NỘI
DUNG :
Chuyện
“con nhà” và đôi khi bơm trở thành... họa
Bình
luận của blogger Đồng Phụng Việt
.
Xã
hội bất an, nhà cầm quyền bất nhân
Minh Hải
| Người Việt
.
.==================================================
Chuyện “con nhà” và đôi khi bơm trở thành... họa
Bình luận của blogger Đồng Phụng Việt
2025.01.29
https://www.rfa.org/vietnamese/binh-luan/2025/01/29/luong-tam-quang-con-cua-ai-chinh-tri-viet-nam/
Trước
Tết dăm ngày, truyền thông Việt Nam loan tin đích thân bà Bùi Thị Minh Hoài (Ủy
viên Bộ Chính trị, Bí thư Hà Nội) tới tư gia cụ Lương Tam Kỳ ở phường Thành
Công, quận Ba Đình để tặng hoa và trao “Huy hiệu 65 năm tuổi đảng” cho cụ. Theo
truyền thông, cụ Kỳ 90 tuổi, từng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ bằng cách
phát quân trang cho Thanh niên xung phong (TNXP), rồi làm kế toán cho TNXP, sau
đó chuyển công tác sang ngành đường sắt, ngành ngoại giao, từng là Bí thư thứ
ba – phụ trách tài vụ của Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga [1].
Bí
thư Hà Nội trao huy hiệu cho ông Lương Tam Kỳ, với sự có mặt của Đại tướng
Lương Tam Quang. (TTXVN)
Chuyện
một Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Hà Nội hạ cố tới tận tư gia trao tặng huy hiệu
ghi nhận tuổi đảng cho một cá nhân, vinh danh đương sự vì “những đóng góp cho sự
nghiệp cách mạng của đảng và dân tộc” nhưng “quá trình hoạt động cách mạng” chỉ
như vậy, chưa kể còn được truyền thông bám theo, đưa tin rầm rộ, xưa nay vốn hiếm
nên tự nhiên sẽ được chú ý. Chịu khó xem, ngẫm nghĩ một chút thì cũng có thể thấy
vài thông tin đáng chú ý, cụ Kỳ quê ở xã Hiệp Cường, huyện Kim Động, tỉnh Hưng
Yên, giống hệt nguyên quán của đại tướng Lương Tam Quang [2].
Chẳng
rõ ngày xưa cha mẹ của ông đại tướng Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Công an gần
đây được công chúng đặc biệt quan tâm vì sự nghiệp thăng tiến như hỏa tiễn, có
“học tập và làm theo” cụ Kỳ hay không mà họ và chữ lót của đại tướng cũng y hệt
họ và chữ lót của cụ Kỳ. Một bên là Lương Tam Kỳ, một bên là Lương Tam Quang!
Không rõ cụ Kỳ và ông Quang có... dính dáng gì tới nhau hay không vì khác với
nhiều... “chính khách” ở Việt Nam, tiểu sử của ông Quang không thấy cha, thấy mẹ,
thấy vợ, thấy con. Sĩ quan công an cao cấp vốn vẫn luôn cẩn thận như thế cho...
lành!
***
Đề
cập tới tương quan cha mẹ - con cái – gia đình của các “chính khách”, người viết
bài này đột nhiên nhớ tới cụ Trương Minh Phương, cán bộ văn hóa thông tin của một
huyện miền núi ở Quảng Bình. Cụ Phương sinh năm 1931, mất năm 2011 và gần như
không ai biết cụ. Người ta chỉ bắt đầu nghe nói đến cụ khi ông Trương Minh Tuấn
– quý tử của cụ trở thành lãnh đạo Ban Tuyên giáo của BCH TƯ đảng. Đầu năm
2016, ông Tuấn trở thành Bộ trưởng Thông tin – Truyền thông (TTTT) thì tới cuối
năm, Trung tâm Bảo tồn Phát huy văn hóa dân tộc phối hợp với Tạp chí Văn Hiến
Việt Nam và Hội Nhạc sĩ Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam tổ chức “Hội thảo khoa học về
cuộc đời, sự nghiệp của cố nhạc sĩ, nhà viết kịch Trương Minh Phương”.
