Sunday, 3 March 2024

HUY CHƯƠNG OLYMPIC PARIS MÙA HÈ 2024 và "MẢNH THÁP EIFFEL" NẶNG TÌNH NƯỚC PHÁP (Thùy Dương / RFI)

 



Huy chương Olympic Paris Mùa Hè 2024 và "mảnh tháp Eiffel" nặng tình nước Pháp

Thùy Dương  -  RFI

Đăng ngày: 01/03/2024 - 16:05

https://www.rfi.fr/vi/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD-v%C4%83n-h%C3%B3a/20240301-huy-ch%C6%B0%C6%A1ng-olympic-paris-m%C3%B9a-h%C3%A8-2024-v%C3%A0-m%E1%BA%A3nh-th%C3%A1p-eiffel-n%E1%BA%B7ng-t%C3%ACnh-n%C6%B0%E1%BB%9Bc-ph%C3%A1p

 

Ba tuần trước khi tổng thống Pháp khánh thành làng Olympic, Ủy ban tổ chức Thế Vận Hội Paris ngày 08/02/2024 đã công bố các huy chương Olympic Mùa Hè 2024. Điểm nhấn đầy ấn tượng : mỗi tấm huy chương, dù là huy chương vàng, bạc hay đồng, đều có một mảnh thép lấy từ chính tháp Eiffel, biểu tượng nổi tiếng nhất của nước Pháp nói chung và Paris nói riêng trên toàn thế giới.

 

https://s.rfi.fr/media/display/5e2f5af0-c67a-11ee-89e5-005056a97e36/w:980/p:16x9/Paris2024-240201-Medailles-RS_KV-MEDAILLES-3-MEDAILLES-OLY-hexagone-16-9.webp

Huy chương Olympic Mùa Hè Paris 2024. © Paris 2024

 

Đoạt huy chương Olympic chắc hẳn là điều bất cứ vận động viên nào cũng mong mỏi có được trong sự nghiệp thi đấu, và điều mà Ủy ban tổ chức Thế Vận Hội Paris muốn là tạo ra tấm huy chương đẹp đẽ nhất, sánh ngang với các tác phẩm nghệ thuật hay những món đồ trang sức, không chỉ biểu trưng cho thể thao mà còn ẩn chứa một phần thực sự của nước Pháp, của Paris. Và không có gì phù hợp hơn một mảnh thép lấy từ chính cấu trúc ban đầu, có từ năm 1889, của tháp Eiffel. Những mảnh thép đó là phần thép nguyên bản được thu hồi từ mỗi lần sửa sang, trùng tu tháp Eiffel và được cất giữ trong một nhà kho bí mật ở ngoại ô Paris. 

 

Mỗi mảnh thép nặng 18g, được cán dẹt và được tạo hình 6 cạnh, biểu trưng cho hình dáng « đất nước hình lục lăng », tên gọi ẩn dụ của nước Pháp. Mảnh thép biểu tượng này đặt ở chính giữa mặt trước của tấm huy chương Olympic, trên đó là logo Paris-2024, và xung quanh là các đường vân được thiết kế như những tia sáng tỏa ra, tượng trưng cho sự tỏa sáng của nước Pháp và sự tỏa sáng của các vận động viên, nhưng chắc chắn cũng gợi nhắc cho những người yêu Paris nhớ đến « Kinh Đô Ánh Sáng ».

 

Trên đài RFI Pháp ngữ ngày 08/02, ông Martin Fourcade, chủ tịch Ủy ban Vận động viên của Thế Vận Paris 2024 giải thích : « Nhiệm vụ thực sự của chúng tôi là tạo ra một vật đẹp đẽ khiến ai cũng muốn có, và cũng là một vật có ý nghĩa. Và còn gì có ý nghĩa hơn việc đưa vào đó một mảnh của biểu tượng đẹp nhất của đất nước chúng ta và chắc chắn cũng là một trong những công trình nổi tiếng nhất thế giới ? Chúng tôi biết đoạt được một tấm huy chương Olympic là như thế nào và chúng tôi muốn trao tặng những tấm huy chương đẹp đẽ nhất cho các vận động viên trên toàn thế giới ».

