Saturday, 4 January 2025

NĂM 2025 : DONALD TRUMP và CHÍNH SÁCH VỚI NGA VỀ HỒ SƠ UKRAINA (Minh Anh / RFI)

 



Năm 2025 : Donald Trump và chính sách với Nga về hồ sơ Ukraina

Minh Anh  -  RFI

Đăng ngày: 02/01/2025 - 14:45

 https://www.rfi.fr/vi/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD-ti%C3%AAu-%C4%91i%E1%BB%83m/20250102-n%C4%83m-2025-donald-trump-v%C3%A0-ch%C3%ADnh-s%C3%A1ch-v%E1%BB%9Bi-nga-v%E1%BB%81-h%E1%BB%93-s%C6%A1-ukraina

 

Năm 2024 vừa khép lại trong một thế giới hỗn loạn. Năm 2025 sẽ mở đầu với sự trở lại ngoạn mục của tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump. Một khi chính thức nhậm chức vào ngày 20/01/2025, ông sẽ phải đưa ra các lựa chọn để thực hiện. Đứng đầu danh sách là mối quan hệ địa chính trị căng thẳng giữa Hoa Kỳ với Nga và Trung Quốc.

 

HÌNH :

Ảnh tư liệu: Tổng thống Donald Trump bắt tay đồng nhiệm Nga Vladimir Putin trong cuộc họp song phương bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 ở Osaka, Nhật Bản, ngày 28/06/2019. AP - Susan Walsh

 

Đối với Nga, câu hỏi đầu tiên đặt ra là Washington sẽ có mối quan hệ như thế nào với Matxcơva và Vladimir Putin ? Lập trường của Mỹ về Ukraina cũng sẽ bắt đầu từ đây. Trang mạng Responsible Statecraft gần đây có bài nhận định cho rằng thất bại ở Ukraina xuất phát từ tình trạng thiếu đoàn kết ở phương Tây, khi mà Hoa Kỳ, Anh, và Liên Hiệp Châu Âu có những xung đột về lợi ích trong nhiều vấn đề chính như lệnh trừng phạt, mục tiêu chiến tranh, hỗ trợ tài chính và quân sự…

 

 

« Không thể đạt được thỏa thuận nếu không nói chuyện với Putin »

 

Ngoài ra, một trong những điểm yếu của trong chính sách về Ukraina của chính quyền Biden cũng như của nhiều nhà lãnh đạo châu Âu là thái độ kiên quyết không đối thoại với Vladimir Putin. Trong một bài viết trình bày quan điểm « America First », đặc sứ Mỹ về Ukraina của Trump, tướng Keith Kellogg, đã chỉ ra "sai lầm" của chính quyền Biden, đó là bất kỳ cách tiếp cận nào đối với Nga đều phải bao gồm cả khả năng răn đe và ngoại giao. « Biden đã không quan tâm đến làm việc với Putin. Ông ấy chỉ muốn lên lớp và cô lập ông ta ».

 

Một « Quick Deals », tức nhanh chóng có được thỏa thuận là những gì ông Donald Trump mong muốn và do vậy, Ukraina sẽ là một trong những hồ sơ đầu tiên về đối ngoại mà tổng thống đắc cử Mỹ sẽ phải nhanh chóng quan tâm đến.

 

Tuy nhiên, theo quan sát từ nhà nghiên cứu về Mỹ, Alexandra de Hoop Scheffer, chủ tịch nhóm cố vấn German Marshall Fund (GMF), những tuần gần đây, chính quyền Trump dường như đang điều chỉnh lại chiến lược. Xu hướng chủ đạo hiện nay là « Hãy cẩn trọng, chớ nên ký kết một thỏa thuận tồi với Putin ». Trên đài France Culture, nữ chuyên gia địa chính trị tại GMF giải thích :

 

