Thursday, 30 January 2025

DỰ ÁN "VÒM SẮT" CỦA TRUMP CÓ THỂ THÚC ĐẨY CHẠY ĐUA VŨ TRANG (Thanh Phương / RFI)

 



Dự án 'Vòm sắt' của Trump có thể thúc đẩy chạy đua vũ trang

Thanh Phương  -  RFI

 Đăng ngày: 29/01/2025 - 14:00

https://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A2n-t%C3%ADch/20250129-d%E1%BB%B1-%C3%A1n-v%C3%B2m-s%E1%BA%AFt-c%E1%BB%A7a-trump-c%C3%B3-th%E1%BB%83-th%C3%BAc-%C4%91%E1%BA%A9y-ch%E1%BA%A1y-%C4%91ua-v%C5%A9-trang

 

Hôm thứ hai, 27/01/2025, tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo đã ra lệnh cho Lầu Năm Góc vạch ra kế hoạch xây dựng một hệ thống phòng thủ tên lửa để bảo vệ Hoa Kỳ. Ông đặt tên cho hệ thống này là “Vòm sắt cho nước Mỹ”, dựa theo tên của hệ thống phòng thủ có hiệu quả rất cao mà đồng minh Israel đang sử dụng.

 

HÌNH :

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump trong cuộc họp với các dân biểu Hạ Viện đảng Cộng Hòa, tại khu nghỉ dưỡng Trump National Doral, Miami, Florida, Hoa Kỳ ngày 27/01/2025. REUTERS - Elizabeth Frantz

 

Đặc biệt, tổng thống Hoa Kỳ muốn hệ thống này có thể hoạt động chống lại các tên lửa đạn đạo, tên lửa siêu thanh và tên lửa hành trình tiên tiến, cũng như chống lại bất kỳ cuộc tấn công trên không “thế hệ mới” nào. Bộ trưởng Quốc Phòng Pete Hegseth có hai tháng để đệ trình kế hoạch thực hiện. 

 

Dự án “Vòm sắt” theo ý của ông Trump không giống như loại mà Israel triển khai từ năm 2011 để đánh chặn các tên lửa, chủ yếu do Hamas bắn sang. Hệ thống mà Nhà nước Do Thái sử dụng bao gồm một nhóm các đơn vị di động gắn trên xe tải và có khả năng bắn các tên lửa dẫn đường bằng radar để kích nổ các rocket, đạn súng cối hoặc drone mà đối phương bắn sang. 

 

Theo công ty Rafael của Israel, công ty đã phát triển hệ thống này với sự hỗ trợ của Mỹ, "Vòm sắt” của Israel có tỷ lệ đánh chặn khoảng 90%. Nhưng hệ thống đó chỉ có khả năng phá hủy các vũ khí tầm ngắn, trong khi Donald Trump muốn một hệ thống có khả năng ứng phó với các cuộc tấn công bằng tên lửa liên lục địa.

 

Hơn nữa, “Vòm sắt” của Israel chỉ để bảo vệ một khu vực có diện tích gần bằng bang New Jersey, trong khi hệ thống phòng thủ theo mong muốn của tân tổng thống Mỹ sẽ phải bảo vệ một khu vực rộng hơn khoảng 500 lần, chống lại các mối đe dọa tinh vi hơn.

 

“Vòm sắt” của Trump trên nguyên tắc sẽ kết hợp một loạt các công nghệ có sẵn, chẳng hạn như hệ thống tên lửa Patriot, các dàn tên lửa được triển khai trên các tàu ở Alaska, hoặc các trạm radar theo dõi tên lửa…

 

Thật ra dự án của ông Trump không phải là mới mẻ gì, bởi vì tổng thống Cộng Hòa Ronald Reagan (1981-1989) đã từng khởi xướng một chương trình bảo vệ Hoa Kỳ chống lại mối đe dọa hạt nhân dựa trên hệ thống phòng thủ chống tên lửa, gọi là Sáng kiến ​​Phòng thủ Chiến lược, hay còn được mệnh danh là “Chiến tranh giữa các vì sao” (Star Wars). Nhưng sau đó chính quyền của tổng thống Dân Chủ Bill Clinton (1993-2001) đã để dự án này rơi vào quên lãng. 

 

Nay, tình thế đã đổi khác: Báo cáo năm 2022 của quân đội Mỹ về hiện trạng phòng thủ tên lửa (Missile Defense Review) ghi nhận mối đe dọa ngày càng lớn từ hai nước Trung Quốc và Nga. Cụ thể, Trung Quốc thì sắp bắt kịp Hoa Kỳ về tên lửa đạn đạo và siêu thanh, còn Nga thì đang hiện đại hóa các hệ thống tên lửa liên lục địa và đang cải tiến các loại tên lửa chính xác. Báo cáo này cũng nêu bật nguy cơ ngày càng đáng ngại đến từ các drone, cũng như mối đe dọa từ các tên lửa đạn đạo của Nga và Iran.

 

Theo ông Christophe Wasinski, một chuyên gia về các vấn đề vũ khí, trên trang mạng L’Echo của Bỉ ngày 28/01, hệ thống phòng thủ kiểu “Vòm sắt” có một đặc điểm, đó là mang lại sự tự tin cho người sở hữu nó. Việc triển khai một lá chắn có khả năng vô hiệu hóa vũ khí công nghệ cao cũng sẽ làm suy yếu nguyên tắc răn đe hạt nhân, theo đó “cả hai bên đều chấp nhận mình yếu thế để hạn chế bất kỳ hành động gây hấn nào. Nhưng nếu Hoa Kỳ không còn cảm thấy dễ bị tổn thương, họ sẽ tự do hành động hơn theo cách quân sự”.

 

Theo chuyên gia Wasinski, trước những sáng kiến ​​đó của Mỹ, “các quốc gia như Trung Quốc và Nga sẽ sản xuất thêm nhiều tên lửa, vì họ biết rằng một hệ thống như vậy không thể đánh chặn được 100%”. Một hệ quả khác đó là hai nước đối thủ của Hoa Kỳ “sẽ phát triển các tên lửa siêu thanh bay nhanh đến mức có thể xuyên qua các lá chắn hiện có”.

 

Nói cách khác, một biện pháp phòng thủ tưởng chừng đơn giản như vậy có thể sẽ châm ngòi cho một cuộc chạy đua vũ trang. Mặt khác, chuyên gia Christophe Wasinski nhấn mạnh rằng đằng sau mong muốn của ông Trump bảo vệ Hoa Kỳ chặt chẽ hơn, rõ ràng là có những lợi ích công nghiệp và tài chính. Nên nhớ rằng nhóm vận động hành lang cho ngành công nghiệp vũ khí có thế lực rất lớn ở Mỹ. 

 

---------------------------

Các nội dung liên quan

 

MỸ - PHÒNG KHÔNG

Tổng thống Mỹ ra lệnh xây dựng lá chắn phòng thủ tên lửa "Vòm sắt"

 

 

 





No comments:

Post a Comment

View My Stats