 

Việc thiết kế huy chương được Ủy ban Thế vận Quốc tế và Ủy ban Tổ chức Thế Vận Hội Paris Mùa Hè 2024 giao cho hãng thiết kế trang sức cao cấp Chaumet nổi tiếng ở Paris, thuộc tập đoàn LVMH, một trong những nhà tài trợ chính cho Olympic năm nay, và được đúc tại xưởng của Monnaie de Paris, cơ quan đúc tiền quốc gia của Pháp.

 

Hình ảnh tháp Eiffel còn được đưa vào mặt sau của tấm huy chương Olympic. Đây được xem là một thành công đặc biệt của Ủy ban Tổ chức Thế Vận Hội Paris và các nhà thiết kế tài năng của hãng Chaumet, bởi mặt sau tấm huy chương Olympic phải tuân thủ những quy định cực kỳ chặt chẽ của Ủy ban Thế vận Quốc tế. Tấm huy chương Olympic với đường kính 8,5 cm, dày 9,2 mm. Theo quy định từ năm 2004, mặt sau của tất cả các huy chương đều phải có hình nữ thần Hy Lạp Nike, vị thần tượng trưng cho chiến thắng, bay phía trên một sân vận động, và bên trái là đền thờ Parthenon … Hình ảnh tháp Eiffel của Pháp được đặt khéo léo vào góc bên phải của mặt sau tấm huy chương. Vậy là mặt nào của tấm huy chương cũng có biểu tượng tôn vinh Paris và nước Pháp, đất nước ddang dành nhiều tâm sức để tổ chức sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh, với lễ khai mạc ngoài trời, hoành tráng và những màn trình diễn được hứa hẹn là « để đời ».

 

 https://s.rfi.fr/media/display/3b3eed68-562b-11ee-b07c-005056bfb2b6/AP23247773692599.jpg

Vòng tròn biểu tượng phong trào Olympic được dựng trên quảng Trocadero trước tháp Eiffel, ngày 14/09/2017, một ngày sau thông báo Paris được trao quyền tổ chức Thế vận hội muà hè 2024. AP - Michel Euler

 

 

Ban công những tòa nhà Haussmann : Nơi lý tưởng để xem lễ khai mạc Olympic

 

Năm nay là lần đầu tiên trong lịch sử Thế Vận Hội, lễ khai mạc Olympic diễn ra bên ngoài sân vận động, trên dòng sông Seine ở Paris, đoạn sông chảy dài 6 km giữa cầu Austerlitz và cầu Iéna. Để thưởng thức lễ khai mạc Olympic « có một không hai » này, nơi được xem khán đài là « vô giá » chínhlà ban công các căn hộ nằm trên tầng cao các tòa nhà, đặc biệt là những tòa nhà theo phong cách Haussmann, nằm dọc đôi bờ sông Seine.

 

Vì lẽ đó, nhiều người sống tại những tòa nhà như vậy dự kiến mời bạn bè, người thân đến xem khai mạc Olympic, thậm chí đây là « cơ hội hái ra tiền » nếu chủ căn hộ cho thuê ban công. Trong phóng sự phát trên đài France 2 ngày 13/02/2024, một trong hai người phụ nữ may mắn sở hữu một căn hộ có ban công nhìn ra « sân khấu » lễ khai mạc Thế Vận Hội trên sông Seine, chia sẻ niềm vui : « Chúng tôi có tầm nhìn sân khấu thực sự đẹp và nhìn ra cây cầu kia. Theo dự kiến, chắc chắn là sẽ có nhiều màn trình diễn trong lễ khai mạc Thế Vận Hội. Chắc chắn chúng tôi có chỗ đẹp ».  

 

Còn cô Marlène Stickel, chủ tịch hiệp hội AgroParisTech Alumi, dù hào hứng nhưng cũng tỏ ra thận trọng : « Đây là một tòa nhà được xây dựng từ năm 1824. Vì thế, các tài liệu mà chúng tôi có là từ thời đó. Các ban công khi đó được xây chỉ để có chỗ cho không quá 2-3 người. Vì thế, ý định của chúng tôi là thay phiên nhau mà đứng xem ở ban công, và nhất là phải biết rõ có bao nhiêu người tham gia để bảo đảm an toàn cho những người có thể sẽ đến xem lễ khai mạc ».

