Thursday, 26 July 2018

LÀNG CHẾT Ở HẢI PHÒNG (FB Đỗ Cao Cường)





Tôi sinh ra trong thành phố cảng
Nơi con tim yêu dấu cánh buồm xưa
Cuộc đời tôi là một buổi trưa hè
Một thành phố rực trời hoa phượng đỏ
Một nỗi niềm với tất cả tình yêu quê.

Hải phòng là nơi tôi cất tiếng khóc chào đời, là nơi lưu giữ một phần tuổi thơ với những hình ảnh quen thuộc về người bà, người cậu, với những buổi trưa nắng chang chang cùng các bà chị họ đi bẫy chim, đánh giậm, bắt ốc, câu cá… rồi bị bà tôi chửi cho lên bờ xuống ruộng, nhưng cho đến nay, tất cả chỉ còn là ký ức, bà và cậu tôi đã không còn nữa rồi.

Nhiều năm trôi qua, Hải Phòng đã phát triển hơn trước, nhưng trong thâm tâm, tôi ước giá như cứ để nó như thế, bởi phát triển theo kiểu độc tài mà làm gì khi những con sông, hồ đi vào tuổi thơ đã bị ô nhiễm nặng, các ngôi làng ung thư mọc lên, thực phẩm độc hại tràn lan cùng nhiều thân phận phải sống trong đau đớn.

Đồ Sơn, từng là nơi thu hút nhiều người tới tắm, nhưng cho đến nay nó cũng bị ô nhiễm nặng, tình trạng “chặt chém” vẫn diễn ra thường xuyên, nếu có một tên gọi khác cho Đồ Sơn thì tôi sẽ gọi vùng biển này là vùng biển Chết.

Nó cũng giống như câu nói của ông Phạm Ngọc Dũng, Phó trưởng phòng Chính sách phòng chống mại dâm, Cục Phòng chống tệ nạn xã hội khi ông ta nói rằng Đồ Sơn không có mại dâm, nó cũng giống như thói đạo đức giả của phần lớn người Việt khi lên án nghề này, và cuối cùng, chính những người lên án lại trở thành nạn nhân của những căn bệnh lây nhiễm không thể cứu chữa, vợ con họ cũng bị lây nhiễm theo, và những cô gái bán thân thì ngày càng bị bóc lột, họ bị bóc lột đến thân tàn ma dại, họ không được khám bệnh định kỳ, họ mang lại cho nhiều gia đình những căn bệnh hiểm nghèo, vô phương cứu chữa, và cuối cùng, phần lớn những đồng tiền thu được thuộc về tay của các chủ chứa, người thân của những quan chức địa phương, cùng các nhóm lợi ích ngồi tít trên cao, chứ nó không được đóng góp cho xã hội, nó không được trả nợ công cho đời sau bớt khổ.

Mấy tháng trước, khi còn làm cho Vtc, tôi có mang một số bằng chứng sống tới gặp Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường thành phố Hải Phòng, mặc dù chị cán bộ ở đây có dẫn tôi tới phòng sếp của chị, nhưng thật không ngờ, chị quay ra nhanh chóng và nói sếp chị muốn tôi viết trước câu hỏi, họ sẽ hẹn ngày làm việc và cho đến nay vẫn bặt vô âm tín, trong khi đó, theo tôi điều tra, phần lớn hàng hóa ở Hải Phòng đều là hàng giả, hàng nhái, thiết nghĩ, đã vô dụng thì quan liêu mà làm gì?

Để thực hiện được bộ phim ngắn ngủi này, tôi đã phải di chuyển tới rất nhiều quận, huyện khác nhau. Trong đó, ấn tượng nhất là những ngôi làng mà chính những người sống trong đó gọi nó là ngôi làng chết, đều thuộc huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng.

Tôi cũng có đến một số gia đình có người thân bị ung thư, điều thú vị ở chỗ là phần lớn thà chết chứ không muốn lên hình, vì họ sợ rằng họ, người thân của họ đang làm thuê cho các “sát nhân môi trường” sẽ bị liên lụy.

Vậy là, sức khỏe, mạng sống, những khoản nợ khổng lồ để chữa bệnh cho tương lai, và cả tương lai của con cháu họ… không quý giá bằng một công việc mang tính chất tạm thời.

Không biết nói sao nữa, tôi chỉ biết cúi đầu trước những linh hồn đã chết, rồi lặng lẽ ra về, tôi ra về trong sự tiếc nuối, trong niềm tuyệt vọng, xót xa, xót xa cho những con người bị mất phương hướng, lạc đường lạc lối, khốn khổ khốn nạn trong cuộc đời này.
_____




----------------

Hải Phòng, Hải Dương gần nhau như Trung Quốc gần Việt Nam 

Chết khi còn đang sống










No comments:

Post a Comment

View My Stats