Thang Chu / Việt Báo (Ca)
23/02/2024
https://vietbao.com/a318316/homeless-o-dai-lo-bolsa
Tác
giả tên thật Chu Toàn Thắng, sinh năm 1962 hiện là cư dân Garden Grove. Công việc:
Minister at Community of Agape Love Church. Bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của
ông là “Chỉ Cần Một Tay” đã phổ biến đầu năm 2016. Bài viết thứ hai kể về những
ngày cuối năm của một gia đình gốc Việt có người chồng, người cha từng là sĩ
quan VNCH, cựu tù nhân, và có người con mất tích trên đường vượt biển tìm tự
do. Bài mới nhất “Homeless ở Đại Lộ Bolsa” của ông phác họa những mảnh đời bất
hạnh vô gia cư trên con đường Bolsa, ngay giữa lòng cộng đồng người Việt. Mong
tác giả tiếp tục gửi bài.
***
Người
Việt hải-ngoại hãnh-diện về “thủ-đô tỵ-nạn” Little Saigon. Sau 49 năm từ 1975
Miền Nam bị mất nước đến nay đã có 5.4 triệu Việt hải ngoại, trong đó 2.4 triệu
ở Mỹ gồm 1.2 triệu ở California trong đó 300.000 quanh “thủ-phủ” Little Saigon
gồm năm thành-phố Garden Grove, Stanton, Westminster, Fountain Valley, và
Midway.
Nghe
Little Saigon là nghĩ ngay tới Bolsa Ave, một trong những đại lộ đông người Việt
nhất Quận Cam, nhất là từ khúc đường Magnolia đến Brookhurst, và cũng lắm người
Việt vô gia cư “homeless” nhất.
Chúng
tôi mới treo bảng God Is Love cho văn phòng hội thánh Tin Lành cạnh BBQ Liên
Hoa đường Bolsa ngày 22/12/2023 mà đã chứng kiến nhiều cảnh đời “homeless” éo
le vui buồn lẫn lộn.
Bề
mặt trước văn phòng phân nửa là cửa kiếng, phân nửa là gạch, nên đứng ngoài
nhìn vào ai cũng tưởng văn phòng này chỉ tính từ cửa kiếng, gây hiểu lầm văn
phòng không có quyền gì phần sân trước tường gạch. Nên lắm ”homeless” tụ tập ở
đây.
Theo
tôi, có khoảng 50-70 người homeless sống quanh Bolsa Ave giữa Magnolia và
Brookhurst.
Hường
và Tâm
“Chào
anh, người Việt mình có phố Bolsa cũng đỡ cho người homeless như tụi em lắm,”
người homeless lần đầu tiên tôi gặp khi mở cửa văn phòng mở lời gợi chuyện.
“Chào
anh, tôi tên Thắng. Anh tên gì?” Tôi trả lời.
“Em
tên con gái, tên Hường.”
“Con
trai cũng có tên đó mà,” tôi đáp đỡ lời anh. “À, mà Hường nói ‘phố Bolsa
đỡ cho người homeless’ là sao?”
“Thì
tụi em không bị đuổi đi hoặc bị kỳ thị như ở các khu business khác,” Hường hí hửng
nói khi thấy tôi dễ chịu. “Ngoài ra tụi em còn được cho ăn nữa đó.
Có khi được tiền nữa.”
Rồi
Hường tự nhiên kể về đời anh như đã quen tôi lâu lắm rồi.
Anh
vượt biên qua Mỹ lúc 14 tuổi với bà dì định cư tại Iowa. Rồi 18 tuổi anh
ham chơi tụ năm tụ bảy với bạn bè toàn Mỹ Trắng đưa đến nghiện ngập rồi
homeless. Anh có hai con với một thiếu nữ Trắng, rồi bị bắt vì tội nhiều
lần đốt thùng giấy để sưởi ấm đêm đông lạnh.
Ra
tù không nhà không cửa, không vợ không con, anh về San Jose, Cali, sống với bàn
dì khi ấy là chủ nhà hàng. Nhưng anh phải làm việc 14 tiếng một ngày để đổi
lại free ăn và ở.
Được
vài năm, anh không muốn chôn đời mãi không thấy cả mặt trời vì khi đi làm ông
trời chưa thức, và khi về thì ông trời đã ngủ từ lâu, anh lại lang thang xuống
Little Saigon phố Bolsa.