“Hội
thảo khoa học” ấy được tất cả các cơ quan truyền thông tường thuật nhằm “khai
tâm” cho hàng trăm triệu người Việt ngưỡng mộ và tự hào vì có một Trương Minh
Phương từng viết nhạc, viết văn, viết kịch, làm thơ, nghiên cứu văn nghệ dân
gian,… Ở hội thảo ấy, nhiều “Giáo sư”, “Phó Giáo sư”, “Tiến sĩ” khẳng định cụ
Phương là “thiên tài”, đã để lại “di sản nghệ thuật to lớn phong phú và đa dạng”
với những “triết lý” được xem là “để đời” như: “Con voi xích được nhưng con người
thì khó xích”! “Không sợ mất gỗ, chỉ sợ mất bản chất tốt đẹp mà mình đã vun đắp
bao năm”!.. Cho dù ở Việt Nam có hàng chục ngàn cán bộ văn hóa thông tin cũng
viết nhạc, viết văn, viết kịch, làm thơ,... để hoàn thành nhiệm vụ xây dựng,
phát triển phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng tại địa phương nhưng cuối
cùng, chỉ có cụ Phương được công nhận là “đa tài” song không ai nhìn nhận cho tới
khi quý tử thành đạt.
Nhờ
sự thành đạt của quý tử, tài năng của cụ Phương mới được phát hiện, được vinh
danh, được truy tặng “Giải Đào Tấn” vì “những đóng góp xuất sắc cho nền âm nhạc,
nền kịch nghệ Việt Nam” [3].
Thậm
chí cụ Phương còn được nhiều giới mà hoạt động vốn phụ thuộc vào quý tử của cụ,
nhất trí đề nghị “Đảng và Nhà nước truy tặng Giải thưởng Quốc gia về Văn học
Nghệ thuật”! Với sự ưu việt của hệ thống công quyền tại Việt Nam như đã biết,
ít ai dám không tin cụ Phương không có “Giải thưởng Quốc gia về Văn học Nghệ
thuật” song giờ chót điều này đã không xảy ra bởi quý tử của cụ thất thế. Ông
Trương Minh Tuấn bị truy tố vì “vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu
tư công gây hậu quả nghiêm trọng” và “nhận hối lộ” trong vụ Mobifone mua cổ phần
của AVG và bị phạt 14 năm tù [4].
Cụ
Trương Minh Phương và quý tử Trương Minh Tuấn không phải là trường hợp cá biệt ở
nước Cộng hòa XHCN Việt Nam. Trước nữa, còn có không ít trường hợp tương tự, chẳng
hạn trường hợp cụ Trịnh Xuân Giới.
Sau
khi quý tử là Trịnh Xuân Thanh bị bắt, truyền thông Việt Nam đã chủ động giới
thiệu cụ Giới như một người cha mẫu mực, dù đã thôi làm Phó ban Dân vận của BCH
TƯ đảng nhưng vẫn tiếp tục rèn luyện và từng được công nhận như một tấm gương
trong “học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” của quận Tây Hồ,
thành phố Hà Nội. Cho dù đã về hưu, hàng ngày, Bí thư Chi bộ Khối dân cư 14 vẫn
đi thu gom giấy còn trắng một mặt tại các cửa hàng photocopy để làm phong bì
giao dịch và in nháp các tài liệu nghiên cứu, rồi dùng tiền từ nghiên cứu khoa
học và tiền tiết kiệm mua một bộ máy tính tặng trường Mầm non Phú Thượng,...
Theo truyền thông Việt Nam, năm 2016 (thời điểm Trịnh Xuân Thanh bị truy nã), cụ
Giới – người từng là thư ký cho các đội cải cách ruộng đất – thảng thốt vì
“không ngờ cái chuyện tố điêu tố lấy được mà ông từng hãi hùng đích mục sở thị ấy
lại vận vào chính thời điểm cuối đời mình”. Truyền thông Việt Nam dẫn lời cụ khẳng
định, thông tin Trịnh Xuân Thanh bỏ ra nửa tỉ để mở tiệc mừng sinh nhật cha là
bịa đặt, không thể lấy thông tin từ sổ đen của doanh nghiệp để chụp lên cụ, cụ
muốn đối chất. Cứ như truyền thông Việt Nam thì “thời thế quả là đảo điên” [5].
Không may là sự “đảo điên” có thật ấy lại theo hướng ngược lại. Năm 2017, một
tháng sau khi Trịnh Xuân Thanh “đầu thú”, thiên hạ phát giác tin đồn Trịnh Xuân
Thanh gom nửa tỉ mừng sinh nhật cha nếu đúng cũng là chuyện nhỏ. Chuyện lớn và
có thật là cụ Giới đứng tên một số tài sản từ vài chục đến vài trăm tỉ ở Hà Nội,
Vĩnh Phúc,... những tài sản có dấu hiệu tạo lập từ nguồn tiền do Trịnh Xuân
Thanh... phạm tội mà có [6].
