Nguyễn
Quang Dy - Viet-Studies
26/7/2018
“Trâu
bò Đánh nhau ruồi muỗi chết” (ngạn ngữ)
Trong
dân gian, câu ngạn ngữ này có ý cảnh báo kẻ yếu dễ bị vạ lây khi quá gần kẻ mạnh
đang đánh nhau (hoặc làm tình). Trên thế gian này, Mỹ và Trung Quốc không phải
là trâu bò bình thường, mà là hai siêu cường kinh tế lớn nhất nhì thế giới,
đang lao vào một cuộc chiến tranh thương mại, với hệ quả khó lường, cả về kinh
tế và chiến lược, đang làm đảo điên thiên hạ. Trong khi đó, Mỹ và Nga là hai
siêu cường quân sự đứng đầu thế giới, đang bắt tay nhau, có thể làm đảo lộn bàn
cờ chiến lược toàn cầu. Trong bối cảnh đó, Việt Nam có muốn tranh thủ cơ hội
này để “tái cân bằng quan hệ nước lớn”, nhằm thoát khỏi thế tiến thoái lưỡng
nan, hay càng bị mắc kẹt vào trò chơi quyền lực giữa các siêu cường. Điều đáng
lo ngại là dường như Việt Nam vẫn chưa sẵn sàng đối phó với các tình huống diễn
biến khó lường.
Chiến
tranh thương mại bắt đầu
Các nhà nghiên cứu có thể lấy ngày 6/7/2018 làm mốc chiến tranh
thương mại Mỹ-Trung “chính thức” bắt đầu. Đó là ngày chính quyền Trump tuyên bố áp thuế
nhập khẩu 25%
cho hàng hóa Trung Quốc (trị giá 34 tỷ USD). Nói cách khác đó là “phát
súng khởi đầu”. Tuy người ta nói chiến tranh thương mại là “cuộc chiến
không có tiếng súng”, nhưng nó đang xô đẩy hai siêu cường này vào “cái bẫy
Thucydides” (theo giáo sư Graham Allison).
Chiến
tranh thương mại là một phần của chiến lược an ninh/quốc phòng của Mỹ
(NSS/NDS). Cần xem xét nó trong bối cảnh chiến lược lớn hơn: Mỹ coi Trung Quốc
là “mối đe dọa số một”, và khu vực “Indo-Pacific tự do và rộng mở” là địa bàn
chiến lược để Mỹ đối phó với Trung Quốc. Đó là một mặt trận (chiến thuật) để Mỹ
nhắm vào Trung Quốc (là mục tiêu chiến lược). Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung
là con đường tắt (trực tiếp) để Mỹ đối phó với Trung Quốc (có tác động tức
thì), trong khi TPP là con đường vòng (gián tiếp) mà Trump đã từ bỏ, nhưng có
nhiều khả năng sẽ quay lại (vì ý nghĩa lâu dài). Tuy lợi ích kinh tế của các nước
đồng minh cũng bị đe dọa, nhưng chiến tranh thương mại Mỹ-Trung khác với tranh
chấp thương mại Mỹ-Châu Âu hay Mỹ-Nhật. Đó là bối cảnh mà Trump triển khai chiến
tranh thương mại với Trung Quốc, trong khi ông bắt tay với Putin (tuy nội bộ Mỹ
còn nhiều tranh cãi).
Trump
không phải là chính khách, nhưng ông là tổng thống Mỹ đầu tiên (từ thời Nixon)
dám đối đầu với Trung Quốc. Việc leo thang chiến tranh thương mại, từ đe dọa đến
làm thật (from threat to reality) sẽ làm đảo lộn chuỗi cung ứng toàn cầu
(ripple through global supply chains), tăng chi phí kinh doanh, hàng hóa
tiêu dùng, và làm biến động thị trường chứng khoán (raise costs for
businesses and consumers and roil global stock markets).
Theo
giáo sư kinh tế Trần Hữu Dũng (Wright State University), cuộc chiến tranh
thương mại lần này dường như đi ngược lại các lý thuyết kinh tế. Trump hành động
có vẻ bốc đồng và tùy hứng. Các quyết định hầu như không dựa trên một
kế hoạch nào được điều tra nghiên cứu rõ ràng. Vì vậy giới nghiên cứu kinh tế rất
lo lắng, vì cuộc chiến thương mại này rất khó lường, không biết quy mô thiệt hại
đối với kinh tế thế giới thế nào, có dẫn đến thế chiến không. Ông Dũng chưa thấy
một nghiên cứu nào có thể tin được, khi ngày càng có nhiều chuyện rắc rối xảy
ra, không chỉ giữa Mỹ với Trung Quốc, mà còn giữa Mỹ với châu Âu, và châu Âu với
Trung Quốc”. (Chiến tranh thương mại từng dẫn đến Thế chiến, BBC,
24/7/2018).
Tuy
nhiên, Bắc Kinh dường như bị bất ngờ và đang đau đầu đối phó với các biện pháp trừng
phạt quyết liệt của Wasington. Người Trung Quốc cứ tưởng Trump chỉ hù dọa, có
thể đàm phán, nhưng Trump lại làm thật. Trước đây người Mỹ từng nhầm về Trung
Quốc, nay người Trung Quốc lại nhầm về Trump, một người “vô chiêu” nên khó lường.
Điểm yếu của Trump đang biến thành điểm mạnh. Trung Quốc đang trở thành nạn
nhân của chính mình.
Theo
Ely Ratner (Giám đốc Trung tâm New American Security) điều trần tại Ủy ban
Đối ngoại Thượng viện (7/2018): “Mỹ không nên coi thuế quan là công cụ chính
sách kinh tế chủ yếu để đối phó với Trung Quốc” (Tariffs should not be the
principal economic policy tool against China). Ratner cho rằng thuế quan là
cần thiết nhưng có giới hạn, nó khó làm Trung Quốc thay đổi chính sách, mà phải
có một chiến lược dựa trên luật lệ để trừng phạt các công ty Trung Quốc ăn
cắp công nghệ Mỹ. Ratner đưa ra nhiều khuyến nghị, gồm: (1) Mỹ cần gia nhập lại
TPP (nay là CPTPP). Đây là điều quan trọng nhất mà Mỹ có thể làm để tăng cường
vị thế kinh tế của mình ở Châu Á, và làm suy yếu khả năng Trung Quốc áp bức về
kinh tế (economic coercion). (2) Mỹ cần cộng tác chặt chẽ, chứ đừng xa lánh đồng
minh và đối tác, để đối phó với thách thức của Trung Quốc. (3) Mỹ cần có một
Chiến lược mới về An ninh Kinh tế Quốc gia. (Blunting China’s Economic
Coercion as Statecraft, Ely Ratner, statement before Senate
Foreign Relations Committee hearing on The China Challenge, July 24,
2018).
Bàn
cờ chiến lược thay đổi
Theo
HSBC, Trung Quốc dự tính thương mại với các nước tham gia dự án “BRI” (Belt and
Road Initiative) sẽ vượt US$ 2.5 trillion/năm trong thập kỷ tới. Tập Cận
Bình đã tự tin tuyên bố đến năm 2030, hàng hóa Trung Quốc sẽ tràn ngập thế giới
và kinh tế Trung Quốc sẽ vượt Mỹ (với kế hoạch đầy tham vọng “Made in China
2025”). Nhưng cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung mà Trump phát động đe dọa
làm tiêu tan “Giấc Mộng Trung Hoa” (China Dream) của Tập Cận Bình, và đang làm
lung lay ngai vàng của hoàng đế đỏ.