« Bởi vì trước hết, Trump sẽ trông như một kẻ thua cuộc. Chúng ta đều biết rõ là ông ấy rất quan tâm đến hình ảnh "người chiến thắng". Điểm thứ hai liên quan đến cảm nhận của Trung Quốc về thỏa thuận này với ông Putin. Cuối cùng, theo tôi, đây cũng là lập luận mạnh mẽ nhất mà châu Âu tác động rất nhiều kể từ khi ông Trump tái đắc cử, đó là "hãy cẩn trọng, chớ để Ukraina trở thành một Afghanistan của Donald Trump". Bởi vì đó cũng là di sản để lại từ cuộc rút quân hỗn loạn mà chính quyền Biden thực hiện năm 2020, nhưng được quyết định bởi Donald Trump. »

 

 

Vai trò nào cho Trung Quốc ?

 

Câu hỏi đặt ra ở đây là Trung Quốc sẵn sàng đi đến đâu để hậu thuẫn đối tác Nga « vô bờ bến ». Chủ tịch Tập Cận Bình tỏ ra ít phản đối công khai đối với cuộc chiến của ông Putin tại Ukraina, ngược lại, Trung Quốc cung cấp công nghệ quân sự và một sự hậu thuẫn cần thiết cho Nga.

 

Ý thức rõ vấn đề này, sau cuộc họp ba bên tại Paris giữa tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump, tổng thống Pháp Emmanuel Macron và nguyên thủ Ukraina Volodymyr Zelensky nhân lễ mở cửa trở lại Nhà thờ Đức Bà sau 5 năm trùng tu, ông Donald Trump đã tweet rằng « China can help » - Trung Quốc có thể giúp đạt được một thỏa thuận với Ukraina.

Chuyên gia về Mỹ Alexandra de Hoop Scheffer ghi nhận ngày càng có sự liên hệ giữa các mặt trận châu Âu – Đại Tây Dương, Trung Đông và Ấn Độ - Thái Bình Dương trong cách tiếp cận của Donald Trump nhằm tạo áp lực với nguyên thủ Nga.

 

Do vậy, bà cho rằng, « sẽ chẳng có gì đáng ngạc nhiên nếu trên đường đến Matxcơva hay trên đường trở về từ Matxcơva, ông Trump sẽ dừng lại ở Bắc Kinh và đề nghị Tập Cận Bình gây áp lực lên Vladimir Putin. Bởi vì chúng ta biết rằng, ông Putin ngày nay sẽ không thể tiếp tục nỗ lực chiến tranh nếu không có sự hỗ trợ từ Trung Quốc. Trên thực tế, việc để Trung Quốc đóng một vai trò, không phải là trung gian hòa giải, mà là trong mọi trường hợp để tạo áp lực trong cuộc đàm phán trên nền tảng một thỏa thuận về Ukraina. »

 

Cũng theo nhà nghiên cứu về Mỹ, cách tiếp cận này được thấy rõ qua những gì diễn ra tại Syria : « Phản ứng của Donald Trump khi nhà độc tài Bachar Al-Assad bị các lực lượng Hồi giáo nổi dậy lật đổ là: "Vladimir Putin, hãy cẩn thận, chẳng phải ông đang hứng chịu thảm họa tệ hại nhất tại Syria, thất bại địa chính trị lớn nhất trong chính sách đối ngoại của ông hay sao ? Và có lẽ đã đến lúc ông nên ngồi vào bàn đàm phán về Ukraina." »

 

 

Kịch bản khả năng leo thang xung đột ?

 

Nhưng Donald Trump cũng có thể sẽ đối mặt với một Vladimir Putin cứng rắn. Tổng thống Nga tuy nhiều lần nói ông sẵn sàng hợp tác với đồng nhiệm Trump và với nhiều nhà lãnh đạo khác của thế giới để giải quyết khủng hoảng Ukraina, nhưng ông cũng tỏ ra không mấy quan tâm đến các cuộc đàm phán nghiêm túc, theo ghi nhận từ một số nhà quan sát.

Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu Alexandra de Hoop Scheffer, trên đài phát thanh France Culture, châu Âu dường như đã đánh giá thấp và bỏ qua một kịch bản :

 

« Đây là một kịch bản rất có thể xảy ra, tức là ông sẽ phải đối mặt với một Putin nói với ông rằng, "Donald, cảm ơn rất nhiều vì thỏa thuận của ông, nhưng quả thực, tôi thực sự không quan tâm lắm đến điều này, bởi vì tôi đang giành chiến thắng. Tôi có Bắc Triều Tiên bên cạnh tôi và do vậy, đây chưa phải lúc."

 

Đối diện với sự từ chối của ông Putin, phản ứng của Donald Trump là sẽ không phải là rút khỏi Ukraina mà ngược lại sẽ là leo thang quân sự. Họ đang thảo luận về khả tăng cường hỗ trợ cho Ukraina, gia tăng trừng phạt nhắm vào Vladimir Putin và nước Nga, để một lần nữa buộc ông ấy vào bàn đàm phán ».

 

Trong tất cả những kịch bản này, thách thức lớn đặt ra cho châu Âu là làm thế nào bảo đảm có được một vị trí trong các cuộc đàm phán. Đây chính là những gì Ba Lan sẽ nỗ lực thực hiện trong vai trò chủ tịch luân phiên Liên Hiệp Châu Âu hiện nay.

 

 

Chính sách « thầu khoán » xử lý khủng hoảng

 

Ngoài ra, nếu có đạt được thỏa thuận thì đó chỉ là một sự đóng băng xung đột, tức là một vùng đệm phi quân sự giữa Nga và Ukraina sẽ được thiết lập dọc theo chiến tuyến. Vùng Donbass và bán đảo Crimée sẽ được cho là thuộc sở hữu của Nga, kèm theo đó là Ukraina phải từ bỏ tham vọng gia nhập NATO ít nhất trong một thời hạn là 20 năm. Đây chính là những gì đang được hình thành trong kế hoạch của Trump. Đổi lại, Mỹ sẽ tiếp tục hỗ trợ quân sự cho Ukraina để ngăn chặn Nga mở một cuộc xung đột mới.

 

Trong kịch bản này, châu Âu sẽ phải làm gì ? Nữ chuyên gia về chính sách đối ngoại Mỹ Alexandra de Hoop Scheffer trên làn sóng France Culture đưa ra cảnh báo :

 

« Hoa Kỳ dưới thời Trump đã rất rõ ràng : Họ sẽ không triển khai quân để giúp giám sát đường chiến tuyến. Trách nhiệm này sẽ thuộc về châu Âu và chúng ta cần phải tự lo lấy. Đây là một trong số các mục tiêu của Ủy Ban Châu Âu mới của bà Von Der Leyen: tăng cường, tăng cường, tăng cường nhiều hơn nữa các danh mục đầu tư quốc phòng, nhưng với một mốc thời gian sẽ dài hơn rất nhiều so với những gì chúng ta sẽ cần trong tức thì.

 

Nhưng chúng ta cũng thấy là trong lập luận của Trump không còn trong những cuộc tranh luận nhàm chán về "burden sharing" tức là chia sẻ gánh nặng, mà đúng hơn là "burden shifting", nghĩa là chuyển giao gánh nặng. Ông ấy muốn giao khoán trách nhiệm xử lý khủng hoảng. Ngoại giao khủng hoảng với đủ các đối tác. Và do vậy châu Âu sẽ phải giải quyết mớ hỗn độn thời kỳ hậu thỏa thuận tại Ukraina.

 

Với Trung Đông cũng tương tự. Donald Trump muốn giao khoán cho các nước vùng Vịnh, cho Ả Rập Xê Út, Qatar: "Đây là mớ hỗn độn của quý vị, quý vị hãy xử lý lấy". Đây là một chính sách khoán thầu, bởi vì, một lần nữa, những người bỏ phiếu cho Trump đều không muốn nhìn thấy nước Mỹ sẽ lại can dự vào  những cuộc chiến với những kết quả không chắc chắn. »

 






No comments:

Post a Comment

View My Stats