“Ở
đây tuy homeless nhưng em vẫn không đói, có tiền lai rai ngày vài đồng mua đủ
bao thuốc lá, chỉ có ngủ thì hơi lạnh nhưng em cũng quen rồi. Còn tắm thì
cứ $25 một tháng membership ở gym 24 Fitness là êm thôi,” Hường tự tin kể lể,
“Quan trọng nhất là tự do anh ạ.”
Đang
dở dang câu chuyện thì một người homeless nữa đến.
“Anh
tên gì?” Tôi mở lời.
“Tâm,”
anh cọc lóc trả lời. Rồi anh móc gói thuốc lá Denim made in Germany, hút
hai điếu cùng lúc.
“Anh
hút thuốc lạ quá,” tôi ngạc nhiên hỏi, “anh không sợ sặc sao?”
“Hút
vậy mới đã anh. Thuốc này cũng rẻ. Em mua $2 một gói, bán lại $4,”
Tâm huyên thuyên nói về đời anh mà không cần tôi hỏi.
“Ủa,
vậy Tâm bán cho ai?”
“Cho
mấy đứa bụi đời như em nè anh. Đôi khi gặp khách các quán cafê em cũng mời
mua. Miễn bán một ngày 10 gói là ấm đủ tiền ăn sang rồi anh.”
“Vậy
sao họ không mua thẳng giá $2?”
“Nó
đâu biết chỗ gốc đâu anh. Em nhờ Trời cho biết mánh chơi với đám Mỹ Đen
vì nó tưởng em cũng Đen.”
“Vậy
Tâm sanh ở đâu?” Tôi ngạc nhiên hỏi.
“Ở
Long Xuyên anh ơi. Mà em không biết má em. Nghe nói má sanh em xong
đem cho bà vú nuôi, tới giờ em chẳng biết má em và ba em là ai. Chỉ biết
em lai Đen rồi qua Mỹ với vú nuôi và em trai nuôi.”
“Mừng
cho Tâm,” tôi an ủi anh, “Mà sống độc thân như Tâm cũng vui.”
“Đâu
có. Em có con vợ. Mỗi tháng em cho nó $50 và con nó $50 để nó dẫn
em đi bác sỹ hoặc đi đâu cần giấy tờ, vì em không biết chữ, không biết ký vào
đâu. Nói vợ cho oai chứ em với nó có chung nhà đâu,” Tâm vừa nói hăng say
vừa cười hồn nhiên.
“Vợ
không ở chung là sao?” tôi tò mò.
“Nó
ở viện tâm thần, một tuần được ra ngoài đi chơi với em một lần. Em đón nó
bằng xe bus rồi hai đứa lang thang khu Bolsa đông người Việt cũng vui lắm anh
ơi. Mười mấy năm nay tụi em sống vậy rồi đó.”
Thế
cũng hết một ngày vui suy gẫm chuyện đời ở Phố Bolsa với những người chân chất.
Ngọc
Trời
mưa liên tục bốn hôm thì thật lạ ở Phố Bolsa. Lại thêm gió giật có khi
lên đến 18 miles/giờ.
Thế
mà chị Ngọc lang thang ướt nhẹp người đủ để cảm lạnh.
“Anh
có khăn dư hoặc giấy chùi tay cho em xin lau người ạ,” chị tạt vào văn phòng
tôi lúc xế chiều khi các tiệm đóng cửa gần hết.
“Chị
ngồi đây sưởi ấm đi,” tôi lấy chiếc máy sưởi nhỏ đem lại để trước chị, “Chị tên
gì?”
“Em
tên Ngọc. Em ở Texas, mới qua được hai tháng. Con cháu nó đem em
qua đây rồi bỏ em một mình. Nó bay đi South Carolia làm nails rồi,” chị
huyên thuyên, “Mà cũng có cái may, nhờ vậy em mới homeless, tháng kiếm được từ
$1,000 đến $2,000.”
“Thế
là chị giàu hơn tôi rồi. Bệnh đã có Medical, SSI thì được thêm $1,100,”
tôi nói đùa.