Bằng
cách đánh thuế cao đối với hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ, và thắt chặt chuyển giao
công nghệ cao cho Trung Quốc, có lẽ Trump và các cố vấn chủ chốt đã đánh trúng
huyệt đạo dễ tổn thương của Trung Quốc. Theo New York Times (6/7/2018), Bộ
Thương Mại Trung Quốc lên án “Mỹ đã khởi động cuộc chiến tranh thương mại lớn
nhất trong lịch sử kinh tế từ trước tới nay” (The US has launched the
biggest trade war in economic history so far).
Sau khi
Mỹ áp thuế 25%
đối với hàng hóa Trung Quốc (trị giá 34 tỷ USD), và Trung Quốc lập tức
trả đũa bằng áp thuế tương tự (trị giá 34 tỷ USD) đối với hàng hóa Mỹ, Trump
đã chỉ thị cho Robert Lighthizer (đại diện thương mại) áp thuế nhập khẩu (trị
giá tới 200 tỷ USD) để trừng phạt Trung Quốc đã trả đũa “unfair”, và ăn cắp sở
hữu trí tuệ của Mỹ.
Theo
Bloomberg (20/7/2018), không dừng lại đó, Trump tuyên bố sẵn sàng đánh thuế tới 500
tỷ USD (tương đương tổng giá trị nhập khẩu từ Trung Quốc năm ngoái là 506
tỷ USD) để trừng phạt Bắc Kinh. Bên cạnh chiến tranh thương mại đang leo
thang là cuộc chạy đua vũ trang rất tốn kém, không biết Trung Quốc sẽ đối phó
ra sao. Ngân sách quốc phòng của Mỹ (năm 2018) là 692 tỷ USD (bằng 3,5% GDP),
vượt ngân sách quốc phòng thời Obama là 100 tỷ USD (năm 2016). Tuy chưa biết
chiến tranh thương mại Mỹ-Trung sẽ leo thang đến đâu, nhưng chính quyền Trump tỏ
ra tự tin rằng Mỹ sẽ thắng trong cuộc chiến này.
Lập luận
của Trump rất đơn giản. Trong khi Mỹ xuất khẩu khoảng 200 tỷ USD hàng hóa sang
Trung Quốc, thì Trung Quốc xuất khẩu khoảng 500 tỷ USD hàng hóa sang Mỹ, chênh
lệch khoảng 300 tỷ USD (Mỹ nhập siêu). Nếu Mỹ áp thuế lên hàng hóa Trung Quốc
trong vòng 200 tỷ USD (giai đoạn 2), thì Trung Quốc có thể trả đũa một cách
tương tự. Nhưng nếu Mỹ áp thuế 500 tỷ USD (giai đoan 3) lên toàn bộ hàng
hóa của Trung Quốc thì Bắc Kinh không thể leo thang tiếp. Theo CNBC
(July 20, 2018), chiến tranh thương mại sẽ kéo theo chiến tranh tiền tệ và có
thể dẫn đến khủng hoảng kinh tế toàn cầu (như năm 2008). Khi kinh tế rối
loạn, thì nền tài chính có thể sụp đổ, kéo theo khủng hoảng chính trị và xã hội.
Bàn
cờ đồng minh thế nào
Tuy hiện
nay mới là bước dạo đầu, nhưng đã có nhiều dấu hiệu bất ổn. Thị trường tài
chính đang biến động mạnh: Shanghai Composite giảm 1.8%, Hong Kong's Hang
Seng giảm 1.3%, Japan's Nikkei giảm 1.2%... Để đối phó với Mỹ áp thuế nhập
khẩu, Trung Quốc buộc phải phá giá đồng Nhân Dân Tệ (tới 8%). Chỉ cần phá
giá thêm 2% nữa (là 10%, như dự báo trong vài tuần tới) là tới mức báo động và
khủng hoảng. Trong vòng một tháng, Trung Quốc đã mất 2.000 tỷ USD (bằng một nửa
dự trữ ngoại hối của Trung Quốc), nhưng chưa dừng lại.
Theo
RFI, sau khi bị “choáng váng” trước những đòn trừng phạt ngày càng mạnh của
Trump, Trung Quốc đã tăng cường ve vãn các nước châu Âu, định lập trục Bắc
Kinh- Bruxelles (để cô lập Mỹ). Ngày 16/07/2018, Bắc Kinh đã trải thảm đỏ
đón Donald Tusk (chủ tịch Cộng đồng Châu Âu) và Jean-Claude Juncker (chủ tịch Ủy
ban Châu Âu), trong bối cảnh Trump vừa tuyên bố áp thuế lên hàng hóa Trung Quốc
nhập khẩu trị giá tới 200 tỷ USD. (Choáng váng vì Trump, Trung Quốc cố ve
vãn châu Âu nhưng bất thành, RFI, 20/7/2018).
Nhưng
Phòng Thương Mại Cộng đồng châu Âu tại Trung Quốc (EUCCC) cho là đã quá muộn
(too little too late). Châu Âu bất bình vì Trung Quốc “nói một đằng
làm một nẻo”. Hầu
hết các doanh nghiệp châu Âu kinh doanh tại Trung Quốc bị phân biệt đối xử. Tuy
Trung Quốc xuất khẩu sang châu Âu gần 375 tỷ Euro (2017) và mua rất nhiều doanh
nghiệp của họ, nhưng Trung Quốc vẫn đóng cửa thị trường đầu tư nước ngoài.
Trong khi châu Âu coi toàn cầu hóa, tự do thương mại và chủ nghĩa đa phương là
nguyên tắc, thì Trung Quốc chỉ coi đó là công cụ để thống trị thế giới. Châu
Âu đã áp thuế chống phá giá lên 65 sản phẩm của Trung Quốc, trong đó có thép và
nhôm (được Trung Quốc xuất vòng qua các nước khác).
Tuy
chính phủ các nước châu Âu bất bình với cách ứng xử của Trump, nhưng chắc họ sẽ
không liên minh với Trung Quốc (để cô lập Mỹ). Trước cách ứng xử trịch thượng của
Trung Quốc, các nước châu Âu về lâu dài vẫn muốn liên minh với Mỹ. Tuy
Bruxelles bên ngoài lên án chủ nghĩa đơn phương của Trump, nhưng bên trong vẫn ủng
hộ những biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với Trung Quốc đang vi phạm luật chơi
quốc tế. Cả Bruxelles và Washington đều phản đối Trung Quốc trợ giá cho các tập
đoàn để chiếm thị trường các nước.
Philippe
Le Corre (Havard KSG professor) nói rằng “Châu Âu không nên ngây thơ trước
Trung Quốc”. Trung Quốc tăng ngân sách 20% cho tuyên truyền đối ngoại
(charm offensive) để phát huy “quyền lực mềm” (soft power) cũng như “quyền lực
cứng” (kinh tế và quân sự). Rõ ràng đây không chỉ là vấn đề kinh tế mà nằm
trong chiến lược toàn cầu của Bắc Kinh. Theo Le Core, những
tuyên bố bất cẩn của Trump tuy gây hoang mang cho đồng minh, nhưng châu Âu nên
đặt lợi ích chiến lược về lâu dài lên trên tính cách cá nhân của Trump.
