Vì sao Trương Mỹ Lan phải chết?
Hiếu Chân/Người Việt
March
22, 2024
https://www.nguoi-viet.com/binh-luan/vi-sao-truong-my-lan-phai-chet/
Vụ
án Trương Mỹ Lan và đồng phạm đang diễn ra ở Sài Gòn tràn ngập truyền thông
trong nước và hải ngoại cả tháng qua cho đến khi bị vụ lùm xùm “phế truất Chủ Tịch
Nước Võ Văn Thưởng” chiếm sóng vài hôm trước. Nhưng những ai theo dõi vụ Trương
Mỹ Lan đều không khỏi bất ngờ khi ngày 19 Tháng Ba, bà bị Viện Kiểm Sát đề nghị
mức án tử hình về ba tội danh “tham ô tài sản,” “đưa hối lộ,” và “vi phạm quy định
về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.” Báo chí trong nước nói rằng
bà Lan ngã quỵ giữa pháp đình khi nghe đại diện Viện Kiểm Sát tuyên bố đanh
thép: “Bị cáo Trương Mỹ Lan phạm tội nhiều lần trong thời gian dài, với thủ đoạn
tinh vi, phạm tội có tổ chức. Quá trình điều tra và xét xử không thành khẩn,
khai báo quanh co, đổ lỗi cho cấp dưới, hành vi phạm tội gây hậu quả đặc biệt
nghiêm trọng không có khả năng thu hồi, nên cần loại bỏ ra khỏi xã hội.”
https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2024/03/BL-Truong-My-Lan-Phai-Chet.jpg
Bà
Trương Mỹ Lan. (Hình: Quỳnh Trần/VNExpress)
Về
hành vi phạm tội của bà Lan và thiệt hại trầm trọng mà bà và đồng phạm gây ra
thì công an điều tra và Viện Kiểm Sát đã thông tin khá chi tiết, với nhiều “kỷ
lục” gây choáng váng dư luận. Báo chí cả trong nước và hải ngoại đã loan tin
khá đầy đủ, xin phép không nhắc lại ở đây.
Khách
quan mà nói, đó mới chỉ là thông tin một chiều từ phía công an điều tra và Viện
Kiểm Sát giữ vai trò công tố. Trước tòa, bà Lan liên tục phủ nhận những cáo buộc
trong cáo trạng và lời khai của các bị cáo khác. Sự thật như thế nào cần có
thêm thời gian mới biết được. Trong hoàn cảnh trắng đen chưa thật minh bạch, cuộc
tranh luận trước tòa vẫn đang diễn ra nhiều ngày nữa, việc nêu án tử hình cho
bà Trương Mỹ Lan – án tử hình duy nhất bị đề nghị trong vụ án – phải chăng là một
hành động vội vàng, bất cận nhân tình hoặc che giấu một thâm ý sâu xa nào đó?
Như chúng
tôi trình bày trong một bài trước, vụ án Trương Mỹ Lan chỉ là một trường hợp
tiêu biểu cho cái thể chế quái đản của Việt Nam trong đó giới quan chức cao cấp
câu kết với giới kinh doanh ma quỷ để trục lợi trên tài nguyên quốc gia và mồ
hôi nước mắt của dân chúng. Không có bảo kê của các quan chức cao cấp nhất của
thành phố Sài Gòn, của Ngân Hàng Nhà Nước Việt Nam thì một người xuất thân bán
vải ở Chợ Lớn như bà Trương Mỹ Lan chẳng thể nào chiếm đoạt một số tiền lớn
tương đương 5% GDP của quốc gia như vậy, thâu tóm hàng ngàn khu đất vàng ở những
vị trí đắc địa nhất, sang trọng nhất trung tâm Sài Gòn như vậy. Quá trình phạm
tội của bà Lan kéo dài hàng chục năm, không phải một sớm một chiều, và 10 năm
trước bà từng bị kêu tên trong một vụ đại án tham nhũng nhưng không hề hấn gì cả,
chứng tỏ số quan chức bảo kê cho bà Lan chắc không ít và phải ở cấp rất cao đầy
quyền lực.
