Posted
by Đông A at 4/26/2013 09:50:00 PM
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình từng tuyên
bố vào tháng 10 năm 2011: “Mục tiêu
thời gian tới là đưa chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới về mức 400
nghìn đồng/lượng. Nếu giá vàng có sự vượt quá mốc điểm này tức là bị đầu cơ”.
Đây là tiêu chí rất rõ ràng để
nhận diện hiện tượng đầu cơ vàng. Hiện nay mức chênh lệch giá vàng giữa trong
nước và thế giới đã gấp cỡ 10 lần con số 400 nghìn đồng/lượng. Như vậy theo
đúng tiêu chí mà NHNN từng tuyên bố qua phát biểu của ông Thống đốc, vàng ở
Việt Nam hiện nay đang bị đầu cơ. Vấn đề bây giờ là ai đang đầu cơ vàng, hay
nói cách khác là tiền chênh lệch giữa hai mức giá đấy đang chảy vào túi ai?
Muốn xác định ai đang đầu cơ
vàng thì chúng ta tìm chỉ dấu để xác định. Hiện nay chỉ có duy nhất NHNN đang
bán vàng ra để bình ổn thị trường. Phần lợi nhuận chênh lệch giá này tất nhiên
chảy vào túi NHNN. Như vậy có thể thấy chỉ dấu này cho thấy chính Chính phủ
Việt Nam đang đầu cơ vàng. Chỉ dấu thứ hai là Thống đốc NHNN không bị cách
chức. Nếu NHNN làm ra chính sách để tạo điều kiện hình thành đầu cơ vàng cho
một nhóm đặc lợi cá nhân nào đó thì cái ghế Thống đốc không thể yên ổn.
Ngày
22/12/2012 Tổng bí Đảng Nguyễn Phú Trọng thăm và làm việc với NHNN đồng
thời đánh giá cao hoạt động của NHNN.
Tháng 9 năm 2012 Chủ
tịch nước Trương Tấn Sang chỉ đạo hội nghị kiểm điểm của ban cán sự Đảng của
NHNN và cũng đánh giá cao những nỗ lực hoạt động của NHNN.
Những hoạt động này là chỉ dấu
cho thấy chính sách của NHNN được Đảng cầm quyền và Nhà nước đánh giá cao. Như
vậy có thể suy ra Đảng cầm quyền và Nhà nước đang ủng hộ chính sách tạo ra đầu
cơ vàng.
Vậy còn ai đang đầu cơ vàng ở đây ngoài
chính Đảng, Nhà nước và Chính phủ Việt Nam? Tại sao họ phải làm như vậy? Rất có
thể đầu cơ vàng chính là chính sách tận thu tiền từ nhân dân trong bối cảnh nền
kinh tế đang be bét và xuống dốc, và ngân sách nhà nước đang bị thâm thủng
nghiêm trọng.
------------------------------------------------
10:23
(GMT+7) - Thứ Sáu, 26/4/2013
Vào thời điểm mà thị trường
vàng trở nên sôi động nhất từ trước đến nay với ồ ạt các phiên đấu thầu, Thanh
tra Chính phủ đã công bố quyết định thanh tra trách nhiệm việc thực hiện chức
năng, nhiệm vụ của Ngân hàng Nhà nước đối với hoạt động này.
Như để hưởng ứng cho quyết định
thanh tra này, ngày 23/4, có hẳn một cuộc hội thảo mang cái tên khá “giật gân”
là “Thị trường vàng Việt Nam và những ẩn số” do Trung tâm Nghiên cứu, kinh
doanh và hỗ trợ doanh nghiệp tổ chức tại Tp.HCM. Tuy nhiên, chưa có ẩn số nào
được nhìn ra tại cuộc hội thảo này. Và dư luận sẽ càng phải “nín thở” hơn trong
chờ đợi kết quả của cuộc thanh tra.
Thực tế, vấn đề quản lý thị
trường vàng và trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước trong quản lý thị trường
vàng, trong suốt thời gian qua đã dấy lên nhiều hoài nghi.
Tại Nghị trường Quốc hội cũng
như tại các phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, theo đề nghị của số đông
đại biểu Quốc hội, người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước, Thống đốc Nguyễn Văn
Bình, đã có không dưới hai lần phải trả lời chất vấn nội dung này và ông Bình
cũng là thành viên Chính phủ có tần suất đăng đàn nhiều nhất tại 4 kỳ họp đầu
tiên của Quốc hội khóa XIII.
Trong hầu hết các phiên trả lời
chất vấn, Thống đốc Bình đều không đem lại sự thỏa mãn cho các đại biểu Quốc
hội, thậm chí, như tại phiên trả lời chất vấn hồi tháng 11 năm ngoái, ông Bình
đã phải cảm thán rằng: “Tôi đã giải thích quá nhiều và năng lực giải thích của
tôi cũng có hạn cho nên đại biểu chưa hiểu hết được”.
