Monday, 31 March 2014

MÙA XUÂN ĐÀI LOAN hay CÁCH MẠNG HƯỚNG DƯƠNG ? (Thanh Hà - RFI)




Thanh Hà  -  RFI
Thứ hai 31 Tháng Ba 2014

Dự luật về hiệp định tự do mậu dịch giữa Đài Loan với Trung Quốc là nguyên nhân dẫn tới các cuộc biểu tình tại Đài Bắc. Phong trào chống đối chính phủ do giới sinh viên khởi xướng bùng lên từ ngày 18/03/2014. Người biểu tình dùng hoa hướng dương để thể hiện tính ôn hòa nhưng vẫn bị đàn áp trước khi Tổng thống Mã Anh Cửu chấp thuận đối thoại với lãnh đạo của phong trào phản kháng.

Một sinh viên biểu tình trước phủ Tống thống chống lại dự án hiệp định tự do mậu dịch giữa Đài Loan với Trung Quốc - REUTERS/Toby Chang


Từ hơn một chục ngày qua người dân Đài Bắc trông thấy những cành bông hướng dương tràn ngập đường phố, đặc biệt là gần trụ sở Quốc hội và chính phủ. Người ta cũng trông thấy những bức chân dung Tổng thống Đài Loan, trên đầu mọc hai cái sừng sơn dương. Phong trào phản kháng Đài Loan có lúc đã huy động được cả hàng chục ngàn người tham gia. Phải chăng Đài Loan chuẩn bị đối phó với « phong trào Mùa xuân Đài Bắc » ?

Ngày 18/03/2014 khoảng một trăm sinh viên Đài Loan đã thâm nhập vào trụ sở Quốc hội ở Đài Bắc. Đây là điểm khởi đầu của phong trào lấy tên là « 318 ».Theo các nhà quan sát, « 318 » không phải là một phong trào tự phát. Nhiều guơng mặt nổi bật trong số các nhà hoạt động chính trị Đài Loan hưởng ứng kêu gọi xuống đường của giới sinh viên.

Những thành phần bị nhà nước tịch thu đất đai để phục vụ cho các dự án công nghiệp, để xây dựng trung tâm điện lực hạt nhân đồng tình với thanh niên Đài Bắc. Hai phần ba dân chúng không tán đồng việc chính quyền của Tổng thống Mã Anh Cửu chuẩn bị thông qua hiệp định tự do mậu dịch với Trung Quốc.

Phong trào phản kháng lan rộng. Hôm qua, đã có tới 100.000 người chiếm đóng đường phố Đài Bắc đòi hủy hiệp định tự do mậu dịch với Bắc Kinh. Người biểu tình theo đuổi nhiều mục đích khác nhau nhưng nguyên nhân ban đầu là sự bất bình trước đe dọa Đài Loan ký hiệp định tự do mậu dịch với Trung Quốc. Dư luận xứ này lại càng công phẫn khi Quốc hội hủy các cuộc thảo luận về các điều khoản trong văn bản nói trên.

Đành rằng tổng trao đổi mậu dịch giữa hai bờ eo biển Đài Loan ngày càng gia tăng, quan hệ giữa Đài Bắc với Bắc Kinh ngày càng được sưởi ấm. Các chuyến bay trực tiếp nối liền Đài Loan và Đại Lục tạo thuận lợi cho các doanh nhân Đài Loan làm ăn với Trung Quốc. Nhưng mặt khác, người dân xứ Đài vẫn còn thận trọng trước những tham vọng của Bắc Kinh muốn đưa Đài Loan trở về với đất mẹ. Người dân Đài Loan sợ rằng tương lai của đảo quốc này rồi đây sẽ được Bắc Kinh định đoạt một khi mà vốn đầu tư của Trung Quốc đã ồ ạt đổ vào các doanh nghiệp Đài Loan.

Về câu hỏi tại sao phong trào phản kháng của Đài Loan lại được gọi là cuộc cách mạng hoa hướng dương. Câu trả lời rất đơn giản : ngày 18/03/2014 khi bắt đầu chiếm đóng đường phố ở Đài Bắc, người biểu tình đã được một vài người bán hoa trao cho những cành hướng dương đang rộ mùa vào thời điểm này. Để thể hiện tinh thần ôn hòa, theo châm ngôn « một nhành hoa thay cho nòng súng », người biểu tình Đài Bắc đã tuần hành hoặc chiếm đóng trụ sở Quốc hội nhưng với một cành hoa trong tay.