 

Quả thực, điều mà các nhà quản lý lo ngại và đang tích cực đề xuất kiểm tra tình trạng ban công các tòa nhà, nhất là các tòa nhà đã có từ hàng thế kỷ nay, được xây theo phong cách Haussmann, cũng là một trong những dấu ấn riêng của Paris. Quy hoạch của nam tước Haussmann có từ năm 1853 đến năm 1870, dưới triều hoàng đế Napoléon III, thời Đệ Nhị Đế Chế Pháp. Việc mọi người tụ tập đông đúc và cùng lúc tại ban công những tòa nhà cũ hàng trăm năm tuổi có thể dẫn đến nguy cơ rớt thanh chắn bảo vệ, đổ sập ban công.

 

Tại Pháp, những vụ sập ban công không phải là hiếm. Theo France 2, trung bình tháng nào cũng có 1 vụ. Tai nạn xảy ra trên tầng cao rất nguy hiểm, thậm chí khiến nạn nhân tử vong nếu rơi từ cao xuống. Vì thế, ông Benjamin Darmouni, đại diện cho Liên hiệp các nghiệp đoàn bất động sản, lưu ý : « Quý vị nên cân nhắc cho những ai thuê nhà và cho họ thuê thế nào. Cần ghi rõ các điều khoản đặc biệt. Chẳng hạn như chỉ được mấy người đứng, ngồi ở ban công để xem khai mạc Olympic … ».

 

https://s.rfi.fr/media/display/5c6eb498-1640-11ea-a6f9-005056bf7c53/bouquiniste_2.jpg

Các hiệu sách cũ dọc bờ sông Seine, gần nhà thờ Đức Bà Paris. RFI

 

 

Tiệm sách cũ dọc bờ ong Seine, di sản sống của Paris, cuối cùng sẽ được song hành với Thế Vận Hội

 

Một trong các biểu tượng lâu đời khác của Paris là vài trăm quầy sách nhỏ, màu xanh lá cây thẫm, với vẻ vũ kỹ theo năm tháng, nằm dọc 3km bờ sông Seine. Người dân Paris còn gọi đó là « các tiệm sách sông Seine », vốn bày bán đủ thể loại sách cổ, tạp chí, tem thư cổ, quý hiếm, bản đồ, bưu thiếp, áp phích quảng cáo phim ảnh, và vô vàn cuốn sách cũ …

 

Trông thì mộc mạc, cũ kỹ, nhưng các « tiệm sách sông Seine », với hàng ngàn thùng sáchđược coi là « tiệm sách ngoài trời lớn nhất thế giới », và cùng với quần thể dọc bờ sông Seine, từ năm 1991 đã được UNESCO công nhận là Di Sản Thế Giới.

 

Sau khoảng 400 năm tồn tại và gắn bó với diện mạo Paris, tròn 1 năm trước khi diễn ra Thế Vận Hội Paris 2024, vào tháng 07/2023, các tiệm sách cũ nằm bên bờ sông Seine, đoạn diễn ra lễ khai mạc Olympic Mùa Hè 2024, nhận được tin không vui : để thuận lợi cho việc tổ chức và bảo đảm an toàn cho lễ khai mạc ngoài trời diễn ra hôm 26/07/2024, chính quyền Pháp, thông qua sở Cảnh sát Paris, đã yêu cầu các chủ tiệm tạm thời tháo dỡ các hộp sách (khoảng 570 hộp sách - 59%).