Những
bàn tay bẩn trong bóng tối đó dân chúng Sài Gòn đều biết, tuy biết chưa đầy đủ
và không có bằng chứng vững vàng. Tuy nhiên, những người có chức trách liên
quan tới tới lĩnh vực hoạt động của bà không thể không biết. Bây giờ bà Lan ngồi
trong nhà đá, hằng ngày phải đi khai cung, là cơ hội quý báu để cơ quan tư pháp
tìm hiểu, phanh phui ra những đường dây mafia bảo kê cho bà, lôi ra trước công
lý những bộ mặt đen cùng ăn chia với bà trong nhiều năm qua. Cũng có thể đây là
dịp phanh phui thủ đoạn thao túng kinh tế Việt Nam của cơ quan tình báo Trung
Quốc thông qua bà Lan – một người Việt gốc Hoa – và chồng bà, bị cáo Chu Lập
Cơ, doanh nhân người Trung Quốc. “Loại
trừ vĩnh viễn” bà Trương Mỹ Lan khỏi xã hội phải chăng là một cách nói, nhân
danh công lý, để “giết người diệt khẩu” nhằm tiếp tục che giấu và bảo đảm an
toàn cho các “trùm cuối” từ Sài Gòn tới trung ương đã đồng loã hoặc bao che cho
hành vi phạm tội của bà?
Một
trong những quan chức như vậy bị lộ và phải ra trước vành móng ngựa là bà Đỗ
Thị Nhàn, trưởng Cục II thuộc cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng Ngân
Hàng Nhà Nước, người đã nhận của bà Trương Mỹ Lan $5.2 triệu để sửa đổi báo cáo
thanh tra nhằm giúp cho ngân hàng SCB của bà Lan không bị đưa vào diện kiểm
soát đặc biệt. Viện Kiểm Sát đề nghị mức án cho bà Nhàn là “tù chung thân.” Điều
354 Bộ Luật Hình Sự 2015 của Việt Nam quy định, “người nhận hối lộ, người phạm
tội nhận hối lộ sẽ bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình nếu thuộc một
trong các trường hợp sau: Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất
khác trị giá 1 tỷ đồng trở lên; Gây thiệt hại về tài sản 5 tỷ đồng trở lên.”
Bà
Nhàn đã không bị áp mức hình phạt cao nhất (tử hình) theo Điều 354 Bộ Luật Hình
Sự dù số tiền hối lộ mà bà nhận cao gấp trăm lần mức ghi trong điều luật. Và so
án tù giữa hai người đàn bà người ta thấy có gì đó không công bằng. Bà Lan gây
thiệt hại rất lớn cho nền tài chính quốc gia, nhưng hành vi phạm tội của bà có
phần là hậu quả của một thể chế quái đản trong đó đảng CSVN độc quyền tuyệt đối
về chính trị và dựng nên một nền kinh tế bè phái chỉ nhằm đục khoét tài nguyên.
Bà Lan là thủ phạm nhưng cũng là nạn nhân của thể chế đó. Ngược lay, bà Nhàn là
quan chức, người được nhân dân trả lương để thực thi quyền lực nhà nước, lẽ ra
phải là người liêm khiết. Hành vi nhận hối lộ để thay trắng đổi đen bất chấp
thiệt hại cho đất nước của bà Nhàn kinh tởm hơn nhiều so với tội của bà Lan. Dù
chúng tôi phản đối án tử hình, nhưng phải nói trong trường hợp này, người đáng
bị tử hình là bà Nhàn chứ không phải bà Lan.
Đằng
này Viện Kiểm Sát đề nghị tử hình bà Lan như một biện pháp đe dọa xã hội trong
khi nương nhẹ bà Nhàn – cách đối xử bên trọng bên khinh như vậy sẽ chẳng có tác
dụng chống tham nhũng làm trong sạch bộ máy chính quyền, như “Tổng” Trọng nhiều
lần tuyên bố. Như vậy, hành động này không ngăn chặn phạm tội hay thúc đẩy điều
tốt mà có khi lại tác dụng ngược là khuyến khích quan chức ăn hối lộ vì nếu chẳng
may bị “vô lò” thì cũng không mất mạng, chỉ ngồi tù một số năm rồi về hưởng thụ
đống tài sản kếch xù do tham nhũng mà có.