Nội
bộ Trung Quốc ra sao
Về
chính trị, gần đây có những dấu hiệu bất ổn trong nội bộ lãnh đạo Trung Quốc.
Nhân dân Nhật báo (20/7/2018) mới đăng một bài “báo lạ” có tựa đề: “Diễn đàn
Nhân dân Nhật báo: Vui mừng khi nghe những lời chỉ trích là thể hiện đẳng cấp văn
hóa”. Bài báo này trích dẫn Mao Trạch Đông và nhấn mạnh “mỗi Đảng viên phải tự
rèn luyện để có thể dám tiếp nhận lời phê bình”. Thời điểm xuất hiện bài báo
trùng hợp với những tin đồn về chính biến tại Bắc Kinh và biến động nhân sự cấp
cao. Có tin đồn các “nguyên lão” có thể truy cứu trách nhiệm của Tập Cận Bình tại
cuộc họp tại Bắc Đới Hà (8/2018), liên quan đến vấn đề lãnh đạo tập thể, sửa đổi
Hiến pháp, chiến tranh thương mại và bất ổn tài chính. Trong thời gian diễn ra
hội nghị, lực lượng bảo vệ tại Bắc Kinh có thể được thay thế, và thiết quân luật.
Nhưng
đây không phải lần đầu có tin chính biến. Theo truyền thông Mỹ, Tập Cận Bình đã
trải qua ít nhất 10 vụ ám sát hụt. Chính Tập đã nói với Thường vụ Bộ Chính trị
(5/2016); “Nếu tôi bất ngờ bị hãm hại, bầu trời sẽ không vì thế mà sụp xuống,
con đường tổ quốc tiến lên sẽ không dừng lại”. Lần này tuy chưa rõ thực hư,
nhưng có thể các thế lực chống đối Tập Cận Bình nhân cơ hội này đang tìm cách
trỗi dậy, nên diễn biến còn nhiều phức tạp.
Có lẽ
vì vậy ngày 16/7/2018, Lật Chiến Thư (Li Zhanshu) chủ tịch Quốc Hội (NPC) đã tổ
chức họp lãnh đạo để kêu gọi phải đảm bảo quyền lực “hạt nhân” Tập Cận Bình
theo “định tại nhất tôn” (như vua). Ngày 18/7 Bộ trưởng Công an Triệu Khắc Chí
(Zhao Kezhi) tổ chức họp lãnh đạo Bộ Công an để nhắc lại quan điểm của Lật Chiến
Thư. Ngày 19/7, Bí thư tỉnh Quảng Đông Mã Hưng Thụy (Ma Xingrui) cũng khẳng định
lại quan điểm đó.
Về biến
động nhân sự, sau ngày 4/7/2018, Vương Hộ Ninh (Wang Huning) đã bất ngờ “mất
tích”. Ngày 19/7, Tập Cận Bình đi thăm Emirates và bốn nước châu Phi. Cùng đi
có Đinh Tiết Tường (Ding Xuexiang) nhưng không có Vương Hộ Ninh (như mọi khi).
Theo nhà bình luận Trần Phá Không (Chen Pokong) Vương Hộ Ninh là “tùy tùng nòng
cốt” của Tập, nên đây là dấu hiệu bất thường. Có tin “Tập vứt Vương (Hộ Ninh) bảo
Lưu (Hạc)”. Vương Hỗ Ninh có thể bị thanh trừng (vì lý do chiến tranh thương mại
Mỹ-Trung) và được thay bằng Đinh Tiết Tường (Chánh văn phòng TƯ). Có tin Hồ
Xuân Hoa (Hu Chunhua, phó thủ tướng) được vào Thường vụ Bộ Chính trị để trở
thành người kế nhiệm Tổng Bí thư. Nhưng Lật Chiến Thư mới là cánh tay phải được
Tập tin cậy nhất, ngoài Vương Kỳ Sơn (Wang Qishan).
Xét cho
cùng, Vương Hỗ Ninh dù tài giỏi đến mấy, cũng không phải là superman. Những tài
sản chính trị (political assets) do thành công của Vương trước đây (qua
ba đời Tổng Bí Thư) nay có thể trở thành món nợ chính trị (political
liability). Những biến động trong nội bộ Trung Quốc liên quan và phản ánh
những trục trặc trong chính sách đối ngoại và quan hệ quốc tế của họ, mà chiến
tranh thương mại Mỹ-Trung đang làm bộc lộ những ẩn số.
Theo Lê
Thu Hương (ANU/ASPI analyst), Trung Quốc đã trở thành một cường quốc kinh tế
quái vật (a monstrous economic power) mà Richard Nixon gọi là Frankenstein,
không chịu bị ràng buộc bởi luật lệ toàn cầu (như phương Tây mong đợi), mà ngược
lại trở thành “một bên tham gia tàn bạo” (a ruthless stakeolder). Chiến
thuật (tầm ăn dâu) của Trung Quốc tại Biển Đông có thể thành công, vì họ biết
tranh thủ thời cơ để quân sự hóa và kiểm soát vùng biển này (như cái ao của
mình) trong khi cộng đồng quốc tế còn đang “xem xét” (keeps pondering).
Họ đã tranh thủ cơ hội để lấp lỗ hổng lãnh đạo toàn cầu (filling the void in
global leadership) khi Trump đã biếu Tập Cận Bình một cơ hội chiến lược (strategic
opportunity). Thông qua “bẫy nợ” (debt trap) như một quốc sách kinh
tế (economic statrecraft) và dùng BRI và AIIB làm đòn bẩy, Trung Quốc đã
khống chế được nhiều nước trên thế giới, kể cả các nước láng giềng có tranh chấp
lãnh thổ hay lãnh hải như Malaysia, Philippines và Việt Nam. (Chinas
Aggression Is Starting to Backfire, Huong Thu Le, National Interest,
July 24, 2018).
Trên thực
tế, “bẫy nợ” và các “tài sản quốc gia được nhượng lại” (compromised national
strategic assets) là hệ quả đáng sợ nhất của đại dự án “Một Vành đai Một
Con đường” (most feared outcomes of the BRI). Trung Quốc biết khai thác
điểm yếu nhất của con người là “tham lam và sợ hãi” (greed and fear). Họ
đã chiếm được nhiều hải cảng từ Djiboutito (sừng châu Phi) đến Hambantota (Ấn Độ
Dương), từ Sihanoukvilles đến Darwin, và giành được vị thế toàn cầu một cách
nhanh chóng. Nhưng “chiến lược cưỡng chế đầy tham vọng và nôn nóng của Tập Cận
Bình lại tỏ ra vô cảm đối với những giá trị, lợi ích và nhu cầu của cộng đồng
cùng chung vận mệnh” (Xi Jinping's ambitious and impatient strategy of
assertion is insensitive to fellow common community members' values, interests
and needs). Trung Quốc quyết theo đuổi một chiến lược tốn kém bằng cách
“mua đứt” những ai theo mình, chứ không cần chiếm được trái tim và khối óc của
bạn bè, đối tác (doubling down on a costly strategy of buying followers
rather than winning the hearts and minds of friends and partners).
