Friday, 15 March 2024

CẢI CÁCH RUỘNG ĐẤT - KỲ 1 : CHIA RUỘNG ĐẤT HAY ĐẤU TỐ MỚI LÀ Ý ĐỊNH THỰC SỰ? (Vũ Quí Hạo Nhiên / Luật Khoa Tạp Chí)

 



Cải cách Ruộng đất - Kỳ 1: Chia ruộng đất hay đấu tố mới là ý định thực sự?

VŨ QUÍ HẠO NHIÊN  -  Luật Khoa tạp chí 

MAR 13, 2024

https://www.luatkhoa.com/2024/03/cai-cach-ruong-dat-ky-1-chia-ruong-dat-hay-dau-to-moi-la-y-dinh-thuc-su/

 

Hinh : https://www.luatkhoa.com/content/images/size/w600/format/webp/2024/03/2480324.jpeg

Đồ họa: Shiv / Luật Khoa.

 

Cải cách Ruộng đất là chính sách dân sự lớn đầu tiên mà Đảng Cộng sản Việt Nam (khi đó tên là Đảng Lao động Việt Nam) thi hành. Được thực hiện từ trước Hiệp định Geneva năm 1954, chương trình Cải cách Ruộng đất tạm dừng khi diễn ra cuộc di cư và tập kết dân sự năm 1954, rồi sau đó được phát động lại cho tới năm 1956.

 

Cải cách Ruộng đất cũng là chủ đề có rất ít người viết hay được phép viết, cho tới sau giai đoạn Đổi mới năm 1986. Nhưng thậm chí cho tới nay cũng chưa có câu trả lời nào thật sự rốt ráo cho câu hỏi: trách nhiệm của đảng ra sao đối với hệ quả và nạn nhân của Cải cách Ruộng đất?

 

Nói cách khác, Chủ tịch Hồ Chí Minh - người lãnh đạo tối cao của đảng lúc bấy giờ - đã ở đâu mà không ngăn chặn sai phạm?

 

Học giả người Mỹ gốc Việt Alex Thái Võ phân tích vấn đề này trong một bài nghiên cứu được đăng trên tạp chí Việt Nam học Journal of Vietnamese Studies năm 2015, gồm 62 trang với tựa đề “Nguyen Thi Nam and the Land Reform in North Vietnam, 1953” (tạm dịch là “Nguyễn Thị Năm và cuộc Cải cách Ruộng đất ở miền Bắc Việt Nam, 1953”) [1]. Alex Thái Võ hiện là Phó giáo sư Sử học tại Trung tâm Việt Nam học, Đại học Công nghệ Texas (Texas Tech University).

 

Alex Thái Võ đã viết bài báo nêu trên dựa trên văn kiện của Đảng Cộng sản được lưu trữ tại Thư viện Quốc gia, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia 3 (Hà Nội), các thư viện và trung tâm lưu trữ tại tỉnh Thái Nguyên, Phú Thọ, Thanh Hóa, Nghệ An, Nam Định, Thái Bình. Tác giả cũng phỏng vấn nhân chứng ở những vùng thực hiện Cải cách Ruộng đất. 

 

Nghiên cứu cho thấy Hồ Chí Minh - chủ tịch đảng và chủ tịch nước lúc bấy giờ - không thể không biết những gì xảy ra với Cải cách Ruộng đất, nhất là đối với trường hợp của bà Nguyễn Thị Năm (Cát Hanh Long). Dù nhiều tác giả cho rằng Hồ Chí Minh không muốn xử tử bà Năm, tác giả chứng minh bằng dữ liệu lịch sử rằng Hồ Chí Minh đã có thể cứu bà Năm bất cứ lúc nào.

 

Nhưng trước khi đi sâu vào vụ bà Năm, ta hãy xem tác giả viết gì về bản chất của cuộc Cải cách Ruộng đất.