Một thắc mắc khác nữa là tại sao người biểu tình lại dương những tấm áp phích với hình Tổng thống Mã Anh Cửu, trên đầu mọc hai cái sừng hoặc tóc dài che kín cả hai tai ? Một người biểu tình giải thích : tóc dài che kín tai là ngụ ý nói lãnh đạo Đài Loan bị nghễnh ngãng, không nghe thấy ý nguyện của dân. Còn vụ trên đầu ông Mã mọc sừng, vì ông nhầm lẫn giữa hiệp định tự do mậu dịch đã ký kết hồi năm ngoái với New Zeland và hiệp định mà chính quyền Đài Bắc muốn nhanh chóng thông qua với đối tác Trung Quốc.

Đài Loan là một trong những quốc gia châu Á nơi có mạng lưới xã hội năng động nhất. 65 % người dân xứ này có tài khoản Facebook và giờ đây chính quyền lo ngại mạng xã hội này đang trở thành một công cụ tạo nên phong trào « Mùa Xuân Đài Bắc » khi giới trẻ huy động quần chúng xuống đường ! Từ Bắc Kinh, các nhà lãnh đạo Trung Quốc từ hơn hai tuần qua luôn ghé mắt để ý đến những gì đang diễn ra ở Đài Loan và nhất là Bắc Kinh cũng muốn biết rằng các nhà cầm quyền ở Đài Bắc giải quyết khủng hoảng ra sao.



NHÌN CRIMEA, CHÂU Á PHẢI LO MỐI NGUY TRUNG QUỐC (Jonathan Eyal, The Straits Times)




Việt-Long
Theo Jonathan Eyal, Singapore's The Straits Times
2014-03-31

Các nhà ngoại giao Trung Quốc có đủ mọi lý do để hài lòng về phương cách họ ứng xử với cuộc khủng hoảng Ukraine.

Một mặt, Trung Quốc bày tỏ sự ủng hộ đối với sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, như ngụ ý thống trách Liên Bang Nga trong việc chiếm giữ Crimea. Nhưng cùng lúc, Bắc Kinh lại vắng mặt trong các cuộc biểu quyết chống Nga tại Liên Hiệp Quốc, để ai cũng biết là Trung Quốc không ủng hộ những việc trừng phạt, cấm vận Nga về kinh tế.

Chính sách nước đôi này, để cả hai phía phương Tây và Nga không ai bắt bẻ được, dựa trên nhận thức ước đoàn là Trung Quốc sẽ thủ lợi, cho dù cuộc khủng hoảng được giải quyết cách nào chăng nữa.

Nhận thức ấy sai từ căn bản. Màn kịch Ukraine là sự bất hạnh cho toàn thể châu Á. Trung Quốc có thể sớm nhìn ra rằng thay vì đem lại lợi ích gián tiếp, cuộc khủng hoảng ở xứ Ukraine xa xôi sẽ khiến Bắc Kinh phải đương đầu với những thách đố mới về an ninh, với chi phí tốn kém.

Thật dễ thấy vì sao Trung Quốc có thể thủ lợi qua những sự kiện diễn tiến ở Ukraine, ít nhất là trong ngắn hạn. Nước Nga bị cô lập và bị phương Tây trừng phạt, sẽ rất sẵn lòng bán cho Trung Quốc dầu khí và vũ khí với những điều kiện ưu đãi. Đó là điều đã được cố vấn thân cận của Tổng thống Putin, ông trùm dầu khí Nga Igor Sechin, nguyên phó Thủ tướng, chủ tịch công ty quốc doanh dầu khí Rosneft, nhìn nhận với giới truyền thông hồi tuần trước.

Trung Quốc sẽ sao chép kiểu mẫu Nga?

Nước Mỹ phải chú tâm đối phó với một cuộc khủng hoảng ở châu Âu sẽ không thể có đủ thời gian chăm lo chính sách chuyển trục chiến lược sang châu Á. Trong khi đó thì, tuy không ai nói đến việc Bắc Kinh sẽ theo gương nước Nga trong hành động lấn chiếm lãnh thổ, hành động của Moscow không gặp phản ứng mạnh mẽ của Hoa Kỳ hẳn phải kích thích các nhà chiến lược Trung Quốc rộn lên mối hy vọng xứ sở của họ một ngày nào đó sẽ giải quyết vấn đề tranh chấp lãnh thổ theo cùng đường lối với Liên Bang Nga.

