Friday, 22 March 2024

VIỆT NAM VÀ CUỘC CHIẾN NGA - UKRAINE : "CHÍNH SÁCH NGOẠI GIAO CÂY TRE" CỦA HÀ NỘI MANG LẠI KẾT QUẢ NHƯNG VẪN CÒN THÁCH THỨC (Ian Storey / Fulcrum)

 



 

Việt Nam và cuộc chiến Nga – Ukraine: “Chính sách ngoại giao cây tre” của Hà Nội mang lại kết quả nhưng vẫn còn thách thức (Phần 1)

Ian Storey  -  Fulcrum

Đỗ Kim Thêm dịch

22/03/2024

https://baotiengdan.com/2024/03/22/viet-nam-va-cuoc-chien-nga-ukraine-chinh-sach-ngoai-giao-cay-tre-cua-ha-noi-mang-lai-ket-qua-nhung-van-con-thach-thuc-phan-1/

 

Việc tăng cường mối quan hệ chiến lược Nga -Trung ảnh hưởng đến Việt Nam nhiều hơn bất kỳ quốc gia Đông Nam Á nào khác. Hà Nội lo ngại rằng Bắc Kinh có thể sử dụng đòn bẩy của mình với Moscow để làm suy yếu các lợi ích của Việt Nam ở Biển Đông.

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2024/03/1-75-1068x478.jpg

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch nước Việt Nam Võ Văn Thưởng trong cuộc gặp gỡ bên lề của Diễn đàn Vành đai và Con đường lần thứ ba ở Bắc Kinh ngày 17/10/2023. Nguồn: Grigory SYSOYEV/ POOL/ AFP

 

 

Dẫn nhập

 

Khi Việt Nam nỗ lực thích ứng với môi trường quốc tế ngày càng cạnh tranh hơn, giới lãnh đạo đất nước đã tự hào về “chính sách ngoại cây giao tre” đa chiều của mình. Được Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN), thúc đẩy từ giữa thập niên 2010, ý tưởng là bằng cách cân bằng mối quan hệ của Việt Nam với các cường quốc – không đứng về bên nào, tự chủ và thể hiện sự linh hoạt – nó có thể duy trì sự trung gian và lợi ích của mình, đồng thời tận dụng các cơ hội kinh tế do tình trạng cạnh tranh của các đại cường tạo ra. Cuối năm 2023, trong một cuộc thay đổi quan trọng cho chính sách ngoại giao cây tre của mình, Việt Nam đã tổ chức các chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

 

Cuộc xâm lược toàn diện của Nga vào Ukraine hồi tháng 2/2022 là một sự thử thách về tình trạng căng thẳng đối với chính sách ngoại giao cây tre của Việt Nam. Cuộc tấn công của Điện Kremlin vào Ukraine đã làm gia tăng các căng thẳng giữa đối tác cũ của Hà Nội là Nga và các đối tác mới ở phương Tây, cũng như giữa phương Tây và Trung Quốc, đối thủ truyền thống của Việt Nam. Để đối phó với cuộc xâm lược, về cơ bản, Việt Nam đã áp dụng một lập trường trung lập để tự bảo vệ mình thoát khỏi các tranh chấp của các đại cường mà nó phát sinh từ chiến tranh, duy trì mối quan hệ ổn định với tất cả các bên tham gia chính yếu và các bên có liên quan, và bảo vệ lợi ích quốc gia của mình.

 

Trong khi có thể lập luận rằng, phản ứng của Hà Nội đối với cuộc chiến Nga -Ukraine phần lớn đã thành công trong việc đạt được các mục tiêu của ĐCSVN, cuộc xung đột đặt ra những thách thức từ trung cho đến dài hạn đối với các lực lượng vũ trang lấy Liên Xô / Nga làm trung tâm của Việt Nam và tranh chấp kéo dài của chính phủ với Bắc Kinh ở Biển Đông do sự phụ thuộc ngày càng tăng của Nga vào Trung Quốc, đối tác chiến lược của mình.

