Đọc sách François
Joyaux về hoàng hậu Nam Phương
Nguyễn
Ngọc Giao / Diễn Đàn
17/03/2024
16:07
https://www.diendan.org/phe-binh-nghien-cuu/doc-sach-francois-joyaux-ve-hoang-hau-nam-phuong
Điểm
sách
François JOYAUX :
NAM
PHUONG,
La
dernière impératrice du Vietnam
Ed.
Perrin, 2019, 366 tr.
https://www.diendan.org/phe-binh-nghien-cuu/doc-sach-francois-joyaux-ve-hoang-hau-nam-phuong/np.jpg
Hình
bìa sách ‘NAM PHUONG, La dernière impératrice du Vietnam’
François
Joyaux, giáo sư INALCO (Học viện Quốc gia Ngôn ngữ và Văn minh Đông Phương, trường
“Langues O” cũ), là một nhà sử học có uy tín. Tác phẩm “La Chine et le
règlement du premier conflit d’Indochine / Genève 1954” / Trung
Quốc và Giải quyết cuộc giao tranh Đông Dương lần thứ nhất, Genève 1954
(Nhà xuất bản Les Publications de la Sorbonne 1979) cung cấp nhiều thông tin về
vai trò của Trung Quốc ở Hội nghị Genève 1954 cũng như ý đồ của Bắc Kinh chia cắt
lâu dài nước ta. F. Joyaux là người đầu tiên tiết lộ : tối 22.7.1954, trong một
buổi tiệc, Chu Ân Lai đã đề nghị với Ngô Đình Luyện (đại biểu phái đoàn Quốc
gia Việt Nam, em út của thủ tướng Ngô Đình Diệm) mở một cơ quan đại diện miền
Nam ở Bắc Kinh (!).
“Nam
Phương, hoàng hậu cuối cùng của Việt Nam” tập trung nói về một
cá nhân mà ai cũng biết tên, nguồn gốc gia đình (họ ngoại Lê Phát là một gia tộc
Công giáo lâu đời, điền chủ lớn nhất Nam Kỳ), sự ngoan đạo (học sinh Couvent
des Oiseaux Paris, bà cũng là người tài trợ việc xây dựng Couvent
des Oiseaux Đà Lạt), khuôn mặt xinh đẹp và thầm lặng như con tem mang
hình của bà, bên cạnh ông vua bù nhìn, “hoàng đế” (An Nam), “cố vấn tối cao” (của
Chủ tịch Hồ Chí Minh), rồi “Quốc trưởng”, rồi lằng nhằng những “ông vua hộp
đêm”, “ông vua sòng bạc”... trong suốt ba mươi năm trời, cái chết thầm lặng của
bà năm 1963 ở một làng nhỏ trung tâm nước Pháp, thì nhiều người cũng nghe loáng
thoáng. Nhưng con người thực sự Mariette Nguyễn Hữu Thị Lan đã
ra đời, lớn lên và được đào tạo trong môi trường như thế nào, bà đã ứng xử và
(tìm cách) hành động như thế nào trong những năm chấn động 1945-1947, rồi những
năm lưu vong ở Pháp, cuối cùng ẩn dật ở làng Chabrignac, bà sống ra sao, niềm
tin Công giáo biến chuyển thế nào, cuộc sống tình cảm có gì khác lạ ? Một vài
cuốn sách cũng đã đề cập vài điều, thậm chí một tác giả Việt Nam đã sáng tác tiểu
thuyết về Nam Phương, xa lạ với sự thật lịch sử.
Tác
phẩm của F. Joyaux là nghiên cứu sử học nghiêm túc mang lại những trả lời chính
xác cho những câu hỏi nêu trên. Và phải nói ngay : đây là một kỳ công, vì những
văn khố lưu trữ ở Aix-en-Provence (Trung tâm văn khố quốc gia hải ngoại) và La
Courneuve (Trung tâm văn khố của Bộ ngoại giao Pháp), hầu như không có gì về
hoàng hậu Nam Phương. Tác giả đã phải bỏ nhiều thời gian đi tìm những bộ tư liệu
gia đình, hỏi chuyện và phỏng vấn nhiều người trong gia đình Nam Phương & Bảo
Đại, gia đình Lê Phát (họ ngoại của Nam Phương), gia đình của rất đông những
tình nhân của Bảo Đại, xã trưởng và người dân làng Chabrignac, và cuối cùng là
con gái ông André Mourand, người bạn đời trong những năm cuối của Nam Phương.