Nếu Nga có thể chiếm giữ lãnh thổ Crimea rộng lớn với 2 triệu dân chỉ trong mấy ngày không cần một phát súng chiến tranh nào, thì tại sao Trung Quốc không thể làm như vậy với mấy dải đất đá không người cư ngụ?

Hệ thống đường ống dẫn dầu khí ở biên giới Nga-Kazakhstan do Trung Quốc đầu tư - Courtesy of EPA

Tất cả nghe đều rất thật, nhưng chỉ là một phần câu chuyện. Càng nhìn sâu vào cuộc phân rẽ của Ukraine, người ta càng lo sợ rằng mọi quốc gia châu Á, kể cả Trung Quốc, sẽ chịu ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng ở châu Âu.

Việc dùng võ lực để thay đổi biên giới ở châu Âu có thể không làm Trung Quốc cảnh giác đúng lúc, nhưng những biện pháp được Nga sử dụng để chiếm lấy Crimea cùng với những điều biện minh của họ cho hành động này phải gợi nên mối quan ngại sâu xa cho mọi nước, ngay cả tại Bắc Kinh.

Người Nga tự cho quyền sử dụng võ lực với bất kỳ lân bang nào có người thuộc sắc tộc Nga cư ngụ mà có thể chịu nguy hiểm, và phân phát hộ chiếu Nga cho tất cả cộng đồng ấy để củng cố quyền tự nhận như vậy. Moscow cũng tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý chớp nhoáng để biện minh cho sự sáp nhập một tỉnh thành của Ukraine vào nước Nga, nâng cao điều mà họ thích gọi là "tự quyết" thành một nguyên tắc biện minh cho sự đổi thay lãnh thổ.

Cả hai ý tưởng ấy, tự quyền dùng võ lực và tự quyết để tách ra, đều độc hại cho nền an ninh châu Á. Khuôn mẫu "bảo vệ cho đồng chủng" của Nga có thể hấp dẫn một số người Hoa có tinh thần "quốc gia" sẳn sàng biện luận rằng Bắc Kinh đã không hành động đủ để bảo vệ người Hoa ở các nước khác. Tuy nhiên khi Bắc Kinh càng bị lôi cuốn để sao chép khuôn mẫu Nga, càng thêm nhiều người sắc tộc Trung Hoa ở khắp châu Á bị các nước nơi họ cư trú đối xử với nhiều nghi ngại; mối quan hệ nhân quả giữa các cộng đồng sắc tộc thiểu số  với xứ sở gọi là "tổ quốc" của họ đã phải mang trách nhiệm cho hai cuộc chiến tranh thế giới phát khởi từ châu Âu.

Thêm vào đó, tổ chức trưng cầu dân ý để quyết định biên giới là loại nguyên tắc mà Trung Quốc không muốn có. Có thể thấy trước kết quả chắc chắn nếu trưng cầu dân ý được tổ chức ở Tân Cương hay Tây Tạng. Và trong khi Bắc Kinh có đủ điều kiện cần thiết để bảo đảm những cuộc bỏ phiếu như vậy không bao giờ xảy ra, liệu họ có thể làm gì nếu kiểu cách "trưng cầu" như thế được Đài Loan và Hồng Kông  chọn lựa?

Thách đố chiến lược cho Bắc Kinh

Không phải những lợi ích chiến lược mà Trung Quốc cho là có thể chiếm được từ vụ khủng hoảng Ukraine đều là thật.

Thừ nhìn qua viễn ảnh Nga chuyển nhượng dầu khí nhiều hơn sang phía Trung Quốc làm ví dụ. Quả là khi châu Âu tìm cách chuyển hướng nguồn cung cấp ra khỏi nước Nga thù nghịch, thì người Nga sẽ buộc phải bán các sản phẩm năng lượng cho Trung Quốc, là thị trường lớn thứ nhì sau châu Âu. Và kế đó, cũng đúng là người Trung Quốc sẽ là phía định giá trong một thị trường của người mua. Đó là hai điều lợi lập tức cho xứ khát dầu này.

Song song với những điều lợi đó, chuyển mối cung cấp khỏi châu Âu sang châu Á là cả một trách vụ khổng lồ. Nga-Trung Quốc sẽ phải kiến tạo mạng lưới đường ống y như họ đã có với châu Âu. Phí tổn sẽ không dưới 50 tỉ đô la, thời gian hoàn tất đòi hỏi nhiều năm, nếu không phải là hằng chục năm.  