 

Theo trang web của thành phố Paris, chính quyền sẽ có các biện pháp hỗ trợ chủ hiệu sách, đảm nhận việc tháo dỡ, cải tạo và lắp đặt trở lại các thùng sách, tổ chức một khu làng gồm các tiệm sách cũ trong thời gian diễn ra Thế Vận Hội …

 

Tuy nhiên, tháo dỡ hiệu sách cũ - « biện pháp đặc biệt cho một sự kiện đặc biệt » - đã vấp phải sự phản đối của các chủ tiệm. Theo họ, là một trong những biểu tượng văn hóa của Paris, những hiệu sách cũ dọc bờ sông Seine phải được đồng hành cùng Thế Vận Hội. Và cuối cùng, ngày 13/02/2024, điện Elysée thông báo chính tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã ra quyết định, theo đó các hiệu sách cũ - « di sản sống » của kinh đô ánh sáng Paris sẽ được giữ nguyên trong thời gian diễn ra Olympic.

 

https://s.rfi.fr/media/display/1236f346-1207-11ea-a23d-005056bf7c53/par3091719_1.jpg

Cầu Pont Neuf - Paris, ảnh chụp năm 2010. LOIC VENANCE / AFP

 

Quyết định nói trên đã được giới bán sách cũ hoan nghênh, theo phóng sự dọc bờ sông Seine ngày 20/02/2024 của Valérie Cohen, đài RFI ban Pháp ngữ : 

 

« Jean-Pierre Mathias, chủ tiệm sách cũ từ hơn 40 năm nay, thích thú đón nhận tin mới : « Đối với chúng tôi, đây là một tin tuyệt vời vì nó thể hiện sự tôn trọng văn hóa bên cạnh tôn vinh Thế Vận Hội. Như vậy là cuối cùng thì giữa văn hóa với Thế Vận Hội không vế nào chèn ép vế nào. Có thể tưởng tượng một Paris không có khu trung tâm tài chính, thương mại, văn phòng La Défense, chứ làm sao lại có thể tưởng tượng được một Paris thiếu vắng những hiệu sách cũ. Paris mà không có tiệm sách cũ dọc bờ sông Seine thì cũng na ná như Venise mà lại thiếu vắng thuyền gondola.

 

Là người yêu sách, ban đầu là một giáo viên triết học, một chủ tiệm sách khác cũng quan tâm đến những hộp sách màu xanh lá cây thẫm. Theo ông, những hộp sách này sẽ hỏng nếu bị di dời. Ông nói : « Chúng đã cả trăm tuổi rồi. Nếu tháo dỡ thì rồi sẽ phải dùng máy hàn để gắn trở lại, tôi không biết làm cách nào người ta có thể lắp lại chúng. Và tôi rất yêu thích những hộp sách này, với dây xích bằng thép, mà không có hộp nào giống hộp nào cả. (…)

 

Một người tên là George bám vào chiếc xe tập đi, dáng đi ngập ngừng nhưng ánh mắt tinh nhanh, ông hài lòng vì những người bán sách cũ cuối cùng đã thắng. George chia sẻ : « Đối với tôi, chúng (các hiệu sách cũ) đại diện cho Paris và tôi thấy chúng rất đẹp. »

 

Tương tự, ông Claude, một khách quen, cũng thở phào nhẹ nhõm. Ông chia sẻ : « Trong thời gian diễn ra Thế Vận Hội, du khách có thể mua các tác phẩm. Họ sẽ cảm nhận thế nào nếu chỉ thấy bờ kè sông Seine trống trải, trong khi có rất nhiều người quan tâm đến việc mua sách, hơn nữa lại là những cuốn sách viết bằng mọi thứ tiếng ».

 

Chính vì những lẽ đó, khu hiệu sách ngoài trời lớn nhất thế giới sẽ vẫn gắn liền với những lan can dọc bờ sông Seine trong thời gian diễn ra Thế Vận Hội ».

 

---------------------------

Các nội dung liên quan

 

THẾ VẬN HỘI PARIS 2024

Thế Vận Hội Paris 2024: Tổng thống Pháp khánh thành Làng Olympic

 

THẾ VẬN HỘI PARIS 2024

Nước Pháp đã sẵn sàng đón Thế vận hội Paris 2024 ?

 

TẠP CHÍ XÃ HỘI

Thế Vận Hội Paris 2024 sẽ để lại cho nước Pháp những hạ tầng thể thao nào ?

 

 




No comments:

Post a Comment

View My Stats