Song vấn đề, có lẽ không phải
do năng lực giải thích, mà nằm ở những ẩn khuất trong điều hành. Bởi như chất
vấn của Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Tp.HCM Trần Du Lịch: “Thống đốc hứa
rằng thị trường biến động chênh lệch 400.000 giữa trong nước, ngoài nước thì
Ngân hàng Nhà nước điều tiết. Bây giờ không làm được thì lại bảo rằng không cần
liên thông với thị trường nước ngoài, thì Thống đốc nghĩ thế nào?” và “Bình ổn hay
là tiêu diệt thị trường vàng?”.
Hay như chất vấn của đại biểu
Nguyễn Văn Tuyết (Bà Rịa – Vũng Tàu): “Vì sao cơ chế quản lý thị trường vàng,
kinh doanh vàng miếng chưa đem lại hiệu quả và chưa đạt được mục tiêu là đưa
giá vàng trong nước sát với giá vàng thế giới. Trong khi đó, Ngân hàng Nhà nước
không tập trung vào quản lý chất lượng vàng mà lại quản lý thương hiệu để tạo
ra sự độc quyền và có biểu hiện lợi ích nhóm trong vấn đề này hay không?”.
Câu chuyện với vàng hiện nay có
nhiều tình tiết tương đối giống với câu chuyện nổi tiếng về “con tàu” Vinashin.
Vinashin ban đầu được nhắc đến, như một tập đoàn nhà nước có nhiều sáng kiến
hoành tráng và táo bạo, có nhiều bước đi hùng dũng tưởng như đưa ngành công
nghiệp tàu biển của Việt Nam lên đỉnh cao đến nơi.
Rồi Vinashin bắt đầu gây sóng ở
nghị trường Quốc hội, ban đầu chỉ là sự hiện diện khá ẩn ý mà trong kỳ họp hồi
cuối năm 2009, Bí thư Đà Nẵng khi đó là ông Nguyễn Bá Thanh có nhắc đến là con
tàu nghìn tỷ đồng, chạy chưa được mấy chuyến đã phải nằm “đắp chiếu”.
Sau những ẩn ý ban đầu này, nỗi
nghi vấn về Vinashin ngày càng trở nên lớn hơn và được đề cập đến ngày một
thẳng thắn, quyết liệt hơn. Bão tố đã thực sự đến với con tàu khổng lồ này một
năm sau đó.
Ở nghị trường Quốc hội tháng
10/2010, lần lượt các bộ trưởng phải đăng đàn giải trình, trong đó có Tổng
thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền. Tổng thanh tra cho biết, Chính phủ đã chủ
động nắm tình hình, đã phát hiện nhiều dấu hiệu vi phạm của Vinashin và đã ba
lần đề xuất kế hoạch thanh tra toàn diện nhưng vì nhiều lý do khác nhau nên
chưa làm được.
Một trong những lý do khiến
chưa thanh tra toàn diện, được ông Truyền nhắc đến là vào năm 2009 khi Thanh
tra Chính phủ tiếp tục đề xuất kế hoạch thanh tra toàn diện Vinashin, Chính phủ
đã duyệt kế hoạch thanh tra nhưng đến tháng 3/2009, Chính phủ họp ra nghị quyết
là phải điều chỉnh để giảm áp lực thanh tra các tập đoàn kinh tế, các tổng công
ty nhà nước để các đơn vị này tập trung vào nhiệm vụ khắc phục hậu quả kinh tế,
khắc phục suy thoái.
Kết cục của vụ bê bối mang tên
Vinashin đến nay dư luận đều đã rõ. Qua vụ bê bối này, có thể thấy rõ rằng,
“linh cảm” của Quốc hội là khó có thể sai, vấn đề là Chính phủ có kịp thời và
cầu thị trong khi lắng nghe và tiếp nhận những linh cảm này hay không. Như với
Vinashin, là quá chậm.
Với vàng, hiện chưa thấy có dấu
hiệu nào cho thấy cuộc thanh tra này sẽ gặp phải trắc trở như với cuộc thanh
tra dành cho Vinashin. Cùng đó, còn thêm một thuận lợi nữa là “linh cảm” của
Quốc hội về những điều chưa minh bạch trong quản lý, điều hành thị trường này
đến nay đã là rõ hơn nhiều so với thời kỳ linh cảm về Vinashin. Bởi khi nhắc
đến lĩnh vực này, đại biểu Quốc hội luôn nói thẳng mà chưa từng phải giữ ẩn ý
như với Vinashin.
No comments:
Post a Comment