 

 

Phản ứng của Việt Nam trước cuộc xâm lược của Nga

 

Đối với một số nhân vật thuộc giới tinh hoa trong ngành ngoại giao của Việt Nam, sự bùng nổ của cuộc chiến ở châu Âu có thể được quy kết cho sự thất bại thảm khốc của ba chính sách đối ngoại của ba bên tham gia chủ yếu: Phương Tây, vì đã khiêu khích Nga thông qua việc Đông tiến của khối NATO, bao gồm triển vọng việc nhận Ukraine làm thành viên; Nga, vì đã chơi vung tay quá trán trong không gian thời hậu Xô Viết; và Ukraine, vì đã thất bại trong việc giải quyết các mối quan tâm về an ninh chính đáng của Nga và xử lý đúng đắn về các mối quan hệ với các lân bang lớn hơn (điều mà Hà Nội cho rằng họ đã khéo léo với Trung Quốc hơn nhiều so với Ukraine đã làm với Nga).

 

Sau cuộc xâm lược, Hà Nội đã áp dụng lập trường trung lập. Việt Nam đã bỏ phiếu trắng đối với bốn nghị quyết của Đại Hội Đồng LHQ lên án cuộc tấn công của Nga ở Ukraine – vào ngày 2 và 24 tháng 3 năm 2022, ngày 10 tháng 10 năm 2022 và ngày 23 tháng 2 năm 2023 – và bỏ phiếu chống lại kiến nghị loại bỏ Nga ra khỏi Hội đồng Nhân quyền LHQ vào ngày 7 tháng 4 năm 2022. Phản ứng của Việt Nam đối với sự bùng nổ của cuộc xung đột được điều chỉnh bởi ba yếu tố: Nguyên tắc, lịch sử và lợi ích.

 

Cuộc xâm lược của Điện Kremlin rõ ràng đã vi phạm chủ quyền, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine. Việt Nam coi những nguyên tắc này là bất khả xâm phạm vì chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và độc lập của chính mình đã bị các nước khác vi phạm trong quá khứ, gồm Pháp, Nhật Bản, Hoa Kỳ và Trung Quốc. Hơn nữa, Hà Nội tiếp tục cáo buộc Bắc Kinh về việc vi phạm chủ quyền ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ở Biển Đông.

 

Ngày 2 tháng 3 năm 2022, tại phiên họp khẩn cấp của Đại Hội Đồng LHQ được triệu tập để thảo luận về cuộc xung đột, đại diện thường trực của Việt Nam, đại sứ Đặng Hoàng Giang, đã cố gắng đan xen giữa tầm quan trọng của đất nước ông đối với luật pháp quốc tế và không lên án đích danh Nga.

 

Trong bài phát biểu trước Đại hội đồng, ông Đặng nhấn mạnh, cách mà những người sáng lập LHQ đã ghi nhận “các nguyên tắc cơ bản” trong Hiến chương đã trở thành “nền tảng cho luật pháp quốc tế đương đại và các mối quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa các quốc gia”. Không đề cập trực tiếp đến Nga, ông tiếp tục nói rằng “các hành động không phù hợp với các nguyên tắc này tiếp tục đặt ra các mối đe dọa nghiêm trọng đối với hòa bình và an ninh quốc tế“, đồng thời “thách thức tính xác đáng và tính hợp pháp của LHQ“.

 

Nhắc lại lịch sử của đất nước mình, ông lập luận rằng, các cuộc chiến tranh và xung đột “xuất phát từ các học thuyết lỗi thời về chính trị quyền lực, tham vọng thống trị; áp đặt và sử dụng vũ lực trong việc giải quyết tranh chấp“. Ông nói tiếp: Những tranh chấp như vậy chỉ nên được giải quyết bằng “các biện pháp hòa bình, dựa trên các nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế và Hiến chương LHQ“. Ông nhắc lại đường lối của Bộ Ngoại giao Việt Nam rằng “các bên liên quan” nên kiềm chế, ngưng đánh, nối lại đối thoại và tôn trọng luật pháp quốc tế.

