Friday, 15 March 2024

CẢI CÁCH RUỘNG ĐẤT - KỲ 2 : HỒ CHÍ MINH ĐÃ CÓ THỂ NHƯNG KHÔNG CỨU BÀ CÁT HANH LONG (Vũ Quí Hạo Nhiên / Luật Khoa Tạp Chí)

 



Cải cách Ruộng đất - Kỳ 2: Hồ Chí Minh đã có thể nhưng không cứu bà Cát Hanh Long

VŨ QUÍ HẠO NHIÊN  -  Luật Khoa tạp chí

MARCH 14 202412:56 PM

https://www.luatkhoa.com/2024/03/cai-cach-ruong-dat-ky-2-ho-chi-minh-da-co-the-cuu-ba-cat-hanh-long/

 

Thông qua việc giới thiệu nghiên cứu “Nguyễn Thị Năm và cuộc Cải cách Ruộng đất ở miền Bắc Việt Nam, 1953” của Tiến sĩ Alex Thái Võ, ở kỳ 1, người viết đã nêu ra mục đích thật sự của chương trình Cải cách Ruộng đất ở miền Bắc mà Đảng Lao động Việt Nam khởi xướng. Khi lên cao điểm, cuộc Cải cách Ruộng đất biến thành cơn “tắm máu", nông dân quá khích dẫn đến tình trạng bạo lực, oan sai.

 

Ở bài này, cũng với nghiên cứu của Alex Thái Võ, tác giả tiếp tục phân tích về trách nhiệm của Hồ Chí Minh qua trường hợp xử tử bà Cát Hanh Long Nguyễn Thị Năm - ân nhân lớn của Đảng Lao động Việt Nam (tên cũ của Đảng Cộng sản Việt Nam).

 

Bà Nguyễn Thị Năm là người gốc Hà Nội nhưng theo chồng về Hải Phòng. Gia đình chồng tuy giàu nhưng chẳng may bại sản. Mọi trách nhiệm gia đình đổ hết lên vai bà. Khởi đầu với một quán bún thịt chó, bà Năm quay sang buôn sắt phế phẩm khi nhà máy xi măng Hải Phòng bắt đầu hoạt động.

 

Giỏi làm ăn, thành công nối tiếp thành công nên bà Năm buôn thép từ Pháp, lập công ty tên Cát Hanh Long (con bà là Nguyễn Hanh và Nguyễn Cát, sau này cũng là nạn nhân Cải cách Ruộng đất nhưng không bị giết) nên người ta quen gọi là bà Cát Hanh Long.

 

Ba lần bị đấu tố là địa chủ gian ác

 

Có tiền, bà Năm mua nhiều đất, ước tính tới 1.283 mẫu. Trong nạn đói năm 1945, bà cứu đói cho dân sống quanh vùng. Bà cũng cho phá rừng trồng mía, nhập máy từ Pháp về mở nhà máy đường đầu tiên.

 

Nhiều người nhắc đến việc bà Năm góp hơn 700 lượng vàng trong “Tuần lễ vàng” của Việt Minh. Nhưng đó chỉ là một phần. Bà còn cung cấp gạo, vải, máy đánh chữ và nhà ở cho cả cán bộ Việt Minh.

 

Bà Năm còn tham gia sáng lập Hội Phụ nữ, là Hội trưởng Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam tỉnh Thái Nguyên. 

 

Gần như toàn bộ giới lãnh đạo Đảng Lao động Việt Nam đều được bà nuôi giấu ở Thái Nguyên trong kháng chiến, trong đó có Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Chí Thanh, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Lê Thanh Nghị, Lê Giản, Hoàng Quốc Việt.

 

Nhưng khi Cải cách Ruộng đất được phát động ở Thái Nguyên, bà Năm bị tố giác là địa chủ với ba lần bị đem ra đấu tố.

 

Lần đấu tố cuối cùng kéo dài từ sáng tới chiều ngày 22/5/1953.