Điều
mà công luận mong mỏi trong vụ án này là bằng mọi cách thu hồi số tiền thiệt hại,
thu được bao nhiêu tốt bấy nhiêu, và trả cho người bị mất tiền! Điều mà nhiều
người đang lo là đống tài sản khổng lồ của gia tộc bà Trương Mỹ Lan sẽ được dấm
dúi chia chác cho đám quan chức chưa bị lộ đang giương cặp mắt hau háu nhìn vào
1,237 bất động sản và nhiều tài sản có giá trị khác của bà ta đã bị cơ quan tố
tụng tịch biên và sẽ bị bán trao tay trong các vụ “thanh lý” mù mờ sẽ diễn ra
khi phiên tòa này kết thúc. Rốt cuộc, tai họa của người này là cơ hội của kẻ
khác và người dân muôn đời vẫn chỉ là những khán giả đứng bên lề và gánh chịu mọi
thiệt thòi.
Hành
động vội vàng công bố “tử hình” bà Trương Mỹ Lan khi phiên tòa mới diễn ra được
một phần tư lịch trình còn là thủ đoạn ra giá để mặc cả của cơ quan tố tụng. Kể
từ vụ án “chuyến bay giải cứu” nổi đình nổi đám trước đây, tòa án Việt Nam đang
dần biến thành một thứ chợ trời, ở đó người phạm tội có thể “nộp tiền khắc phục
hậu quả” để được giảm án. Mức án đôi khi không phụ thuộc vào hành vi phạm tội
mà tùy vào số tiền bị cáo bỏ ra để “chạy.”
Dù
bị bắt giam, bà Lan và gia tộc của bà vẫn còn cả núi tiền, nhiều bất động sản
có giá trị lớn. Mới đây, bà Lan yêu cầu tòa dùng số tiền 1,350 tỷ đồng mà bị
cáo Nguyễn Cao Trí và một số người khác trả cho bà “để khắc phục hậu quả cho
cháu ruột mình là bị cáo Trương Huệ Vân.” Đề nghị một cái án cực cao, “tử
hình,” cho bà Lan, buộc bà này phải “nôn” tiền ra đổi lấy mạng sống có thể là mục
đích mà các quan chức trong cơ quan tố tụng nhắm tới. Khi đề nghị tử hình bà
Lan, Viện Kiểm Sát còn thòng thêm câu: “[Bị cáo Trương Mỹ Lan] có nhiều tình tiết
giảm nhẹ như phạm tội lần đầu, có nhân thân tốt, tích cực tham gia các hoạt động
từ thiện, phòng chống dịch, đóng góp cho cộng đồng,” chuẩn bị sẵn lý lẽ để
thanh minh nếu sau này bà Lan thoát án tử và được hưởng một mức án nhẹ hơn. Vấn
đề là ở chỗ bà Lan có sẵn sàng bỏ ra rất nhiều tiền để chạy án như toan tính đó
hay không thì chưa biết được dù có người đoan chắc bà Lan sẽ không sao, một người
nhiều tiền như vậy sẽ không cam tâm chịu án tử hình vì ở xứ này, cái gì cũng có
thể mua được.
Nếu
tiếc tiền, bà Lan có thể bị tòa tuyên án tử hình theo đề nghị của Viện Kiểm
Sát. Nếu chung đủ tiền, bà có thể tự do sau vài năm ngồi tù “trong nhung lụa.”
Dù thế nào thì qua những vụ án như thế này công chúng càng thấy rõ bản chất thối
nát bỉ ổi của một thể chế chính trị đang đến hồi mạt vận và công lý là một thứ
hàng xa xỉ không dành cho dân chúng. [đ.d.]
No comments:
Post a Comment