Saturday, 23 March 2024

CÁI CHẾ ĐỘ MÌNH NÓ THẾ (Kim Ngữ / Người Việt)

 



 

Cái chế độ mình nó thế

Kim Ngữ  -  Người Việt

March 21, 2024

https://www.nguoi-viet.com/dien-dan/cai-che-do-minh-no-the/  

 

Nhại lại câu nói của Hoàng Ngọc Hiến nói về giới cầm bút Việt Nam khi bu lại đánh Nguyễn Huy Thiệp, những người ấy đều là người của Hội Nhà Văn nhưng lại hành xử không có chút gì của người cầm bút, để đánh giá họ, ông than thở: “Cái nước mình nó thế.”


https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2024/03/DD-Cai-Che-Do-1536x1024.jpg

Ông Võ Văn Thưởng đến Bắc Kinh, Trung Quốc, dự thượng đỉnh “Một Vành Đai Một Con Đường” hồi Tháng Mười, 2023. Ông vừa được Quốc Hội miễn nhiệm chức chủ tịch nước hôm 20 Tháng Ba. (Hình minh họa: Jade Gao-Pool/Getty Images)

 

Nhưng khi nhìn lại cái nước mình, trong chúng ta, những người không phải là đảng viên có từng là “nó thế” hay không? Chắc chắn là không, vì chỉ khi nào cầm cái thẻ đảng viên thì người ta mới hành xử một cách lạ đời so với những người không phải là đảng viên chung quanh. Cộng đồng người Việt với nhau tuy cùng màu da tiếng nói, nhưng lại rất khác nhau về cách hành xử. Nói ngắn gọn lại, chế độ có những người đảng viên cộng sản không hề là đồng bào với đa số người Việt còn lại. Họ lãnh đạo chăn dắt người dân với cách thức toàn trị, muốn làm gì thì làm không hề ngó nghiêng ngó ngửa xem có người dân nào phê phán hay không mặc dù biết rất rõ việc làm của họ đi khác với lời họ nói.

 

Trong vòng hai năm qua, người dân Việt chứng kiến cả một loạt viên chức cấp cao vào nhà giam “chăn kiến” vì những vụ đại án khiến tài nguyên đất nước bị vắt kiệt. Bọn này quá đông, quá quyền lực. Qua hai vụ án “Việt Á” và “Chuyến bay giải cứu” người dân thấy rõ bộ mặt của nhà nước này đối phó với dịch bệnh COVID-19 ra sao. Trong hoàn cảnh thần chết lăm lăm trước từng căn nhà của người dân thì chế độ này âm thầm cấu kết nhau đè người dân xuống mà hút máu. Họ là ai? Là những cán bộ cao cấp nhất từ Phó Thủ Tướng Phạm Bình Minh, Phó Thủ Tướng Vũ Đức Đam cho tới Chủ Tịch Nước Nguyễn Xuân Phúc. Những vai vế quốc gia như thế đồng loạt về vườn làm người “tử tế” mà không lãnh một bản án nào, thậm chí người dân không biết họ nhúng tay vào máu của mình bằng cách nào. Người ta chỉ biết họ có vai trò chủ chốt trong hai vụ án mà tính chất chấn động cả nhân loại. Chế độ không đưa ra lời phê phán nào đối với bọn họ, chỉ lập tòa án xét xử những kẻ thực hiện từ bộ trưởng tới hàng loạt nhân viên cộm cán.

 

Tất cả phạm nhân ấy đều là đảng viên. Vì chỉ có đảng viên mới có cơ hội đặt chân vào lãnh địa làm ăn của chế độ này.

 