 

Cuối cùng, bà bị tuyên án tử hình cùng với phụ tá là ông Đội Lê Đình Hàm. Hai con bà - sĩ quan Việt Minh - bị án tù.

 

Bà không bị xử tử liền vì nguyên tắc là địa chủ được cho thời gian xin ân xá. Tới ngày 14/7/1953, một báo cáo của Hoàng Quốc Việt, thời điểm đó là Trưởng ban chỉ đạo thí điểm Cải cách Ruộng đất ở Thái Nguyên, nói bà Nguyễn Thị Năm bị án tử nhưng không nói án đó đã thi hành chưa. 

 

Rồi ngày 17/7/1953, báo cáo của Trần Đức Thịnh, Ủy viên Ban liên lạc nông dân toàn quốc, liệt kê những người đã bị xử tử, trong đó có bà Nguyễn Thị Năm.

 

Trong một bài báo trên RFA, J.B. Nguyễn Hữu Vinh phỏng vấn ông Lê Đình Phúc là con ông Lê Đình Hàm và ông Phúc nói bố ông bị bắn cùng bà Năm vào ngày 9/7/1953 (nhằm 29/5 âm lịch).

 

 

Hồ Chí Minh hoàn toàn có thể ngăn án tử cho bà Năm

 

Có nhiều cách để đổ lỗi. Cuộc Cải cách Ruộng đất được các cố vấn Trung Quốc mang qua cho Việt Nam, thế nên nhiều người đã đổ hết lỗi lên đầu của những cố vấn này.

 

Như trong “Mặt Thật” (Bùi Tín), [1] Hoàng Quốc Việt gọi các cố vấn Trung Quốc là “các ông con trời, đặc phái viên của Mao Trạch Đông”. Hoàng Quốc Việt đã báo cáo Hồ Chí Minh về ý kiến xử lý bà Nguyễn Thị Năm của cố vấn Trung Quốc. 

 

Bấy giờ ông Hồ Chí Minh đã nói: “Không ổn! Không thể mở đầu chiến dịch bằng cách nổ súng vào một phụ nữ, và lại là một người từng nuôi cán bộ cộng sản và mẹ một chính uỷ trung đoàn Quân đội Nhân dân đang tại chức”. Ông Hồ Chí Minh cũng hứa với ông Việt sẽ can thiệp.

 

Nhiều người lại đổ lỗi cho cán bộ địa phương, rằng những sai lầm của Cải cách Ruộng đất là do “tư tưởng tả khuynh” tại các xã. Chiến dịch “sửa sai” sau Cải cách Ruộng đất là dựa trên lý do này.

 

Chưa kể, có ý kiến cho rằng đó là lỗi của nhóm cực đoan trong ban lãnh đạo đảng, dẫn đầu là Trường Chinh - Tổng bí thư. Nói thêm, một số sử gia như William Duiker, David Marr, Lien-Hang Nguyen cũng cho rằng Hồ Chí Minh đã bị đẩy vào thế “hữu danh vô thực”. Nếu nói vậy thì Trường Chinh phải chịu trách nhiệm, còn Hồ Chí Minh thì không?

 

Nhưng Alex Thái Võ kết luận ngược lại. 

 

Ông cho rằng Hồ Chí Minh có trách nhiệm trực tiếp trong Cải cách Ruộng đất và cụ thể là vụ bà Nguyễn Thị Năm. Alex Thái Võ chất vấn: “Các cố vấn Trung Quốc làm gì được nếu Hồ Chí Minh, trong tư cách lãnh tụ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, chống lại quyết định của họ hay đề nghị một người khác có tội hơn?”

 

Khó có thể tưởng tượng được các cố vấn Trung Quốc sẽ chống đối chủ tịch đảng và nhà nước lúc bấy giờ nếu ông ta muốn chọn một địa chủ khác.

 

Nghiên cứu của Alex Thái Võ chỉ ra Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đích thân phát động cuộc Cải cách Ruộng đất, đã có mặt trong các buổi họp lên kế hoạch, chọn cán bộ lãnh đạo chương trình và ký sắc lệnh 151/SL với 14 điều quy định hình phạt cho địa chủ.