Theo
tác giả, cách gây ảnh hưởng chính trị của Trung Quốc đã vượt quá mức chịu đựng
của nhiều nước, nên dẫn đến một làn sóng phản ứng ngày càng mạnh trên thế giới
(a growing wave of push-back from around the globe). Cách gây dựng quan
hệ cá nhân của Trung Quốc có thể “phản tác dụng” (backfire). Malaysia là
một bài học. Do tư duy “từ trên xuống” (top-down) nên Trung Quốc có chiến
lược nhắm vào những cá nhân lãnh đạo mà trước mắt hiệu quả nhanh, nhưng không
có cơ sở vững bền lâu dài, một khi họ bị mất chức. Thủ tướng Najib Razak của
Malaysia (hay thượng nghị sỹ Sam Dastyari của Úc) là một ví dụ.
Việt
Nam là một bài học khác. Quan hệ của Trung Quốc với Việt Nam là một ví dụ về
tương quan gần gũi và lâu dài, vượt qua tầm cá nhân (như quan hệ hai đảng). Hà
Nội và Bắc Kinh đã phát triển mối quan hệ gắn bó qua nhiều thập kỷ. Nhưng thay
vì vun đắp mối quan hệ đó, Bắc Kinh đã vội vã áp đặt tham vọng của họ tại Biển
Đông, nên đã xô đẩy Việt Nam ngày càng xa và ngả vào vòng tay người khác (trước
đây là Nga, và bây giờ là Mỹ). Không phải chỉ có Việt Nam muốn “thoát Trung”,
mà nay Bắc Triều Tiên cũng muốn như vậy.
Trở
về tương lai thời chiến tranh lạnh
Sau khi
bắt tay Kim Jong-un tại cuộc gặp cấp cao Mỹ-Trung (đầy kịch tính) tại Singapore
(12/6/2018), để tháo ngòi nổ vấn đề Triều Tiên, nay Trump lại bắt tay Putin tại
cuộc gặp cấp cao Mỹ-Nga (đầy tranh cãi) tại Helsinki (16/7/2018), để bình thường
hóa với Nga. Cả hai nước cờ trên đều nhắm đến một cái đích chính là cô lập
Trung Quốc. Dường như bóng ma Reagan lại lờ mờ hiện ra trong bức tranh thời chiến
tranh lạnh (với hai cực Mỹ-Xô). Liên Xô đã sụp đổ một phần là do chạy đua vũ
trang với Mỹ đến kiệt sức và cạn máu.
Đây là
cuộc gặp thượng đỉnh có nhiều ý nghĩa chiến lược và chiến thuật, mà Trump (và
các cố vấn chủ chốt) đang tạo ra một bước ngoặt mới, có thể làm thay đổi bàn cờ
địa chính trị thế giới, mà trước đây đã bị Nga, Trung Quốc, và Bắc Triều Tiên
thao túng, trong khi Mỹ và các đồng minh dường như bị bất lực. Đó là hệ quả của
thời Clinton và Obama đã để Nga lấn lướt (chiếm Crimea) trong khi để Trung Quốc
qua mặt (kiểm soát Biển Đông).
Tuy dư
luận Mỹ (đặc biệt là giới báo chí) đã phản ứng tiêu cực đối với cuộc gặp
Trump-Putin (nhất là cuộc họp báo), nhưng giới phân tích chính trị quốc tế
không thể phủ nhận ý nghĩa quan trọng của nước cờ chiến lược này của Mỹ (trong
bối cảnh Trump vừa bắt tay với Kim Jong-un). Trong khi Trump và Putin bắt tay
nhau (dù chưa chặt lắm), chắc Tập Cận bình rất lo ngại, vì sự kiện này đối với
Bắc Kinh là tin dữ (chứ không phải tin lành).
Có những
động lực thúc đẩy sự kiện này: Putin muốn bắt tay với Trump để hóa giải khó
khăn kinh tế vì Nga bị phương Tây cấm vận (sau khi chiếm Cremea và can thiệp
vào Syria). Trump muốn bắt tay Putin để phân hóa Nga nhằm cô lập Trung Quốc để
dễ bề đối phó, đồng thời hóa giải sức ép chính trị trong nước. Robert Mueller vẫn
đang điều tra sự can thiệp của Nga vào bầu cử Mỹ, và Bộ Tư Pháp Mỹ vừa truy tố
12 nhân viên tình báo Nga.
Có thể
so sánh cái bắt tay Trump-Putin (7/2018) với cái bắt tay Nixon-Mao (12/1972)
trong trò chơi quyền lực giữa ba nước lớn (thời chiến tranh lạnh). Nixon và
Kissinger đã từng chơi “lá bài Trung Quốc” để chống Nga. Nay Trump định chơi
“lá bài Nga” để chống Trung Quốc đang trỗi dậy đe dọa lợi ích toàn cầu của Mỹ.
Tập Cận Bình đã từng chơi “lá bài Nga” để chống Mỹ, thì nay Trump cũng có thể
chơi “lá bài Nga” để lật lại thế cờ. Có lẽ tam giác Mỹ-Trung-Nga đang “trở về
tương lại” (back to the future) như thời chiến tranh lạnh.
Đa số
dư luận Mỹ (cả Dân chủ và Cộng hòa) đều phản ứng tiêu cực trước cuộc gặp
Trump-Putin vì lâu nay người Mỹ nghi ngờ Putin chơi xấu, và bất bình trước thái
độ ứng xử bất cẩn của Trump. TNS John McCain đã bình luận ngay sau cuộc họp báo
Trump-Putin rằng “Trump là tổng thống Mỹ đã hành xử một cách đáng xấu hổ nhất từ
trước đến nay” (one of the most disgraceful performances by an American
president in memory).
Giới
báo chí Mỹ phản ứng càng mạnh còn vì lý do lâu nay Trump coi thường họ.
Washington Post (17/7/2018) bình luận cuộc gặp thưởng đỉnh Trump-Putin tại
Helsinki là “một sự kiện lịch sử - với nghĩa xấu nhất có thể” (a historic
event - in the worst possible way). Một số nhà báo còn cho rằng Trump có thể
“đã nháy mắt với Putin” (ám chỉ hai bên muốn thông đồng với nhau). Dư luận phản
đối Trump mạnh chủ yếu vì thái độ bất nhất của ông như đổ thêm dầu vào lửa.
Nhưng chỉ trích của báo chí có thể làm lu mờ ý nghĩa thực sự của sự kiện này.
Theo
Reuters (17/7/2018), Trump tuyên bố “Sẽ có kết quả lớn với Putin” (Big
results will come with Putin). Trump còn viết trên Twitter (như khiêu khích
dư luận): “Putin và tôi đã thảo luận nhiều chủ đề quan trọng khi chúng tôi gặp
nhau. Chúng tôi rất hợp nhau, làm nhiều người ghét tôi vì họ chỉ muốn thấy một
trận đấu quyền anh…” (Putin and I discussed many important subjects at our
earlier meeting. We got along well which truly bothered many haters who wanted
to see a boxing match). Theo NPR (17/7/2018) một nhà bình luận Nga nói
rằng Trump-Putin saummit tại Helsinki “còn hơn cả tuyệt với” (Better Than
Super).