 

 

Củng cố quyền lực

 

Không chỉ ở miền Bắc mới có cải cách ruộng đất. Ở miền Nam, chính quyền Việt Nam Cộng hòa thời Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu cũng có chương trình Người cày Có ruộng nhằm mục tiêu phân bổ lại ruộng đất của người giàu cho người nghèo. [2] Tuy nhiên, chương trình này không có chuyện đấu tố lẫn nhau.

 

Nhiều ý kiến cho rằng thực chất Cải cách Ruộng đất là chiêu bài để tổ chức đấu tố, bởi nếu mục tiêu của Cải cách Ruộng đất là lấy ruộng của địa chủ trao lại cho nông dân thì chính quyền cứ việc lấy cứ việc chia, tại sao phải tổ chức đấu tố làm gì?

 

Ý kiến này rất có căn cứ, nhất là khi điều này thể hiện rõ trong tài liệu “Ý kiến sơ bộ của đồng chí La Quý Ba về vận động quần chúng năm 1953”, hiện nằm trong Trung tâm Lưu trữ Quốc gia 3. La Quý Ba (Luo Guibo) là cố vấn Trung Quốc ở Việt Nam khi đó.

 

Alex Thái Võ gọi tài liệu này là “sườn cơ cấu căn bản” cho cuộc Cải cách Ruộng đất, nhằm “từng bước lãnh đạo phong trào quần chúng, tổ chức lại bộ máy chính quyền cấp xã thôn theo hướng loại bỏ tầng lớp tinh hoa và thay thế bằng cán bộ đảng và chiếm lấy quyền kiểm soát chính trị ở nông thôn”.

 

Trong nguyên bản của tài liệu này, mục đầu tiên tên "Phương châm" ghi: "Thẳng tay phát động quần chúng, đả kích thế lực phản động, làm sụt thế lực phong kiến thoả mãn đòi hỏi của quần chúng cho đúng mức, tổ chức quần chúng tích cực tham gia sản xuất, tích cực tham gia kháng chiến".

 

Phần 2 nói về giảm tô và phân phối ruộng; còn phần 3 về mục đích và yêu cầu, lại viết: "Mục đích và yêu cầu là để thực hiện ưu thế chính trị trong nông thôn, củng cố mặt trận thống nhất ở nông thôn, đoàn kết để tăng gia sản xuất, đoàn kết để kháng chiến".

 

Văn bản này của La Quý Ba như một bản hướng dẫn làm cách mạng chứ không phải chỉ cách chia đất đai. Có lẽ vì vậy nên khi thực hiện Cải cách Ruộng đất đã có biết bao nạn nhân bị đấu tố, mất tài sản, tính mạng, trong đó có cả những gia đình là đảng viên hay có công với cách mạng. Muốn “ném chuột" thì phải chịu “vỡ đồ” chăng?

 

 

Nạn nhân của Cải cách Ruộng đất

 

Ông Hoàng Văn Chí, một nhà nghiên cứu từng tham gia mặt trận Việt Minh và có thân nhân thiệt mạng trong cuộc Cải cách Ruộng đất, có quyển sách tựa đề là “From Colonialism to Communism”. Quyển này đã được dịch ra tiếng Việt với tên “Từ Thực dân đến Cộng sản”). Trong đó, ông ước tính có tới 600.000 người bị giết trong Cải cách Ruộng đất.

 

Cuốn sách của Hoàng Văn Chí có ảnh hưởng lớn tới nhiều chính khách phương Tây. 

Tổng thống Richard Nixon của Hoa Kỳ đã dùng cuộc Cải cách Ruộng đất để cảnh báo về chính quyền Bắc Việt và để bênh vực cho việc Hoa Kỳ tham chiến tại Việt Nam. 

 

Ngược lại, giới phản chiến kịch liệt tấn công cuốn sách này và bênh vực chương trình Cải cách Ruộng đất, cho rằng đó là chính sách đúng đắn, nếu có xảy ra sai phạm thì là do lỗi của cấp xã chứ Đảng Lao động Việt Nam không làm gì sai.

 

Trong nghiên cứu của mình, Alex Thái Võ điểm tên những công trình quan trọng ở phương Tây về Cải cách Ruộng đất, nhất là trước khi cuộc Đổi mới diễn ra. 

