nhân duy nhất được Thống Ðốc California Jerry Brown ký lệnh tha ngay lập tức sau 18 năm thụ án.

Nhật báo Người Việt từng có nhiều bài viết liên quan đến ông Tùng kể từ lúc ông được ân xá với bao nỗi xúc động, háo hức làm lại cuộc đời, giúp đỡ những người mới ra tù như ông hội nhập vào cuộc sống, rồi đến những hụt hẫng, khủng hoảng tinh thần sau đó khi phải đối mặt với thực tế khắc nghiệt của đời sống thực tại.

Nhưng dù có gian nan thế nào, cay đắng thế nào Tùng Nguyễn vẫn không cho phép mình bỏ cuộc.

Tùng Nguyễn tại Văn Phòng Thống Đốc tiểu bang California trong lần đi tranh đấu ủng hộ cho dự luật “Felony-Murder Rule” (Ai Làm Nấy Chịu) Tháng Tư, 2018. (Hình: Tùng Nguyễn cung cấp)

Trong bài phỏng vấn năm 2016, Tùng Nguyễn nói với phóng viên Người Việt, “Tôi có thể bỏ hết để sống cuộc đời bình thường như bao người, nhưng tôi không tha thứ cho tôi điều đó được. Vì tôi vẫn thấy mình còn món nợ mang suốt đời với người đã chết trong vụ án của mình. Anh ấy không thể sống lại để làm những gì anh chưa làm. Nên tôi không cho cho phép mình bỏ cuộc.”

Tùng Nguyễn có bằng của đại học Patten University và là người đồng sáng lập Mạng Lưới Chống Trục Xuất Người Việt Nam (Vietnamese Anti-Deportation Network).

Nói chuyện với Người Việt trong những lúc giải lao giữa các cuộc họp liên tục để chuẩn bị cho dự án của mình, ông Tùng “khoe,” “Tôi biết tin mình được ‘học bổng’ này cách đây vài tháng, nhưng giờ họ mới chính thức công bố ra ngoài.”

Ông Tùng kể, “Năm ngoái tôi cũng có nộp đơn xin nhưng bị loại do không đủ điều kiện. Lúc đó tôi nộp đơn nói muốn thành lập một tổ chức để giúp đỡ những người Á Đông mới ra tù tái hòa nhập. Nhưng họ nói kế hoạch đó quá tầm với của tôi, họ không nghĩ trong vòng 18 tháng tôi có thể thành lập được một tổ chức như vậy. Hơn nữa muốn làm được điều đó, tôi phải có nhà cửa, có tiền bạc để chi phí cho những người mới ra tù, như phải giúp họ chi phí đi lại làm giấy tờ, tiền mua quần áo mới…”

“Năm nay tôi lại nộp hồ sơ và giới hạn lại mục đích của mình là chỉ muốn thành lập một nhóm để ủng hộ cho những người nào đang bị trục xuất thôi. Họ nghe có lý nên mời tôi đến phỏng vấn và sau đó chấp thuận. Tôi sẽ nhận được số tiền ‘học bổng’ là $86,000 cho 18 tháng làm việc toàn thời gian để thực hiện dự án này,” ông Tùng cho biết.

Theo thông cáo từ Open Society Foundations, mỗi “nghiên cứu sinh” trong chương trình “Soros Justice Fellows 2018” được nhận một khoản tiền trợ cấp từ $52,500 đến $120,000 cho các dự án kéo dài từ 12 đến 18 tháng.

“Tùng Nguyễn, thuộc Trung Tâm Southeast Asian Resource Action Center, được nhận số tiền $86,000 với 18 tháng làm việc toàn thời gian cho mục tiêu: thiết lập một mô hình hệ thống hỗ trợ những người Việt Nam bị trục xuất ở Orange County, điều có thể nhân rộng ra toàn quốc,” thông cáo cho biết.

Tùng Nguyễn nói với phóng viên Người Việt, “Có lẽ chị còn nhớ, tôi từng tâm sự về mơ ước có thời gian để thành lập tổ chức này, nhưng công việc mưu sinh không cho phép tôi dành trọn thời gian cho nó. Giờ thì tôi giống như được trả tiền đi làm ‘full time’ trong 18 tháng để có thể toàn tâm toàn ý thực hiện ước mơ của mình.”

Chia sẻ về công việc cụ thể sẽ thực hiện cho dự án, ông Tùng nói, “Công việc của tôi là thành lập một tổ chức bằng cách kêu gọi, tập hợp, và huấn luyện cho những người trong cộng đồng muốn tham gia vào công việc giúp đỡ những người Việt bị trục xuất.”

