Vũ Thế Dũng
09/03/2024
https://baotiengdan.com/2024/03/09/xam-tang/
1-
Chuyện ông Thích Chân Quang phát biểu “xàm” đã có từ mấy năm nay.
2-
Có thể khẳng định là không ai nhét chữ vào mồm ông này, hay cắt ghép gì, vì ông
phát biểu một cách tự nhiên, bằng niềm tin “thơ ngây” của riêng ông. Và nếu xem
hết phần ông nói thì có thể kết luận là những gì đang được chia sẻ trên mạng
như: “Kiếp trước đốt sách kiếp này làm thầy giáo, đi du lịch nhiều thì mất
phước và cuối đời sẽ nằm liệt một chỗ, ở nhà chung cư thì không được thờ Phật
(vì có người đi trên đầu Phật ở tầng trên), hay hát karaoke sau này chết thành
ma câm, hoặc làm việc ở công ty chứng khoán thì rất tổn phước…” đều được
trích dẫn đúng tinh thần ông này nói, chứ không có gì là cắt ghép sai ý nghĩa cả.
3-
Mà nếu ông này cho rằng ông đang bị hiểu sai thì ông có thể đăng đàn nói lại
cho rõ về các ý trên để dư luận thưởng thức.
4-
Vì sao nói là “xàm”? Vì xét trên tinh thần của Phật giáo thì những điều ông nói
hoàn toàn là quan điểm cá nhân và có thể nói là tà kiến – góc nhìn lệch lạc về
Phật giáo. Một vài vị thầy uy tín như thầy Thích Pháp Hòa đã từng đưa ra nhận
xét tương tự về một số phát biểu của ông.
5-
Vì sao nói là “ngây thơ” vì ông nói một cách hồn nhiên và cực kỳ tin tưởng vào
điều mình nói, dù nó rất “xàm”. Cách đây mấy năm, mình có đọc qua luận án tiến
sĩ của ông này thì có thể nhận xét rằng, ông này hoàn toàn không có nền tảng tư
duy khoa học. Chuyện này các bạn nào có trình độ tiến sĩ thật (không cần đúng
chuyên môn vì phương pháp khoa học căn bản cũng thiếu) xem qua luận án trên mạng
sẽ có thể chứng thực. Vì sao mình lại nhìn ông này dưới góc nhìn khoa học vì đạo
Phật mà mình hiểu rất “thực chứng” – rất “khoa học” chứ không ngô nghê như thế.
Nhìn ông nói, mình nghĩ cái thiếu nhất của ông chính là phần “trí tuệ” của Phật
giáo.
6-
Từ chuyện ông Thích Chân Quang, mình muốn trao đổi vài cái nhìn cá nhân về Phật
giáo:
Thứ
nhất, mình biết ơn Đạo Phật, Đức Phật, và các vị Thầy chân tu – mình thực sự thấy
may mắn được biết đến Đạo Phật và Đức Phật. Mình và gia đình sống tốt hơn, an lạc
hơn, biết làm lành tránh ác là từ các nguyên lý của Đạo Phật.
Thứ
hai, với cái thấy của mình thì Đạo Phật là đạo của tỉnh thức, thức tỉnh Phật
tính trong mỗi chúng ta. Ai cũng có một vị Phật bên trong cần được tìm về. Đức
Phật vì thế là một con người như bao người, là một vị thầy chứ không phải là một
vị thần phán tội hay ban thưởng cho chúng sinh. Đức Phật không bắt chúng ta tin
trong mê, mà muốn chúng ta thực chứng điều Phật dạy và chỉ khi thực chứng có kết
quả thì mới tin. Là người Thầy, Đức Phật chỉ con đường để chúng ta đi chứ không
ép buộc, không hăm he, không xét nét. Chính vì vậy, cái thấy của mình về Đức Phật
và Đạo Phật là tính hiện đại, khoa học, và dân chủ.
7-
Các nguyên lý như Nhân Quả, cúng dường, bố thí là các bài học rất hay của Đạo
Phật và bản thân mình hàng ngày vẫn học được rất nhiều từ các nguyên lý này.
Nhưng có vẻ như có số xàm “tăng” như Thích Chân Quang rất thích lạm dụng các
nguyên lý này để hăm he, đe dọa Phật tử, nhằm đạt được những mục đích nào đó.
