Tuesday, 31 July 2018

CHÂN, THIỆN, NHẪN (LS Đặng Đình Mạnh)




LS Đặng Đình Mạnh
31/07/2018

“Y án sơ thẩm … Giao bị cáo lại cho công an dẫn giải”. Chủ tọa dứt lời, bất giác cô gái trẻ nhoẻn cười mặc cho chiếc còng số 8 đang bị ấn vào đôi tay vang tiếng kim loại lách cách.

Hướng đôi mắt sáng về phía các luật sư, cô gái khẽ gật đầu trước khi bị đẩy đi ra phía hành lang, gương mặt cô bình thản, nhẹ nhõm như sắp bước chân vào buổi lễ hội cuối năm của trường trung học.

Tôi đờ người khi bất ngờ chứng kiến thái độ của cô gái trẻ. Nó hoàn toàn khác biệt với tất cả những điều tôi thường thấy từ một phần tư thế kỷ hành nghề.

Tôi rời phòng xét xử. Khi di chuyển chầm chậm cùng với “công chúng được phân công” ngồi kín các hàng ghế dự khán bên dưới, tôi được tặng cho những ánh nhìn đã bớt ác cảm hơn. “Nhân chi sơ chí bổn thiện”, có lẽ, một phần thiện tâm của “công chúng được phân công” đã được đánh thức khi chứng kiến sự xảo trá, ngụy tạo bị bóc tách từng lớp một, phơi bày bẽ bàng trước phiên tòa … mặc cho những nỗ lực ngăn cản thô bạo, sự che đậy, lấp liếm vụng về.

Bên ngoài cổng tòa, các nhân viên an ninh mặc thường phục lẫn với cảnh sát mặc đồng phục vẫn đứng ken nhau đen đặc trong đoạn đường bị cấm lưu thông ở cả hai chiều suốt từ 5h00 sáng cho đến quá trưa. Nhưng ngay bên ngoài vòng rào an ninh, dòng người đeo huy hiệu Pháp Luân Công vẫn kiên trì đứng bất động lặng lẽ dưới mưa bên vệ đường, họ hướng tâm về cô gái trẻ đang đứng giữa công đường.

Tôi như người mê được cầm tay dắt đi từ sự ngạc nhiên này đến sự ngạc nhiên khác. Mở đầu là thái độ bình thản của cô gái trẻ khi đón nhận bản án bất công và sau đó là sự quan tâm, đoàn kết, chia sẻ trong thinh lặng giữa những người không hề quen biết nhau, họ chỉ có mối quan hệ chung là bạn đồng tu tập Pháp Luân Công với nhau mà thôi. Những người này, thậm chí họ đến từ những nơi rất xa, khoảng cách từ ngoài hàng nghìn cây số, không hề ngăn cản được sự quan tâm giữa họ, những người lạ mặt với nhau.

Thật kỳ lạ, giữa một xã hội đang ngày càng vô cảm, thực dụng và lý tài hơn, thì sự quan tâm sâu sắc, nhưng bất vụ lợi giữa các học viên Pháp Luân Công có vẻ như đang phục hồi, trả lại những giá trị tốt đẹp tưởng chừng như đã rời bỏ xã hội chúng ta … Như công chúng, tôi đã từng mang tâm trạng đón chờ một minh chủ, người sẽ giúp đổi thay xã hội tan hoang, tồi tệ này. Mà có vẻ như, chúng ta không cần một minh chủ nữa, nếu tất cả đều hướng chung về cứu cánh “Chân, Thiện, Nhẫn” như họ, những học viên Pháp Luân Công …

Bạn nghĩ xem, quyền lực nào đã khiến một cô gái trẻ nhỏ bé, gầy gò, đôi mắt sáng đã có thể khuấy đảo an ninh của cả một thành phố nghiêm trọng đến như thế? Vài trăm nhân viên công lực đã được huy động làm việc trong cơn mưa dầm ảm đạm, phương tiện phá sóng điện thoại tối tân, hiện đại được mang ra sử dụng, những chiếc xe cứu thương, cứu hỏa đậu túc trực bên vệ đường… để hao tâm, tổn trí đối phó chỉ với một cô gái trẻ đang bình thản đứng giữa công đường. Là “Chân, Thiện, Nhẫn” đấy bạn!

Bạn ạ, xin hãy giúp cho tôi câu trả lời như tôi là một đứa trẻ: Tôi đang chứng kiến điều gì kỳ diệu đến vậy?
___

Mời đọc lại: Cướp tài sản của… chính mình! (TD).

Mời xem clip trả lời phỏng vấn của LS Đặng Đình Mạnh: https://www.youtube.com/watch?v=43EmYhyBr6w

--------------------------------

XEM THÊM 

RFA
2018-07-31

Một tòa án phúc thẩm tại tỉnh Thái Nguyên tuyên bố y án sơ thẩm đối với cô Nguyễn Thị Huyền- một học viên Pháp Luân Công. Cô Huyền kháng án sơ thẩm trong vụ xử bốn học viên Pháp luân công tổng cộng 105 tháng tù giam vào tháng tư vừa qua.

Bốn người này là bà Trần Thị Ngọc, 56 tuổi, bà Trần Thị Tiến, 57 tuổi, ông Trần Kim Chung, 57 tuổi, và cô Nguyễn Thị Huyền 23 tuổi, bị cơ quan tố tụng Việt Nam cho là phạm tội trộm cắp tài sản. Tại phiên sơ thẩm, cô Nguyễn Thị Huyền bị tuyên 15 tháng tù.

Theo Báo Thái Nguyên, thoạt tiên bốn người này bị bắt vì mở nhạc tại nơi công cộng để tập luyện. Sau đó đồ đạc của họ bị đưa về công an phường, và họ đã đã đến lấy lại, làm một nữ cán bộ công an bị té ngã.

Ngày 11/4/2018 bốn người này bị ra tòa và nhận bản án về tội cướp giật tài sản.

Luật sư của bốn bị cáo là ông Đặng Đình Mạnh nói với chúng tôi rằng bản án này là không công bằng:

Hôm nay chúng tôi cho rằng việc kết tội cô Huyền và những người bạn của cô ấy trong cùng nhóm, là một bản án không công bằng. Tôi nghĩ rằng sau việc này thì vấn đề là liên quan đến Pháp luân công hơn là cướp tài sản.”

Luật sư Mạnh cho biết thêm là ghép tội trộm cắp tài sản là vô lý vì công an đã giữ những món đồ của bốn người học viên Pháp luân công này mà không có biên bản, cho nên họ chỉ đến lấy lại mà thôi.

Theo Luật sư Mạnh, cả bốn người đều bị đe dọa là không được kháng cáo vì sẽ bị nặng thêm; chỉ có cô Nguyễn Thị Huyền là kháng cáo.

Pháp luân công xuất phát từ Trung Quốc, bị cấm đoán và truy đuổi gắt gao tại nước này.

Tại Việt Nam, Luật sư Đặng Đình Mạnh cho biết rằng không có một văn bản nào cấm Pháp Luân công hoạt động, chỉ có một văn bản của Ban Tôn giáo của chính phủ nói rằng Pháp luân công không phải là một tôn giáo mà chỉ là cách thức tu tập để có lợi cho sức khỏe.

Nhưng một điều đáng nói là ngay trong chính văn bản đó lại bảo rằng không khuyến khích người dân theo môn này, dù rằng trước đó nói rằng nó có lợi cho sức khỏe.

VIDEO:
Y án sơ thẩm học viên Pháp Luân Công "cướp tài sản của chính mình"








No comments:

Post a Comment

View My Stats