“Không,
vì em không có giấy tờ gì cả. Em mất hết tất cả giấy tờ, chỉ còn nhớ số
security thôi,” Ngọc lại huyên thuyên, “Em lấy chồng Mỹ gốc Việt rồi qua Mỹ năm
2012. Sáu tháng sau ly dị. Em lấy chồng lần hai có một con gái năm
2014, rồi cũng bỏ nhau. Đứa con gái thì chính phủ đưa cha mẹ nuôi vì lúc ấy
em bị khủng hoảng rồi bệnh tâm thần luôn. À không, chắc em bị tâm thần hồi
ở Việt Nam sau cú té xe đập đầu xuống đất. Em cũng không biết.
Nhưng chắc là em bị tâm thần.”
“Tôi
thấy chị bình thường mà,” tôi an ủi Ngọc.
“Anh
có miếng giấy và cây viết thì cho em mượn,” Ngọc trố mắt nhìn tôi nói như thể
chị cần viết điều gì đó lắm, “Màu đen và màu đỏ càng tốt nha anh.”
Tôi
làm theo yêu cầu Ngọc. Ngọc cắm cúi viết tên chị, tên con gái, ngày sanh
cả hai, ký tên, rồi cứ thế viết lại đầy cả hơn ba trang giấy. Lạ là tên
chị mực đen, tên con gái mực đỏ.
Nước
mắt Ngọc bắt đầu lăn xuống quyện lấy những giọt mưa chưa lau ráo hết. Phải
chăng nước mắt Trời và nước mắt người đều giống nhau!
“Ủa
sao tên em mực đen mà tên con em mực đỏ?” Tôi ngạc nhiên hỏi.
“Đời
em đen quá anh ơi! Em muốn đời con em số đỏ như Pechanga tiền vô như nước,”
Ngọc mếu máo.
“Em
hay đi sòng bài lắm à?”
“Không,
nhưng em thấy xe bus Pechanga đỏ chét có hình mấy cô gái cười tươi lắm nên em
nghĩ Pechanga hạnh phúc lắm.”
Rồi
Ngọc cắm cúi viết tiếp với nụ cười thỉnh thoảng trên môi như đang đùa giỡn với
những kỷ niệm cùng con gái.
Ngọc
đứng dậy bất ngờ như khi mới đến.
“Em
muốn cúng tiền cho hội thánh,” Ngọc vừa nói vừa nhìn quanh tìm hộp lạc hiến, “Một
tháng em cúng $500 đó anh. Em cứ lang thang thấy đâu có hộp từ thiện là
em dâng. Của Trời cho em chứ có phải của em đâu!”
Lạy
vài lạy trước hộp lạc hiến sau khi bỏ vài đô vô hộp, rồi Ngọc chậm rãi ra đi với
thùng xe kéo đầy đồ đạc lủng củng.
Trời
vẫn mưa lất phất phủ choàng lên áo len Ngọc như những giọt nước mắt không tan.
Trường
và Long
“Wow,
lâu lắm mới gặp lại anh Thắng,” Trường reo lên khi gặp tôi, “Đã mấy năm rồi
đó.”
“Ừm,
gặp Trường vui quá,” tôi đáp, “Giờ ở đâu?”
“Em
qua boarding care ở Chapman. Đây là anh Long. Anh Thắng nhớ anh
Long trước ở với em ở Lampson không? Anh Long giờ “homeless” rồi.”
“À,
tôi nhớ anh Long lúc trước ở chung nhà Trường khi tôi ghé thăm. Lâu lắm rồi
đó. Anh Long khoẻ không?” Tôi quay sang hỏi anh Long.
“Khỏe
gì mà khoẻ. Giờ “homeless” rồi anh ơi. Tôi ở chung nhà mấy đứa đó
méc sở xã hội tôi hút cần sa nên họ cắt tiền tôi rồi,” anh Long nhìn tôi rầu rầu
nói.
Từ
đó cứ mỗi sáng anh đều ghé văn phòng tôi xin ly cà-phê hoặc trà nóng rồi ngồi
trước cửa văn phòng phía tường gạch.
Nhưng
không bao giờ anh uống. Chỉ ngồi dăm phút rồi lững thững ra đi để lại đống
ly và giấy chùi miệng.
“Anh
Long uống xong nhớ vứt ly vào thùng rác nha. Đừng đổ nước đầy sàng rồi xả
rác đó rồi đi. Tôi dọn mệt lắm nha,” tôi nhẹ nhàng nhắc anh.
Tết
là lần cuối cùng tôi hết kiên nhẫn với anh khi anh vào ngồi ghế văn phòng đúng
lúc bữa ăn trưa Tết mùng hai.
“Chúc
năm mới Giáp Thìn anh Long tìm được chỗ ở nha. Anh ăn gì không?” tôi vồn
vã tiếp anh.
“Yes,
cho tôi chén cơm thịt kho Tàu với hai quả trứng đi,” anh Long điềm tĩnh
nói. Anh lúc nào cũng điềm tĩnh.
“Đây,
mời anh.”
Anh
ngồi nhìn thức ăn phút chốc rồi bật dậy bỏ đi không nó một lời, không ăn một miếng.
Chắc
anh nghĩ, “Đây là thuốc độc.”
Lân
“Anh
có thể giúp tôi giúp em Lân “homeless” này cai nghiện được không?” cô Bạch gọi
phone tôi hỏi.
“Được
nếu người đó chịu theo chương trình Celebration Recovery,” tôi trả lời liền.
Lân
theo cha mẹ qua Mỹ diện H.O. năm 1992 khi em mới 2 tuổi. Lân rất gần gũi
mẹ đến tận năm 12 tuổi thì mẹ mất gây cú sốc khủng hoảng cho Lân, khiến Lân trầm
cảm và sa vào nghiện thuốc theo toa.
Vừa
xong high school thì Lân bắt đầu bỏ nhà đi lang thang dù không theo bè kết đám
nào cả.
Lân
cao 5’9, đẹp trai, trông rất giống trai Nam Hàn, lúc nào cũng ăn mặc tươm tất.
Tâm thì rất thiện, không làm phiền hoặc hại ai bao giờ. Thật không thể ngờ
Lân lại thành “homeless” vì nhớ mẹ, không muốn ở nhà mà chỉ muốn lang thang.
“Chú
có gì cho con ăn không?” Lân đến văn phòng tôi đêm chúng tôi họp mặt tất niên.
“Có
nhiều lắm, nào cơm chiên, gà nướng, gỏi, và nhiều nữa.”
“Cơm
chiên đi chú,” Lân vừa nói vừa run tay mở nắp hộp thuốc theo toa rồi nốc liền
ba viên mà tôi không biết thuốc gì.
Sau
khi no nê cả thức ăn, Lân trút đổ tâm sự.
Ba
Lân là sỹ quan Việt Nam Cộng Hòa bị tù cải tạo tám năm đủ tiêu chuẩn qua Mỹ diện
H.O. Lân là út trong nhà cách người anh kế đến 15 năm, nên bao nhiêu tình
thương gia đình dành hết cho Lân, nhưng cũng không đủ giúp Lân thoát cuộc tìm
lãng quên bằng thuốc theo toa.
Bo
Anh
Bo bước vào văn phòng tôi với thùng loa karaoke khổng lồ đủ loại dây nhợ và
microphone.
“Mời
anh ngồi. Sao anh biết đây mà đến?” Tôi hỏi anh.
“Em
ngồi ăn ở Phở Lover, thấy cái bảng God Is Love nên lấy làm lạ vào hỏi thăm xem
là gì,” Bo ôn tồn nói.
Rồi
Bo tự dưng kể về đời gian truân của anh từ tiểu bang lạnh mấy chục năm qua, lần
đầu về sống ở Bolsa vì nghe nói “đất lành chim đậu” ở đây. Rồi chuyện tù
tội oan đến chuyện lang thang hát vỉa hè các khu chợ Việt Bolsa.
“Để
em thử hát cho anh nghe nha,” Bo vừa nói vừa cắm điện máy karaoke.
Giọng
anh hay và khỏe lắm, có lẽ nhờ anh lai Đen. Phải công nhận thế giới phải
biết ơn người da Đen về đóng góp thể thao và âm nhạc của họ.
Một
người, rồi hai người, rồi nhiều người thập thò trước văn phòng tôi nghe anh
hát.
“Em
kiếm được vài chục đô-la một ngày đó anh. Có người cho $100 luôn đó,” Bo
ôn tồn nói. Bo có điểm đặc biệt đó: rất ôn tồn.
Cứ
vài ngày là Bo ghé thăm tôi. Có khi chỉ xin gói mì, hoặc ly coffee.
Tình
cờ hôm đó ông Michael ghé văn phòng tôi để vận động tranh cử Supervisor OC và gặp
Bo.
“Xin
giới thiệu anh Michael đây là Bo có giọng hát như ca sỹ pro. Anh có cần
ca sỹ hát giúp vui ngày mai trong cuộc vận động tranh cử của anh không?” Tôi chụp
lấy cơ hội để giới thiệu Bo.
Thế
là ông Michael và Bo sáp lại sôi nổi lên chương trình văn nghệ.
Ba
tuần sau, Bo ghé lại gặp tôi để nói tạm chia tay về Việt Nam lấy vợ.
“Ồ,
chúc mừng Bo,” tôi ngạc nhiên, “Sao quen hay thế! Bo đi bao lâu?”
“Dạ,
năm tháng,” Bo hớn hở nói, “Tất cả là ơn Chúa. Thank you mục sư giúp em
những ngày qua.”
Thật
không gì là vô ích khi người Việt dành thì giờ giúp đỡ nhau. Đạo Phật gọi
là “duyên.” Đạo Chúa gọi là “tình.”
Tí
Ít
người “homeless” như anh Tí được diễm phúc ngủ trên xe như là “phòng”
riêng. Tí được thiện cảm với mọi chủ tiệm khu này, có lẽ nhờ anh hoạt
bát, lanh lẹ, và dễ kết bạn.
“Anh
đừng sợ gì nha, có em lo cho,” Tí thì thầm với tôi khi tôi đứng trước văn phòng
mới mở này.
“Anh
xem clip này nè, đứa nào lạ mặt lảng vảng đây cách khả nghi là em đuổi nó liền,”
Tí vừa nói vừa cho tôi xem video clip trên điện thoại Samsung của anh.
Mà
quả thật vậy, hôm đó tôi đến văn phòng để cầu nguyện 3:30 sáng. Trời lạnh
430 F. Một ông cao, to, râu ria, nên không chắc chắn không phải người Việt,
trùm kín chăn, đẩy xe shopping đi vòng vòng bãi đậu xe.
Có
người theo sau ông khoảng cách năm mét, cũng trùm kín từ đầu đến chân, nhỏ con
hơn nhiều nên tôi tưởng là cô nào đó đi theo như đôi bạn.
Bất
ngờ “cô” đó đổi hướng, tiến về tôi vẫn đang ngồi trên xe đã tắt máy. Tôi
hơi run. Rút sẵn chai xịt “pepper spray” để tự vệ. Tôi định nổ máy
chạy đi nhưng cố xem “cô” đó muốn gì. Tôi kéo kiếng xe xuống vì hình như
“cô” muốn nói gì. Hai bên cách nhau năm mét thì tôi nhận ra “cô” chín là
anh Tí với con dao nhọn dài một feet trong tay.
“Có
phải Tí không?” Tôi la lớn, “Làm gì cầm dao ghê thế?”
“Thằng
này nó ở đâu đến rất khả nghi,” Tí đáp lớn, “Nó cứ đi lòng vòng nãy giờ.
Anh ra phụ với em một tay đi.”
Tôi
bước xuống xe, đứng tại chỗ. Tí tiếp tục theo sau gã khổng lồ đó.
“Get
out of here! Get out of here!” Tiếng Tí vang lớn trong đêm khuya lạnh giá
nghe càng lạnh thêm.
Gã
khổng lồ chậm rãi đổi hướng khi Tí vẫn theo sau lập lại mấy câu đó cho đến khi
gã khổng lồ khuất bóng.
À,
tất cả sự vật đều có ích lợi theo công dụng của nó mà ta không bao giờ hiểu hết.
Alex
Alex
không bao giờ nhìn tôi, cũng không bao giờ nói chuyện với tôi, dù Alex đến ngồi
trước cửa căn phòng tôi nhiều lần.
“Good
morning. Anh tên gì?” Tôi niềm nở hỏi anh.
“Alex,”
anh trả lời vẫn không nhìn mặt tôi.
Anh
đến tôi không biết. Anh đi tôi không hay. Nhưng anh luôn để lại
trên đất mấy tờ truyền đạo đơn mà tôi treo trước cửa văn phòng.