 

Sự miễn cưỡng của Việt Nam trong việc lên án Moscow một phần là do mối quan hệ lịch sử với Nga. Quân viện của Liên Xô vô cùng quan trọng để giành chiến thắng của ĐCSVN đối với Pháp và Hoa Kỳ trong các cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất và thứ hai. Trong thời gian Việt Nam chiếm đóng Campuchia vào thập niên 1980, Liên Xô đã cung cấp cho Hà Nội sự hỗ trợ quan trọng về quân sự, kinh tế và ngoại giao. Các nhà lãnh đạo ĐCSVN vẫn mang ơn sâu đậm đối với Moscow và luôn bày tỏ lòng biết ơn khi gặp những người đồng cấp Nga. Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nói với đồng cấp Nga, Dmitry Chernyshenko, hồi tháng 4/2023: “Các mối quan hệ của chúng ta đã trải qua rất nhiều thách thức, và thể hiện đầy đủ với lòng trung thành và biết ơn. Việt Nam sẽ không bao giờ quên sự ủng hộ của nhân dân Nga“.

 

Yếu tố thứ ba và quan trọng nhất mà nó quyết định cho phản ứng của Việt Nam đối với cuộc xâm lược là sự cần thiết phải bảo vệ lợi ích quốc gia của Việt Nam. Nga không phải là một nguồn chủ yếu về thương mại và đầu tư đối với Việt Nam, nhưng Nga là một cố hữu và, như được mô tả sau này, là một nguồn quân viện quan trọng và là một đối tác có giá trị trong lĩnh vực năng lượng của đất nước. Như vậy, kể từ khi xung đột bùng nổ, Việt Nam đã nỗ lực duy trì mối quan hệ thân hũu với Nga, tổ chức các chuyến thăm của các quan chức cấp cao Nga và thậm chí mời Tổng thống Vladimir Putin đến thăm Việt Nam.

 

Nhưng quan trọng hơn trong việc giữ các điều kiện tốt đẹp với Nga là giữ mối quan hệ tốt hơn với Hoa Kỳ, châu Âu và Nhật Bản, những đối tác thương mại và đầu tư quan trọng nhất của Việt Nam. Như vậy, cho đến nay, Hà Nội chưa thực hiện bất kỳ hành động nào có thể được coi là làm suy yếu các biện pháp trừng phạt của phương Tây, bao gồm việc khôi phục các chuyến bay trực tiếp với Nga sau đại dịch COVID-19 (hãng hàng không Aeroflot của Nga sử dụng cả máy bay Boeing và Airbus). Việt Nam cũng không đồng ý với yêu cầu của Điện Kremlin về việc tái xuất khẩu các khí tài quân sự, đạn dược và phụ tùng thay thế do Liên Xô/Nga sản xuất để bù đắp cho những tổn thất trên chiến trường của lực lượng vũ trang Nga ở Ukraine, như đối tác của Việt Nam trong khối ASEAN là Myanmar đã làm.

 

Giữa hai bên tham chiến, việc giữ Moscow ở bên cạnh rõ ràng là ưu tiên của Việt Nam. Nhưng để phù hợp với chính sách ngoại giao cây tre của mình, Hà Nội cũng đã cẩn thận để không xúc phạm đến Kyiv. Xét cho cùng, Ukraine đã từng là một phần của Liên Xô, và do đó đóng một vai trò trong các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc của Việt Nam. Thiết bị quân sự sản xuất ở Ukraine được chuyển giao cho miền Bắc Việt Nam; các sĩ quan Ukraine trong Hồng quân Liên Xô từng là cố vấn cho Quân đội Nhân dân Việt Nam; và các đơn vị quân đội của Việt Nam học lái xe tăng tại nhà máy Malyshev ở Kharkiv (nơi diễn ra một số cuộc giao tranh ác liệt nhất giữa lực lượng Nga và Ukraine trong những tháng đầu tiên của cuộc chiến).