8-
Nếu đến với Thầy Thích Nhất Hạnh, Thầy Viên Minh, Thầy Thích Pháp Hòa chúng ta
thấy một một Đạo Phật thật đẹp, thật nhẹ nhàng, thật trí tuệ và yêu thương. Thấy
cái cốt lõi của Đạo Phật là tỉnh thức, là trở về trọn vẹn với chính mình, là
giác ngộ nhìn ra được sự thật.
9-
Đến với Thầy Viên Minh ta sẽ thấy nhân quả là thái độ của chúng ta với hiện tại.
Giàu chưa chắc là có phước. Nghèo chưa chắc là vô phước. Mà thái độ của mỗi người
với hoàn cảnh của mình, bài học mỗi người học được từ hoàn cảnh đó mới là nghiệp.
Nghèo mà tỉnh thức, an nhiên, vô sự thì phước quá lớn, ngược lại giàu có quyền
hành mà hư hỏng, trác táng thì phước lớn đến đâu?
10-
Trong tác phẩm “Đường xưa mây trắng” của Thầy Thích Nhất Hạnh có đoạn cả tăng
đoàn và Đức Phật phải chịu đói vì dân chúng bị mất mùa. Có vị nhà giàu đồng ý
cúng dường cám cho ngựa ăn cho tăng đoàn. Và ngài A Nan đã rang cám để Phật
dùng. Dù thế, Đức Phật và tăng đoàn vẫn an nhiên. Thời nay ai ăn cám, qua miệng
của Thích Chân Quang thì kiếp trước phải là loài súc sinh hay quỷ đói gì đó.
11-
Ngược lại, đến với một vài nơi khác, sẽ thấy mình có vô số tội, địa ngục đang
chờ mình, mình phải sám hối, phải giải nghiệp, mình phải cúng dường, mình phải
làm thiện để được phước. Nhà chùa như một nơi ban phước, giải nghiệp cho chúng
sanh. Chùa càng ngày phải càng to, Phật sự càng ngày phải càng lớn. Chúng ta
cũng sẽ thấy đạo Phật với rất nhiều quy tắc, nghi lễ. Đặc biệt là không được
nói xấu tăng – tội này sẽ đọa địa ngục a tăng tì kiếp.
12-
Thậm chí gần đây Thích Chân Quang còn giảng là: Ai nói xấu, làm hại đến chùa
ông ta thì Chư Thiên sẽ quật người đó chết ngay. Thật đáng sợ! Ngày trước Đề Bà
Đạt Đa hại Đức Phật, phá hoại tăng đoàn mà cũng không thấy chư thiên nào xuống
quật chết ông ấy. Đức Phật vẫn yêu thương và chuyển hóa ông.
13-
Mình không trông chờ hay kêu gọi Giáo hội sẽ đưa ra các phán quyết hay hướng dẫn
về việc này vì hai lẽ:
Thứ
nhất, Đức Phật không có chủ trương tổ chức Đạo Phật thành một tổ chức tôn giáo
thứ bậc như thế. Đạo Phật là con đường, Đức Phật là người thấy con đường và chỉ
cho chúng ta đi. Ngài không phải là giáo chủ hay quân vương trong một đế chế.
Thế nên ai cũng có thể học theo Ngài, chứ không phải chỉ vào Giáo hội thì mới
được tu (cho đúng pháp luật của thế tục). Thế nên chúng ta không nên hy vọng
hay gán cho Giáo hội cái chức năng của thế tục mà chúng ta tưởng tượng ra. Tính
dân chủ của Đạo Phật là ở điểm này.
Thứ
hai, một cách chủ quan mình không cho rằng giáo hội sẽ “dũng cảm” đứng ra phân
biệt phải trái đúng sai cho công luận và Phật tử, mà sẽ hành xử “khéo léo” kiểu
hay thấy của tổ chức nhiễm màu chính trị.
14-
Vậy ai sẽ giải độc kiến thức cho Phật tử? Ai sẽ giải oan cho Đạo Phật? Các bậc
thầy lớn chăng? Liệu thẳng thắn đối mặt để phân biệt phải trái đúng sai, để Phật
pháp được hiển lộ trong ánh quang minh, có được coi là một Phật sự quan trọng
hơn việc bố thí, cúng dường, xây chùa, đắp tượng?
No comments:
Post a Comment