 

Trở lại với vụ bà Nguyễn Năm, trong thời gian hai tháng kể từ lúc bà Năm bị đấu tố (tháng 5/1953) đến khi bị xử bắn (tháng 7/1953), bà Năm được quyền nộp đơn xin ân xá.

 

Alex Thái Võ cũng liệt kê nhiều hồ sơ xin ân xá của bà Năm được nộp lên Chủ tịch Hồ Chí Minh. 

 

Trong thời gian này cũng có ít nhất ba báo cáo về Cải cách Ruộng đất nhắc vụ bà Năm. Có nghĩa là Hồ Chí Minh có thể ra lệnh ân xá bất cứ lúc nào, nhưng ông đã không làm.

 

Trong khi đó, Trường Chinh đã ra lệnh cho nhà báo Trần Đĩnh theo dõi kỹ vụ án bà Năm ngay từ thời điểm bà Năm bị đấu tố. Báo Nhân Dân đã đăng bốn bài của Trần Đĩnh. 

Tới ngày 21/7/1953, sau loạt bài của Trần Đĩnh, báo Nhân Dân đăng thêm bài “Địa chủ ác ghê” của C.B. (của Bác), một trong 66 bí danh của Hồ Chí Minh, tố cáo bà Năm tức bà Cát Hanh Long với những lời lẽ chua ngoa hệt như đấu tố.

 

 

Một số mốc thời gian trong Cải cách Ruộng đất 1953 và vụ bà Nguyễn Thị Năm

Ngày 16/1/1950

Trung Quốc cử La Quý Ba (Luo Guibo) làm trưởng đoàn cố vấn Trung Quốc tại Việt Nam.

Tháng 8/1952

Đảng ban hành “Chỉ thị của Ban Chấp hành Trung ương về chính sách ruộng đất của Đảng”.

Ngày 3/9/ 1952

La Quý Ba gửi đề nghị cho Trường Chinh và Hồ Chí Minh, ghi lại trong “Ý kiến sơ bộ của đồng chí La Quý Ba (cố vấn Trung Quốc) về vận động quần chúng năm 1953.” Hồ Chí Minh đang trên đường đi Trung Quốc và Liên Xô nhiều tháng.

Ngày 9/10/1952

Trường Chinh gửi đề nghị của La Quý Ba tới Hồ Chí Minh, lúc đó đang ở Moscow.

Ngày 17/10/1952

Hồ Chí Minh gửi thư xin gặp Stalin về tình hình Việt Nam, và xin có Lưu Thiếu Kỳ (Phó Chủ tịch Chính phủ Trung Quốc) tham gia. Stalin đồng ý.

Ngày 28/10/ 1952

Hồ Chí Minh, Lưu Thiếu Kỳ gặp Stalin.

Từ ngày 30 - 31/10/1952

Hồ Chí Minh gửi liên tiếp hai bức thư tới Stalin về chính sách Cải cách Ruộng đất của Việt Nam.

Ngày 15/11/ 1952

Xử bà Cát Hanh Long (Nguyễn Thị Năm) lần đầu tiên trong khuôn khổ giảm tô, giảm tức.

Ngày 20/12/1952

Xử bà Nguyễn Thị Năm lần thứ nhì.

Đầu năm 1953

Trung Quốc gửi thêm Kiều Hiểu Quang (Zhong Dequn) và 42 chuyên gia cải cách ruộng đất tới Việt Nam.

Ngày 1/3/1953

Báo Nhân Dân đăng bài “Vụ Cát-Hanh-Long: Phát động nông dân đấu tranh” của N.D.

Ngày 14/4/1953

Hồ Chí Minh và đảng phát động Cải cách Ruộng đất đợt Thí điểm.

Ngày 22/5/1953

Xử bà Nguyễn Thị Năm lần thứ ba. Bà bị tuyên án tử hình.