 

Lịch sử chung này đã khiến cho Việt Nam kiềm chế, không công khai chỉ trích chính phủ của Tổng thống Volodymyr Zelenskyy vì cách xử lý sai lầm trong các mới quan hệ với Nga. Hơn nữa, rõ ràng có một số sự đồng cảm ở Việt Nam dành cho Ukraine. Trong năm đầu tiên của cuộc chiến, chính phủ Việt Nam đã cung cấp viện trợ nhân đạo cho Ukraine bằng cách quyên góp 500.000 đô la Mỹ cho các tổ chức cứu trợ quốc tế. Vingroup, tập đoàn lớn nhất Việt Nam, đã cung cấp 135 tấn mì ăn liền cho Chính quyền khu vực Kharkiv. Một số cơ sở giáo dục tư thục ở Việt Nam đã cấp học bổng cho sinh viên Ukraine bị ảnh hưởng bởi chiến tranh.

 

Tại hội nghị thượng đỉnh G7 ở Hiroshima hồi tháng 5/2023 – nơi Nhật Bản mời cả Việt Nam và Ukraine – Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có cuộc gặp Tổng thống Zelensky. Thông tấn xã nhà nước Việt Nam tường thuật rằng, ông Chính đã nói với Zelensky là Việt Nam coi trọng mối quan hệ với Ukraine và về vấn đề xung đột đang diễn ra, lập trường của Hà Nội là tôn trọng luật pháp quốc tế và Hiến chương LHQ. Đáng chú ý, ông nói thêm: “Là một đất nước đã trải qua nhiều cuộc chiến tranh, Việt Nam hiểu giá trị của hòa bình“.

(Còn tiếp)

 

                                                         ***

 

Việt Nam và cuộc chiến Nga – Ukraine: “Chính sách ngoại giao cây tre” của Hà Nội mang lại kết quả nhưng vẫn còn thách thức (Phần 2)

Ian Storey  -  Fulcrum

Đỗ Kim Thêm dịch

22/03/2024

https://baotiengdan.com/2024/03/23/viet-nam-va-cuoc-chien-nga-ukraine-chinh-sach-ngoai-giao-cay-tre-cua-ha-noi-mang-lai-ket-qua-nhung-van-con-thach-thuc-phan-2/  

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2024/03/1-15-938x420.webp

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch nước Việt Nam Võ Văn Thưởng trong cuộc gặp gỡ bên lề của Diễn đàn Vành đai và Con đường lần thứ ba ở Bắc Kinh ngày 17/10/2023. Nguồn: Grigory SYSOYEV/ POOL/ AFP

 

                                                             *

 

Vietnam-Russia defense relations

 

Since the early days of the Cold War, defense cooperation has been a key pillar of Vietnam-Russia relations. As noted earlier, Soviet (and Chinese) reinforcements to the Vietnamese People's Army were instrumental in Hanoi's defeat of the French and American armies. Life 

 

Sau thời Chiến Tranh Lạnh, Việt Nam tiếp tục dựa vào Nga như là nguồn cung cấp chủ yếu về vũ khí. Từ năm 1995 đến năm 2015, Việt Nam đã mua vũ khí của Nga với trị giá 5,68 tỷ đô la Mỹ, tương đương với 90% mức nhập khẩu về quốc phòng của đất nước. Hầu hết vũ khí tồn kho của Quân đội Nhân dân Việt Nam hiện nay – bao gồm máy bay chiến đấu, xe tăng, tàu ngầm và tàu chiến trên mặt nước – đều là các thiết bị do Liên Xô và Nga sản xuất.