 

Theo đó, con số nạn nhân được đưa ra khác nhau trong các nghiên cứu này. Từ con số 600.000 người bị giết của Hoàng Văn Chí tới con số 2.000 người thiệt mạng được phía Việt Nam thừa nhận. Nhưng có nghiên cứu còn ước tính thấp hơn, như của Gareth Porter là 1.500 người.

 

 

Học giả phương Tây ước tính số người thiệt mạng trong Cải cách Ruộng đất 

Hoàng Văn Chí

From Colonialism to Communism (1963)

600.000

Gérard Tsongas

J’ai vécu dans l’enfer communiste au Nord Viet-Nam et j'ai choisi la liberté (1960)

100.000

Bernard B. Fall

The Two Vietnams (1963)

50.000

Edwin E. Moise,

Land Reform in China and North Vietnam: Consolidating the Revolution at the Village Level (1983)

3.000 - 15.000

Gareth Porter

The Myth of the Bloodbath: North Vietnam’s Land Reform Reconsidered (1972)

1.500

 

Bảng 1: Con số nạn nhân được ước tính trong Cải cách Ruộng đất qua các công trình nghiên cứu của phương Tây trước Đổi mới. Bảng tóm tắt của Vũ Quí Hạo Nhiên dựa trên thông tin từ nghiên cứu của Alex Thái Võ.

 

 

Alex Thái Võ cũng chỉ ra các kết luận khác nhau về trách nhiệm của Hồ Chí Minh với những sai lầm trong Cải cách Ruộng đất. 

 

Nếu so sánh Bảng 1 và Biểu đồ 2 dưới dây thì có thể thấy xu hướng người cho rằng cuộc Cải cách Ruộng đất không có nhiều nạn nhân cũng tin lãnh đạo đảng không phải chịu trách nhiệm gì, và ngược lại. 

 

A diagram of a flowchart

Description automatically generated

https://www.luatkhoa.com/content/images/size/w1000/2024/03/43248.jpeg

Biểu đồ 2. Kết luận khác nhau về trách nhiệm cho sai lầm trong cuộc Cải cách Ruộng đất. Sơ đồ khối do Vũ Quí Hạo Nhiên thực hiện dựa trên thông tin từ nghiên cứu của Alex Thái Võ.

 

Tuy nhiên, qua phân tích tài liệu từ văn khố lưu trữ trong nước, Alex Thái Võ khẳng định Hồ Chí Minh biết rõ và có thể ngăn ngừa các sai lầm lớn trong Cải cách Ruộng đất, nhất là vụ bà Cát Hanh Long Nguyễn Thị Năm (ở Thái Nguyên) - người bị quy tội địa chủ gian ác, bị xử bắn dù bà và gia đình bà là ân nhân lớn của đảng. 

 

Ở bài 2, qua nghiên cứu của Alex Thái Võ, người viết sẽ phân tích trách nhiệm của Hồ Chí Minh trong cuộc Cải cách Ruộng đất, cụ thể qua trường hợp của bà Nguyễn Thị Năm.

(Còn nữa)

 

-----------------

Chú thích

 

1.    Alex Thái Võ (2015), Nguyen Thi Nam and the Land Reform in North Vietnam, 1953, Journal of Vietnamese Studies.

 

2.     Trung, T. (2015, October 11). Cải Cách Ruộng Đất, Cải Cách Điền Địa và Người Cày Có Ruộng. Luật Khoa tạp chí. https://www.luatkhoa.com/2015/10/cai-cach-ruong-dat-cai-cach-dien-dia-va-nguoi-cay-co-ruong

 

 

------------------

Đọc thêm:

 

Cải Cách Ruộng Đất, Cải Cách Điền Địa và Người Cày Có Ruộng

 

Ba hiểu lầm phổ biến về tình hình đất đai và đời sống nông dân thời Việt Nam Cộng hòa

 

Ba lỗi thể chế huỷ hoại niềm tin vào chính sách đất đai Việt Nam

 





No comments:

Post a Comment

View My Stats