Hôm
nọ, báo Đất Việt có "Diễn đàn trí thức", và tôi cũng có vài suy nghĩ
liên quan. Tôi nghĩ nhiều khi báo chí và công chúng nói chung dùng chữ “trí
thức” để chỉ người có bằng cấp đại học hay hậu đại học. Nhưng cách hiểu đó sai.
Trước đây, khi một nhóm người lập ra trang fb và gọi là “mạng trí thức nước
ngoài” tôi có góp ý rằng họ chưa phải là “trí thức” mà là người có bằng cấp
cao, dùng chữ đó là tự đề cao mình quá đáng. (Sau này mạng đổi tên theo đề nghị
của tôi).
“Trí
thức” ở đây phải hiểu theo khái niệm “public intellectual”, tức là [nói đơn
giản và cho dễ hiểu là] người làm cho xã hội lúc nào cũng thức tỉnh. Và, người
làm cho xã hội thức tỉnh không cần phải có bằng cấp đại học. Nghệ sĩ, nhà văn,
nhà báo, nhà giáo, chuyên gia, nhà khoa học, nhà sư, linh mục, v.v. tất cả đều
có thể là trí thức. Họ quan tâm đến và phát biểu những vấn đề ngoài chuyên môn
của họ. Noam Chomsky là nhà ngôn ngữ học, Einstein là nhà vật lí học, nhưng họ
quan tâm đến các vấn đề chính trị - xã hội. Trí thức, từ bản chất, không thân
thiện với nhà cầm quyền (nhưng họ không hẳn chống nhà cầm quyền). Bản chất của
trí thức là hoài nghi lành mạnh, và họ thường bi quan. Họ nhìn đâu cũng thấy
vấn đề. Họ không hài lòng với hiện tại và lúc nào cũng lo lắng đến tương lai.
Do đó, họ muốn xã hội phải trăn trở và tỉnh thức như họ.
Trong
thực tế, hàng triệu người có bằng cấp đại học -- trong cũng như ngoài nước --
chỉ ru ngủ với nhau mà thôi. Họ liên kết với nhà cầm quyền để tìm cái danh và
cái lợi, chứ không hẳn nhằm đánh thức xã hội. Họ đòi hỏi phải có chức vụ trong
bộ máy quản lí. Mục tiêu của họ là chức quyền, chứ không hẳn vì phúc lợi xã
hội, cũng chẳng vì giáo dục hay khoa học. Họ hay nói theo và phụ hoạ quan điểm
của Nhà nước dù quan điểm đó bị đa số công chúng phản đối. Sự việc đặc khu kinh
tế cho chúng ta thấy những người này. Có khi họ im lặng trước bất công xã hội,
nhưng họ tự an ủi bằng ngữ vựng nằm lòng của họ là “chỉ quan tâm đến chuyên
môn.” Có khi họ tự ru ngủ bằng câu kinh “thể chế nào cũng được, miễn kinh tế
phát triển là ok.” Họ không phải là trí thức.
Nhưng
trí thức theo nghĩa 'public intellectual' khó tồn tại ở các nước như Việt Nam.
Xã hội Việt Nam xem trọng trạng thái 'tĩnh' và ổn định, mà trí thức thì lúc nào
cũng thách thức trạng thái tĩnh, nên họ trở thành cái gai trong giới cầm quyền.
Những trí thức đích thực như Nguyễn Quang A, Phạm Chi Lan, Nguyễn Huệ Chi, Trần
Huỳnh Duy Thức, v.v. là những trường hợp minh chứng cho sự khó tồn tại của giới
trí thức trong xã hội Việt Nam.
Hơn
thế nữa, những người cầm quyền hay nghĩ theo kiểu "dân chi phụ mẫu",
và họ xem người đại diện của nhà nước là cha mẹ và thần dân là con. Con không
có quyền chất vấn cha mẹ. (Ngoài miệng thì họ nói họ là đầy tớ của dân, nhưng
trong đầu thì họ nghĩ là cha mẹ của dân). Bởi suy nghĩ đó nên bà Chủ tịch Quốc
hội và bà Thị Ninh có lần nói ví von rằng nhà cầm quyền có thể trừng phạt dân
của họ và không muốn nước ngoài can thiệp vì việc đó cũng giống như cha mẹ
trừng phạt con cái trong nhà! Dĩ nhiên, quan điểm đó không đúng và lạc hậu,
nhưng sự thật là nó xuất phát từ những người cầm quyền nói lên rằng trí thức
đúng nghĩa khó có “đất dụng võ” ở VN.
No comments:
Post a Comment