 

Việc Nga chiếm đóng Crimea năm 2014 là một bước ngoặt trong mối quan hệ quốc phòng Việt-Nga. Việt Nam trở nên lo ngại rằng các biện pháp trừng phạt và kiểm soát xuất khẩu của phương Tây nhắm vào lĩnh vực công nghiệp quốc phòng của Nga sẽ ảnh hưởng đến chất lượng hệ thống vũ khí của Nga và làm gián đoạn lịch trình giao hàng. Những lo ngại đó càng trở nên trầm trọng hơn nhiều kể từ khi cuộc chiến Nga-Ukraine bùng nổ và việc phương Tây thắt chặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga.

 

Hơn nữa, màn trình diễn mờ nhạt của quân đội Nga ở Ukraine đã khiến cho giới lãnh đạo cấp cao của Quân đội Nhân dân Việt Nam lo lắng. Nếu người Nga không thể đánh bại một kẻ thù yếu hơn, thì làm sao Quân đội Nhân dân Việt Nam do Nga trang bị và huấn luyện sẽ chống lại một đối thủ mạnh hơn nhiều như Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc? Điều này được chú ý gần đây nhất khi hai tàu tuần tra tên lửa lớp Taruntul của Hải quân Nga bị máy bay không người lái của Ukraine phá hủy hồi tháng 12/2023 và tháng 2/2024. Hải quân Việt Nam vận hành 12 tàu loại này.

 

Kể từ năm 2014, nhu cầu giảm sự phụ thuộc quân sự của Việt Nam vào Nga đã rõ ràng. Nhưng việc chuyển đổi từ một nhà cung cấp quan trọng về vũ khí là tốn kém và mất thời gian. Do đó, Việt Nam sẽ vẫn phụ thuộc vào lĩnh vực quốc phòng của Nga trong một hoặc hai thập niên nữa. Để giải quyết vấn đề này, Việt Nam đã thực hiện một chiến lược ba hướng: Trang bị thêm, bản địa hóa và đa dạng hóa.

 

Mũi nhọn đầu tiên là trang bị thêm các thiết bị hiện có do Nga sản xuất để nâng cấp khả năng của họ với sự hỗ trợ từ các quốc gia khác mà nó vận hành số thiết bị của Liên Xô / Nga, bao gồm Ấn Độ và các thành viên thuộc Hiệp ước Warsaw cũ như Cộng hòa Séc.

 

Mũi nhọn thứ hai là hỗ trợ sự phát triển của một ngành công nghiệp quốc phòng bản địa để Việt Nam có thể giảm sự phụ thuộc vào các nước khác trong việc hỗ trợ trang bị thêm và mua sắm mới. Ngành công nghiệp quốc phòng non trẻ của Việt Nam, dẫn đầu bởi các doanh nghiệp quốc doanh như doanh nghiệp viễn thông Viettel, hiện nay đang sản xuất máy bay trinh sát không người lái, radar, các vũ khí nhẹ và tên lửa. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn còn cần nhiều thập niên nữa mới có thể tự cung ứng trong lĩnh vực quốc phòng.

 

Mũi nhọn thứ ba là mua phần cứng về quân sự từ các quốc gia khác ngoài Nga. Thực ra, Việt Nam đã bắt đầu chính sách tuần tự về việc đa dạng hóa vũ khí trước năm 2014, mua hàng từ Israel, Hàn Quốc, Pháp và Nhật Bản. Nhưng cuộc chiến Nga – Ukraine buộc Việt Nam phải đẩy nhanh chính sách này. Hà Nội có thể sẽ tăng cường mối quan hệ đối tác quốc phòng với Hàn Quốc và một số nước châu Âu, bao gồm Anh và Pháp. Mua vũ khí từ Hoa Kỳ, bao gồm cả chiến đấu cơ như F-16 đã qua sử dụng, vẫn là một khả năng, mặc dù một số trở ngại cản trở mối quan hệ quốc phòng gần gũi hơn giữa Hoa Kỳ và Việt Nam.