Tỉ lệ sắc dân Slavic tại miền Bắc Kazakhstan- Màu đỏ đậm là trên 50%, giảm dần đến màu trắng là 0% - Courtesy of Wikipedia

Cùng lúc, Trung Quốc có thể bị thôi thúc phải bảo vệ nguồn tài nguyên năng lượng họ đã bảo đảm cho mình ở Trung Á. Đến nay Bắc Kinh đang thắng thế trong cuộc chiến giành ảnh hưởng ở Trung Á với Nga, người chủ thực dân cũ của khu vực, bằng một đường lối kiên nhẫn, ôn hòa, với những cơ hội thương mại cho Trung Á mà nước Nga không thể nào sánh kịp.

Thế nhưng chiến thắng ở Ukraine có thể khuyến khích người Nga tiến tới xác định thêm nữa ảnh hưởng ở Trung Á, nơi có những người thuộc sắc tộc Nga sống quây quần trong những cộng đồng lớn rải rác ở nhiều nơi.

Lãnh thổ phía bắc Kazakhstan, xứ sở lớn nhất và giàu nhất Trung Á, là vùng hoàn toàn do người sắc tộc Nga chi phối, rất dễ bị sáp nhập vào Liên Bang Nga theo đúng cách thức như với Crimea. Người Nga có thể sử dụng những căn cứ quân sự họ đã có trên khắp khu vực này vào mục đích đó, hệt như sử dụng căn cứ hải quân ở Crimea. Nói vắn tắt, cuộc khủng hoảng Ukraine khiến biên giới giữa Trung Quốc với Trung Á bị mất an ninh hơn thay vì an ninh được bảo đảm hơn.

Tác động vào chính sách chuyển trục?

Thực ra sai lầm quan trọng nhất mà Trung Quốc hay bất cứ quốc gia nào khác ở châu Á có thể phạm phải là dự toán rằng cuộc khủng hoảng Ukraine khiến Hoa Kỳ phải giảm đi sự hiện diện ở châu Á, hay khiến tiếng tăm trên toàn cầu của người Mỹ bị suy kém.

Dù không để xảy ra chiến tranh với Nga như mọi người không ai trông đợi, Hoa Kỳ vãn có thể kiềm chế sức mạnh của Liên Bang Nga ở châu Âu mà không cần tuôn vào đó những tài nguyên quân sự mới. Người Mỹ chỉ cần khuyến khích đồng minh châu Âu trong khối NATO thay đổi một vài sách lược. Chuyển những căn cứ và binh đội của NATO đang ở Tây Âu sang lãnh thổ Trung Âu và Đông Âu sẽ là một kế hoạch nhanh chóng và không mấy tốn kém, mà vẫn đủ để ghìm chân lực lượng quân sự Nga trong nhiều năm sắp tới.

Rốt cuộc vụ Ukraine-Crimea chẳng tác động gì đến chiến lược tái cân bằng lực lượng Hoa Kỳ sang châu Á; người Mỹ vẫn có thể tiếp tục thực hiện nó. Trên thực tế, chiến lược này còn có thể được củng cố vững mạnh hơn. Thế đối đầu với Nga hiện nay có thể khiến Quốc hội Hoa Kỳ bác bỏ những khoản cắt giảm ngân sách quốc phòng mà Tổng thống Obama đã phác họa.

Châu Á nhích lại gần Mỹ hơn

Một số nhà phân tích Trung Quốc kín đáo cho rằng quyết định của Hoa Kỳ không phản ứng quân sự với cuộc can thiệp quân sự của Nga vào Ukraine đã làm giảm uy tín của Washington trong lời cam kết bảo đảm an ninh cho các nước khác.

Thực ra Ukraine không phải thành viên của NATO hay EU. Sự cam kết của Hoa Kỳ bảo đảm an ninh cho xứ ấy có tính cách yểm trợ về tinh thần nhiều hơn tính pháp lý.

Siêu cường Hoa Kỳ với sức mạnh hiện nay đã không cam kết đầy đủ cho nền an ninh của Ukraine bằng cách sử dụng sức mạnh quân sự vô song để bảo vệ lãnh thổ toàn vẹn cho xứ ấy. Tuy nhiên, bài học mà các nước châu Á có thể rút ra từ sự kiện này là không phải sự bảo đảm an ninh của Mỹ nay trở thành vô giá trị.  Để đạt mục đích chắc chắn sự bảo đảm đó có hiệu lực, các quốc gia châu Á đối tác của người Mỹ phải làm sao củng cố mạnh mẽ lời cam kết của Washington đối với nền an  ninh của họ. Đó chính là điều mà Nhật Bản và Nam Hàn, trong số các nước châu Á, đang làm.