Cho
dù tương quan cha mẹ - con cái – gia đình của các “chính khách” ở Việt Nam thuộc
nhóm thông tin nhạy cảm nhưng có thể vì các “chính khách” hoặc cha mẹ - con cái
– gia đình của họ cảm thấy không đủ... sang, lai lịch chưa tương xứng với thành
tựu nên thỉnh thoảng mới phát sinh những chuyện khó biết gọi tên như vừa kể,
hay những “sự thật” mà sau khi phía có liên quan “chủ động tiết lộ”, người nghe
chỉ cảm thấy hỡi ôi. Chẳng hạn cả Chủ tịch Nhà nước Trần Đại Quang, lẫn Chủ tịch
Quốc hội Vương Đình Huệ cùng được bơm theo một kiểu, ngày nhỏ hiếu học tới mức
“bắt đom đóm để lấy ánh sáng học hành”.
“Chính
khách” Việt Nam là vật có thể tự bơm hoặc được bơm cho hơn người.
Phàm
đã có thể bơm thì có thể... bể!
-------------
Tham khảo
[2] https://chinhphu.vn/tom-tat-tieu-su?id=9701
[3] https://bvhttdl.gov.vn/hoi-thao-khoa-hoc-nhac-sy-nha-viet-kich-truong-minh-phuong-9200.htm
[5] https://vietnamnet.vn/chuyen-voi-nguoi-cha-cua-trinh-xuan-thanh-327299.html
------------------------------------------------
*Bài
viết không thể hiện quan điểm của RFA.
Xã
hội bất an, nhà cầm quyền bất nhân
Minh Hải
| Người Việt
January 29, 2025 : 2:00 PM
https://www.nguoi-viet.com/sai-gon-nho/xa-hoi-bat-an-nha-cam-quyen-bat-nhan/
Tết
là dịp để nhà nhà, người người vui vẻ, sum vầy, là dịp để những người ở nơi xa
xôi nào đó trở về đoàn tụ cùng gia đình. Thế nhưng, trên mảnh đất hình chữ “S”
Việt Nam những ngày qua, lại xảy ra nhiều hoàn cảnh “sinh ly, tử biệt” hết sức
đau lòng và gây phẫn nộ dư luận…
Ngày
16 tháng Giêng năm 2025, nhằm ngày 17 tháng Chạp âm lịch 2024, nhà cầm quyền
CSVN ở Sài Gòn bắt tạm giam Mục Sư Nguyễn Mạnh Hùng, 71 tuổi, cư trú tại Quận
7, với cáo buộc “Tuyên truyền chống Nhà nước” theo Điều 117 Bộ luật Hình sự
2015.
Một
tuần sau, vào ngày 23 Tháng Giêng, nhà cầm
quyền CSVN tại Hà Nội bắt tạm giam bà Đậu Thị Tâm, 45 tuổi, cư trú tạị Quận
Hoàng Mai, Hà Nội, với cáo buộc “Lợi dụng tự do dân chủ” theo Điều 331 Bộ luật
Hình sự 2015.
Được
biết, Mục Sư Nguyễn Mạnh Hùng là người thường xuyên có những hoạt động cất lên
tiếng nói cổ võ cho nhân quyền, dân chủ Việt Nam, phản đối những bất công xã hội
và chỉ trích gay gắt đối với những hành vi sai trái của từng cá nhân lãnh đạo
CSVN.
Còn
bà Đậu Thị Tâm là người tích cực phản đối Nghị định 168 liên quan đến việc xử
phạt hành chính đối với những hành vi vi phạm luật giao thông đường bộ vừa được
ban hành. Không riêng gì bà Tâm, Nghị định này bắt đầu áp dụng vào ngày 1 tháng
Giêng vừa qua, đã vấp phải sự phản ứng gay gắt từ mọi tầng lớp xã hội, bởi mức
phạt tiền quá nặng dễ đẩy cuộc sống người dân vào đường cùng, một Nghị định mà
nhà cầm quyền muốn khuất phục người dân bằng kế sách “đồng tiền đi liền khúc ruột”
và nỗi sợ hãi.
Cũng
trong ngày 23 tháng Giêng, Công An tỉnh Kiên Giang khởi tố vụ án, tạm giam 6
ngư dân gồm: Danh Giang, 48 tuổi; Danh Lưng, 28 tuổi; Nguyễn Duy Chiều, 40 tuổi;
Hồ Văn Hải, 37 tuổi; Đồng Thành Giang, 30 tuổi; và Võ Ngọc Sơn, 28 tuổi, để điều
tra hành vi giết người.