 

Bất chấp những vấn đề mà ngành công nghiệp quốc phòng của Nga đối mặt, không thể loại trừ vai trò tiếp tục của ngành này trong các kế hoạch mua sắm quốc phòng của Việt Nam. Giới lãnh đạo Quân đội Nhân dân Việt Nam đã trở nên thoải mái với mối quan hệ kéo dài hàng thập niên với Nga và ít tin tưởng vào các nước khác, đặc biệt là Mỹ, kẻ cựu thù. Hơn nữa, việc tích hợp các thiết bị không phải của Nga với kho hàng hiện có của Quân đội Nhân dân Việt Nam sẽ có vấn đề rắc rối. Tháng 9/2023, có thông tin cho rằng Việt Nam và Nga đã thỏa thuận một việc thương thảo về số vũ khí trị giá 8 tỷ đô la Mỹ, sử dụng lợi nhuận từ liên doanh năng lượng của họ ở Siberia. Tuy nhiên, vẫn còn phải xem liệu Việt Nam có tiếp tục thực hiện bất kỳ vụ thương vụ khổng lồ nào với Nga trong tương lai gần hay không.

 

 

Việt Nam và mối quan hệ Nga – Trung

 

Cuộc chiến Nga – Ukraine đã củng cố mối quan hệ chiến lược Trung – Nga. Moscow và Bắc Kinh chia sẻ các thế giới quan tương tự, đặc biệt là sự cần thiết phải chống lại bá quyền Mỹ. Không có lợi cho Trung Quốc trong việc Nga thua trận, cũng như các biện pháp trừng phạt của phương Tây thành công. Mặc dù Bắc Kinh không công khai ủng hộ sự gây hấn của Nga, nhưng họ đã bày tỏ sự đồng cảm với lý do Moscow phát động cuộc xâm lược, bỏ phiếu trắng tại Đại Hội Đồng LHQ khi lên án Moscow, tăng cường can dự kinh tế với Nga và cung cấp quân viện hạn chế. Tuy nhiên, cuộc chiến đã khuếch đại tình trạng bất cân xứng về quyền lực trong mối quan hệ Nga – Trung khi sự phụ thuộc về chính trị và kinh tế của Moscow vào Bắc Kinh ngày càng sâu đậm. Không có quốc gia nào khác ở Đông Nam Á bị ảnh hưởng bởi sự năng động này như Việt Nam. Nó có ý nghĩa quan trọng đối với tranh chấp đang diễn ra của Việt Nam với Trung Quốc ở Biển Đông cũng như hợp tác quốc phòng với Nga.

 

Việt Nam lo ngại rằng, việc Nga phụ thuộc vào Trung Quốc ngày càng tăng, Bắc Kinh có thể sử dụng đòn bẩy với Moscow để làm suy yếu lợi ích của Việt Nam. Điều này bao gồm gia tăng áp lực cho Điện Kremlin rút các doanh nghiệp quốc doanh về năng lượng ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và ngừng bán vũ khí cho Quân đội Nhân dân Việt Nam …

 

Nga có cổ phần đáng kể trong lĩnh vực dầu khí của Việt Nam. Hai doanh nghiệp quốc doanh về năng lượng của Nga là Zarubezhneft và Gazprom, hiện đang tham gia vào các dự án khai thác và sản xuất trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) 200 hải lý của Việt Nam. Vietsovpetro (VSP) – một liên doanh được thành lập bởi Zarubezhneft của Liên Xô và PetroVietnam, một doanh nghiệp quốc doanh của Việt Nam vào năm 1982 – có các dự án khoan tại năm mỏ dầu khí ngoài khơi Việt Nam.