Qua
những chương đầu, người đọc hiểu rõ hơn môi trường gia đình và xã hội đầu thế kỷ
20 của Mariette Nguyễn Hữu Thị Lan : dòng họ Lê Phát (họ ngoại) bốn đời Công
giáo, điền chủ lớn nhất của Nam Kỳ, đồng thời là một tập đoàn gia đình có nhiều
bất động sản và cổ phần ở Châu Âu và Châu Phi. Chị em cô Lan đều học Couvent des Oiseaux ở Paris, cùng
thời gian đó, Vĩnh Thụy học trung học ở Paris, dưới sự đỡ đầu của công sứ
Charles. Cuộc
hôn nhân của họ hoàn toàn do chính quyền thuộc địa (ở cấp toàn quyền Đông Dương
và bộ trưởng Bộ thuộc địa) chủ trương và xúc tiến, vượt qua mọi trở ngại và chống
đối, đến từ hai phía : triều đình Huế (và bà Từ Cung, mẹ Bảo Đại – chắc chắn bà
đẻ ra Bảo Đại, còn cha ông là ai, chỉ biết chắc không phải là Khải Định (°)) một
bên, bên kia là Tòa thánh Vatican. Giáo hội Công giáo thập niên 1930 chỉ cho
phép phụ nữ Công giáo lấy chồng ngoại đạo nếu hai người cam kết rằng con cái
(sau này là Bảo Long, Phương Mai, Phương Liên, Phương Dung, Bảo Thắng) ra đời
phải được rửa tội và suốt đời phải được giáo dục theo Công giáo. Cô Lan thành
tâm thực hiện quyết định của Giáo hoàng vì cô là tín đồ ngoan đạo, được đào tạo
xu hướng bảo thủ nhất của Công giáo, và đã từng ước nguyện trở thành nữ tu. Đối
với chính quyền thực dân, cuộc hôn nhân giữa ông vua của “xứ bảo hộ” An Nam với
một thiếu nữ “tinh hoa bản xứ” của thuộc địa Nam Kỳ vừa củng cố vị trí của
thành phần quan lại Công giáo (Nguyễn Hữu Bài, Ngô Đình Diệm...) vừa tạo ra một
hình ảnh “tân tiến” cho một triều đình cũ kỹ, lạc hậu. Hình ảnh thôi, khi chúng
ta biết rằng lương lậu của các quan lớn quan bé đều do dinh Thống sứ Trung Kỳ
quản lý : thậm chí nhà vua muốn đặt làm một cuốn an-bom đám cưới cũng phải có
chữ ký của ba công chức thực dân.
Có
lẽ phát hiện “lớn” của F. Joyaux nằm trong câu kết của tác phẩm : “Cũng như xứ Đông Dương thuộc Pháp tươi
đẹp đã kết thúc trong chế độ cộng sản, người đẹp Nam Phương cuối đời đã rơi vào
đôi cánh tay của một đảng viên cộng sản”. Đoạn
đầu phản ánh lập trường “hoài cổ” không mấy tiến bộ, đoạn sau là một khẳng định
chính xác. Tác giả đã thu thập đầy đủ chứng từ để xác định trong năm năm cuối đời
(1958-1963) bà Nam Phương đã chung sống lứa đôi với ông André Mourand, một
chuyên gia vật lý trị liệu (kinésithérapeute) từng xoa bóp cho hoàng tử
Aga Khan và các ông hoàng bà chúa dọc theo Côte d’Azur, kiêm quản gia lâu đài
La Perche ở làng Chabrignac của cựu hoàng hậu. A. Mourand là đảng viên đảng cộng
sản, đã từng ra ứng cử hội đồng thành phố Cannes, thành ủy viên đảng bộ Cannes
của ĐCS Pháp. Năm năm sống ẩn dật, xa lánh không khí xa hoa của sòng bạc
Monte-Carlo, lâu đài Thorenc hay những khách sạn siêu sao của thành phố Cannes,
chuỗi dài những thứ phi, gái nhảy, người tình của Bảo Đại, bà Nguyễn Hữu Thị
Lan dường như sống mối tình đầu ngang trái. Ngang trái, ít nhất trong con mắt của