Trò
chơi quyền lực mới
Kế hoạch
“Made in China 2025” chú trọng nâng cao sức sản xuất của Trung Quốc trong 10
lĩnh vực chiến lược dựa trên công nghệ. Nhưng thay vì bỏ tiền, công sức và thời
gian để nghiên cứu và phát triển, Trung Quốc bị cáo buộc đã tìm cách “đánh cắp
công nghệ” của các nước khác, thông qua tin tặc, gián điệp, thôn tính và ép các
công ty nước ngoài đầu tư tại Trung Quốc. Theo Reuters (17/1/2017), Trump và Cố
vấn kinh tế Gary Cohn đã cáo buộc Trung Quốc ép các công ty Mỹ phải chuyển giao
tài sản trí tuệ cho họ như điều kiện để được kinh doanh tại Trung Quốc, nên nhiều
công ty Mỹ đang rút khỏi đây. Nay chính quyền Trump quyết định hạn chế các
doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư vào Mỹ là để “khép chặt cánh cửa” đối với Trung
Quốc muốn tiếp cận hàng ngàn doanh nghiệp Mỹ. Đó là trò chơi quyền lực mới.
Theo
báo WSJ (6/4/2018) kiến trúc sư của chiến lược đối đầu thương mại với Trung Quốc
là Robert Lighthizer (đại diện thương mại hiện nay). Lighthizer và Trump có nhiều
điểm tương đồng nên khá thân nhau (the two men are like-minded and bonded by
a similar sense of humor). Lighthizer thường được đi cùng máy bay Air Force
One, và hay được Trump gọi vào Oval Office để trao đổi. Theo Kevin Hassett
(White House chief economist) Lighthizer được nhiều người tin tưởng, tuy quan
điểm về thương mại có thể khác nhau.
Trong
khi Peter Navarro (cố vấn thương mại) có tư tưởng chống Trung Quốc, với vai trò
đảm bảo Nhà Trắng thực hiện lời hứa của Tổng Thống (khi tranh cử) là không để
Trung Quốc trục lợi, thì Lighthizer thuộc phái diều hâu, chống Trung Quốc bằng
hành động. Lighthizer phụ trách thương mại, đề xuất chiến lược và triển khai. Cả
hai nhân vật này cộng tác với nhau để xây dựng chính sách với Trung Quốc, tuy
chiến thuật của họ có thể khác nhau. Trong khi đó, các nhân vật thuộc phái
“toàn cầu hóa” như Gary Cohn (cựu giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia (NEC) thường
lo xung đột thương mại ảnh hưởng tới thị trường. Lighthizer là một luật sư có
nhiều kinh nghiệm về cách thức làm việc của Quốc Hội cũng như Chính quyền.
Vai trò
của Lighthizer khác hẳn vai trò của những chuyên gia về Trung Quốc trong các
chính quyền trước như Henry Paulson (cựu bộ trưởng tài chính thời George Bush)
đã từng chỉ đạo chính sách kinh tế với Trung Quốc. Paulson đã từng giúp Trung
Quốc triển khai chính sách tư nhân hóa (privatizations) và tiếp tục quan hệ với
lãnh đạo Trung Quốc. Nhưng thời Hồ Cẩm Đào đã qua rồi, nay Trump phải đối phó với
“hoàng đế đỏ” Tập Cận Bình.
Theo
giáo sư David Lampton (Johns Hopkins), quan hệ Mỹ-Trung hiện đang ở thời điểm
“bùng phát” (tipping point), và quan hệ này đang được điều chỉnh để thoát khỏi
tình trạng đã tồn tại 45 năm qua. Chính quyền Trump quyết đẩy lùi Trung Quốc
trên các lĩnh vực như ăn cắp tài sản trí tuệ, hạn chế tiếp cận tại khu vực Biển
Đông, sáng kiến Một vành đai Một con đường (BRI). (Mattis’ Visit to China:
Agree to Disagree?Shannon Tiezzi, June 29, 2018).
Dấu ấn
Lighthizer
Theo
báo WSJ, chính sách cứng rắn của Trump đối với Trung Quốc bắt đầu từ một cuộc họp
tại Nhà Trắng (8/2017). Trong cuộc họp đó, Lighthizer đã lập luận rằng nhiều
năm đàm phán với Bắc Kinh không có kết quả, nay đến lúc phải đối đầu. Mấy ngày
sau, Trump tuyên bố mở cuộc điều tra các vi phạm của Trung Quốc về sở hữu trí
tuệ (do Lighthizer cầm đầu). Đó là mốc khởi đầu chủ trương mới “đầy kịch
tính và rủi ro trong nhiều thập kỷ” (most dramatic and high-risk effort in
decades) để buộc Trung Quốc phải thay đổi thái độ ứng xử. Có thể nói rằng
quyết định áp thuế cao lên hàng hóa Trung Quốc mang đậm “dấu ấn Lighthizer”.
Chính
quyền Trump đã chuyển sang chủ trương đối đầu với Trung Quốc từ sau cuộc họp
quan trọng đó. Nhưng Lighthizer đã phải cố gắng vận động để mọi người nhất trí,
vì có nhiều ý kiến bất đồng. Các chính quyền trước thường không muốn đối đầu với
Trung Quốc, vì sợ làm kinh tế toàn cầu bị suy thoái, và sợ Trung Quốc sẽ không
hợp tác về các vấn đề an ninh khác. Điều đó chẳng khác gì Mỹ bị Trung Quốc “bắt
chẹt” (blackmailed) bằng cái “bẫy phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế” (economic
co-dependency trap), do chính người Mỹ đã tạo ra.
Điều
đáng chú ý là Jim Mattis (Bộ trưởng Quốc phòng) đã ủng hộ quan điểm cứng rắn với
Trung Quốc, vì lo ngại Trung Quốc chiếm đoạt công nghệ của Mỹ và có thể chiếm
ưu thế quân sự. Những người cầm đầu cơ quan an ninh quốc gia cũng mệt mỏi và
đau đầu vì Trung Quốc thường không giữ lời hứa về các vấn đề an ninh (như vấn đề
Triều Tiên). Marcel Lettre (nguyên thứ trưởng Quốc Phòng, phụ trách tình báo)
nói rằng Trung Quốc có ngân sách quốc phòng lớn thứ hai trên thế giới, có đội
quân thường trực lớn nhất thế giới, có không quân lớn thứ ba thế giới, và hải
quân Trung Quốc có 300 tàu chiến, gồm 60 tàu ngầm.
Cuối
tháng 2/2018, Trung Quốc cử Liu He (Lưu Hạc) là phó thủ tướng, làm đặc phái
viên kinh tế, đến Washington để đàm phán. Lưu Hạc hứa Bắc Kinh sẽ mở cửa thị
trường tài chính, nhưng phía Mỹ tỏ ra lạnh nhạt. Khi cửa sổ cơ hội đã đóng lại
rồi, thì cố gắng của Lưu Hạc là “quá ít quá muộn” (too little too late). Vì vậy,
Lưu Hạc không gặp được Trump, mà chỉ gặp Robert Lighthizer, Gary Cohn và Steven
Mnuchin (bộ trưởng tài chính). Thông điệp của Mỹ rất đơn giản: họ sẽ không để bị
lợi dụng (tapped around) như chính quyền trước.