 

Theo Vietsovpetro, tính đến cuối năm 2017, doanh nghiệp này đã sản xuất được 228 triệu tấn dầu thô và 32,5 tỷ mét khối khí, tạo ra doanh thu 77 tỷ đô la Mỹ, trong đó chính phủ Việt Nam thu được 48 tỷ đô la Mỹ. Năm 2010, hai doanh nghiệp đồng ý kéo dài sự hợp tác cho đến năm 2030. Năm 2021, Rosneft, doanh nghiệp dầu mỏ lớn nhất của Nga, đã bán phần của mình trong hai mỏ năng lượng ở lưu vực sông Nam Côn Sơn cho Zarubezhneft. Gazprom, doanh nghiệp khí đốt lớn nhất của Nga, đã thành lập một liên doanh với PetroVietnam vào năm 1997, Vietgazprom (VGP), để phát triển các dự án về năng lượng ở ngoài khơi. Chúng bao gồm các mỏ khí Hải Thạch và Mộc Tĩnh, trong năm 2017 chiếm 21% tổng sản lượng khí đốt tự nhiên của Việt Nam.

 

Một số lô năng lượng mà Vietsovpetro (VSP) và Vietgazprom (VGP) hoạt động nằm trong đường chín đoạn của Trung Quốc. Bắc Kinh tuyên bố quyền tài phán đối với các nguồn tài nguyên biển trong đường đó, bao gồm cả trữ lượng dầu khí. Năm 2016, Trung Quốc bác bỏ phán quyết của tòa trọng tài do LHQ hậu thuẫn, trong đó phán quyết đường chín đoạn không tương thích với Công ước LHQ năm 1982 về Luật Biển (UNCLOS) và do đó không hợp lệ. Nga không công nhận đường chín đoạn của Trung Quốc, nhưng đồng cảm với quyết định [của Trung Quốc] bác bỏ phán quyết của tòa trọng tài năm 2016.

 

Bắc Kinh khẳng định các yêu sách của mình bằng cách sử dụng các tàu Cảnh sát biển Trung Quốc (China Coast Guard, CCG) và dân quân biển để quấy rối các tàu khảo sát và giàn khoan hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của các nước Đông Nam Á, mà nó thường chồng lấn với đường chín đoạn mở rộng. Mặc dù các mối quan hệ giữa Nga và Trung Quốc được thắt chặt trong thập niên qua, Bắc Kinh đã không tạo ra ngoại lệ đối với các tàu được thuê bởi liên doanh Việt – Nga. Ví dụ, trong năm năm qua, các tàu Cảnh sát biển Trung Quốc (CCG), thường đi cùng với các tàu khảo sát và tàu đánh cá Trung Quốc, đã nhiều lần xâm nhập vào vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam, đôi khi đi qua rất gần tới các giàn khoan do Nga thuê, dẫn đến một trò chơi mèo vờn chuột gây căng thẳng giữa các tàu cảnh sát biển của Việt Nam và Trung Quốc. Chính sự quấy rối của tàu Cảnh sát biển Trung Quốc (CCG) đã khiến cho Rosneft phải bán đi phần đầu tư của mình ở lưu vực Nam Côn Sơn cho Zarubezhneft hồi năm 2021 để bảo vệ lợi ích thương mại của họ ở Trung Quốc, khách hàng lớn nhất của doanh nghiệp.

 

Mục đích của các chiến thuật đe dọa của Trung Quốc có hai mặt. Thứ nhất, tạo ra một môi trường hoạt động thù địch cho các doanh nghiệp ngoại quốc về năng lượng ở Biển Đông, buộc họ phải chấm dứt các thương vụ (như Repsol của Tây Ban Nha và Marudaba của Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất đã làm vào năm 2020 và Rosneft một năm sau đó). Thứ hai, ép buộc các bên tranh chấp ở Đông Nam Á hủy hợp đồng với các tập đoàn ngoại quốc về năng lượng và tham gia vào các dự án phát triển mới với các tập đoàn Trung Quốc.

 

Cả Việt Nam và Nga đều không sẵn sàng nhượng bộ các mong muốn của Trung Quốc. Thực ra, trong Bản Tuyên bố chung năm 2021 về Tầm nhìn phát triển quan hệ Việt Nam – Nga năm 2030, hai nước cam kết tăng cường hợp tác giữa các doanh nghiệp dầu khí “cho phù hợp với luật quốc tế, bao gồm UNCLOS và các luật quốc nội của Việt Nam và Nga”.