Ngày 6/7/1953

Báo Nhân Dân đăng bài “Đại hội nông dân đấu tranh” của T.Đ. về vụ bà Nguyễn Thị Năm.

Từ ngày 14 - 17/7/1953

Bà Nguyễn Thị Năm bị xử tử.

Ngày 21/7/1953

Báo Nhân Dân đăng bài “Địa chủ ác ghê” của C.B. lên án bà Cát Hanh Long. “C.B.” là một bút danh của Hồ Chí Minh.

Ngày 19/11/1953

Hồ Chí Minh gửi điện cho Stalin, tái khẳng định quyết tâm cải cách nông thôn.

Tháng 10/1956

Hồ Chí Minh trong Hội nghị Trung ương cách chức Tổng Bí thư Trường Chinh vì sai lầm trong Cải cách Ruộng đất.

Tháng 10/1956

Võ Nguyên Giáp thay mặt Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc diễn văn công khai nhận sai lầm trong Cải cách Ruộng đất.

Tháng 12/1956

Hồ Chí Minh khóc và nhận khuyết điểm trong Cải cách Ruộng đất.

 

 

 

Bảng 3. Dòng thời gian Cải cách Ruộng đất và vụ án Nguyễn Thị Năm. Niên biểu do Vũ Quí Hạo Nhiên thực hiện dựa trên thông tin từ nghiên cứu của Alex Thái Võ.

 

Câu hỏi đặt ra là “Vì sao Hồ Chí Minh không ngăn việc xử tử bà Năm, không chặn đứng bất kỳ hành vi 'tả khuynh' nào?”. 

 

Có phải vì mục tiêu của Cải cách Ruộng đất là đặt đảng vào vị trí nắm quyền điều khiển nông thôn - một mục tiêu nhằm củng cố quyền lực chính trị?

 

Trước Alex Thái Võ, một số cá nhân cũng bất đồng với lập luận cho rằng Hồ Chí Minh “vô tội” trong vụ án bà Năm. Vũ Thư Hiên trong “Đêm giữa ban ngày” [2] cho rằng một lệnh của Hồ Chí Minh không chỉ cứu được bà Năm, mà còn có thể cứu hàng ngàn người bị bức hại và bị giết oan khác.

 

Hay như Bùi Tín trong “Mặt thật" nhận định, dù biết hay không thì Hồ Chí Minh cũng phải chịu một phần trách nhiệm. Nhưng ông đã biết bà Năm bị xử oan, thế mà vẫn im lặng. Đó có phải là thái độ vô trách nhiệm không?

 

Alex Thái Võ kết luận cuộc đàn áp và hành quyết bà Nguyễn Thị Năm là biểu tượng cho sự chuyên quyền của giới lãnh đạo và các cán bộ hành quyết ở địa phương lúc bấy giờ khi thực hiện cuộc Cải cách Ruộng đất. Thứ quyền lực này đã dẫn đến bạo lực và bất công mà đến ngày nay vẫn không tài nào đo lường được.

 

------------

Chú thích

 

1.    Thành Tín (Bùi Tín), Mặt Thật, chương "Mặt trời lên, mặt trời lặn,”, Turpin Press 1994.

2.     

2.    Vũ Thư Hiên, Đêm Giữa Ban Ngày, Tiếng Quê Hương (tái bản lần 1, 2008, trang 245-246.

 

---------------

Đọc thêm:

Cải cách Ruộng đất - Kỳ 1: Chia ruộng đất hay đấu tố mới là ý định thực sự?

Cải Cách Ruộng Đất, Cải Cách Điền Địa và Người Cày Có Ruộng

Ba hiểu lầm phổ biến về tình hình đất đai và đời sống nông dân thời Việt Nam Cộng hòa

Ba lỗi thể chế huỷ hoại niềm tin vào chính sách đất đai Việt Nam

Đài Loan lược sử - Kỳ 5: Cuộc cải cách ruộng đất không đổ máu và thành công vang dội

 

 




No comments:

Post a Comment

View My Stats