Báo
cáo: TPHCM, Hà Nội vào nhóm kẹt xe nhất thế giới
Minh Trí | RFA
2025.01.28
https://www.rfa.org/vietnamese/trong-nuoc/2025/01/28/sai-gon-ha-noi-vao-nhom-ket-xe-nhat-the-gioi/
Báo
cáo mới cho thấy kẹt xe ở Sài Gòn và Hà Nội “ngốn” một lượng thời gian khổng lồ
của người dân mỗi năm.
Kẹt
xe ở Hà Nội. (AFP PHOTO)
Tình trạng kẹt xe kéo dài khiến người dân Việt
Nam phải lãng phí hàng trăm giờ mỗi năm chỉ để “chôn chân” trong dòng phương tiện
đông đúc. Theo số liệu Chỉ số Giao thông (Traffic Index) năm 2024 được công bố
vào đầu tháng 1 bởi TomTom – công ty công nghệ bản đồ đến từ Hà Lan –
người dân Hà Nội mất đến 111 tiếng mỗi năm vì kẹt xe, trong khi con số này tại
Sài Gòn cũng chạm ngưỡng 93 tiếng.
Bảng
xếp hạng cũng đưa hai thành phố lớn nhất của Việt Nam vào danh sách những thành
phố kẹt xe nhiều nhất thế giới. Trong tổng số 500 thành phố tại 62 quốc gia và
sáu vùng lãnh thổ được khảo sát, Hà Nội xếp 29 khi mất 29 phút 25 giây để di
chuyển sáu miles (gần 10 km), tăng 25 giây so với báo cáo năm 2023. Sài Gòn xếp
hạng 32 khi người dân tại đô thị đông dân nhất Việt Nam mất 29 phút 11 giây để
di chuyển gần 10 km, tăng đến 38 giây so với báo cáo năm ngoái.
Nếu
so sánh với các trung tâm đô thị khác trong khu vực Đông Nam Á, có thể thấy Hà
Nội và Sài Gòn chịu áp lực giao thông còn hơn cả các “điểm nóng” như Jakarta
(Indonesia) - hạng 90, Bangkok và Chiang Mai (Thái) - hạng 116 và 161, và Kuala
Lumpur (Malaysia) - hạng 285.
Tình
trạng giao thông vốn đã căng thẳng nay càng trở nên ngột ngạt kể từ khi Nghị định
168 được áp dụng đầu năm 2025. Đây là nghị định quy định mức xử phạt cao hơn gấp
nhiều lần so với mức cũ đối với các lỗi vi phạm giao thông và đang vấp phải những
phản đối của người dân. Theo thông tin được người dân cho RFA biết và báo chí
đăng tải, tình trạng kẹt xe ở các thành phố lớn của Việt Nam đã trở nên tồi tệ
hơn kể từ khi nghị định đi vào hiệu lực từ ngày 1/1/2025.
Theo
dữ liệu trực tuyến từ báo cáo của Tom Tom, chỉ trong bảy ngày tính đến
27/1/2025, mức độ ùn tắc tại Hà Nội tăng vọt 81%, trong khi TP.HCM cũng ghi nhận
mức tăng 44% so với tình trạng kẹt xe thông thường.
Việc
mất hàng trăm giờ mỗi năm trong cảnh ùn tắc triền miên không chỉ gây phiền toái
mà còn gia ta tăng áp lực cho người dân, đặc biệt là giới tài xế.
Ngày
23/1, anh Quang* – tài xế taxi tại Sài Gòn – chia sẻ với phóng viên rằng thu nhập
của anh đang sụt giảm do kẹt xe kéo dài, đặc biệt nghiêm trọng kể từ khi Nghị định
168 có hiệu lực, khiến anh chật vật hoàn thành chỉ tiêu doanh thu mà công ty đặt
ra.
Theo
quy định, mỗi ngày anh phải kiếm đủ 800.000 đồng mới được nhận 200.000 đồng tiền
công và 25% từ các chuyến sau. Nhưng tình trạng tắc đường triền miên khiến anh
chật vật: vừa phải chạy nhiều hơn, vừa lo mắc sai sót. Chỉ cần bị cảnh sát phạt
một lần, mọi công sức coi như mất trắng, anh nói.
“Giờ
tôi chỉ biết chấp hành và tập trung lái xe để không bị phạt,” anh nói. “Tôi
cũng chẳng biết trình bày ở đâu về những khó khăn mà nghị định này gây ra”.
Theo
VnExpress hôm 14/1, Thủ tướng giao Bộ Công an phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải
và TP Hà Nội, TP HCM tổ chức giao thông khoa học, hợp lý để nhanh chóng khắc phục ùn tắc tại hai thành phố. TP HCM, trước đó, đã cho lắp
một loạt đèn tín hiệu cho phép rẽ phải khi có đèn đỏ để giảm tình trạng tắc đường
nhưng tình hình vẫn chưa có biến chuyển.
RFA
Tiếng Việt đã liên hệ Sở Giao thông Vận Tải (SGVT) Hà Nội và SGTV Tp. Hồ Chí
Minh để hỏi ý kiến về các hướng giải pháp tình trạng kẹt xe trong thời gian vừa
qua nhưng chưa nhận được phản hồi.
----------
*Tên
của nhân vật trong bài đã được thay đổi để đảm bảo an toàn cho nhân vật được phỏng
vấn.
No comments:
Post a Comment