 

Hà Nội hoan nghênh sự tham gia của các doanh nghiệp ngoại quốc về năng lượng vào các dự án về khai thác và sản xuất của mình không chỉ vì họ là một nguồn chuyên môn kỹ thuật và vốn quan trọng, mà còn vì Việt Nam có quyền chủ quyền theo UNCLOS để quyết định trữ lượng dầu khí trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của mình nên được phát triển như thế nào và với ai.

 

Nga cũng rất coi trọng việc tiếp tục hoạt động của các doanh nghiệp năng lượng trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam. Các liên doanh với PetroVietnam có lợi nhuận cao và tạo ra nguồn doanh thu quan trọng vào thời điểm xuất khẩu dầu khí của Nga sang châu Âu bị cắt giảm mạnh sau khi Liên Âu áp đặt các biện pháp trừng phạt. Hơn nữa, nếu Nga chấp nhận yêu cầu của Trung Quốc và chấm dứt hợp tác năng lượng với Việt Nam, họ sẽ bị tổn hại thanh danh ở Việt Nam và các nước khác ở Đông Nam Á. Các quốc gia trong khu vực có thể sẽ kết luận rằng Nga là đối tác cấp dưới của Trung Quốc và phụ thuộc vào lợi ích của Bắc Kinh ở Đông Nam Á. Điều này sẽ làm suy yếu tuyên bố của Moscow rằng họ hoạt động độc lập trong nền chính trị toàn cầu.

 

Việt Nam lo ngại rằng do sự phụ thuộc ngày càng gia tăng của Nga với Trung Quốc, Bắc Kinh có thể sử dụng đòn bẩy của mình với Moscow để làm suy yếu lợi ích của Việt Nam. Điều này bao gồm gia tăng áp lực lên Điện Kremlin để rút khỏi các doanh nghiệp quốc doanh về năng lượng ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam và ngừng bán vũ khí cho Quân đội Nhân dân Việt Nam, đặc biệt là vũ khí tấn công có thể được sử dụng chống lại Trung Quốc trong một cuộc đối đầu quân sự ở Biển Đông.

 

Tuy nhiên, Việt Nam đánh giá là trong ngắn hạn, việc tăng cường các mối quan hệ Nga – Trung có thể không có tác động quan trọng đến lợi ích của Việt Nam, vì hai lý do. Thứ nhất, Trung Quốc hiểu tầm quan trọng về kinh tế và địa chính trị của các hoạt động của Nga trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam và sẵn sàng chấp nhận sự tiếp tục của họ trong một thời gian dài hơn vì lợi ích của quan hệ đối tác chiến lược của họ.

 

Hơn nữa, động lực quyền lực trong các quan hệ Trung – Nga vẫn chưa lệch lạc đến mức Bắc Kinh có thể buộc Moscow phải thực hiện mệnh lệnh của mình. Thứ hai, Trung Quốc cũng hiểu rằng nếu họ thúc ép Việt Nam quá mạnh, bao gồm cả thông qua mối quan hệ với Nga, điều đó có thể buộc Hà Nội tạo ra mối quan hệ gần gũi hơn với Hoa Kỳ. Tuy nhiên, một mối quan hệ chiến lược Trung – Nga mạnh mẽ hơn đặt ra những thách thức trung và dài hạn cho Việt Nam và tạo thêm động lực cho Hà Nội giảm sự phụ thuộc quân sự vào Nga.

______

 

Tác giả: Ian Storey là thành viên nghiên cứu cao cấp tại ISEAS – Viện Yusof Ishak, Singapore

 

Nguồn :

Vietnam and the Russia-Ukraine War: Hanoi’s ‘Bamboo Diplomacy’ Pays Off but Challenges Remain

PUBLISHED 22 MAR 2024

IAN STOREY

 https://fulcrum.sg/vietnam-and-the-russia-ukraine-war-hanois-bamboo-diplomacy-pays-off-but-challenges-remain/

 

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats