Giám
đốc Kinh doanh
Thứ
năm, 7/3/2024, 00:00 (GMT+7)
https://vnexpress.net/gia-cay-vien-duong-lao-4718713.html
Tuần trước,
báo chí đưa tin nhà văn, ảo thuật gia Mạc Can cùng một số nghệ sĩ gạo cội một
thời của TP HCM được chuyển vào sống trong nơi ở mới của Trung tâm dưỡng lão Thị
Nghè, quận Bình Thạnh. Đó là tin rất vui cho tôi - một người hâm mộ và yêu mến
ông.
Tôi mừng
cho ông và các nghệ sĩ khi vẫn còn có một trung tâm của Nhà nước nhận về nuôi
dưỡng. Ở đây, họ sẽ được chăm lo tốt hơn, có bác sĩ trực thường xuyên để theo
dõi tình trạng sức khỏe.
Hầu hết
nghệ sĩ ấy đang ở tuổi ngoài 80, có người đã qua tuổi 90. Sự nghiệp nghệ thuật
dừng lại, đồng hành với họ trong cuộc sống hiện tại không còn là lời ca, tiếng
đàn nữa mà là tuổi già, bệnh tật và nỗi cô đơn.
Các trung
tâm chăm sóc người cao tuổi hay viện dưỡng lão (nursing home) đang cần được
phát triển nhiều hơn trong xã hội ngày nay. Các trung tâm như thế không chỉ
dành cho người neo đơn như các nghệ sĩ mà còn cho những người cao tuổi khác có
nhu cầu.
Với tốc độ
già hóa dân số nhanh, Việt Nam đang là một trong các quốc gia có số lượng người
cao tuổi chiếm tỷ lệ cao. Theo luật của Việt Nam, người cao tuổi được quy định
là công dân có độ tuổi từ đủ 60 trở lên. Tổng cục Thống kê dự báo, tới năm
2038, số lượng người cao tuổi của Việt Nam sẽ vào khoảng 21 triệu người, chiếm
20% dân số cả nước.
Việc gia
tăng dân số già chắc chắn tạo ra những áp lực cho quốc gia trong việc thiết lập
các chính sách an sinh xã hội, trong đó có lĩnh vực chăm sóc người cao tuổi.
Hiện tại,
các trung tâm chăm sóc người cao tuổi đang tồn tại dưới ba hình thức: Trung tâm
dưỡng lão thuộc Bộ, các Sở Thương binh xã hội do Nhà nước hỗ trợ cả về kinh phí
và chính sách; trung tâm dưỡng lão tư nhân do các cá nhân, doanh nghiệp đầu tư,
và trung tâm bảo trợ từ thiện của các tổ chức tôn giáo (chùa, nhà thờ) tự tổ chức
và điều hành.
Các trung
tâm như thế vẫn còn chưa phát triển đến mức phổ biến và chưa được đầu tư toàn
diện như ở các quốc gia khác có cùng mức độ gia tăng già hóa bằng hoặc cao hơn
Việt Nam.
Nhật Bản
là một quốc gia điển hình với nhiều kinh nghiệm trong việc thiết lập chính sách
xã hội tối ưu cho người cao tuổi cũng như xây dựng và quản trị cơ sở chăm sóc họ.
Quốc gia "siêu già" này đang có hơn 36 triệu người người cao tuổi,
chiếm xấp xỉ 30% tổng dân số.
Với tỷ lệ
cao nhất thế giới đó, khá nhiều người cao tuổi Nhật Bản đã sống trong sự cô độc
khi bắt đầu vào giai đoạn tuổi xế chiều. Một đồng nghiệp cũ người Nhật của tôi
từng bị ám ảnh bởi một hiện tượng xã hội gọi là Kodokushi, cái chết cô độc xảy
ra khá phổ biến ở quê hương cô. Kodokushi ám chỉ sự ra đi lặng lẽ của những người
già cô đơn Nhật Bản trong chính ngôi nhà của mình mà không ai biết.
Để giảm bớt
hiện tượng gần như mang tính khủng hoảng ấy, người Nhật chú trọng phát triển mô
hình trung tâm chăm sóc người cao tuổi với chất lượng cao. Họ tăng cường đào tạo
và tuyển dụng đội ngũ điều dưỡng viên chăm sóc người già (kaigo-shoku) không chỉ
ở trong nước mà từ cả nước ngoài. Việt Nam hiện có số lượng thực tập sinh theo
học và làm việc ngành này nhiều nhất ở Nhật.
Trong một
chuyến đi Nhật, tôi gặp một cô gái Việt Nam quê ở miền Tây đang là thực tập
sinh kaigo-shoku. Hỏi về tương lai, cô bé cho biết đang ấp ủ giấc mơ lập ra một
nursing home nho nhỏ ở quê hương mình khi không còn làm việc ở Nhật nữa. Điều
cô lo ngại duy nhất là văn hóa người Việt dường như vẫn chưa quen lắm với việc
đưa người thân của mình vào sống ở trung tâm dưỡng lão.
Tôi hiểu
và đồng cảm với lo ngại của cô bé.
Hiện tại,
các thành phố lớn như TP HCM, Hà Nội đã có các trung tâm dưỡng lão chất lượng
cao do tư nhân đầu tư thành lập và điều hành theo mô hình của những nước phát
triển. Các trung tâm này thu hút một lượng đáng kể các gia đình có điều kiện
kinh tế tham gia đăng ký sử dụng dịch vụ. Điều đó cho thấy đã và đang có sự
thay đổi trong cách nghĩ của nhiều gia đình người Việt. Thậm chí, ngay chính những
người cao tuổi cũng tự nhận thấy tiện ích mà các trung tâm đang hoạt động theo
mô hình hiện đại cung cấp là phù hợp với cuộc sống của họ. Không ít người đã đề
nghị gia đình đưa họ vào sống và sinh hoạt trong các trung tâm như vậy.
Nhưng quyết
định đưa ông bà hay cha mẹ lớn tuổi vào một viện dưỡng lão vẫn không phải là điều
dễ dàng. Truyền thống gia đình theo văn hóa phương Đông của người Việt vốn nặng
chữ tình và chữ hiếu nên sẽ khó ủng hộ phương thức nuôi dưỡng người già theo xu
hướng của một xã hội hiện đại.
Trở ngại
thứ hai là phần lớn các trung tâm này yêu cầu chi phí cao hơn nhiều so với khả
năng đáp ứng của đại đa số người dân có nhu cầu. Không phải người già nào muốn,
cũng vào được viện dưỡng lão, đành phải sống chen chúc, chật vật, thậm chí
trong cảnh "hòn bấc ném đi, hòn chì ném lại" với cháu con.
Không có
gì tốt đẹp hơn cho người cao tuổi nếu có sự kết hợp hài hòa giữa tư tưởng truyền
thống và cách sống hiện đại để tạo cho họ cuộc sống mới mà trong đó họ không
còn cảm thấy cô đơn. Có điều kiện để bố mẹ, ông bà hòa nhập vào cuộc sống sinh
hoạt chung của những người cùng lứa tuổi vào những ngày thường và trở về sum họp
với gia đình trong ngày cuối tuần, ngày lễ Tết là một lựa chọn hay. Điều đáng
trách, nếu có, là chỉ khi gia đình quá ỷ lại và dồn hết trách nhiệm cho các
trung tâm dưỡng lão, phớt lờ hẳn đi vai trò và nghĩa vụ chia sẻ của chính mình.
Đó mới là sự bỏ mặc, sự vô tâm đáng bị phê phán.
Vấn đề cuối
cùng trong việc phát triển hệ thống chăm sóc, nuôi dưỡng người già là các nhà tạo
lập nên các trung tâm, các viện dưỡng lão cần xây dựng một hệ thống viện phí
phù hợp với mức sống của các gia đình Việt. Chất lượng và mức độ an toàn tối
thiểu cũng phải được bảo đảm để tạo được niềm tin tưởng cho họ.
Khi một hệ
thống hạ tầng chăm sóc người già như vậy được hoàn thiện, tôi tin nhiều người
cao tuổi sẽ chọn sống vui vầy giữa cộng đồng của chính mình hơn là cô đơn và lạc
lõng trong căn nhà của những đứa con bận rộn và khác biệt về các mối quan tâm.
Hà Đức
Trí
-------------------
LIÊN
QUAN
Chốn an dưỡng tuổi xế
chiều của 7 nghệ sĩ gạo cội
No comments:
Post a Comment