Và
tôi khám phá, Alex lấy truyền đạo đơn để lót đít ngồi. Ít nhất ba lần như
vậy.
“Alex
có ngồi đây thì đừng lấy truyền đạo đơn này lót đít nha,” tôi ôn tồn nói lần thứ
tư gặp anh, “Công trình tôi viết rồi in ấn tốn tiền nha anh. Thank you.”
Sáng
hôm nay Alex đến hồi nào tôi không biết, đang ngồi trên chiếc ghế giống y ghế
văn phòng tôi đặt gần cửa ra vào.
Để
chắc ăn mình không lầm, tôi quay vào văn phòng để so sánh cục cao su lót chân
ghế Alex và ghế văn phòng. Giống y chang.
“Good
morning Alex. Có phải anh lấy ghế văn phòng tôi không? It’s OK
nhưng anh nói tôi một tiếng nha.”
Tôi
vừa dứt lời, Alex bật dậy khỏi ghế, rút dao bấm cầm trong tay với thế cầm dao xả
xuống, xông vào tôi.
“Đ.
M. muốn kiếm chuyện nữa hả!” Alex hét lên.
Tôi
lùi lại nhiều bước thủ thế tự vệ.
Alex
dừng tay, bỏ đi.
Lúc
ấy tôi mới kịp lấy phone quay, thì Alex quay lại và xông vào tôi lần nữa tuy
không rút dao.
“Đ.
M. mày muốn tao lấy phone mày không,” nó hét to.
Tôi
vẫn không nói, chỉ vừa tiếp tục quay vừa lùi thủ thế tự vệ.
Nó
bỏ đi lần nữa.
Tôi
gọi cảnh sát đến lập biên bản.
“Anh
muốn bỏ tù nó không?” Cảnh sát viên hỏi.
“Không,
lần đầu tôi tha nó.”
“Nếu
điều tra viên Quận Cam thấy nghiêm trọng thì anh phải ra toà buộc tội nó đấy.”
“O.K.,”
tôi trả lời.
Thật
là một ngày nắng đẹp mà lòng u ám quá!
Hảo
Thật
khó đoán tuổi chị vì nước da ngâm đen sương gió lẫn những nét đẹp lạ
lùng. Chắc chị tuổi 40.
“Anh
cho em xin vài đồng,” cô gái ngồi bệt dưới đất trước cửa văn phòng tôi cất cao
giọng.
“Tôi
không cho tiền. Nhưng nếu chị muốn ăn thì tôi mua cho. Đây sẵn có
BBQ Liên Hoa, chị muốn ăn gì không?” Tôi trả lời.
“Anh
mua gì cũng được,”
“À,
mà chị ngồi xích vô chứ không xe đụng chết.”
“Không
sao. Em ngồi vậy người ta mới chú ý.”
“À,
chị tên gì?”
Vừa
lúc đó người “homeless” khác tên Trung, thỉnh thoảng đến đây, bất ngờ đến.
“Nó
tên Hảo. Lúc trước nó đẹp lắm, làm đĩ nổi tiếng ở đây,” Trung to tiếng.
“Ấy
chết. Anh đừng nói vậy trước mặt người ta,” tôi giật mình kêu lên.
Hảo
vẫn ngồi yên như nhận lấy tất cả những chua chát cuộc đời.
“Hảo
qua Mỹ năm nào?” Tôi vừa đưa khay gà hấp muối mời Hảo vừa hỏi.
“Em
vượt biên theo mẹ năm 1985 đến Mỹ lúc em tám tuổi,” Hảo nói nhỏ, giọng nghèn
nghẹn, “Được vài năm thì mẹ em chết. Chính phủ đưa em cho bà dì nuôi,
nhưng em không thích nhà dì nên được vài năm em đi bụi luôn.”
Hảo
không ăn nhưng gói khay gà với bánh hỏi lại bỏ vào bao.
“Giờ
em đi xe bus thăm con em. Đồ ăn này em đem cho nó,” Hảo nói mà không nhìn
ai cả.
Con
của Hảo ở với ai? Tên gì? Việt hay lai? Tôi không dám hỏi.
“Chắc
Hảo được thăm con mỗi tuần vài tiếng ở Family Center là chỗ dành cho cha mẹ ruột
thăm con ở với cha mẹ foster,” tôi quay sang hỏi Trung.