Sau khi
Trung Quốc dọa trả đũa, Trump tuyên bố sẽ đánh thuế tăng lên gấp ba lần
(tripling the amount) vì Trung Quốc trả đũa không công bằng (unfair
retaliation). Trong khi đó người phát ngôn bộ Thương Mại Trung Quốc vẫn tỏ
ta cứng rắn: “Bắc Kinh sẵn sàng đáp trả mạnh mẽ không ngần ngại” (Beijing is
fully prepared to hit back forcefully and without hesitation). Tuy chưa rõ
vai trò của Lưu Hạc, nhưng có thể là sai lầm của Bắc Kinh khi họ quá tự tin nên
bị bất ngờ, nên các quan chức Trung Quốc “bị sốc” trước quyết định của Mỹ.
Nhận
thức chiến lược mới
Tuy nhiều
người Mỹ, kể cả phe Cộng Hòa (như John McCain) phản đối Trump (chủ yếu vì tính
cách và thái độ ứng xử), nhưng ngày càng nhiều người ủng hộ lập trường cững rắn
đối với Trung Quốc. Không chỉ có lãnh đạo bộ Quốc Phòng (như Jim Mattis), mà cộng
đồng an ninh và tình báo cũng đồng thuận với lập trường cứng rắn đối với Trung
Quốc. Đây là một sự chuyển biến cơ bản về nhận thức chiến lược, do chính Trung
Quốc tạo ra.
Theo
CNN (21/7/2018) tại “Diễn đàn An ninh Aspen” (Aspen Security Forum,
Colorado) Michael Collins (trợ lý giám đốc CIA về Đông Á), tỏ ra lo
ngại về sự trỗi dậy của Trung Quốc. Theo Collins, “Tập Cận Bình và chế độ của
ông đang tiến hành một cuộc ‘chiến tranh lạnh’ chống lại Mỹ…được người
Trung Quốc xác định là “xung đột về hệ thống” (system conflict). Mối đe
dọa của Trung Quốc đối với Mỹ là “thách thức lớn nhất toàn cầu” (the
greatest global challenge) còn hệ trọng hơn nhiều so với thách thức của
Nga.
Christopher
Wray (giám đốc FBI) và Dan Coats (giám đốc Tình báo Quốc gia) cũng cho rằng
“Trung Quốc là nguy cơ quan trọng nhất đối với Mỹ hiện nay” (China as the
most significant danger for the US today)…Theo quan điểm phản gián (counterintelligence
perspective) thì Trung Quốc là “mối đe dọa và thách thức lớn nhất” (the
broadest, most challenging, most significant threat), về tình báo kinh tế (economic
espionage) cũng như tình báo truyền thống (traditional espionage),
nhằm thu thập tin tức tình báo không thông thường, cũng như hoạt động tình báo
thông thường, bằng con người cũng như qua mạng (hacking).
Susan
Thornton, (quyền trợ lý ngoại trưởng về Đông Á-Thái Bình Dương) chỉ ra sự bế tắc
tại Biển Đông “là nơi mà sự có mặt của Mỹ có thể buộc Bắc Kinh phải đàm phán với
các nước khu vực có tranh chấp lãnh hải… Mấy năm qua, Trung Quốc đã xây nhiều đảo
nhân tạo và quân sự hóa Biển Đông, gồm các trạm radar, tên lửa, và sân bay. Bắc
Kinh khẳng định hầu hết Biển Đông thuộc chủ quyền của họ, coi quan điểm của cộng
đồng quốc tế là sai trái… Liệu Trung Quốc có bị ràng buộc bởi luật pháp và liệu
Trung Quốc có chịu đàm phán với ASEAN như các đối tác đa phương hay sẽ phân hóa
từng nước một để họ dễ bắt nạt?”.
Chiến
lược An ninh Quốc gia Mỹ (NSS) được công bố 12/2017, đã đề cập đến các hành động
nhằm đối phó với Trung Quốc về “lĩnh vực công nghệ và mạng” (technological
and cyber fronts)”. Nhưng Mỹ cần hợp tác với các đối tác khác để đối phó với
các hoạt động của Trung Quốc và vận động Bắc Kinh chấp thuận công ước quốc tế.
Người Trung Quốc giỏi tranh thủ cơ hội. Trong khi Mỹ bận đối phó với Trung Đông
và khủng hoảng tài chính, Trung Quốc đã thừa cơ bắt nạt các nước khu vực, để
quân sự hóa và kiểm soát Biển Đông.
Việt
Nam đang ở đâu?
Thứ nhất,
Việt Nam có thể trở thành bãi rác cho công nghệ lạc hậu của Trung Quốc đang bị
đào thải, gây ô nhiễm môi trường, như các nhà máy nhiệt điện chạy bằng than
(như Vĩnh Tân) và các nhà máy luyện thép (như Formosa). Thứ hai, Việt Nam đang
trở thành sân sau của Trung Quốc, tiếp tay cho họ tránh thuế nhập khẩu vào Mỹ bằng
cách dán nhãn “made in Việtnam”. Thứ ba, Việt Nam bị ảnh hưởng kinh nghiệm xấu
của Trung Quốc (như luật an ninh mạng và luật đặc khu kinh tế) nhưng lại không
học được kinh nghiệm tốt của họ.
Trong bối
cảnh chiến tranh thương mại đang diễn ra và thị trường thế giới đang co lại,
thì nền kinh tế Việt Nam đã khai thác gần hết công suất xuất-nhập khẩu (chủ yếu
dựa vào FDI). Vì vậy, chiến tranh thương mại Mỹ-Trung có thể tác động xấu đến
Việt Nam. Tuy lần này chiến tranh tiền tệ chưa diễn ra, nhưng bắt đầu có những
dấu hiệu bất ổn như thị trường chứng khoán vừa qua đã sụt giảm rất mạnh, và tỷ
giá ngoại tệ biến động bất thường.
Việt
Nam thường neo tỷ giá hối đoái cố định vào đồng USD, và đang cất giữ số tài sản
là ngoại hối và trái phiếu của Mỹ nhiều nhất so với các tài sản dự trữ khác. Việt
Nam xuất khẩu sang Mỹ nhiều hơn các nước ASEAN (như Malaysia). Năm 2017, Việt
Nam buôn bán với Mỹ đạt mức thặng dư thương mại đáng ngạc nhiên là 38,4 tỷ USD,
trong khi Malaysia chỉ đạt mức 24,6 tỷ USD. Chỉ tính trong quý I/2018, Việt Nam
xuất khẩu sang Mỹ đạt 11,4 tỷ USD, và nhập khẩu từ Mỹ đạt 2,1 tỷ USD, nên thặng
dư thương mại (xuất siêu) với Mỹ là 9,3 tỷ USD, trong khi đó Malaysia chỉ đạt
thặng dư thương mại với Mỹ là 6,1 tỷ USD).
