Trung
Quốc, chiến tranh Ukraina, Trung Đông: Ba thách thức đối ngoại lớn nhất với TT
Trump năm 2025
Trọng Thành - RFI
Đăng
ngày: 06/01/2025 - 15:16
Tổng
thống đắc cử Mỹ Donald Trump nhậm chức trong hai tuần tới. Ông Trump trở lại nắm
quyền lần thứ hai trong bối cảnh thế giới khác hẳn cách nay 8 năm. Tổng thống
Trump phải đối mặt với những thách thức nào lớn nhất về đối ngoại ? Donald
Trump dự kiến sẽ xoay sở ra sao ?
HÌNH
:
Tổng
thống tân cử Mỹ Donald Trump tham dựTurning Point USA's AmericaFest, Phoenix,
Arizona, 22/12/2024. REUTERS - Cheney Orr
Theo
giới quan sát, cho dù trong nhiệm kỳ cầm quyền đầu tiên (2017 – 2021), Donald
Trump, tổng thống thứ 45 của nước Mỹ phải đối mặt với cuộc khủng hoảng y tế
Covid-19, khiến hơn 1 triệu người Mỹ thiệt mạng, đảo lộn thế giới về nhiều mặt,
nhưng cá nhân Donald Trump và các cộng sự trong tân chính quyền Mỹ chưa phải đối
mặt với các khủng hoảng an ninh và quân sự lớn như hiện nay.
Trong
một bài tổng thuật đầu năm mới 2025, tạp chí Mỹ Foreign Policy, chuyên về chính
trị quốc tế, điểm mặt « các thách thức lớn nhất với ông Trump về đối ngoại năm
2025 » (The Biggest Foreign-Policy Challenges Facing Trump in 2025). « Thiên
Nga đen » (« black swan ») là từ ngữ mà giới quan sát quốc tế thường sử dụng để
nói về những sự kiện rất khó lường và để lại các tác động rất lớn.
Đại
dịch Covid, Taliban giành lại chính quyền ở Afghanistan, Nga tấn công Ukraina,
chiến tranh Israel – Hamas bùng nổ, hay sự sụp đổ của chế độ Assad ở Syria cuối
năm vừa qua, được ví với « năm 1989 của Trung Đông » (1989 là năm bức tường
Berlin sụp đổ).., được nhiều người nhìn nhận như là các « thiên nga đen » trong
những năm vừa qua. Tuy nhiên, cho dù các biến cố đơn lẻ có thể gây bất ngờ, ba
hồ sơ quốc tế lớn nhất mà tổng thống thứ 47 của nước Mỹ sẽ phải đối mặt trong
nhiệm kỳ tới, và năm 2025 này vẫn là Chiến tranh Ukraina, nguy cơ hỗn loạn tại
Trung Đông và cạnh tranh ngày càng căng thẳng với Trung Quốc.
Chiến
tranh Ukraina khó lòng kết thúc sớm
Về
chiến tranh Ukraina, trong thời gian tranh cử, ông Trump từng cam kết sẽ có
cách để chấm dứt xung đột Nga – Ukraina ngay trước lễ nhậm chức tổng thống,
ngày 20/01/2025, tức chỉ trong vòng hai tuần tới. Việc Nga đưa lực lượng Bắc
Triều Tiên lên tuyến đầu mới đây, và Ukraina vừa được chính quyền mãn nhiệm
Biden cho phép sử dụng « các vũ khí tầm xa » do phương Tây cung cấp để tấn công
vào sâu lãnh thổ Nga cho thấy kết thúc được cuộc chiến tranh đã kéo dài gần ba
năm này tỏ ra không phải chuyện đơn giản.
Ông
Trump từng đe dọa gia tăng hỗ trợ quân sự cho Kiev hoặc ngược lại dừng hoàn
toàn viện trợ, nếu Putin hoặc Zelensky không chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán.
