Monday, 2 July 2018

NGƯỜI VIỆT DÃ MAN VỚI NHAU … VÀ VỚI CHÍNH MÌNH (FB Giao Thanh Pham)





Càng ngày, người Việt mình càng dã man với nhau, gần như mất hết tình người. Người ta chỉ việc đổ thừa cho người khác, cho xã hội, cho chính quyền là kể như phủi tay, vô trách nhiệm.

Không ai có can đảm đứng ra nhận đó là cái lỗi của chính từng người, để rồi sửa sai với nhau, và cứ như thế, chúng ta đã khiến cho cái xã hội này ngày một trở nên băng hoại hơn lên.

Tôi chỉ cần đề cập đến chuyện đơn giản nhất, VIỆC GIỮ GÌN MÔI TRƯỜNG SẠCH SẼ CHUNG … XẢ RÁC.

Việt Nam giờ đây không khác một bãi rác khổng lồ rộng hơn 300 ngàn km vuông. Rác ở khắp nơi, ở từng mọi khe kẹt, ở từng mọi kẽ hở trong mọi ngang ngách ngõ hẻm. Rác ở ngay bên dưới những tấm bảng CẤM ĐỔ RÁC. Rác ở trước sân nhà. Rác ở ngay công viên. Rác ở đầu xóm. Rác ở cuối xóm. Nói tóm lại ở đâu cũng có rác, và hình như chỉ trừ trong nhà là không ... trữ rác.

Người ta tìm mọi cách tống khứ rác của nhà mình sang nhà hàng xóm, và nhiều khi người của xóm này cũng tìm mọi cách tống khứ rác của xóm mình sang xóm kế bên. Thế là nhà nhà sống chung với rác, xóm xóm sống bên cạnh rác, làng mạc, thành phố, và cả nước sống trên ổ rác do chính mình thải ra. Nó dẫn đến việc ô nhiễm môi trường thật khủng khiếp.

Người ta xuống đường tranh đấu về Formosa xả thải, về những nhà máy xả độc chất hủy hoại môi trường, nhưng người ta lại quên đi rằng, cái việc mà từng người có thể làm được, để biến cái môi trường mình đang sống sạch và đẹp hơn, nằm ngay trong đôi tay của mình. Và họ chung tay đóng góp vào việc cùng hủy hoại nó, tạo thêm những mầm mống bịnh tật, những căn bịnh chết người, những loại ung thư nguy hiểm cho chính mình và con cháu mình mà không mảy may rung động hay nghĩ đến. Những gì mình có thể làm thì không làm, thử hỏi cái kết quả sau này, 5 năm, 10 năm nữa sẽ ra sao?

Có người lại còn làm những trò hề như qua Hong Kong, qua Đài Loan nhặt rác và chỉ cho thiên hạ bên đó giữ gìn vệ sinh ra sao, trong khi chân mình dính đầy cứt nữa kìa. Thế mới biết dân Việt mình … giỏi.

Đảo Nam Du, đảo Phú Quốc, vịnh Hạ Long hay các nơi thắng cảnh mới thực là kinh hoàng. Người xả thải ngày một tăng dần theo lượng du khách. Hàng quán được xây trên bãi biển, rác và nước xả của nhà hàng, của khách sạn, đi thẳng xuống bờ biển ngay phía dưới.

Các bãi biển, bờ biển, các hang động, các hòn đảo hoang sơ giờ đã biến thành những bãi rác khổng lồ và khủng khiếp. Những bãi rác không bao giờ có thể tự hủy hoại này, giết luôn cái môi trường sinh thái và động vật ở trong đó, khiến những danh lam thắng cảnh này, sẽ biến thành những sa mạc rác không lâu nữa chỉ trong vài năm sau này.

Bên cạnh rác là nước cống, nước thải, nước rửa đồ ăn, chén bát ở nhà hàng, nước xả từ việc tắm rửa giặt giũ chạy thẳng ra sông hoặc ra biển, khiến những bờ biển giờ ngụp lặn trong những thứ chất độc phế thải, dẫn đến những mùi hôi thối nồng nặc vào những buổi trưa hè. Rác rưởi của bao nylon, của hộp và ly làm bằng Styrofoam, gói đựng và ngay cả đồ ăn thức uống dư thừa tràn ngập các bãi biển. Cứ ở đâu có tí cảnh đẹp, là ở đó ngập ngụa trong những thứ rác này. Mà chúng cứ tấp hết vào bờ, không thể bị phân hủy trong vài trăm năm, thế là mọi người Việt khi có dịp đi nghỉ hè là được nghỉ hè … với rác.

Tôi đặt chân đến những hòn đảo tạm gọi là hoang sơ ở Phú Quốc, mới thấy sự khủng khiếp của cái đại nạn này. Rác bao nylon và những thứ nguyên liệu không thể tiêu hủy trôi dạt che kín hết những bãi tắm, những bãi đậu tàu, mà tôi có thể thấy từ xa, trắng xóa một vùng cách bờ đến cả cây số.

Nỗi kinh hoàng không thể tả được, vì cả ngày, đi qua nhiều hòn đảo, mà tôi chỉ thấy có 1 con hải âu duy nhất bay kiếm mồi ở một hòn đảo. Bạn có bao giờ thấy biển và đảo không có bóng dáng hải âu chưa? Đến Phú Quốc đi thì sẽ thấy.

Ở Mỹ, mỗi đứa trẻ từ khi có trí khôn đã được giáo huấn và “nhồi sọ” hàng ngày về việc xả rác đúng nơi. Người ta có thể thấy một chú bé, một cô bé, khi tìm không ra một cái thùng rác ở đâu đó, thì bỏ miếng rác đó vào túi hay giữ trong tay cho tới khi tìm được thùng rác để bỏ miếng rác ấy.

Ở Việt Nam, tôi đã chính mắt mục kích những chiếc xe chở khách, tương từng bao rác xuống đường, có khi văng tung tóe vào những người đi xe máy ở phía dưới. Tôi cũng đã từng chứng kiến việc bố mẹ làm gương cho con cái, bằng cách vất rác ra đường, vào bụi cây, bụi cỏ ngay tại chỗ, trước những cặp mắt học hỏi của con mình. Tôi cũng đã từng bị đập vào mắt, người mẹ tay dắt đứa con 4-5 tuổi, mang bao rác quăng qua trước nhà hàng xóm, vì ở đó đã có sẵn một … đống rác. Sự giáo huấn và “nhồi sọ” này cũng được bọn trẻ ghi tâm khắc cốt khi lớn lên, không thể mai một.

Ấy thế, nhưng đối với người Việt mình, thì miễn sao, trước “cái chuồng” của mình không có rác thì đã quá đủ. Rác ở trước nhà thằng hàng xóm, rác ở ngoài đường, rác ở công viên, rác ở khu du lịch, rác ở chùa chiền, hoặc rác ở khắp nơi trên cả nước, cũng là chuyện của … người khác. 

Cái bịnh cha chung không ai khóc mà.

THẾ THÌ NGƯỜI VIỆT MÌNH CHẲNG DÃ MAN VỚI NHAU và VỚI CHÍNH MÌNH thì còn gì?
.








No comments:

Post a Comment

View My Stats