thành phần bảo thủ của Giáo hội Công giáo. Khi bà đột tử (tháng 9-1963),
Hội thừa sai Paris (Missions Etrangères de Paris / MEP) và trường đạo Couvent
des Oiseaux, hai cơ sở được hoàng hậu Nam Phương suốt đời giúp đỡ rất nhiều về
tài chính, không hề cử đại diện về dự lễ tang. Phải đợi 40 năm sau, MEP mới làm
lễ lần thứ 100 năm ngày sinh của bà. Về phía Đảng cộng sản Pháp, André Mourand
không bị khai trừ nhưng bị loại ra khỏi mọi vị trí trách nhiệm. Diễn biến tâm
tư của “hoàng hậu cuối cùng” không chỉ thể hiện trong lĩnh vực tình cảm : theo
những chứng từ đáng tin cậy (trong đó có Pascal Lê Phát Tân, cháu gọi bà bằng
cô và Sophie Mourand, con gái ông André, từng chung sống với bà ở Chabrignac),
cuối đời, bà xích lại gần thần học giải phóng, xu hướng tiến bộ trong Giáo hội
Công giáo – hai thập niên sau khi Nam Phương từ trần, thần học giải phóng đã bị
giáo hoàng Gioan Phaolồ II lên án và đàn áp thẳng tay.
Ông
Mourand từ trần 22 năm sau Nam Phương. Mộ của ông nằm gần “Nam Phương hoàng hậu
chi lăng” (*) tại nghĩa trang của làng Chabrignac. Theo những thông tin từ dòng
họ Lê Phát, di hài của hai hoàng tử Bảo Long (con trai lớn) và Bảo Thắng (con
trai út) cũng được an táng trong mồ mẹ.
Nói
tới Bảo Long, mọi người đều biết sau khi tốt nghiệp trường sĩ quan
St-Cyr, Bảo Long đã gia nhập binh đoàn Lê Dương đàn áp kháng chiến Algérie.
Theo Daniel Grandclément (Les derniers jours de l’empire d’Annam,
J-C Lattès, 1997), những năm tham chiến này đã để lại trong tâm trí Bảo Long những
kỷ niệm chua chát, kinh tởm. Điều này có lẽ giải thích vào cuối đời, ông chung
sống với một phụ nữ Pháp, Isabelle Ebey, cũng là đảng viên Đảng cộng sản (**).
Còn em ông, công chúa Phương Dung, từng là nhân viên làm phòng ở khách sạn
Ritz (Paris), đã gia nhập Hội công nhân Việt Nam tại Pháp (thuộc Hội người Việt
Nam tại Pháp) (***).
Hai
thông tin về Bảo Long và Phương Dung, dường như François Joyaux không biết.
Cũng may, vì nếu biết, chắc ông còn tiếc thương “xứ Đông Dương thuộc Pháp
tươi đẹp” của ông da diết hơn nhiều. Mong rằng, không sớm thì muộn, sẽ có một
sử gia, chuyên nghiệp như F. Joyaux, có một cái nhìn khách quan hơn, và thông
hiểu tâm lý Việt Nam, mang lại cho chúng ta những hiểu biết sâu sắc về gia đình
Bảo Đại - Nam Phương, một thời vang bóng.
Nguyễn
Ngọc Giao
(°) Xem, chẳng hạn, Daniel Grandclément, Les derniers
jours de l’empire d’Annam, J-C Lattès, 1997, chương IV.
(*)
Trên mộ bà Nam Phương, có khắc một dòng chữ Hán “Đại Nam Nam Phương hoàng hậu
chi lăng”, người khắc không phân biệt “lăng” và “mộ”, tương phản một cách mỉa
mai với ngôi mộ đơn giản ở nghĩa trang làng quê.
(**) Chứng từ của nhà văn Madeleine Riffaud, ở cùng tòa nhà với Bảo
Long và I. Ebey, phố Villehardouin, Paris 4.
(***) Chứng từ của Pascal Lê Phát Tân
Trang
này được phát hành theo Giấy
phép Creative Commons BY-NC-ND 3.0 France. |
No comments:
Post a Comment