Tuy nhiên, nỗ lực một mình của Mỹ không đủ. Theo tạp chí Mỹ Foreign Policy, tổng
thống đắc cử Mỹ « dường như đang đặt gánh nặng đàm phán hòa bình lên châu Âu »
và dễ dàng chấp nhận các điều kiện của Putin nhiều hơn so với thời Biden. Tuy
nhiên, đề xuất Kiev phải rút khỏi ý định gia nhập NATO của tổng thống đắc cử Mỹ
bị chính Ukraina và tổng thư ký NATO Mark Rutte « cực lực phản đối ». Viễn cảnh
kết thúc chiến tranh ắt hẳn không dễ dàng như tổng thống tương lai của nước Mỹ
từng cam kết.
Trung
Đông trong giai đoạn biến động lớn
Hồ
sơ lớn thứ hai với Trump được Foreign Policy nêu bật là khu vực Trung Đông, được
coi là « đang trải qua một trong những giai đoạn biến động lớn nhất trong lịch
sử gần đây ». Để mang lại hòa bình cho khu vực này, tổng thống Mỹ sẽ phải vượt
qua nhiều trở lực. Việc chiến tranh tiếp diễn tại dải Gaza là điều khó tránh khỏi,
đặc biệt là khi Israel chủ trương duy trì « một sự hiện diện quân sự tạm thời »
ở Gaza. Mà nếu Gaza không im tiếng súng thì rất khó đạt được một số mục tiêu
căn bản khác, như việc bình thường hóa quan hệ giữa Israel và Ả Rập Xê Út hoặc
một thỏa thuận hạt nhân mới với Iran.
Trong
những tuần cuối năm 2024, chế độ Hồi giáo Iran vừa mất đi một đồng minh quan trọng,
sự sụp đổ của chế độ độc tài Assad ở Syria, vốn được Nga hậu thuẫn. Sự sụp đổ của
Assad đặt ra cả nhiều thách thức và cơ hội cho ông Trump. Chính quyền mãn nhiệm
Joe Biden đã chìa bàn tay hợp tác với tổ chức Hayat Tahrir al-Sham (HTS), thế lực
mới nắm quyền tại Damas, vốn bị Mỹ và nhiều nước phương Tây coi là « khủng bố
». Chính quyền Trump sẽ có thái độ như thế nào với HTS.
Quốc
gia thành viên NATO Thổ Nhĩ Kỳ cũng có thể là « mối đau đầu với Trump ». Tổ chức
HTS vốn được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn. Ankara cũng có thể quyết định « tấn công vào
các vùng lãnh thổ do người Kurdistan nắm giữ ». Người Kurdistan được coi là một
thành trì chống thánh chiến Hồi giáo tại khu vực. Điều này, nếu xảy ra, có thể
khiến Trump rơi vào thế khó xử. Thời gian sẽ trả lời liệu Donald Trump « sẽ buộc
phải có cách tiếp cận trực tiếp hơn » hay để cho lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan «
giữ vai trò chủ động ».
Trung
Quốc : Thách thức ngày càng gia tăng
Trong
ba thách thức đối ngoại lớn nhất với Donald Trump, thách thức Trung Quốc dường
như là điều nan giải nhất. Foreign Policy chú ý trước hết đến sự tương phản cao
độ giữa phát biểu đầy vẻ lạc quan của Donald Trump về Trung Quốc và thực tế «
khắc nghiệt hơn nhiều ». Trong cuộc họp báo đầu tiên sau bầu cử, vào tháng
12/2024, Donald Trump khẳng định « Trung Quốc và Mỹ có thể cùng nhau giải quyết
mọi vấn đề của thế giới này, nếu quý vị nghĩ về điều đó. » Trên thực tế,
Foreign Policy nhấn mạnh, bên cạnh « những lời lẽ tán dương » như vậy, trong
cùng một cuộc họp báo, tổng thống tân cử một lần nữa đe dọa sẽ tăng mạnh thuế
nhập khẩu với hàng Trung Quốc.