Theo tiến
sĩ Vũ Thành Tự Anh (Đại học Fulbright), FDI tạo ra hơn 70% giá trị xuất khẩu. Tỷ
lệ xuất nhập khẩu trên GDP của Việt Nam là 203% (2017), trong khi tỷ lệ trung
bình trên thế giới là 28%, và tỷ lệ của Trung Quốc là 19,6%. FDI của Việt Nam
chiếm 7,7% GDP, cao gấp đôi tỷ lệ bình quân của thế giới là 3,1%. FDI tại Việt
Nam xuất siêu gần 26 tỷ USD. Có lẽ không có nước nào trên thế giới có tỷ lệ đầu
tư nước ngoài so với tổng đầu tư cao như Việt Nam. (Nghịch lý FDI, Vũ
Thành Tự Anh, Thời báo Kinh tế Sài Gòn, 15/07/2018).
Ông Anh
cho biết có 2 nghịch lý về FDI: Thứ nhất, “tuy công nghệ cao nhưng kỹ năng lại
thấp”. Thứ hai, “tuy công nghệ cao nhưng giá trị gia tăng lại thấp”. Phụ thuộc
vào FDI là “cái bẫy gia công giá trị thấp”. Muốn thoát khỏi cái bẫy đó phải
tháo gỡ ách tắc về thể chế để chuyển đổi cơ cấu và tăng năng suất lao động. Hiện
nay, hầu hết các dự án FDI chỉ tận dụng nhân công rẻ mạt, mà không đóng góp
đáng kể vào việc chuyển giao công nghệ mới.
Gần đây
Bộ Thương Mại Mỹ đã áp thuế nhập khẩu 25% lên sản phẩm thép và 10% lên sản phẩm
nhôm (có nguồn gốc Trung Quốc), để ngăn chặn hàng Trung Quốc xuất khẩu qua Việt
Nam. Đó chỉ là động thái ban đầu của Mỹ nhằm đảm bảo “công bằng và đối ứng”.
Theo chủ trương của Trump, Mỹ đang “khép chặt cánh cửa” đối với Trung Quốc
với những quy định mới. Các công ty có từ 25% vốn sở hữu của Trung Quốc bị cấm
mua lại những công ty công nghệ cao của Mỹ (như không gian vũ trụ, người máy,
công nghiệp ô tô).
Nếu
Trump thực hiện lời đe dọa tăng thuế lên mức 200 tỷ và 500 tỷ USD để trừng phạt
Trung Quốc, thì sẽ tạo ra một cơn sốc mạnh, không chỉ tác động tới Trung Quốc,
mà còn tới các nền kinh tế Châu Á khác (trong đó có Việt Nam). Tác động tới đâu
còn phụ thuộc vào diễn biến của chiến tranh thương mại và quan hệ Viêt-Trung
cũng như Việt-Mỹ. Xét cho cùng, chiến tranh thương mại Mỹ-trung đem lại cả rủi
ro và cơ hội (như con dao hai lưỡi).
Trong
khi đó, luật an ninh mạng và luật đặc khu kinh tế mang đậm dấu ấn Trung Quốc.
Nó mâu thuẫn với kinh tế thị trường và cam kết quốc tế khi Việt Nam gia nhập
WTO, đồng thời làm cản trở sự phát triển kinh tế của Việt nam. Dù luật an ninh
mạng có được thi hành không và luật đặc khu kinh tế có được thông không, thì Việt
Nam khó lòng thu hút được các công ty công nghệ cao của Mỹ và phương Tây vào đầu
tư. Luật pháp của họ cấm các công ty đầu tư và kinh doanh tại các nước không có
hệ sinh thái nhân quyền và tự do thông tin.
Nếu
chính quyền muốn ép Google và Facebook phải hợp tác để chặn tự do truy cập mạng
tại Việt Nam thì chắc chẳng có chuyên gia hay nhà đầu tư nước ngoài nào (của Mỹ
và phương Tây) muốn tới Việt Nam để làm việc. Trung Quốc khác Việt Nam là họ đã
xây dựng được các mạng nội địa (như “WeChat” và “Baidu”) để phục vụ người Trung
Quốc, trong khi Việt Nam vẫn chưa có bất cứ công cụ tìm kiếm nào để thay thế được
Google hay Facebook.
Việt
Nam phải làm gì?
Theo tiến
sỹ Vũ Quang Việt (chuyên gia thống kê LHQ), Việt Nam nên coi tình huống chiến
tranh thương mại Mỹ-Trung là một “tình trạng khẩn cấp” (state of emergency)
để kịp thời có các biện pháp bảo vệ sản xuất nội địa của mình. Vấn đề là cần
xác định khi nào điều này xảy ra mà thôi. Việt Nam cần sửa soạn hành động thích
hợp khi có tình trạng khẩn cấp, vì các luật thương mại cho phép các quốc gia bảo
vệ thị trường của mình khi đối tác vi phạm hiệp định (WTO). “Theo tôi, các biện
pháp đối sách cần được sửa soạn, công bố một cách rộng rãi và áp dụng trong trường
hợp khẩn cấp khi chiến tranh thương mại Mỹ-Trung được cho là chính thức xảy
ra”. (Việt Nam cần làm gì để bảo vệ sản xuất nội địa? BBC,
24/7/2018).
Theo
chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, Việt Nam cần đặc biệt đề phòng hàng hóa của
Trung Quốc tràn vào Việt Nam và hàng hóa của nước này “dán nhãn mác của Việt
Nam” để tránh thuế của Mỹ và các tác động tiêu cực khác. Ông Doanh nói chiến
tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc hiện nay đã bắt đầu và đang diễn biến rất
phức tạp, có thể tác động tiêu cực đến thương mại toàn cầu. Cuộc chiến tranh
thương mại đó chắc chắn sẽ tác động đến Việt Nam vì hiện nay các doanh nghiệp đầu
tư nước ngoài (FDI) chiếm đến 71% tổng xuất khẩu của Việt Nam. “Phía Việt Nam
phải hết sức chủ động đề phòng và đề xuất các phương án để tìm kiếm những thị
trường thích hợp, tránh “trâu bò húc nhau ruồi muỗi chết”.
Theo
Nguyễn Minh Quang (Diplomat, 24/7/2018) “Trung Quốc càng mạnh, thì nguy cơ càng
lớn hơn đối với Việt Nam” (the stronger China gets, the more serious of a
potential threat Vietnam faces). Theo tôi không phải chỉ vì Trung Quốc mạnh,
mà còn vì họ hung hăng muốn bắt nạt và thôn tính láng giềng. Tôi đồng ý với nhận
định của tác giả là do thất bại của “các chính sách kinh tế đầy rủi ro vì không
suy xét kỹ trước đây (failure of recent risky and ill-conceived economic policies) nên
bây giờ chính phủ muốn chuyển sang làm kinh tế đặc khu (shifted attention to
the emergence of economic enclave initiatives). Nhưng đây không chỉ là một
giải pháp tình huống mà còn là bản chất của các nhóm lợi ích muốn làm giàu
nhanh qua đầu cơ và trục lợi bằng mọi giá (bất chấp cả an ninh quốc gia), nên rủi
ro còn lớn hơn trước. (Vietnam - Dawn of the SEZs, Nguyen Minh
Quang, Diplomat, July 24, 2018).