“Nó
có nhiều con lắm, em không biết nó thăm đứa nào,” Trung thản nhiên nói.
Michael
https://vietbao.com/images/file/_YGYDjc03AgBAKh5/w281/hinh-1.jpg
Hình:
tác giả cung cấp.
Có
lẽ Michael đặc biệt nhất phố Bolsa vì đàn ông mà lúc nào cũng kẹp nách con
búp-bê nhỏ bằng một rưỡi gang tay người lớn.
“Cho
xin ly nước trà nha,” Michael hỏi nhưng không cần câu trả lời.
“Tôi
gặp anh mấy lần rồi, lúc nào cũng thấy anh ôm con búp-bê. Anh có gì kỷ niệm
à?” tôi hỏi.
“She’s
my older sister. I love her. Cho đỡ buồn,” Michael lanh lẹ
nói. Cách nói chuyện tiếng Việt của anh là vậy, không chủ từ, nhanh, gọn,
cọc lốc nhưng giọng rất vui vẻ. Hình như Michael qua đây từ nhỏ vì nói tiếng
Việt lơ lớ trộn lẫn tiếng Mỹ.
Một
tuần sau tôi mới gặp lại Michael cùng một bà đến văn phòng tôi.
“Mặt
Michael sao bị trầy sướt ghê thế?” Tôi ngạc nhiên hỏi.
“My
sister té. Phải nhảy vào cứu nên đập mặt xuống đất,” Michael vừa đáp vừa
lục tìm gói trà.
“Kể
tôi nghe về chị của Michael đi.”
“Ôi,
nó thương chị nó lắm ông ơi,” bà lão cướp lời Michael, “Hồi ở Việt Nam ba nó chết
trận vì bị trúng pháo kích của Việt Cộng. Cảnh mẹ góa con côi, tôi phải
đi buôn bán ở Vũng Tàu. Chị nó thay tôi nuôi nó nên nó thương chị nó lắm
ông ơi. Tôi gom hết tiền rồi bán thêm căn nhà nữa để mua vàng cho chị em
nó vượt biên. Chị nó bị hải tặc bắt, nó thì tám tuổi lúc đó bị chấn động
tâm lý đến giờ luôn. May là nó bảo lãnh tôi qua được rồi lâm bệnh nặng tới
giờ. Tôi phải chăm nó mệt quá vì nó cứ bỏ nhà đi làm “homeless”, nói rằng
đi tìm chị nó. Có khi nó đi cả tuần.”
“Chị
đây nè,” Michael vừa nhìn bà nói vừa chìa búp-bê ra.
Hai
hàng lệ long lanh trên mắt bà.
Và
cũng trên mắt tôi.
oOo
Phố
Bolsa là biểu tượng của tự do cho người Việt ly hương tỵ nạn cộng sản khắp năm
châu bốn bể.
Nơi
đây người Việt hãnh diện về những người cha mẹ đi làm cực khổ nuôi ăn học thành
những bác sỹ, kỹ sư, khoa học gia, và những nhân tài cho Hiệp-Chủng-Quốc Hoa-Kỳ.
Nhưng
cũng lắm cảnh đời bất hạnh vì những cú sốc quá nặng vì tội ác chiến tranh do cộng
sản Bắc Việt gây ra, vì cơn hãi hùng vượt biên liều chết tìm tự do, vì nước mất
nhà tan, vì gia đình ly tán.
Chính
phủ Mỹ đã tốn $17 tỷ đô-la từ 2018-2023 cho quỹ “homeless” nhưng tình hình tệ
hơn. Riêng California tốn hàng tỷ đô-la nhưng vẫn bất lực và vẫn là tiểu
bang nhiều dân “homeless” nhất nước.
Phải
chăng những cuộc đời vô gia cư này cần nhiều tình người hơn mới giải quyết được.
Dù
gì, những cuộc đời bất hạnh “homeless” này cũng được an ủi phần nào nhờ tình đồng
hương như lời anh Hường ở đầu bài nói với tôi, “Chào anh, người Việt mình có phố
Bolsa cũng đỡ cho người homeless như tụi em lắm.”
Thang
Chu
Bolsa
những ngày đầu xuân
No comments:
Post a Comment