Khi mọi người còn đang bàn tán về hai đại án ấy thì vụ thứ ba lớn hơn do một người đàn bà khuynh đảo. Vụ Vạn Thịnh Phát làm cho cả thế giới mắt tròn mắt dẹt vì tính chất “khổng lồ” của nó. Chỉ một mình bà Trương Mỹ Lan đã biến $40 tỷ chạy vào túi mình sau hàng chục năm làm ăn với hàng trăm cán bộ tài chánh. Bà Lan cầm hơn $5 triệu hối lộ cho một cán bộ cao cấp trong Ngân Hàng Nhà Nước là bà Đỗ Thị Nhàn, cục trưởng Cục Thanh Tra, Giám Sát Ngân Hàng. Bà Nhàn đã im lặng trước những thủ đoạn của Vạn Thịnh Phát. Số tiền biển thủ công quỹ lẫn tài sản của nhân dân làm cho cả nước chấn động cả về con số lẫn hành vi lừa đảo mà nếu không có sự tiếp tay của những đảng viên ưu tú thì một mình bà Lan không thể làm được. Ai cũng thấy cái lổ khiến con lạc đà có thể chui qua chỉ có nhà nước là không thấy. Vì vậy, sau khi bắt kẻ nhận hối lộ $5.2 triệu và vài tên cắc ké thì đường giây bị cắt hẳn. Nó trơ trẽn đến nỗi như một vở kịch có tên $40 tỷ, mà kẻ lên đoạn đầu đài là Trương Mỹ Lan còn số tiền $40 tỷ nằm im đâu đó trong két sắt của hàng chục cán bộ cấp cao.

 

Cái chế độ mình nó thế.

 

Vậy mà có hết đâu, chúng ta lại đang làm chứng cho cách làm của chế độ khi một chủ tịch nước khác là ông Võ Văn Thưởng lại lót dép ngồi trước Trung Ương Đảng chờ cứu xét cho số phận mình. Sau hai tháng giằng co, cuối cùng thì số phận của người đứng đầu đất nước, theo danh nghĩa, cũng được cứu xét: “Trung Ương Đảng đồng ý cho thôi các chức vụ trong đảng và nhà nước, bao gồm chức chủ tịch nước.”

 

Người dân lại một lần hố hàng. Bao lâu nay cứ tưởng chủ tịch nước là người tối cao, hay có dưới thì chỉ dưới một người là tổng bí thư. Thế nhưng, khi câu chuyện xảy ra, người ta mới biết Trung Ương Đảng mới là nơi mà ông chủ tịch nước khi đứng trước phải cúi đầu nghe lệnh. Vì vậy, thuật ngữ “đồng ý cho thôi” hết bóng bẩy và uyển chuyển. Nó trở thành câu chữ của quyền lực mà người dân không thể tiếp cận. Chỉ có chế độ này mới có cách tổ chức như thế, bởi vì chủ tịch nước tuyên thệ sau khi được một nhóm người trong Trung Ương Đảng chọn lựa. Vì vậy, khi muốn kéo cái ghế ra khỏi “đít” của một chủ tịch nước thì chỉ có nơi này mới có quyền quyết định.

 

Lạ một điều, người dân không hề biết hai ông phó thủ tướng và hai ông chủ tịch nước phạm tội gì, với ai, và khi nào, để đến nỗi bị đạp ra khỏi hệ thống như thế. Người dân lại bàn tán, có lẽ nếu nói trắng ra thì cả cái guồng máy sẽ liên can không ít thì nhiều. Vì vậy, cách tốt nhất là “giả mù sa mưa” với dân chúng và cách “cho qua” này sẽ che được những tên chưa bị lộ.

 

Theo Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng, ông Thưởng “đã vi phạm quy định về những điều đảng viên không được làm, quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là ủy viên Bộ Chính Trị, ủy viên Ban Bí Thư, ủy viên Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng.”

Ông Thưởng “chịu trách nhiệm người đứng đầu theo các quy định của đảng và pháp luật của nhà nước.”

 

Nghe ra thì khá hay. Thế nhưng, trên cái mảnh đất Việt Nam này, có đảng viên nào không vi phạm những điều mà ông chủ tịch nước vi phạm? Cái câu chữ “người đứng đầu” nếu áp dụng cho sòng phẳng thì hầu như toàn bộ đất nước này phải xóa bàn làm lại bởi vì có “người đứng đầu” nào trong sáng và sạch sẽ đâu?

 

Và chúng ta chắc phải đồng tình rằng “cái chế độ mình nó thế.”

 

Không những đồng tình mà còn phải vỗ tay nữa bởi vì chế độ rất thông cảm cho sự bận rộn kiếm sống của người dân, nên không buộc họ phải nghỉ việc một ngày để đi bầu cho chức vụ chủ tịch nước. Và khi ông này vi phạm điều gì đó thì Quốc Hội cũng không phải nhọc lòng bỏ phiếu bãi nhiệm ông như bọn tư bản đang làm, thôi thì chế độ hy sinh một chút để “xử” cái ghế này vậy. [đ.d.]






No comments:

Post a Comment

View My Stats