Ông giải thích, “Cuối Tháng Chín, 1996, Tổng Thống Bill Clinton ký ban hành đạo luật mang tên Luật Cải Cách Di Dân tên Luật Cải Cách Di Dân Bất Hợp Pháp và Trách Nhiệm của Người Nhập Cư (IIRAIRA). Nội dung của đạo luật này liên quan đến việc bắt giam và trục xuất bắt buộc đối với những người không phải công dân Mỹ hoặc không có giấy tờ mà có tên trong danh sách vô số những tội danh được liệt kê, bao gồm cả tội ăn cắp ở siêu thị, giả mạo chữ ký, tàng trữ ma túy. Luật này áp dụng với cả những người đã phạm tội từ hàng chục năm trước.”

“Luật đó cho rằng bất cứ người nào trước khi trở thành công dân Mỹ mà phạm tội mang án tù từ một năm trở lên sẽ ngay lập tức bị đưa vào chương trình trục xuất về nước sau khi mãn án tù,” ông Tùng nói  thêm.

Với luật đó, tất cả những ai ở tù một năm, năm năm hay mười năm và hơn nữa, sau khi mãn hạn, ra tù, sẽ bị đưa sang Sở Di Trú chờ ngày trục xuất về cố quốc.

“Tuy nhiên, đó là với những nước có hiệp định dẫn độ. Năm 2008, Việt Nam có hiệp định dẫn độ với Mỹ, nhưng họ không chịu nhận những người đến Hoa Kỳ trước năm 1995. Cho nên những người như tôi được tiếp tục sống ở đây, chờ khi nào hai nước thỏa thuận xong thì họ trả về,” ông nói tiếp.

Theo Hiệp Định 2008 thì việc trục xuất những người sang Mỹ trước năm 1995 như Tùng không là vấn đề nguy cấp.

“Tuy nhiên, khi Tổng Thống Donald Trump nhậm chức thì ông đã không màng đến hiệp định 2008, mà hễ bất cứ ai nằm trong diện trục xuất là ông trục xuất hết, không kể qua trước hay sau 1995,” ông Tùng nói.

Tùng Nguyễn nói tiếp, “Sở Di Trú lợi dụng điều này để tấn công những người ở trong trường hợp như tôi. Nghĩa là những người sống ở Mỹ từ rất lâu, có người đến mấy chục năm, từng bị phạm lỗi, bị vào tù, nhưng họ đã thi hành án xong, được ra ngoài làm lại cuộc đời. Có người có vợ, sinh con, có công ăn việc làm đàng hoàng. Nhưng đùng một cách, Sở Di Trú đến ngay chỗ làm bắt họ mà không cần có lý do gì hết, tống vào tù chờ ngày trục xuất về Việt Nam. Gia đình họ bỗng dưng bị xáo trộn. Vợ chồng chia cắt, con cái không biết cha mẹ mình ở đâu. Và họ sẽ như thế nào khi họ đã rời Việt Nam quá lâu, nay không còn biết gì về nơi đó nữa?”

Ông cho biết, hiện có 16,000 người Việt Nam nằm trong danh sách bị trục xuất, có hơn 70 người đã bị trục xuất, và trong số bị đưa về Việt Nam có 11 người sang Mỹ từ trước năm 1995.

“Công việc của chúng tôi trong dự án này là đi tìm những gia đình rơi vào hoàn cảnh đó để giúp đỡ họ, giúp thân nhân đang sống ở đây ổn định cuộc sống, tìm luật sư giúp cho những người đang bị giam trong tù Di trú để xem có cách nào mang họ trở ra, rồi đi vận động các nghị sĩ, dân biểu để kêu gọi họ lên tiếng ủng hộ xem trục xuất nào là đúng, trục xuất nào là vô nhân đạo,” ông Tùng tiếp tục.

Ông cũng cho biết, “Hiện tại chúng tôi cũng đã có người hiện về Việt Nam để tìm cách liên lạc, phỏng vấn, giúp đỡ 11 người bị trục xuất đó.”

Một năm rưỡi để thực hiện dự án mà Tùng Nguyễn từng ấp ủ, băn khoăn, trăn trở kể từ ngày mới ra tù, cách đây hơn 7 năm, đã thực sự “khởi động” từ đầu Tháng Bảy này.

Con đường phía trước dành cho những người đang bị treo lơ lửng trên đầu bản án trục xuất như ông Tùng hãy còn mờ mịt. Nhưng có lẽ, với những gì Tùng Nguyễn, một “cựu tù,” đang nhận được từ đất nước này, bằng những nỗ lực của bản thân ông cùng sự hỗ trợ, đồng hành của gia đình, người thân, và những người có lòng, chúng ta vẫn có quyền tiếp tục tin vào những giá trị nhân bản cao đẹp nhất mà nước Mỹ đã có và đang có. (Ngọc Lan)

—-
Liên lạc tác giả: ngoclan@nguoi-viet.com








No comments:

Post a Comment

View My Stats