Theo
VOA (10/7/2018) Trung
Quốc có thể dùng Việt Nam để “đỡ đạn” cho họ trong cuộc chiến tranh thương mại
Mỹ-Trung. Nếu mô hình “khu hợp tác kinh tế qua biên giới” theo ý tưởng của
Trung Quốc được triển khai như dự kiến, thì Việt Nam sẽ trở thành một “nơi trú ẩn”
cho hàng hóa Trung Quốc đang bị Mỹ đánh thuế cao để trừng phạt. Không biết Việt
Nam có muốn chịu đòn thay cho “người bạn 16 chữ vàng” (vì “cùng chung vận mệnh”).
“Khu hợp
tác kinh tế qua biên giới” là một ý tưởng của Trung Quốc đưa ra từ lâu nhưng vẫn
đang đàm phán với các nước liên quan, trong đó có Việt Nam. Mô hình này được mô
tả là “hai nước một khu, tự do thương mại, vận hành khép kín”. Khu hợp tác kinh
tế qua biên giới có các phân khu theo chức năng như khu chế tạo, gia công, kho
bãi, thông quan hàng hóa, còn trung tâm thương mại sẽ phối hợp quản lý, khai
thác và phân chia lợi nhuận.
Theo
báo “South China Morning Post” (7/2018) các quan chức Quảng Tây (Trung Quốc)
đang nhắm 7 khu vực mậu dịch biên giới với Việt Nam để các nhà xuất khẩu Trung
Quốc đến lắp ráp các sản phẩm điện tử tại đây và dán nhãn “made in Vietnam”.
Một trong những khu vực này là thị xã Bằng Tường, thuộc địa phận Sùng Tả của
Trung Quốc. Lu Hui (phó thị trưởng Bằng Tường) nói với báo SCMP rằng ông rất muốn
tạo ra một khu hợp tác với Việt Nam với “nguồn vật liệu, vốn và nhân công tự
do”. Các sản phẩm được sản xuất trong khu vực này có thể được lựa chọn để dán
nhãn “made in Vietnam” hay “made in China”.
Trong bối
cảnh chiến tranh thương mại đang leo thang, các chuyên gia lo ngại rằng nếu Việt
Nam trở thành “nơi trú ẩn” cho hàng hóa Trung Quốc để tránh bị Mỹ đánh thuế,
thì quan hệ Việt-Mỹ chắc sẽ bị tổn thương. Theo Muray Hiebert (CSIS) chính quyền
Trump sẽ “để mắt kỹ hơn” nhằm theo dõi nguồn hàng hóa Trung Quốc thông qua bên
thứ ba (như Việt Nam) để xuất khẩu sang Mỹ. Vì vậy, đây không phải là một “lối
thoát dễ dàng”.
Muray
Hiebert nói tuy còn quá sớm để kết luận cụ thể về tác động của cuộc chiến tranh
thương mại Mỹ-Trung đối với kinh tế Việt Nam, nhưng chuyên gia này cho rằng dù
thế nào Việt Nam cũng bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến thương mại giữa hai siêu cường,
nhưng có thể ở một mức độ không lớn lắm (so với mấy nước khác). Tuy nhiên, điều
đó còn tùy thuộc vào khả năng ứng phó từ bên trong (nội lực), chứ không chỉ do
nguy cơ từ bên ngoài.
Thay
lời kết
Việt
Nam phải làm gì với cuộc chiến tranh thương mại, từ dọa đến thật và không có điểm
dừng? Liệu Việt Nam có muốn trở thành “nơi trú ẩn” để trung chuyển hàng hóa cho
Trung Quốc nhằm kiếm lợi như “cửu vạn”? và trở thành “đặc khu kinh tế”
của Trung Quốc để “chia lửa” với bạn, vì “cùng chung vận mệnh”? Phải đặt câu
chuyện “khu hợp tác kinh tế qua biên giới” và “ba đặc khu kinh tế” trong bối cảnh
chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, cũng như bàn cờ chiến lược toàn cầu giữa các
siêu cường, thì mới hiểu rõ bản chất thật của nó.
Muốn hiểu
rõ bản chất thật và diễn biến cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung hiện nay
(còn nhiều ẩn số và biến số khó lường) phải đặt nó vào bức tranh rộng lớn hơn của
bàn cờ chiến lược toàn cầu, cũng như bối cảnh chính trị trong nước Mỹ hiện nay.
Muốn biết nó tác động thế nào đến Việt Nam (và khu vực), thì cũng phải xét những
gì đang diễn ra (như câu chuyện chống tham nhũng, đổi mới thể chế và nhất thể
hóa, luật đặc khu và luật an ninh mạng) trong bối cảnh quốc tế phức tạp hiện
nay, thì mới không bị mơ hồ và ngộ nhận.
Trong bối
cảnh đó, việc tranh cãi ồn ào giữa các cá nhân về mấy chi tiết “nhạy cảm” trong
cuốn sách “Gac Ma: Vòng tròn Bất tử” (vừa xuất bản sau mấy năm bị cấm), càng bộc
lộ sự phân hóa nội bộ (chỉ có lợi cho Trung Quốc). Trong khi dư luận đang phản
đối Luật An ninh Mạng (đã thông qua) và Luật Ba Đặc khu Kinh tế (chưa thông
qua), sự phân hóa nói trên càng làm lu mờ và trệch hướng quá trình hòa giải dân
tộc và đồng thuận quốc gia. Hơn lúc nào hết, trước nguy cơ bắc Thuộc (như một
thảm họa quốc gia), người Việt mình phải tạm dẹp lợi ích riêng vì lợi ích dân tộc,
tạm dẹp mâu thuẫn nội bộ vì đồng thuận quốc gia (là một huyệt đạo dễ bị tổn
thương). Nếu không đổi mới thể chế và đồng thuận quốc gia, thì mỗi khi “trâu bò húc nhau”
Việt Nam sẽ càng bị mắc kẹt sâu hơn trong một đường hầm không lối thoát.
--------------------
Tham
khảo
1. The
Architect of Trump’s China Trade War, Bob Davis, WSJ, April 6, 2018
2. Mattis’
Visit to China: Agree to Disagree? Shannon Tiezzi, Diplomat, June 29,
2008
3. How
the Biggest Trade War in Economic History Is Playing Out, NYT, July
6, 2018
4.
China wants to replace the US as a world superpower, CNN, July 21,
2018
5. Blunting
China’s Economic Coercion as Statecraft, Ely Ratner, statement
beforeSenate Foreign Relations Committee hearing on The China
Challenge, July 24, 2018).
6. Vietnam
- Dawn of the SEZs, Nguyen Minh Quang, Diplomat, July 24, 2018
7. Chinas
Aggression Is Starting to Backfire, Huong Thu Le, National Interest,
July 24, 2018
8. Trump’s
Trade Wars Are Bad. They Could Soon Get a Lot Worse, Keith Johnson,
Foreign Policy, July 25, 2018
9. Việt
Nam-Trung Quốc: Hai Quốc gia, Một trạm Kiểm soát Cửa khẩu, VOA,
06/02/2018
10. Nghịch
lý FDI, Vũ Thành Tự Anh, TBKTSG, 15/07/2018
11. Việt
Nam cần làm gì để bảo vệ sản xuất nội địa? BBC, 24/07/2018
12. Chiến
tranh thương mại từng dẫn đến Thế chiến, BBC, 24/07/2018
NQD.
26/07/2018
No comments:
Post a Comment