Thursday, 28 March 2024

VIỆT NAM KHẲNG ĐỊNH VỤ CHỦ TỊCH NƯỚC TỪ CHỨC KHÔNG ẢNH HƯỞNG ĐẾN CHÍNH SÁCH ĐỐI NGOẠI (Thu Hằng / RFI)

 



Việt Nam khẳng định vụ chủ tịch nước từ chức không ảnh hưởng đến chính sách đối ngoại

Thu Hằng  -  RFI

Đăng ngày: 27/03/2024 - 11:25

https://www.rfi.fr/vi/vi%E1%BB%87t-nam/20240327-vi%E1%BB%87t-nam-kh%E1%BA%B3ng-%C4%91%E1%BB%8Bnh-v%E1%BB%A5-ch%E1%BB%A7-t%E1%BB%8Bch-n%C6%B0%E1%BB%9Bc-t%E1%BB%AB-ch%E1%BB%A9c-kh%C3%B4ng-%E1%BA%A3nh-h%C6%B0%E1%BB%9Fng-%C4%91%E1%BA%BFn-ch%C3%ADnh-s%C3%A1ch-%C4%91%E1%BB%91i-ngo%E1%BA%A1i

 

Việt Nam trấn an Hoa Kỳ rằng việc từ chức của chủ tịch nước Võ Văn Thưởng không tác động đến chính sách đối ngoại và kinh tế của Hà Nội, nhờ vào sự lãnh đạo và hoạch địch chính sách của tập thể. Ngày 26/03/2024, trao đổi với Viện Brookings ở Washington, trong khuôn khổ chuyến công du Mỹ, ngoại trưởng Bùi Thanh Sơn khẳng định chiến dịch chống tham nhũng của Việt Nam được cộng đồng quốc tế và giới doanh nghiệp hoan nghênh.

 

https://s.rfi.fr/media/display/f3a8296a-ec20-11ee-a34b-005056bfb2b6/w:980/p:16x9/2024-03-25T174557Z_1853516505_RC22T6AGF4IW_RTRMADP_3_USA-VIETNAM.webp

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken (T) hộ đàm với đồng nhiệm Việt Nam Bùi Thanh Sơn (thứ hai từ phải qua), tại bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, Washington, Mỹ, ngày 25/03/2024. REUTERS - Kevin Lamarque

 

Ngoại trưởng Bùi Thanh Sơn lưu ý là Việt Nam có nguyên tắc « tập thể lãnh đạo »« có chính sách đối ngoại và phát triển kinh tế do tập thể quyết định ». Chính sách này được định hướng trong kỳ Đại hội Đảng, diễn ra 5 năm một lần, cho nên, xin trích, « tôi nghĩ, nếu một hoặc hai cá nhân trong ban lãnh đạo từ chức, (việc đó) không gây bất kỳ ảnh hưởng nào đến tình hình ».

 

Ngoài ra, vẫn theo ông Sơn, Việt Nam luôn tìm kiếm những mối quan hệ hữu hảo với các cường quốc, được thể hiện qua chính sách « ngoại giao cây tre ». Ông cũng hoan nghênh những nỗ lực của Mỹ và Trung Quốc để ổn định quan hệ giữa hai đại cường.

 

Ngoại trưởng Việt Nam Bùi Thanh Sơn dẫn đầu một phái đoàn công du Mỹ trong khuôn khổ cuộc hội đàm cấp bộ trưởng song phương đầu tiên kể từ khi Hà Nội và Washington nâng cấp quan hệ lên thành đối tác chiến lược toàn diện. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã tiếp phái đoàn Việt Nam chiều 25/03. Ngoài ra, trong các buổi làm việc với cố vấn an ninh Nhà Trắng Jake Sullivan và tổng giám đốc Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) Samantha Power, ông Bùi Thanh Sơn hy vọng Washington sớm công nhận Việt Nam là « nền kinh tế thị trường ».

 

Trong bài phát biểu đón phái đoàn Việt Nam chiều 25/03, được đăng trên trang web của bộ Ngoại Giao Mỹ, ông Antony Blinken hoan nghênh những tiến bộ mà hai nước đạt được kể từ chuyến công du Hà Nội của tổng thống Joe Biden, đặc biệt trong các lĩnh vực quan trọng như chất bán dẫn, chuỗi cung ứng toàn cầu, giáo dục, công nghệ và trao đổi về con người. Theo ông Blinken, đây là những bằng chứng khẳng định « cam kết của Mỹ đối với khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương, cũng như vai trò trọng tâm của Việt Nam ».

 

--------------------------

Các nội dung liên quan

 

ĐIỂM BÁO

Đối tác chiến lược toàn diện : Kỷ nguyên mới trong quan hệ Việt-Mỹ

 

PHÂN TÍCH

Chủ tịch nước từ chức: Lo ngại bất ổn chính trị ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam






No comments:

Post a Comment

View My Stats