Người ta chỉ nên coi sự kiện Ukraine như một điều không may, và phản ứng có thể là siết chặt mối quan hệ đồng minh với Hoa Kỳ song song với sự tìm tòi cho ra những kế hoạch an ninh chung cho toàn khu vực. Đó là kiến trúc an ninh duy nhất có thể ngăn ngừa Trung Quốc lặp lại kịch bản Ukraine ở châu Á.

Điều này đã trở nên sáng sủa rõ ràng thêm nhiều, khi Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc tuần trước đã chấp thuận nghị quyết ủng hộ sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine. Chỉ một nước duy nhất bỏ phiếu ủng hộ Nga: Bắc Hàn. Bạn bè đồng minh như Bắc Hàn quá đủ để Liên Bang Nga chẳng cần có một kẻ thù nào khác!



NATO : THAM VỌNG THÌ NHIỀU, SỨC CHẲNG BAO NHIÊU (Đức Tâm - RFI)




Đức Tâm  -  RFI
Thứ hai 31 Tháng Ba 2014

Cuộc khủng hoảng Ukraina với việc Matxcơva dùng sức ép quân sự, cho tổ chức trưng cầu dân ý để sáp nhập bán đảo Crimée vào Nga, đã làm cho Châu Âu lo ngại về an ninh. Ngày 26/03, tại Bruxelles, Tổng thống Mỹ Barack Obama và các lãnh đạo Châu Âu, đã tuyên bố tăng cường hợp tác bên trong Liên Minh Bắc Đại Tây Dương – NATO – và không để cho Nga chà đạp luật pháp quốc tế. Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, thực tế quân sự tại Châu Âu trái ngược với các cam kết này.

Từ hơn một thập niên qua, Hoa Kỳ, thành viên hùng mạnh nhất trong NATO, đã giảm đáng kể sự hiện diện quân sự của mình tại Châu Âu. Trong khi đó, do khó khăn kinh tế triền miên, các thành viên Châu Âu lại không gia tăng chi phí quân sự.

Trong thời kỳ chiến tranh lạnh, vào thời điểm căng thẳng nhất, Hoa Kỳ có tới 400 ngàn binh sĩ hiện diện tại Châu Âu. Đó là những đơn vị được huấn luyện để có thể triển khai nhanh chóng bảo vệ Tây Âu, đối phó với những đe dọa của Liên Xô và liên minh quân sự, khối Vacxava. Giờ đây, tại Châu Âu, Hoa Kỳ chỉ bố trí 67 ngàn binh sĩ, 130 tiêm kích, 12 máy bay tiếp nhiên liệu và 30 máy bay vận tải. Khi kết thúc chiến tranh lạnh, vào cuối năm 1990, không quân Mỹ có tới 800 máy bay.

Hải quân Hoa Kỳ hiện chỉ có 7000 binh sĩ. Trong chiến tranh lạnh, con số này là 40 ngàn, đóng tại 9 căn cứ hải quân của Mỹ. Vùng Địa Trung Hải giờ đây vắng bóng hàng không mẫu hạm Mỹ, cho dù hải quân Hoa Kỳ vẫn có một khu trục hạm thả neo tại căn cứ Cadix, Tây Ban Nha.

Theo ông Anthony Cordesman, chuyên gia tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế, được The New York Times trích dẫn, thì « sự hiện diện quân sự của Mỹ tại Châu Âu bị giới hạn » và do vậy, không thích ứng để đối phó với một hành động quân sự của Nga.

Theo các tuyên bố của Bộ Chỉ huy lực lượng Mỹ tại Châu Âu, thì từ năm 1989 đến nay, sự hiện diện quân sự trên châu lục này đã giảm tới 85%.

Trong những năm qua, Hoa Kỳ đã liên tục trách cứ các đồng minh Châu Âu không đầu tư đủ cho quân đội của mình và muốn giao khoán vấn đề an ninh cho Mỹ. Trong cuộc họp báo cùng với các lãnh đạo Châu Âu, tại Bruxelles ngày 26/03, Tổng thống Obama nhắc lại vấn đề này và bày tỏ « các lo ngại trước việc một số đối tác trong NATO giảm tín dụng dành cho quân sự ».

Nhằm buộc các đối tác tăng cường chi phí quốc phòng, ông Obama tiếp tục tiến trình giảm cam kết quân sự tại Châu Âu, được khởi đầu từ dưới thời Tổng thống George Bush. Nguyên thủ Mỹ giờ đây tăng tốc. Nêu lý do cắt giảm ngân sách quốc phòng, ông Obama thông báo ý định giảm quân số Mỹ xuống mức thấp nhất kể từ năm 1940.

Các nước Châu Âu, trong bối cảnh « giật gấu vá vai » về tài chính, đã nói rõ là không muốn can thiệp quân sự vào Ukraina. Do vậy, NATO chỉ đưa ra một loạt các biện pháp khiêm tốn, nhằm trấn an các thành viên Đông Âu, ví dụ như điều động hai máy bay của khối này đến giám sát không phận Ba Lan và Rumani.

Theo giới chuyên gia, nếu NATO muốn tỏ ra có sức răn đe mạnh mẽ, cần phải xem xét lại chính sách giảm cam kết quân sự của Mỹ đối với Châu Âu. Đồng thời, các đồng minh Châu Âu cũng phải tính đến việc tăng ngân sách quốc phòng và thảo luận việc sử dụng các nguồn tài chính này.

NATO mong muốn các thành viên dành tối thiểu 2% tổng sản phẩm quốc nội cho quân sự và phối hợp với nhau tốt hơn để tránh lãng phí, trùng lắp. Thế nhưng, trong năm 2013, chỉ có vài nước đồng minh thực hiện được mục tiêu nói trên. Hoa Kỳ vẫn dẫn đầu với tỷ lệ 4,1% trong lúc các nước Châu Âu chỉ đạt mức trung bình là 1,6%.

Theo ông Richard Dannatt, cựu Tổng tham mưu trưởng quân đội Anh, « với việc Nga thức tỉnh, phương Tây và Hoa Kỳ đã chọn không đúng thời điểm, thể hiện sự thiếu quyết tâm và cứng rắn ».

Với việc Nga thôn tính Crimée, do không có lối tiếp cận Ukraina, ngoại trừ qua eo biển Bosphore, nối liên Thổ Nhĩ Kỳ và biển Đen, tàu chiến của Mỹ và NATO là những mục tiêu dễ dàng và cần phải vô hiệu hóa hệ thống phòng không của Nga với tiêm kích tàng hình B2, được sử dụng trong thời gian đầu trong cuộc chiến ở Irak.

Các cuộc không chiến với Nga cũng gây nhiều hậu quả cho Hoa Kỳ và xung đột có nguy cơ lan rộng. Ngày 25/03, một quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ nói với The New York Times : Nếu như quân đội Mỹ vẫn luôn luôn mạnh hơn quân đội Nga, điều này không có nghĩa là Washington tìm cách gây hấn.
Ngày 24/03 vừa qua, khi trả lời phỏng vấn một nhật báo Hà Lan, Tổng thống Mỹ ca ngợi NATO là « liên minh mạnh nhất, hiệu quả nhất trong lịch sử nhân loại » và « NATO là cơ sở bảo đảm cho an ninh chung ». Tuy nhiên, trong bối cảnh Mỹ giảm mạnh ngân sách quốc phòng, kinh tế Châu Âu liên tục trì trệ, các phát biểu trên đây của Tổng thống Obama khó trấn an được Châu Âu vì NATO không còn có đủ phương tiện để đảm trách vai trò của mình.




ĐỐI PHÓ VỚI LIÊN BANG NGA (Nguyễn Xuân Nghĩa)




29/03/2014

Sau vụ Ukraine, Hoa Kỳ có thể làm gì?

Sau khi đã thôn tính bán đảo Crimea, Tổng thống Vladimir Putin còn ỡm ờ dàn trận, trong nghĩa bóng lẫn nghĩa đen, để gây áp lực với Ukraine và mở rộng ảnh hưởng tại vùng biên vực giữa Liên bang Nga và Âu Châu. Với khả năng quân sự hiện nay, Liên bang Nga của Putin có thể dễ dàng xắn vào khu vực Đông Nam của lãnh thổ Ukraine, nhưng sẽ bị tiêu hao lực lượng khi chiếm đóng. Vì vậy, giả thuyết quân sự ấy có xác suất không cao. Nhưng Putin vẫn có thể nghĩ đến nhiều cách khuynh đảo khác, vào nội tình Ukraine lẫn các quốc gia lân cận...

Gặp hoàn cảnh đó, là quốc gia lãnh đạo khối Tây phương, Hoa Kỳ có thể làm gì?

Dư luận Hoa Kỳ hiện còn tranh luận về sự ứng phó của Chính quyền Barack Obama sau năm năm quá tin vào Putin để cùng giải quyết nhiều vấn đề của thế giới (chuyện "reset" dớ dẩn và lới hứa "linh động" dại dột). Nếu nhìn xa hơn viễn cảnh của Obama, dù sao cũng sẽ về hưu sau năm 2016, người ta có thể nghĩ đến một hướng đối phó khác.

Trước hết, chuyện Crimea là "sự đã rồi". Số phận của Ukraine và 10 quốc gia vùng biên vực mà Putin muốn khuynh đảo để làm vùng trái độn cho Liên bang Nga mới là đáng kể. Đó là, từ Bắc xuống Nam, ba nước Cộng hòa Baltic (Estonia, Latvia, Lithuania), sáu nước Đông Âu là Ba Lan, Cộng hoà Tiệp, Slovakia, Hung, Romania và Bulgaria, qua đến Georgia nằm giữa Hắc hải và Biển Caspian.

Với Crimea, lý luận đúng sai về pháp lý chỉ có tính cách ngoại giao và chính trị, tức là cần thiết mà không làm thay đổi được cục diện ít ra trong nhiều thập niên. Với các nước còn lại, ở khu vực chiến lược của Âu Châu, thì Hoa Kỳ và các nước Âu Châu phải suy nghĩ lại về đối sách. Suy nghĩ để chủ động đối phó, và tuyệt nhiên từ bỏ thái độ hiện nay là "chỉ phản ứng theo mỗi bước đi của Putin".

Việc chủ động đối phó phải khởi sự từ nỗ lực rà soát lại chiến lược phát triển - cả an ninh lẫn kinh tế - của Liên hiệp Âu châu, với sự hợp tác cũng an ninh và kinh tế của Hoa Kỳ.

Vì Liên Âu chủ hòa và chỉ mong phát triển kinh tế, kể cả qua hợp tác với Liên bang Nga, Hoa Kỳ luôn luôn bị động khi có chuyện xảy ra tại Âu Châu. Nhưng khi phải quyết định thì lại gặp sự bất nhất của các nước Âu Châu với nhau. Hoàn cảnh đó tạo cơ hội cho Putin gây ly gián trong quan hệ Âu-Mỹ.

Từ việc rà soát chiến lược và quan hệ Âu-Mỹ-Nga, Hoa Kỳ cần nhìn lại và khẳng định vai trò của Minh ước NATO.

Kết quả sẽ phải dẫn tới việc cụ thể là thực hiện hệ thống phòng thủ chiến lược BMD (phi đạn chống hỏa tiễn đạn đạo) tại Đông Âu và Trung Âu. Nghĩa là xúc tiến dự án đã được Hoa Kỳ thời George W. Bush đề nghị cho Ba Lan và Tiệp mà lại bị Obama hủy bỏ. Cũng trong hệ thống bảo vệ của NATO, Hoa Kỳ sẽ tăng cường sự hiện diện, dù chỉ tượng trưng, tại khu vực Baltic. Điều này đã có thể bắt đầu.

Song song là nỗ lực vận động bốn nước trong "Nhóm Visegrad" là Ba Lan, Hung, Tiệp và Slovakia có lập trường thống nhất hơn trước mối nguy của Liên bang Nga. Nhóm này được lập ra từ năm 1991 cho nhu cầu phối hợp giữa các nước từng là nạn nhân của Đế quốc Nga và Liên bang Xô viết, để ứng phó với Liên bang Nga. Nhưng sau đó, nội tình lại thiếu thống nhất cũng vì quan hệ kinh tế với nước Nga, thí dụ như quan điểm ôn hòa của Tiệp và Hung trong vụ Ukraine - chỉ vì lý do kinh tế. Xứ nào cũng muốn bênh Ukraine mà lại sợ bị thiệt về kinh tế.

Tiếp theo, Hoa Kỳ phải là quốc gia thực sự lãnh đạo khi vận động toàn khối Âu Châu cùng thống nhất đối sách và nếu được NATO bảo vệ thì các nước Âu Châu cũng phải góp phần tối thiểu để giữ vững tấm khiên này.

Riêng với Liên bang Nga, Hoa Kỳ cần có lập trường cương quyết hơn, với lời hăm dọa là sẽ hủy bỏ hai hiệp ước New START và INF (võ khí hạch tâm tầm trung, Intermediate-Range Nuclear Force). Trong một kỳ khác, chúng ta sẽ trở lại hồ sơ này, được thành hình từ thời Barack Obama và có lợi cho Nga hơn cho Mỹ. Nếu đặt lại vấn đề về START và INF, Hoa Kỳ chẳng tốn kém gì hơn nhưng thực tế mở ra cuộc thi đua võ trang sẽ làm Liên bang Nga hụt hơi.

Ra khỏi lãnh vực an ninh chiến lược, một lãnh vực an ninh khác cũng phải được Liên Âu thực hiện, với sự hỗ trợ, thực tế là lãnh đạo của Hoa Kỳ. Đó là an ninh kinh tế. Chính vì quá lệ thuộc về kinh tế với Liên bang Nga (năng lượng và đầu tư), Liên Âu đã trao cho Putin sợi dây xiết cổ.

Hoa Kỳ có thể tháo gỡ sợi dây đó bằng cách giúp Liên Âu tìm ra nguồn năng lượng thay thế, kể cả khí đốt của Hoa Kỳ, từ nay phải được phép xuất cảng. Đồng thời, Hoa Kỳ phải khuyến khích Âu Châu vượt nỗi lo về môi sinh mà phát triển kỹ thuật khai thác dầu và khí từ đá phiến (fracking). Muốn như vậy, lãnh đạo nước Mỹ cũng phải thay đổi chiến lược năng lượng của mình, từ khai thác, bảo vệ môi sinh, sản xuất đến xuất cảng, và tận dụng sức mạnh của dầu, khí và cả than đá.

Một quốc gia triệt để hỗ trợ Ukraine và sát cánh với Âu Châu và Hoa Kỳ là Canada. Xứ này sẽ sốt sắng hơn khi nước Mỹ tăng cường hợp tác và phát triển kỹ thuật fracking. Trong kho võ khí năng lượng để phá vòng kiềm toả của Nga, nước Mỹ không thể quên năng lượng Canada, cho tới nay vẫn bị kẹt ở ngoài biên giới Hoa Kỳ với dự án Keystone XL chưa được thông qua vì áp lực của các nhóm bảo vệ môi sinh trong hệ thống chính trị Obama.

Ngoài năng lượng và trong kinh tế, Hoa Kỳ còn có một định chế quốc tế thuộc vòng ảnh hưởng của mình vì nước Mỹ góp tiền nhiều nhất, chính là Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF.

Định chế này có quy cách viện trợ theo bài bản cổ điển, với điều kiện máy móc và lý tưởng khiến quốc gia cầu viện dễ bị khủng hoảng chính trị nếu phải áp dụng. Thí dụ như phải chấm dứt chế độ trợ giá xăng dầu để giảm bội cho và chóng quân bình ngân sách. Hoa Kỳ có thể can thiệp để tránh tình trạng "giải phẫu không thuốc mê" như vậy.

Putin muốn gây áp lực mọi mặt để chính quyền lâm thời của Ukraine tại Kyiv có thể sụp đổ vì những lý do kinh tế, xã hội và chính trị. Nhưng thật ra, liều thuốc đắng của IMF có thể khiến con bệnh Ukraine bị đột quỵ trước khi Putin ra tay. Cho nên, việc IMF đồng ý viện trợ cấp cứu 18 tỷ đô la cho Ukraine cần được tiến hành theo tinh thần khác: không hành hạ xứ này vì những di hại của chế độ Viktor Yanukovych mà theo đà phục hồi sẽ từng bước cải thiện cơ chế kinh tế Ukraine cho tự do và lành mạnh hơn.

Sau cùng, quan trọng và cấp bách nhất, Hoa Kỳ phải cương quyết bày tỏ tinh thần liên đới và sát cánh với dân chúng Ukraine. Đây là lúc nước Mỹ cần chứng tỏ rằng mình là một đồng minh khả tín, một quốc gia có khả năng lãnh đạo và đáng tin. Thông điệp này có giá trị cho cả Âu Châu và toàn thế giới.

Tuần qua, việc hai đảng Dân Chủ và Cộng Hoà đánh nhau về ngân sách liên quan tới chính sách của Hoa Kỳ với IMF là một thông điệp bi hài. Nhìn rộng ra ngoài thì sự suy nhược về đối ngoại của nước Mỹ trong năm năm qua là một cám dỗ lớn cho Putin. Cho nên, việc điều chỉnh lại để cả khối Tây phương có một chiến lược đối phó tích cực và toàn diện hơn trong những năm tới sẽ phải bắt đầu từ nước Mỹ.

Danh mục những điều cần làm ngay được tóm lược ở trên có thể là một lộ trình chuyển hướng...




View My Stats