Cho
dù sắc thuế đó « chỉ là » 10% hay 60%, hay quyết định hủy bỏ quan hệ thương mại
bình thường lâu năm với Trung Quốc, một cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung lần thứ
hai có thể bùng nổ. Lần này, ta cần nhớ là Bắc Kinh đã chuẩn bị sẵn một loạt biện
pháp đáp trả dữ dội. Đây là điều mà Trung Quốc đã làm hồi tháng trước, khi cấm
xuất một số khoáng sản chiến lược sang Mỹ nhằm trả đũa việc chính quyền mãn nhiệm
Biden ngăn chặn việc doanh nghiệp Trung Quốc tiếp cận với một số vi mạch tiên
tiến. Và đây chắc chắn chỉ là điểm khởi đầu.
Mỹ,
Trung vốn đối đầu trên nhiều « trận tuyến », với nguy cơ xung đột quân sự bùng
nổ tại eo biển Đài Loan, và Biển Đông, với các đối đầu giữa Philippines đồng
minh của Mỹ với Trung Quốc gần như hàng ngày, cũng như việc Trung Quốc là bên
cung cấp nhiều phương tiện giúp Nga trong cuộc chiến xâm lược Ukraina, hay cuộc
chiến tranh mạng, đe dọa an ninh dữ liệu của nước Mỹ. Trong các thách thức từ
Trung Quốc, Foreign Policy dường như dành cho cuộc đối đầu về kinh tế tầm quan
trọng đặc biệt.
«
Chiến tranh kinh tế » với Trung Quốc hay hòa hoãn : Trump có thể tiếp thu di sản
Carter ?
Liệu
Trump có thể sẽ tiếp tục sử dụng vũ khí ưa thích thuế quan hay không ? Hay đây
chỉ là những đòn hù dọa nhằm đạt được các thỏa hiệp song phương có lợi hơn ?
Foreign Policy nhấn mạnh, để cạnh tranh được với Trung Quốc, đang nhanh chóng bắt
kịp với Mỹ về nhiều mặt trong lĩnh vực công nghệ tiên tiến, chính quyền Trump cần
đến sự hợp tác của các đồng minh, như chính quyền Biden đã nỗ lực trong những
năm qua. Mà không thể có được sự hợp tác, khi Mỹ đối xử với các nước đồng minh
như thù địch với các quyết định đơn phương tăng thuế nhập khẩu.
Trump
sẽ có chính sách nào với Trung Quốc trong nhiệm kỳ tới ? Một số chuyên gia nhắc
đến di sản trong chính sách với Trung Quốc của cố tổng thống Jimmy Carter, vừa
qua đời (bài « How Jimmy Carter's Legacy Could Impact Trump's China Policy / Di
sản Jimmy Carter có thể tác động đến chính sách Trung Quốc của Trump thế nào »
của Jiachen Shi, đại học Tulane University, bang Lousiana - Mỹ, trên The
Diplomat). Donald Trump trong nhiệm kỳ trước, hồi 2019, từng tham khảo ý kiến của
vị cựu tổng thống trong bối cảnh khủng hoảng Mỹ - Trung lâm vào bế tắc. Những
phát biểu của Trump, ca ngợi cố tổng thống Carter mới đây, và một số dấu hiệu
cho thấy ảnh hưởng của Carter với Trump, để ngỏ khả năng tổng thống thứ 47 của
nước Mỹ có thể tiếp thu nhiều điều trong đối sách « hòa hoãn về kinh tế » với Bắc
Kinh, tập trung nhiều cho đầu tư kinh tế và xã hội hơn là cho quân sự, cải thiện
cùng lúc quan hệ với Nga và Trung Quốc, không để Matxcơva và Bắc Kinh siết chặt
quan hệ. Sách lược, mà tổng thống Jimmy Carter đã góp phần, và mang lại nhiều kết
quả.
No comments:
Post a Comment