Vào
tháng Mười Một năm 2024, do mâu thuẫn cá nhân, 6 ngư dân này đã bắt trói, đánh
bạn cùng thuyền là ngư dân P.N.T. cho đến chết, và sau đó vứt xác xuống biển nhằm
che đậy tội ác.
Dư
luận Việt Nam phẫn nộ trước tội ác kinh hoàng của 6 ngư dân. Tuy nhiên, đây
chưa phải là đỉnh điểm phẫn nộ của dư luận Việt Nam.
Đỉnh
điểm phẫn nộ là vụ việc, một nam shipper tên Trần Thành sinh sống tại huyện Hòa
Vang-TP.Đà Nẵng, vào ngày 17 tháng Giêng, do có bất đồng xung quanh gói hàng trị
giá 375.000 đồng với khách hàng là chị Trần Thị Thảo cư trú cùng huyện. Vụ việc
sau đó, anh Thành bị bạn trai của chị Thảo là Nguyễn Thanh Tùng và Trần Văn
Minh Toàn, Trần Hoàng Thiên là người thân của chị Thảo đánh hội đồng dẫn đến tử
vong.
Ngày
23 tháng Giêng, cơ quan Công an huyện Hòa Vang cho biết, đã khởi tố vụ án, bắt
tạm giam Tùng, Toàn và Thiên để điều tra với cáo buộc tội “cố ý gây thương tích
dẫn đến chết người”.
Những
vụ việc, vụ án nêu trên xảy ra ngay thời điểm chỉ còn vài ngày nữa là người dân
Việt Nam đón Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.
Tết
là dịp để nhà nhà, người người vui vẻ, sum vầy bên mâm cơm-ly rượu, trao nhau
những câu chuyện, những chia sẻ vui buồn của một năm đã qua và cùng chúc nhau
năm mới với những hy vọng tốt đẹp. Thế nhưng, nhà cầm quyền CSVN đã bất chấp,
trà đạp lên nét đẹp văn hóa bao đời của người dân Việt Nam bằng việc bắt những
Mục Sư Nguyễn Mạnh Hùng, chị Đậu Thị Tâm và số nhà hoạt động khác phải ly tán
người thân, họ hàng. Giới đấu tranh cho nhân quyền-dân chủ cho Việt Nam đã bày
tỏ phẫn nộ với động thái bắt giữ này.
Thực
tế, đây không phải là lần đầu tiên nhà cầm quyền CSVN bắt giam người hoạt động
vào dịp cận Tết. Dịp cận Tết năm 2020, nhà cầm quyền CSVN tại Hà Nội còn huy động
hơn 3,000 công an-cảnh sát cơ động cùng các thành phần chức năng khác nổ súng,
tấn công vào những người dân tranh chấp đất đai ở thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện
Mỹ Đức. Hậu quả của vụ nổ súng, tấn công
này là có đến 4 người tử vong và một bản án hình sự nặng nề từ 15 tháng
tù treo cho đến tử hình dành cho 29 bị cáo, phần lớn là những người trong một
gia đình, dòng họ.
Tết
cũng là dịp để những người xa xôi như ngoài biển khơi trở về đoàn tụ cùng gia
đình, là dịp những người hằng ngày mưu sinh khó nhọc, gom góp từng đồng nhỏ nhặt
để lo cho gia đình tạm khép lại những lo toan. Thế nhưng, chỉ vì những những
mâu thuẫn trong công việc, hay chỉ vì bất đồng xung quanh một gói hàng trị giá
không lớn mà anh ngư dân tên T hay như anh shipper Trần Thành bị số người sinh
sống cùng thời tước đoạt mạng sống hết sức dễ dàng, khiến hai người vĩnh viễn
không còn tận hưởng không khí vui vẻ của ngày Tết. Con xa cha, vợ xa chồng, cha
mẹ xa lìa con cái hết sức đau lòng.
Một
xã hội văn minh, một xã hội bình yên thì xã hội đó giữa con người với con người
có tinh thần bao dung, tương thân tương ái và tôn trọng lẫn nhau chứ không thể
cứ có xích mích, mâu thuẫn là đem bạo lực ra giải quyết, nhà cầm quyền thì đem
nhà tù để trấn áp tiếng nói bất đồng của người dân.
Niềm
vui ngày Tết thay bằng bao cảnh “sinh ly tử biệt,” có chăng đây là một xã hội bất
an và đi kèm với đó là một nhà cầm quyền bất nhân.
No comments:
Post a Comment